Chương 104. Hành quân.

Phục Hưng

Chương 104. Hành quân.

Chương 104. Hành quân.

Thoáng cái đã qua 3 ngày, 3 ngày thời gian với bao chuyện xảy ra, Bắc Bình đã nhận được tin Thiên Tân thất thủ, cầm lá thư trên tay mà Chu Hoành gần như không tin nổi vào mắt mình. Một thành trấn quân sự như Thiên Tân sao có thể quá dễ dàng thất thủ như vậy? Nhưng theo thám báo tiếp tục đưa tin thì hắn cũng hiểu được phần nào, kẻ địch trang bị nhiều hỏa pháo, không kém thiên quân. Ra tay lại tàn nhẫn độc ác, sẵn sàng dồn mấy vạn dân chúng lên làm pháo hôi công thành, bảo sao thành không bị đánh hạ.

Thiên quân quá nhân từ mà, không nỡ tổn thương dân chúng để giặc có cơ hội tấn công cướp thành, muốn trách cũng không trách được. Nếu để dân chúng vùng Trực Cô nghe được câu này chắc đội mồ lên tế sống Chu Hoành mất, hiền lành cái con khỉ, quân Thiên Tân bắn vào dân như không mất tiền, bắt tráng đinh thủ thành cũng không thương tiếc, người chết vào tay chúng nhiều không kém chết vào tay quân Vạn Xuân.

Nhưng còn mấy vạn nạn dân đang kéo nhau đến Bắc Bình, con số này không nhiều cũng không ít, vừa đủ làm Chu Hoành đau đầu.

"Nạn dân kéo đến, chắc khoảng 1 tuần thì đến nơi, chư vị nghĩ ra cách nào an trí chưa?" Chu Hoành hỏi chúng thuộc hạ.

"Bẩm vương gia, nạn dân khó lòng mà an trí được. Thành Bắc Bình rộng có vậy, nhà cửa vừa đủ cho dân chúng trong thành, không có thừa, nếu đôi ba ngàn còn cố mà giúp được nhưng đây mấy vạn, chúng ta không có nhiều nhà như vậy."

"Chưa kể còn phải cung cấp lương ăn cho mấy vạn nạn dân nữa, đây là một số lượng không nhỏ. Kho lương cứu tế không được nhiều như vậy. Còn mấy vạn dân phu, lao dịch đang xây cấm cung, trường thành đều đang chờ lương, lấy đâu ra thừa mà nuôi nạn dân. Nuôi mấy tháng liền."

"Nếu gạo, lúa từ phương Nam mà chuyển lên thì may ra cứu giúp kịp, nhưng dọc theo Đại vận hà lên đến Bắc Bình cũng mất tháng trời. Trong khoảng thời gian đó, thuộc hạ nghĩ ta thắt lưng buộc bụng thì cũng thu lưu được nạn dân. Vấn đề chỉ là chỗ ở, nếu không có nơi trú ngụ, thuộc hạ e chỉ qua mùa đông này, chục vạn nạn dân không biết sống nổi mấy người."

"Nhưng mùa đông Đại vận hà cũng đóng băng, thuyền vận chuyển chỉ đi được nửa đường, còn lại phải chuyển băng đường bộ. Thế thì đến màu xuân chưa chắc đã đến nơi, còn rất là mất công sức." Một tên khác nói.

"Thuộc hạ nghĩ lên gửi tấu về kinh cho thánh thượng, cùng lúc đó nên sai công tượng lấy vật liệu xây cấm cung mà làm nhà tạm cho dân chúng. Đến đầu xuân thì xin vật liệu mới. Thánh thượng nếu biết cũng không trách tội, vương gia lại được tiếng thơm thương dân."

"Hừm, để ta suy nghĩ kỹ lại vấn đề này. Còn việc quân giặc ở Thiên Tân, lương thảo khí giới đã chuẩn bị đủ, bước tiếp theo nên làm gì?" Chu Hoành vờ hỏi đám quân sư quạt mo cùng chúng tướng quân.

"Nên đánh, giặc đến không đánh, bệ hạ biết nhất định sẽ trách tội."

"Chưa kể chúng không việc ác nào không làm, nếu không đánh, không có cách nào công đạo với anh em binh sĩ cùng với bình dân bá tánh."

"Nhưng tác chiến mùa đông này rất khó khăn, mặt đất trơn trượt, hành quân đã khó chứ chưa nói gì chiến đấu. Chi bằng ta thủ Bắc Bình, chờ giặc tiến công. Lúc đó nhân cơ hội một lưới mà bắt gọn." một tên quan văn đưa ý kiến.

"Bàn binh trên giấy, giặc chưa chắc đã dám đánh đến Bắc Bình. Bẩm vương gia, thuộc hạ thấy ta lên nhân lúc còn sớm mà đánh phủ đầu giặc, chờ để lâu ngày mà thành họa. Giả sử người Nguyên mà biết được, lòng ắt có ý." Vương Nam đáp.

"Được, nghe ý các tướng quân. Bắc Bình là thành lớn, gần kề lại có biên quân trấn thủ, thiết nghĩ nghịch tặc cũng không có gan tấn công. Nay quân đã họp 10 vạn, quyết một trận diệt sạch chúng, kẻ mạo phạm thiên uy của hoàng triều thì đều phải chết. Nam tử hán phương Bắc không phải hạng khiếp nhược sợ giặc." nói rồi liếc nhìn tên quan văn xuất thân từ phương Nam, kẻ Chu Đệ cố ý cắt cử đến phương Bắc đề kìm hãm Chu Hoành cùng chúng thuộc hạ.

"Vương Nam tướng quân, ủy lạo binh sĩ, ngày mai giờ Mão xuất quân. Lý Thắng tướng quân, sẵn sàng lương thảo khí giới, hành quân phía sau đại quân."

"RÕ!"

"Tốt lắm, đi điểm quân đi." Chu Hoành phất tay tan họp, người cũng xoay đi, ca cơ còn đang đợi hắn, mấy tên giặc cỏ dân đen thật là lắm chuyện.
……..
Ngày hôm sau, mặt trời còn chưa kịp mọc, mười vạn đại quân đã đứng tập kết dưới thành Bắc Bình, suốt hàng chục dặm đều là quân đội, binh lính ai đấy cao lớn, trang bị tinh mỹ, so với đám quân Nam chinh của Mộc Thạnh thì tốt hơn rất nhiều lần. Phải thôi, đây là biên quân phương Bắc, luôn phải chiến đấu với những kẻ thù khó xơi như Mông Cổ, Nữ Chân,….binh sĩ mà không huấn luyện kỹ càng, trang bị tốt, kiêu dũng thiện chiến thì có mà bị bón hành ngập mồm.

Mặc kệ gió rét cắt da cắt thịt, quân lính vẫn bình chân như vại mà ăn bữa sáng. Không có gì đặc sắc, chỉ là màn thầu lạnh với dưa muối, dẫu có thế nhưng ai đấy đều ăn ngon lành, bột mì là lương thực tinh, rất quý, không phải ai cũng ăn nổi, mặc kệ là nông dân hay tiểu thương. Chớ nhìn phim ảnh mà lầm tưởng dân chúng thời nay bữa nào cũng có màn thầu trắng bóc, cơm ngon canh ngọt mà ăn. Đối với dân phương Bắc, hàng năm chỉ gieo trồng được một vụ, dân lại đông, lương thực gần như không bao giờ đủ, đồ ăn đều là cháo trộn rau dại,…nhà phú quý mới ăn được mì phở.

Thời này, khoai lang chưa tìm ra, sắn cũng thế, ngô, khoai tây chưa du nhập vào, lúa mì cũng là giống cũ, kê, yến mạch, đại mạch, cao lương,… cũng chẳng khá khẩm hơn, sản lượng thấp, thịt cá thì càng tinh quý,…..nhìn chung thì làm quần quật mà chẳng đủ ăn. Do ăn thiếu dầu mỡ, thịt cá nên dân chúng bình thường đều ăn rất khỏe, ăn cả nồi cơm, lồng bánh cũng không no là chuyện bình thường, bởi vậy lương thực càng tiêu hao mạnh.

Người Hán thực sự phát triển mạnh lên khi chiếm lĩnh được vùng đất Giang Nam, Lĩnh Nam, nơi đó gieo trồng được 2 vụ, khí hậu thích hợp để cày cấy, lương đủ ăn nên mới phát triển dân số được. Dân đông thì nước mạnh, ít nhất vào thời đại vũ khí lạnh này là như thế, hầu như đông đều đi cùng với mạnh.

Nói sơ cua để thấy đãi ngộ của biên quân phương Bắc không hề kém cỏi, khi dân chúng bình thường rúc trong nhà miêu đông, ngày ăn 1 2 bữa cầm hơi, tránh hoạt động để bớt tiêu hao năng lượng thì binh lính được ăn sáng bằng màn thầu, dưa muối, sang thế còn gì nữa.

Cơm nước xong, nghỉ ngơi một lúc thì giờ Mão cũng tới, minh kim hết lần này lần khác vang lên, binh lính nhanh chóng thu thập đồ đạc, chỉnh sửa quần sáo, sẵn sàng lên đường. Thời tiết tháng 1 cứ gọi là rét cắt da cắt thịt, đặc biệt vùng đất phương Bắc này, ăn mặc mà không kín kẽ là bị tổn thương do giá rét ngay, bởi vậy mà chiến sự rất ít khi xảy ra vào mùa đông, năm nay là ngoại lệ.

Quân Bắc Bình không mất nhiều thời gian để chuẩn bị, lập tức hành quân. Quân đi hàng chục dặm, băng tuyết dưới chân bị giẫm thành bùn lầy. Đoàn quân lầm lũi mà đi, ngược gió tuyết hướng về Thiên Tân, nơi quân địch đang chờ sẵn.
…………
Cùng lúc quân Bắc Bình tiến về Thiên Tân thì quân Vạn Xuân cũng ngược lên Bắc Bình nhưng hành quân có phần thong thả hơn, thời tiết phương Bắc quả thực khắc nghiệp, đại quân cần thích ứng dần dần. Ít nhất có thể tác chiến bình thường trong gió rét.

"Má, lạnh quá, lạnh này sao bọn Ngô nó trụ được nhỉ?" một người lính vừa đi vừa nói, y thở ra từng làn khói trắng, hơi nước bị đóng băng trên vành mi.

"Rét thật, nghe chỉ huy nói, đánh xong trận này là xuôi về phương Nam, đất Bắc này lạnh quá." Đồng bạn y bên cạnh thì thào.

"Lạnh quá làm ngụm rượu cho ấm người, uống nhấp thôi, không cả say bí tỉ thì lại ăn phạt." Một tên mặt đỏ bừng nói.

"Ông tướng mới là người uống ít thôi ấy, từ nãy thấy nhấp mấy ngụm rồi. Lấy miếng gừng mà ngậm, tí là nóng người ngay." Một tên khác nói với theo.

"Hành quân đánh trận bao năm, bây mới thấy được vừa hành quân vừa uống rượu. Đúng là thế giới rộng lớn, chuyện lạ gì cũng có thể xảy ra được." Một tên lão binh cảm thán.

"Ôi dào, quân Hồ, quân Minh tu rượu suốt ông ạ. Ngay bọn Mông Cổ, Nữ Chân cũng uống rượu sữa ngựa thay uống nước luôn. Chúng nó ở vùng lạnh, uống thì không trách nhưng mấy cha mãi đất Việt cũng bú lấy bú để, kêu thêm dũng khí. Điêu kinh, đánh đấm chán chết mà kêu uống rượu thêm dũng khí." Một tên dè bỉu.

"Mấy thằng du mục sống vùng lạnh, uống lắm là đúng rồi. Như anh em ta mỗi ngày cũng được phát rượu đây thôi, lạnh quá, phải có tí men nó mới ấm."

"Công nhận, lạnh chết cha chết mẹ. Rượu cũng không nhiều, vừa đủ mấy ngụm, nâng nâng còn chưa kịp chứ nói gì đến say."

"May có món gừng, không thì có chết. Mình đi bộ này đã rét mà bọn cưỡi ngựa thì không biết tê tái thế nào."

"Cứ gọi là mát hết cả mông, tầm này cái yên ngựa khác gì nền đất đâu, lạnh cứng."

Quân lính Vạn Xuân trong hàng ngũ, câu được câu không trò chuyện, không hề có tí áp lực nào khi phải chiến đấu nơi đất địch. Vừa nói, vừa cười, cuộc hành quân trong gió lạnh cũng bớt phần nào gian khổ. Phía trước, kỵ binh qua lại như con thoi, 10 dặm xung quanh đảm bảo không có thám báo quân Minh.

Hành quân 3 ngày thì đến một thành trấn nhỏ, quân Vạn Xuân còn chẳng thèm biết tên. Thành này hôm trước đã bị quân kỵ làm gỏi, dân chúng cũng bị đuổi đi cả. Đại quân sẽ đóng ở đây, chờ đợi quân Minh tới quyết chiến. Băng thiên tuyết địa như này, hành quân rồi ngủ màn trời chiếu đất không được, dù cho có lều da nhưng vẫn rất lạnh, nếu để lâu ngày, binh lính sẽ mất sức chiến đấu.

Đại Hải cùng các tướng tá quyết định đóng quân tại đây, chờ quân Minh đến quyết chiến. Tòa thành vô danh nay trở thành một công trường khổng lồ, binh lính chặt chém cây cối xung quanh mà lập hàng rào, cản mã, chông nhọn mọc lên tua tủa. Đại Hải vốn muốn làm thêm quả hào cho chắc chắn nhưng mà trời lạnh, đất cứng hơn đá, không thể đục nổi. Đến hạm đội cũng không thể đi sâu vào nội địa để phối hợp, trời lạnh, đến mặt sông cũng đóng băng, dù chưa dày nhưng thuyền bè đi lại rất khó khăn, không cẩn thận bị vỡ thân tàu thì hỏng. Dưới tình thế như vậy, hạm đội lại ra biển, chấp hành những nhiệm vụ khác.