Chương 89: R9 Và Tôi

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 89: R9 Và Tôi

Chương 89: R9 Và Tôi


***
Tôi phải thừa nhận rằng mối quan hệ giữa tôi và chị Thần giữ của Ngọc Hoa, hay còn gọi là chị Ma để tránh tên húy, tương đối phức tạp. Chị ấy đã không thuộc về thế giới này gần sáu trăm năm, nghĩa là đáng tuổi cụ kị của tôi nhưng tôi vẫn gọi là chị vì nhiều lẽ mà cái lẽ đầu tiên và quan trọng nhất là chị ấy trẻ và đẹp, phụ nữ trẻ đẹp không nên gọi là cô hay bà hay cụ vì rất có thể ngay sau đó tôi sẽ phải đốt đuốc tìm răng của mình. Thêm nữa là do lần đầu gặp mặt ở cổng nhà thì tôi mới tám tuổi, một đứa trẻ tám tuổi ngây thơ thì chưa phân biệt được đâu là ma đâu là người, thế nên tôi mặc nhiên gọi là chị cũng là lẽ thường tình. Nhiều năm sau mỗi khi nghĩ lại, tôi lại cho rằng mình may hơn khôn bởi vì chưa ai gọi ma là chị bao giờ, phải chăng vì thế mà tôi được ưu ái hơn chăng?

Tôi lấy đêm làm ngày, bạn bè là người sống thì ít mà người khuất mặt thì nhiều. Những giấc mơ chân thật hàng đêm đã lấy đi của tôi nhiều sức lực, tất nhiên những giấc mơ ấy đủ thú vị để tôi không hé răng nửa lời với người khác. Bên cạnh đó, những nhờ những giấc mơ ấy mà tôi, một người vẫn ở tuổi vị thành niên lại có trong tay một đống của chìm chôn lung tung ở khu vườn sau nhà. Tôi không lấy của cải của chị Ma nhưng vì tôi là đứa sáng dạ, lanh lẹ nên hay được… nhờ vả, mỗi lần được "ai đó" nhờ vả, đôi khi là bốc mộ, thì tiền công cũng khá tốt nếu không nói là rất đậm. Cũng chính chị Ma, thông qua những giấc mơ đã bày cho tôi rất nhiều thứ hay, điều đó cũng gián tiếp tạo nên tính cách ông cụ non của tôi hay nói chính xác hơn là tôi được một Thần giữ của dạy dỗ để trở thành một kẻ nửa chính nửa tà khó mà phân biệt được. Thế mới có chuyện tôi là chỗ thân thiết với chị Ma nhưng cũng chính tôi cầm cuốc động thổ đào vàng. Thực lòng mà nói, nếu Sơn Ca đủ cao tay thì gia đình tôi đã giàu ú ụ, tiền tiêu ba đời có khi còn chưa hết.

- Uầy!

Tôi đang chìm trong dòng hồi tưởng, lững thững bước dọc theo con đường nhỏ tối om ven làng chạy song song với mương Khoai đột nhiên có một bóng đen từ trong bụi rậm nhảy bổ ra trước mặt tôi. Tôi giật mình đánh thót một cái, hai mắt mở to rồi theo phản xạ tự nhiên ném vội chai Coca về phía trước sau đó quay lưng bỏ chạy.

- Maaaa!

Tôi vừa chạy vừa ngửa cổ lên hét lớn.

- Á!

Tôi nghe rõ ràng là tiếng người vừa kêu nhưng thần hồn nát thần tính nên vẫn dừng lại, chạy được chừng hai chục mét, khi tôi ngoái đầu lại thì không nhìn thấy bóng đen nào truy đuổi mình mà thay vào đó là tiếng chửa rủa:

- Mẹ thằng chó, mày làm bố mày vỡ đầu rồi!
- A… ai đấy, ai đấy?

Tôi không chạy nữa mà đứng lại thở hổn hển, tôi đã hoàn hồn trở lại rồi tự tát nhẹ vào má mình tự nhủ:

- "Ma cái đếch gì, làng này ma không sợ mình thì thôi chứ sao mình lại sợ ma?"

Đoạn tôi hắng giọng:

- Ai đấy?

- Bố mày chứ ai! Mẹ thằng chó!

- R9! Là mày phải không? – Tôi lớn giọng.

- Còn ai nữa, mày ném cái đếch gì vào đầu tao thế này?

Nhận ra giọng của thằng bạn thân, tôi mau chóng chạy lại:

- Mày to gan nhỉ, dám dọa ma tao cơ đấy! Đáng đời, thế có sao không?

- Bố mày chưa chảy máu.

R9 cúi xuống dùng tay khua khoắng và dễ dàng tìm được chai Coca đang nằm gần dưới chân nó. Chai nước không bị vỡ, cũng may là tôi chỉ thuận tay thảy về phía trước chứ không ném, nếu ném mà trúng đầu thì trăm phần trăm R9 sẽ đi viện.

- Ngu chưa con? – Tôi đắc ý. – Dám dọa ma tao thì đấy là hậu quả.

- Mẹ kiếp, ai mà ngờ mày thủ theo chai nước về cơ chứ. – R9 vừa nói vừa xoa đầu. – Sao, sợ té đái rồi hả con?

Tôi đưa tay sờ đũng quần, vạch áo ưỡn bụng về phía R9:

- Chưa té đái, chỉ bị giật mình thôi. Mày khá đấy, dám núp ở chỗ này hù tao, lần sau mà làm thế coi chừng ăn nguyên con dao hay cục gạch thì xuống thế chỗ mụ Mẹ Chẽ là vừa.

- Thằng chó! Nhất định là mày giả vờ sợ để chủ đích ném vào đầu tao.

- Mày đừng có đặt điều! Tao giật mình nên hoảng quá bỏ chạy, chai nước vô tình văng vào đầu mày thôi chứ tao mà ném thì mày vỡ đầu là cái chắc. Hóa ra khi nãy tao không nhìn nhầm, mày mới mò về phải không?

- Ờ! Mới chở bà bác tao về. Tao lên nhà thì bà mày bảo mày đi chơi với bạn, đi ra đây nhìn thấy mày đứng nói chuyện với ai ấy, dáng quen quen, hình như ông Ca phải không?

- Ừ, anh ấy tạt qua chơi, hai anh em ngồi tán phét nhưng anh ấy về rồi. Sao, bây giờ ra quán nước ngồi hay về nhà tao?

- Muộn rồi, về nhà mày ngồi.

Tôi cười nhăn răng:

- Thế để tao quay lại mua thêm nước với kẹo, mày về nhà tao trước đi. Lần sau đừng có chơi ngu nha mày.

- Lầu sao bố đạp mày ngã mẹ xuống mương luôn chứ ở đấy mà cười.

- Thằng nào dọa tao đều có kết cục như thế cả, mày chơi dại thì phải chịu thôi.

Tôi đưa tay bụm miệng cười rồi quay lại đầu làng mua thêm gói kẹo lạc và chai nước. Hơn một tháng trời không gặp, tôi nghĩ đêm nay hẳn sẽ đủ dài để hai thằng chúng tôi ngồi gặm nhấm những nỗi buồn.

- Đợt rồi tao ở mỗi chỗ vài ngày, tranh thủ đi thăm cô dì chú bác nên bặt tăm. – R9 nói. – Hồi chiều về Hà Nội tao tạt vào nhà mày, gặp mẹ mày thì biết mày đã về quê cả tuần trời, vừa hay tao cũng phải về quê chuẩn bị năm học mới cho bọn trẻ con.

- Mẹ tao có bảo gì không?

- Mẹ mày có hỏi tao là bao giờ mày vác mặt ra ngoài đấy nhưng khi biết tao mới ở trên Hà Giang về thì nhắn tao bảo mày liệu mà ra Hà Nội sớm, đừng có để mẹ mày phải đích thân về lôi cổ đi.

Tôi cười khẩy:

- Mẹ tao lúc nào cũng vậy, kệ. Tao còn nhiều việc chưa giải quyết xong, khi nào xong tao mới tính đến chuyện tương lai.

- Việc gì?

Tôi ngả lưng xuống cái chiếu cói trải giữa sân, lấy hai tay thay gối, thủng thẳng đáp:

- Tạch rồi thì không thể thay đổi được nữa, trong thời gian sắp tới thì tao chỉ có hai việc, một là tập trung kiếm tiền, hai là ôn thi chuẩn bị cho năm tiếp theo.

- À, cũng phải. – R9 thở dài. – Nói chuyện kiếm tiền, nói thật là tao cũng chưa biết tao sẽ sống như thế nào. Mày nghĩ thế nào nếu tao vào Nam?

- Chỗ bố mẹ mày ấy hả?

- Ừ?

- Bố mẹ mày đang ở đâu?

- Đồng Nai!

- Xùi, nghe tên cái tỉnh đấy tao đoán cũng quê như quê mình luôn. – Tôi nói. – Thế bố mẹ mày trong đấy làm ăn thế nào?

- Cũng đủ ăn.

- Thời buổi kinh tế thị trường mà đủ ăn là dở rồi. – Tôi chép miệng. – Đất Hà Nội dễ kiếm ăn như thế mà bố mẹ mày chẳng ở lại đến nơi khỉ co hò gáy làm gì không biết nữa.

- Làm ở Hà Nội được bao nhiêu ông già tao nướng vào cờ bạc hết, phải vào trong đó mới không có đủ cánh, đủ người mà ngồi.

- Tao nghĩ mày chẳng nên vào trong đấy làm gì, việc của tao với mày… ừm… đúng hơn là nhiệm vụ của hai thằng mình là học, mình mới trượt một lần hãy còn cơ hội. Bây giờ mày bỏ vào trong đấy thì ba thằng em của mày như nào? Còn bà nội mày nữa chứ.

Tiếng tạch tạch của bật lửa, tôi liếc nhìn qua thấy R9 châm thuốc hút. Nó lôi gói Vinataba trong túi áo ra từ khi nào tôi không để ý, giống như Sơn Ca, R9 mời nhưng tôi khẽ lắc đầu từ chối.

- Mới ra Hà Nội chưa học được cái gì hay mày đã vập vào thuốc lá rồi.

- Thi thoảng làm một điếu cho tỉnh táo.

- Thằng Ba Duy nhà tao cũng hay nói vậy nhưng nó thì cần đếch gì tỉnh táo vì lúc nào tao cũng thấy nó tỉnh cả, toàn ngụy biện.

R9 im lặng, rít được hai hơi thuốc, nó chậm rãi nói:

- Rời khỏi ghế nhà trường rồi trượt đại học bỗng nhiên tao thấy chông chênh mất phương hướng.

- Tao cũng thế, riêng gì mày. Tốt nhất là đừng có nghĩ, đến đâu thì đến, nghĩ chỉ tổ mệt người mà chẳng giải quyết được việc gì sất.

- Ông cậu tao ở Khâm Thiên bảo tao đến làm giúp trong thời gian ôn thi, tao đang suy nghĩ.

- Làm đậu à?

Thay vì trả lời, R9 nheo mắt rít thuốc, nét mặt đăm chiêu. Tôi húng hắng ho:

- Cắm mặt vào làm đậu sẽ lại bỏ qua mục tiêu học hành nhưng thôi tùy mày, chí ít là có chỗ ăn chỗ ở mà đi học cũng sẽ gần, chấp nhận mày ạ.

- Nhưng tao cảm thấy không thoải mái, cậu tao thì dễ…

R9 bỏ lửng câu nói, tôi nghe vậy là đủ hiểu nên gợi ý:

- Nhà tao thì chả thiếu việc, nếu mày muốn tao sẽ nói với mẹ tao một câu là xong.

- Có được không?

- Tính mẹ tao thì mày cũng đã hiểu phần nào rồi, suốt ngày mắng nhiếc con cháu như mổ bò nhưng lại thương con cháu vô bờ bến. Mày với tao ở cùng nhau, cùng đi học, cùng làm, cùng chơi.

- Nhưng tao hơi ngại, được vậy thì tốt nhưng còn các bác của tao sợ là…

Tôi gạt đi:

- Mày ngu bỏ mẹ, việc của mình thì mình tính, đừng có hở miệng ra là để tâm đến người khác nghĩ gì. Cuộc đời của mày thì mày sống cho mày chứ cho ai. Các bác, các cậu mày hỏi thì mày chỉ cần nói là ở cùng tao để chuyên tâm học hành, tiện đi lại.

- Chỉ sợ năm sau tạch nữa thì bỏ mẹ.

- Mai tao còn chưa biết sẽ ăn gì, hơi đâu mà tính đến chuyện sang năm, dở hơi.

- Được, vậy chờ bọn trẻ con nhập học xong thì tao ra nhà mày ở. – R9 đưa ra quyết định.

- Ừ, nay mai mày ra đầu làng gọi điện cho mẹ tao nói là tao chưa chịu đi, tao đang rất buồn, ăn chẳng chịu ăn, gậy dộc.

- Mẹ cái thằng, mày toàn nghĩ ra những thứ linh tinh.

- Mày thì biết cái gì. – Tôi cãi. - Cứ nói theo những gì tao bảo, mẹ tao sẽ nói là mặc xác tao, như vậy là tốt. Nhân tiện mày nói luôn với mẹ tao là tao rủ mày ra ở cùng nhưng mày muốn hỏi ý kiến mẹ tao, tao đảm bảo với mày là mẹ tao đồng ý phát một.

- Sao mày chắc được?

- Mẹ tao dĩ nhiên tao phải hiểu chứ, tao nằm trong bụng mẹ tao hơn chín tháng chứ mày tưởng à.

Câu nói của tôi khiến R9 sặc thuốc ho khù khụ đến chảy cả nước mắt. Nhưng tôi nói không sai, mẹ tôi hiểu tôi nên dĩ nhiên tôi cũng sẽ hiểu mẹ của mình. Mẹ tôi dễ dàng chấp nhận cho R9 ăn ở nhà tôi và không quên dặn nó để ý đến tôi, hai đứa phải động viên tôi mau lấy thăng bằng trở lại.

- Với cái khuôn mặt ủ rột như đưa đám của mày hẳn là vác xác về đây mà không một xu dính túi hả?

- Cũng còn vài đồng.

- Vài đồng thì mua sách vở cho bọn trẻ con thế đếch nào được.

- Ông bà già tao bảo sẽ gửi tiền ra, nay mai tao mượn tạm bác tao trước rồi trả sau.

Tôi nhổm người dậy, đút tay vào túi quần lấy ra số tiền khi nãy Sơn Ca mới đưa cho rồi thảy xuống chiếu:

- Chỗ này là hai triệu, mày cầm lấy mà mua sách vở cho bọn trẻ con vào năm học mới cho đàng hoàng.

Tôi và R9 là bạn nối khố, nó thường xuyên vay tiền của tôi nhưng lần nào cũng vậy, cái cách mà tôi đưa tiền cho nó chẳng giống ai. Tôi không muốn nó mang ơn tôi và sự thật là nó chưa bao giờ cảm ơn tôi cả, bạn bè mà.

- Lại trúng quả gì à?

- Quả đầu mày ấy. Tiền này hồi trước ông Ca nợ tao, dạo này ông ấy kiếm ăn được nên hẹn gặp để trả, cũng xem như tiền từ trên trời rơi xuống vậy.

- Ông ấy thiếu gì tiền sao phải mượn mày?

- Tao có nói là ông ấy mượn à? Ông ấy nợ chứ có mượn tao đâu?

- Khác gì nhau?

- Hồi trước ông ấy hứa tao đào đất ngoài vườn thì trả công mà chưa trả, như thế gọi là nợ, hiểu chưa?

- À, vẽ vời! Khác đếch gì nhau. – R9 miệng ngậm điếu thuốc, tay vơ nắm tiền vuốt nhẹ trước khi đút vào túi không chút ngại ngần. – Hôm nào ông bà già gửi ra thì tao trả.

R9 còn mượn tiền tôi nhiều lần nữa, nhiều đến nỗi chẳng đếm xuể. Nó cũng chẳng bao giờ hỏi đã nợ tôi bao nhiêu, chỉ đến khi nó lấy vợ, trở thành một người đàn ông thực sự thì việc vay nợ mới tính lại từ con số 0 và nó luôn trả đúng hẹn. Tôi đánh giá rất cao cô gái Hải Dương, vợ của nó!

Nói vậy không có nghĩa là R9 không bao giờ cho tôi vay, nó cho tôi vay tiền một lần, chỉ một lần thôi nhưng đối với tôi như vậy là quá đủ bởi khi ấy tiền có thể giúp bố tôi thoát khỏi vòng lao lý. Còn lúc này, dưới ánh trăng khuyết và trên khoảng sân nhỏ trước nhà thì tiền đối với tôi chỉ là những tờ giấy xanh đỏ không mang nhiều giá trị.

***