Chương 81: Thần Tiền Gõ Cửa

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 81: Thần Tiền Gõ Cửa

Chương 81: Thần Tiền Gõ Cửa

***
Sơn Ca là một thầy phù thủy, tôi xin nhắc và khẳng định lại điều này một lần nữa. Mặc dù tuổi mới hai mươi nhưng anh ta là một kỳ nhân dị tướng, đã có thâm niên chín năm làm thầy phù thủy.

Lần đầu tôi gặp Sơn Ca là dịp giáp Tết năm tôi học lớp 10. Bố tôi, bằng một mối quan hệ nào đó đã quen biết Sơn Ca và nhờ anh ấy giúp một số việc liên quan đến tâm linh. Ngay lần đầu tiên đặt chân qua cổng nhà tôi, Sơn Ca đã đứng sững người, trân trân nhìn vào khoảng không ở góc vườn, nơi mà bây giờ đang có ngôi miếu nhỏ thờ cúng chị Ngọc Hoa.

Chị Ngọc Hoa, hồn ma trinh nữ lẩn khuất đâu đó trong khu vườn nhỏ đầu hồi của nhà tôi là linh hồn mà tôi đã vô tình gặp gỡ lúc tôi chỉ mới tám tuổi. Thực ra ngày gặp chị Ngọc Hoa, tức chị Ma, là vận hạn của tôi!

Dịp ấy là tháng Bảy âm lịch, giỗ ông ngoại tôi cũng vào dịp ấy. Tôi được bố mẹ cho về cùng vì đang nghỉ hè. Một tối, tôi lững thững cầm hai đĩa xôi vò đầy ú ụ lững thững rời khỏi đám cỗ trở về nhà một mình. Thời điểm ấy gia đình tôi đang sinh sống ở Hòa Bình, xứ rừng thiêng nước độc, mỗi tối sau bữa cơm thì tôi luôn rong chơi cùng đám bạn trên những con đường đất nhỏ chạy ngoằn ngoèo bên những vườn chè xanh bát ngát mà chưa bao giờ biết sợ ma. Tôi làm việc của tôi, ma làm việc của ma, chẳng liên quan gì đến nhau thì cớ sao tôi phải sợ cơ chứ?

Tôi gặp chị Ma đứng ở cổng nhà, chị ấy đội một cái nón lá, dáng dấp cao ráo cùng với giọng nói dễ nghe. Bà Già từng bảo với tôi rằng ma thì không có chân nhưng chị Ma mà tôi gặp lại mặc bộ váy áo dài vừa chạm đất nên tôi chẳng biết chị ấy có chân hay không. Một đứa bé tám tuổi chưa biết nhiều về sự đời nên hãy còn ngây thơ. Lần ấy chị Ma đã thử lòng tôi bằng cách xin một gói xôi, thật may là tôi đã không chút suy nghĩ mà đồng ý. Nếu tôi không cho, rất có thể chị Ma sẽ dẫn tôi ra mương Khoai chơi và ngày hôm sau bố mẹ tôi sẽ tìm thấy thằng con trai trương phềnh dưới mương. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, chị Ma lại thử tôi bằng cách nhờ vả tôi mua hộ bát bánh đúc, tôi cũng làm theo mà không suy nghĩ. Lần đầu tiên tôi về quê, cái gì cũng lạ lẫm, kể cả cách ăn mặc của những người phụ nữ trong làng.

Bà Già chăm bẵm tôi kể từ lúc mới lọt lòng và bà đã truyền cho tôi tình yêu quê hương, yêu làng xóm qua những câu chuyện không đầu không cuối của bà. Bà thường bảo rằng tình làng nghĩa xóm là thứ rất quan trọng, ở quê người ta đùm bọc lẫn nhau… tất cả đều là những điều tốt đẹp, bởi vậy nên tôi đã không từ chối lời nhờ vả của chị Ma, người cùng làng cơ mà. Sau đó tôi được biết tên cúng cơm của chị Ma là Ngọc Hoa. Tôi sợ rằng nói ra sẽ chẳng ai tin lời một thằng bé hỉ mũi chưa sạch nên đó là một bí mật của riêng tôi.

Người ta bảo phàm những kẻ chết hụt thường sống dai, tôi đã chết hụt mấy lần nên hẳn là sống dai hơn người khác.

Vì không ai biết đến sự tồn tại của chị Ma nên dần dà tôi mặc định rằng chỉ một mình tôi biết, vậy nên trong lần đầu gặp gỡ Sơn Ca, bên ấm chè nóng, Sơn Ca đã mô tả gần như chuẩn xác hình dáng bên ngoài của chị Ma khiến tôi chột dạ. Một thời gian dài sau đó, Sơn Ca bằng cách nào đó thậm chí còn biết được tên cúng cơm của chị Ma là Ngọc Hoa khiến tôi dù không muốn tin cũng phải tin vào những điều Sơn Ca nói.

Việc nó nối tiếp với việc kia, sau cùng Sơn Ca và bố tôi quyết định mở hố đào trong khu vườn đầu hồi nhà để tìm kiếm một thứ mà ai ai cũng sáng mắt lên khi nghe đến, ấy chính là vàng! Vàng đâu chưa thấy chứ sau gần nửa tháng đào bới thì Sơn Ca bỏ của chạy lấy người sau một đêm gió to mưa lớn. Ngày ấy trước khi rời đi, Sơn Ca đã nói với tôi rằng sau này không đặt chân vào làng nữa, thế nên anh ta mới phải nhờ người vào nhà tìm tôi là vậy. Ngôi miếu nhỏ trong vườn nhà tôi bây giờ cũng là do Sơn Ca đưa tiền nhờ tôi thuê người về xây, hình dáng của ngôi miếu là do tôi… vẽ nghệch ngoạch trên giấy trắng nên ngôi miếu xây xong chẳng giống với bất kỳ ngôi miếu nào mà tôi từng thấy.

- Thế là anh cố ý gặp em, hẳn là có chuyện gì quan trọng?

Sơn Ca tặc lưỡi:

- Cũng có thể xem là quan trọng, đằng nào bây giờ mày cũng rảnh rỗi. – Sơn Ca vừa nói vừa nheo mắt nhìn tôi. – Mày chả phải là thằng hám tiền hay sao?

Tôi sụt sịt:

- Tiền thì ai chả thích, chỉ có thằng điên mới không thèm tiền.

- Tốt, rất tốt!

- Nhưng có chuyện gì?

Sơn Ca đảo mắt nhìn quanh rồi hạ giọng thì thào:

- Tính rủ mày đi kiếm chác một tí.

Tôi nhăn mặt hỏi lại:

- Sao lại rủ em? Nãy anh chả bảo anh kiếm khá lắm cơ mà, sao lại phải rủ rê em?

Sơn Ca thở dài:

- Đấy là đi đánh bắt xa bờ mới kiếm được chứ xung quanh vùng này chưa vớ được mối nào ngon nghẻ. Của đáng tội, chả nhẽ bụt chùa nhà không thiêng?

- Em không hiểu?

- Xung quanh khu này có nhiều của chìm, nếu đào được thì kiếm cũng khơ khớ. Mày bây giờ trượt đại học rồi, chí ít cũng phải năm sau mày mới thi tiếp, mày phải kiếm tiền chứ, đúng không?

- Tiền nhà em thiếu gì mà phải kiếm.

- Tắt đài đi! – Sơn Ca cười mỉa mai. – Cái loại nghe thấy tiền với vàng mắt sáng như sao thì giấu người khác được chứ giấu bố mày hơi khó con ạ. Giờ tao nói huỵch toẹt luôn, vớ được thì tao bảy mà ba.

- Thằng nào đào? – Tôi hỏi.

- Cả hai nhưng chủ yếu vẫn là mày!

- Thế thì bốn sáu, anh đừng có mà ăn dày ăn cả bít tất rồi ăn luôn đất xung quanh.

Sơn Ca cười khẩy:

- Bố mày biết ngay, cái loại nhà mày đời nào thấy miếng ngon bày ra trước mắt mà bỏ cho được. Bốn sáu thì bốn sáu.

- Thật ra em cũng chẳng cần tiền, chỉ là bảo vật quê hương mà mà để thiên hạ bứng hết e là không công bằng. Em không có khả năng nhìn thấy như anh nên đành chịu phần thiệt.

- Thôi mày im mẹ mồm đi, tham như mõ lại còn bày đặt giả nhân giả nghĩa. Mày mà vớ được thì mày húp tất chứ đời nào chia cho ai.

- Anh cứ nói thế!

Tôi thản niên rót một chén nước chè nóng rồi từ từ nhâm nhi từng ngụm một trong khi Sơn Ca rít thuốc đỏ môi. Sơn Ca nói đúng, nếu tôi mà đào được đồ cổ dĩ nhiên tôi sẽ húp tất chứ dại gì cưa cho ai, làm việc xấu càng ít người biết càng tốt. Mặc dù hiện tại tôi không túng nhưng có thêm dĩ nhiên là tốt, đỡ phải đào đất lên tiêu dần.

- Thế đào ở đâu?

Tôi hất hàm hỏi Sơn Ca. Thường thì tôi chẳng bao giờ nói trống không với người lớn tuổi hơn mình nhưng Sơn Ca thì khác, anh ta và tôi xem nhau là chỗ bạn bè, trước đây tôi hay cợt nhả song Sơn Ca chả để bụng, anh ta vẫn một mực tin tưởng tôi. Nói gì thì nói, tôi vẫn là một thằng được việc, kín miệng và biết điều tuy có hơi tham một tí.

- Hẹn mày chính Ngọ ngày mai ở cống Đoan, đừng đến muộn.

- Làm việc khuất tất lại chọn chính Ngọ thế?

- Mẹ kiếp, mày đừng có hỏi nhiều, bớt bớt cái mồm lại cho được việc.

- Chả phải giờ đó ma đi ngủ hết nên dễ hành sự hay sao?

- Biết ít sẽ có lợi cho mày, việc của mày là làm theo những gì tao bảo chứ không phải ngồi đấy mà cà khịa tao.

- Được rồi sếp! Công cán đàng hoàng thì sao cũng được.

Tôi cũng không thật sự hiểu rõ vì sao Sơn Ca lại cứ thích hợp tác với tôi, có lẽ anh ta cảm nhận được điều gì đó mà tôi không biết. Đào bới tìm đồ cổ ở nơi nào đó chắc tôi không dám chứ xung quanh vùng này, bán kinh độ hai cây số thì tôi không sợ lắm vì có người bảo kê âm phần. Bên cạnh đó, tôi cũng có chút ít kinh nghiệm trong việc tìm cổ vật. Nói trắng ra, số của chìm mà tôi chôn giấu trong vườn nhà, phần lớn tôi kiếm được từ việc… "làm thuê" cho ai đó. Tôi là một đứa thông minh, bảo một biết hai nên thường được trả công hậu hĩnh, hết người nọ đến kẻ kia nhờ vả nhưng thi thoảng tôi cũng làm phúc, chẳng nhận công xá.

- Đồ nghề mày còn không?

- Xà beng, xẻng, thuổng vẫn còn. Anh tính thuê à?

- Mẹ cái thằng, đừng có nhờn nữa.

- Còn đủ! – Tôi gật đầu. – Nhưng lâu rồi không dùng đến chắc hôm nay phải về mài lại.

- Vậy thống nhất như thế, trưa mai gặp nhau, không cần mang theo đồ nghề.

- Được rồi.

Sơn Ca quay sang nhìn cái xe đạp mini màu đỏ tôi dựng ở gốc cây:

- Vẫn chưa mua xe máy à?

- Làm gì có tiền mà mua.

- Lại văn vở rồi.

Tôi cười:

- Mới trượt đại học mà mua xe e là không phù hợp lắm đâu, giả nghèo giả khổ mới phải đạo.

- Chẳng cần hỏi thì tao cũng biết mày không buồn bã với việc trượt đại học.

- Sao anh nghĩ thế?

- Mày có thể qua mặt nhiều người chứ sao qua mặt được tao.

- Anh đúng là cao nhân!

Sơn Ca chợt cầm lấy bàn tay trái của tôi, khẽ nheo mắt lại nhìn trong giây lát rồi thả ra:

- Sự học của mày còn dài, chỉ là tạm dừng một tí thôi, hình như tao đã nói với mày điều này hai năm trước rồi nhỉ?

- Em không nhớ!

- Cứ tin tao, dù mày không muốn thì việc học của mày vẫn sẽ tiếp tục. Trượt đại học năm nay không phải là điều gì kinh khủng, chỉ sợ là đang học mà phải bỏ giữa chừng, khi ấy mới là vận hạn, tai họa ngập đầu.

- Mấy ai đi học đại học mà bỏ giữa chừng đâu, muốn vào còn chẳng được cơ mà.

- Ừ, đấy là tao nói thế.

Tôi và Sơn Ca ngồi tán gẫu mãi cho đến lúc trời sẩm tối mới chia tay nhau và hẹn gặp lại.

- "Xem ra cái số của mình không nghèo được, đang hết tiền lại có thần tiền gõ cửa".

***