Chương 112. Bắc Bình công phòng chiến.

Phục Hưng

Chương 112. Bắc Bình công phòng chiến.

Chương 112. Bắc Bình công phòng chiến.

Mặc kệ các vương gia, quý tộc Đại Minh toan tính ra sao thì ở phía Bắc, chiến sự đã nóng trở lại. Sau mấy ngày nghỉ ngơi hồi sức, cứu chữa thương binh, quân Vạn Xuân tiếp tục các hoạt động quân sự của mình. Lần này, quân Vạn Xuân không còn tập trung chục vạn binh lính tác chiến nữa mà chia quân tấn công các hướng khác nhau.

Có thể nói việc chia quân này rất mạo hiểm, dù cho lực lượng tinh nhuệ Bắc Bình đã bị đánh tan. Nên nhớ đây là biên cương phương Bắc của Đại Minh, binh lính đóng ở trường thành không dưới chục vạn, có khi lên tới vài chục vạn. Đặc biệt phần trường thành đi qua Bắc Trực Lệ, một khu vực phòng thủ quan trọng của Đại Minh, trực diện Bắc Nguyên, biên quân Đại Minh phải có cỡ chục vạn, chưa kể sương binh, thổ binh các châu phủ lân cận có thể tiếp ứng.

Biết rằng mùa đông, việc hội quân tiếp ứng có nhiều khó khăn nhưng không phải không thể làm được. Các châu lộ khắp vùng Bắc Trực Lệ cũng đã tiến hành huy động, chẳng mấy chốc mà gom đủ chục vạn binh lính tiến tới chi viện, đến khi đó quân Vạn Xuân dù có mạnh cũng bị mài chết hoặc là lên thuyền rút lui về phương Nam.

Biết là mạo hiểm nhưng Vũ Đại Hải cùng bộ tham mưu không thể không làm, có quá nhiều nơi cần đánh phá, nhất là các quan ải để người Bắc Nguyên có thể tiến vào. Chỉ khi nào người Nguyên đến thì áp lực của quân Vạn Xuân mới được giảm đi và người Vạn Xuân có thể lui về phía Nam tránh rét. Có thể thôi chứ chưa chắc chắn. Ý nghĩ đánh đến Tết là rút về khi mới đổ bộ có phần ngây thơ, dự là quân viễn chinh sẽ phải ở lại Đại Minh khá lâu. Tác chiến ở phương Bắc khác xa những gì đã dự đoán trước, binh lính mất sức chiến đấu nhanh và cần nhiều thời gian hơn để hồi sức, đảm bảo khả năng chiến đấu.

Tin tức này đã được chuyển đến anh em binh sĩ, binh lính tuy nhớ nhà nhưng cũng không có ý kiến gì nhiều. Thiên chức của binh lính là phục tùng mệnh lệnh. Mặt khác, lính Vạn Xuân đều là lính chiến chuyên nghiệp, phải xa nhà một hai năm là chuyện hết sức bình thường, chớ nói khi bình định xong Đại Ngu cũng đã có một khoảng thời gian tương đối để nghỉ phép.

Cuộc viễn chinh này còn mang ý nghĩa trọng đại đến tương lai phát triển của Vạn Xuân, làm công dân Vạn Xuân, hưởng thụ những quyền lợi Vạn Xuân mang lại thì phải thực hiện những nghĩa vụ khi cần thiết. Binh lính tham gia viễn chinh đãi ngộ rất cao, ngoài tiền lương cơ bản thì các khoản thưởng, chia phần trăm chiến lợi phẩm càng không thiếu. Có thể nói, đi viễn chinh một chuyến, cả nhà nửa đời không lo ăn uống (do cướp được nhiều, Đại Minh quá giàu).

………..
Thành Bắc Bình vốn là Đại Đô của nhà Nguyên, sau bị Chu Nguyên Chương đốt phá rồi đến Chu Đệ tiếp quản, nhiều lần được xây dựng. Đặc biệt khi Chu Đệ chọn đây làm kinh đô cho đế quốc, quy mô xây dựng Bắc Bình – Thuận Thiên càng rộng lớn, càng rầm rộ. Tường thành bao quanh cao cả chục mét, xây bằng gạch cứng, cứ cách trăm mét lại có một tháp canh, lâu thành nguy nga tráng lệ, cao vọt lên so với xung quanh. Cổng thành nhiều, thông ra 4 phương tám hướng, hết sức rắn chắc, có cả ủng thành bảo vệ. Hào sâu hàng mét, rộng chục mét, bao quanh kinh thành. Lấy sức người mà công phá, không biết phải đến tháng năm nào.

Quân thủ thành càng không ít, phải cỡ đôi ba vạn, trước kia còn có 10 vạn tinh binh, 2 vạn kỵ binh trấn giữ, tiếc là giờ đã bị quân Vạn Xuân đánh tan, quay về không nổi 1 vạn. Nhưng chỉ ngần ấy quân thôi cũng đủ để thủ thành Bắc Bình cho đến khi được ứng cứu, chưa kể hơn chục vạn dân chúng trong thành, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Quy tắc công thủ là 3 công 1 thủ, quân Vạn Xuân chỉ gần gấp đôi quân thủ thành Bắc Bình thì làm sao mà công được, bất kể có pháo lớn, không có số lượng khổng lồ thuốc nổ, muốn đánh sập được tường thành Bắc Bình là chuyện không hề dễ dàng. Chưa kể, quân dân trong thành đồng lòng, quân Vạn Xuân đánh sập tường thành thì cũng phải tiến hành một cuộc chiến đô thị đẫm màu, chục vạn đại quân vượt qua tường thành, vào đến trong chưa biết còn nổi mấy vạn, rất dễ dàng bị biển người trong thành nhấn chìm.

Đến thế kỷ 20, vũ khí hiện đại như thế, sát thương cao, phạm vi rộng mà biển người vẫn có thể làm lên cơm cháo thì thế kỷ 15, kỷ nguyên sơ khai của hỏa khí, Đại Hải không có tự tin trụ lại trước biển người của kẻ địch liều chết. Dân phương Bắc Đại Minh lại toàn hạng hung hãn không sợ chết, chặt chém Bắc Nguyên như đúng rồi, chặt người Vạn Xuân cũng không hề ghê tay, tất cả mà nổi điên lên liều chết thì Đại Hải phải rút về sớm.

Bao vây Bắc Bình với chỉ chục vạn quân là bất khả thi khi chưa dẹp yên các châu phủ xung quang, việc dàn mỏng lực lượng rất dễ dàng bị quân các nơi tấn công tiêu diệt. Bởi vậy, thành Bắc Bình đánh không được, mà không đánh cũng không được. Đánh thì không ăn thua, mà không đánh thì làm sao thu hút được ánh nhìn của quân Minh để mấy anh em Bắc Nguyên, Nữ Chân hành động.
…..
Một tuần sau, quân Vạn Xuân hành quân đến ngoại thành Bắc Bình. Quân Vạn Xuân kéo đến khiến cả quân lẫn dân trong thành khủng hoảng, tin tức chục vạn đại quân bị đánh tan đã sớm truyền về, cùng với đó là tình báo về quân địch hết sức kiêu dũng thiện chiến, hỏa khí lợi hại vượt trội so với thiên quân. Tiếng ác của quân Vạn Xuân cũng theo những đoàn lưu dân mà nhập vào tai dân Bắc Bình, đồ thành Thiên Tân, đốt phá nhà cửa, cướp bóc lương thực, gần như không việc gì không làm….thiếu mỗi hãm hiếp thôi (quy mô lớn).

Để thực hiện lấy chiến tranh nuôi chiến tranh thì việc cướp bóc lương thực tích trữ của quan lẫn dân quanh vùng là không thể thiếu, mà nguyên lương thực thì sao đủ, gà qué, lợn bò cũng cần, ăn uống phải đủ đạm chứ. Quân Vạn Xuân còn muốn gia tăng khó khăn, áp lực cho quân Minh thủ thành nên dồn dân thường ra khỏi nhà, xua đuổi họ đến các thành trấn là điều hiển nhiên, mà đã đuổi đi thì nhà cũng đốt triệt để, không cho họ quay về. Ác không? Ác chứ. Nhưng đây là chiến tranh, chiến tranh thì tàn khốc, nhất là đối với bình dân.

Số phận của đám nạn dân đó ra sao? Bị cướp bóc, giết hiếp? Bị chết lạnh, chết đói? Vân vân mây mây, tất cả đều không phải điều mà quân Vạn Xuân cần thiết suy nghĩ. Dù có tô đẹp bao nhiêu thì cũng không thể xóa nhòa tội ác trong chiến tranh được, Đại Hải với tư tưởng hiện đại dù có muốn cũng không thể thay đổi, cho nạn dân một chút lương thực ít ỏi để ăn trên đường chốn chạy là quá đủ rồi. An ủi phần nào cái tâm hồn "thiếu nữ" của hắn nhưng âu cũng chỉ là lừa mình dối người mà thôi, chính hắn là kẻ đã ra lệnh đồ thành, đốt phá, cướp bóc. Tiếng xấu như nào, ác danh ra sao hắn đều chịu, Phật nói "Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục". Tốt với kẻ thù là ác với chính mình, dân chúng vô tội nhưng nhà cầm quyền có tội. Mà tội lỗi đó phải dùng máu tươi mới gột rửa được.

Quân Vạn Xuân tới nơi, không vội vã cường công, cũng không tản ra bắt tráng đinh làm pháo hôi như bình thường, điều này không cần thiết, dân chúng xung quanh cũng chạy hết rồi, muốn bắt phải đi khá xa, mất việc. Quân Vạn Xuân xây dựng doanh trại, cách thành Bắc Bình chỉ 5 dặm, một khu doanh trại quy mô lớn, sức chứa 10 vạn quân nhanh chóng được xây dựng.

Họ làm những ngôi lều nhỏ, mang phong cách Mông Cổ, chịu đựng được gió rét. Dĩ nhiên, nó không thể đầy đủ ấm cúng như lều của người Mông Cổ bình thường được, lều họ có phần đơn sơ hơn, do làm gấp cũng như không đủ da lông. Dù đơn sơ nhưng thế là ổn, đủ dày để cản gió, đủ chắc để chắn tuyết, mặt đất cũng được trải da, lông, vải vóc, rơm rạ thu được để binh lính ban đêm có thể ấm áp nghỉ ngơi (mấy mảnh vải, miếng da vụn, không đủ to để làm lều). Lều nhỏ, vừa đủ 10 người ngủ, có phần chen chúc chật chội nhưng đang là mùa đông, càng thêm ấm.

Bên ngoài doanh trại, từng lớp hàng rào, cản mã được thiết lập. Ngoài món này ra, một số lượng kha khá dây thép gai cũng được vận đến thêm vào, mặt đất còn rải cầu gai loại nhỏ, tròn tròn, có 3 hay 4 mũi nhọn chĩa ra, kẻ nào không may dẫm phải thì nghĩ thôi cũng thấy thốn. Lớp phòng thủ khá là vững chắc trong điều kiện thiếu hào. Binh lính cũng hì hục chặt cây, đào hố để làm những chòi canh tạm bợ, vừa đủ quan sát mấy dặm xung quanh.

Binh lính tất bật làm việc thì hậu cần doanh cũng đang bắc lửa nấu cơm. Xứ này vốn ưa mì phở, nên quân Vạn Xuân thu được rất nhiều bột mì, các anh nuôi tận dụng triệt để, lên men mà làm bánh, những chiếc bánh mì Pháp dài nóng hổi mới ra lò, thơm nức mũi, ai ngửi thấy cũng muốn ăn (kiểu bánh mì dài trong big C ấy) ăn kèm với thịt kho, canh dưa muối thì quả là hết nước chấm. Tuy dân Vạn Xuân ăn cơm là chính nhưng thi thoảng đổi món thì ai cũng vui mừng, một thức ăn mãi cũng chán, đổi đi cho miệng mới mẻ.

Quân Vạn Xuân tất bật xây dựng nấu nướng mà không hề có ý định cường công, điều này khiến tướng Minh trong thành rất khó hiểu. Thiên Tân thất thủ một phần do quân địch tấn công bất ngờ, thế lại mạnh như vũ bão, thiên quân không có thời gian thở dốc mà dẫn tới thất thủ. Bọn này kéo đến Bắc Bình mà lại bình chân như vại, ắt hẳn có trá. Biết là có trá nhưng Chu Hoành cũng không biết trá ở đâu.

Địch ở trong tối, ta ở ngoài sáng, chi bằng an tĩnh chờ biến, tích cực gia cố tường thành, động viện binh lính, dân phu phòng thủ. Địch đánh trên đất Đại Minh, càng kéo dài thời gian chúng càng bị động hơn, quân các châu lộ có thể kéo tới cứu giúp bất cứ lúc nào. Nghĩ vậy, chúng tướng tá quan lại Bắc Bình yên tâm phần nào.