Chương 83: Kiếm Gỗ Tái Xuất

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 83: Kiếm Gỗ Tái Xuất

Chương 83: Kiếm Gỗ Tái Xuất


***
Dưới ánh nắng gay gắt, Sơn Ca ngồi xếp bằng tròn, hai mắt nhắm nghiền và miệng không ngừng mấp máy, tôi đoán anh ta đang cầu khấn quỷ thần. Nén hương thơm được cắm xuống bờ ruộng, khói bốc thẳng lên cao rồi mới tản mát ra xung quanh. Tôi đứng khoanh tay đưa mắt cảnh giới như một thói quen khi làm việc khuất tất. Tôi cảm thấy băn khoăn khi Sơn Ca không mang theo lễ lạt gì nhưng không tiện hỏi, việc của tôi là làm theo những gì anh ta bảo. Biết ít sẽ đỡ hơn là biết nhiều.

- Tám giờ tối nay. – Sơn Ca từ từ mở mắt ra nói với tôi, giọng như ra lệnh, sau đó anh ta đứng dậy phủi quần áo. – Tối nay đào.

- Chỗ nào?

- Mày nhớ chỗ tao cắm hương, nhớ cho kỹ. Tối nay cứ đào thẳng xuống là tìm được thứ cần tìm.

Tôi đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi ái ngại nói:

- Mấy ngày hôm nay nắng như đổ lửa, đất đai nứt toác ra như thế này thì đào sẽ khoai đấy anh ạ. Có giới hạn thời gian một nén hương không?

- Nội một nén hương thì phải đào được.

- Thế anh kiếm loại hương nào cháy chậm và dài một tí. – Tôi ngó nghiêng que hương đang cháy dở. – Bốn mươi lăm phút em sợ là không xong.

- Cố thì cũng chỉ được nửa canh giờ, tao cũng sẽ đào cùng với mày.

- Được! – Tôi gật đồng ý rồi hỏi thêm. – Còn gì nữa không?

- Nhìn và nhớ cho kỹ, bây giờ tao rút que hương lên luôn.

Dứt lời, Sơn Ca cúi người xuống rút que hương đang cháy dở mau chóng dụi tắt rồi cất lại vào trong cái túi đang đeo bên hông, điều này khiến tôi thắc mắc nhưng tôi vẫn không hỏi. Tôi lại đoán rằng Sơn Ca không muốn để lại bất kỳ dấu vết nào, chỉ có thể lý giải như thế mà thôi.

- Tối tao chờ mày ở đầu làng. – Sơn Ca nói với tôi khi cả hai quay trở lại đường cái. – Mày cất cái xe giúp tao được chứ?

- Không vấn đề gì.

Tôi nheo mắt ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trong xanh, cao vời vợi:

- Liệu chiều có mưa không anh nhỉ? Có tí mưa thì công việc sẽ dễ hơn vài phần.

- Mưa hay không mưa thì vẫn phải làm.

- Thứ anh em mình nhắm đến là cái gì thế? Bẫm không?

Sơn Ca nhìn tôi cười rồi nháy mắt tinh quái:

- Làng này làm gì?

- Làng Bưởi Nồi?

- Ừ!

- Xưa nay họ vẫn làm đồ đồng, làm nồi niêu xong chảo.

Sơn Ca búng tay một cái, vẻ mặt đắc ý:

- Chính xác!

- Hả? – Tôi sáng mắt lên. – Đồ đồng thời cổ hả?

- Có thể là một cái đỉnh đồng nhỏ, có thể thôi.

Hai tay chống nạnh, tôi ngoái nhìn về hướng cánh đồng đầy nắng, mắt nheo lại suy nghĩ trong giây lát trước khi đánh bạo hỏi Sơn Ca:

- Sao anh biết?

- Tao bứng được thứ này thì đổi lại tao sẽ giúp con cháu người ta một việc khác. Họ trả công trước cho tao. – Sơn Ca thì thào giải thích. – Đồ gia bảo, họ chôn khoảng năm chục năm trước nhưng lúc mất không kịp nói cho con cháu.

- Sao lại chôn làm gì nhỉ? Cái đỉnh đồng chả phải để ở trên ban thờ à?

- Thời buổi nhiễu nhương, mày hỏi làm gì. Mày chỉ cần biết là thứ đó có thể bán được hai cây vàng nếu là đồ gia bảo xịn sò.

Tôi nhăn mặt:

- Đồ thờ cúng tìm được sao anh không trả cho con cháu nhà người ta, vài triệu anh em mình cũng không giàu được.

Sơn Ca cốc nhẹ lên trán tôi, hai mắt trợn lên:

- Thằng này mày bị não à? Đây là người ta trả tiền công xá trước cho tao để tao đưa đường chỉ lối cho con cháu nhà họ thoát khỏi cảnh bần cùng.

Tôi đưa tay lên xoa trán, khẽ nhún vai và không có thêm ý kiến ý cò gì nữa.

- Việc gì mày làm giỏi thì mày đừng có làm không công. Cái nghề của tao một khi làm, cho dù làm phúc thì người ta vẫn nghĩ mày không làm phúc thì tốt nhất mày phải lấy công. Con cái người ta nghèo mạt rệp lấy tiền đâu mà trả, hiểu chưa?

- Được rồi, được rồi! – Tôi gật đầu.

- Việc của mày bây giờ là về mà chuẩn bị dụng cụ cho buổi tối nay.

Tôi lại ngẩng mặt lên nheo mắt nhìn trời:

- Mong là trời mưa một tí cho đất nó mềm dễ đào.

Đoạn tôi ngửa hai lòng bàn tay ra than vãn:

- Bàn tay nhỏ nhắn này lại sắp phải lao động cực nhọc rồi, mới xếp bút nghiên một cái đã vội theo nghiệp đào mồ cuốc mả.

Sơn Ca tát vào gáy tôi một cái đủ khiến tôi nhăn mặt:

- Mày câm cái mồm đi! Mẹ kiếp, đừng có báng bổ công việc mà tao và mày sẽ làm. Dày ăn mỏng làm chỉ có mà húp đất con ạ.

Tôi và Sơn Ca tạm chia tay nhau. Tôi trở về nhà, cơm canh bà Già đã để sẵn cho tôi. Sau bữa trưa muộn thì tôi mới bắt đầu mang một số dụng cụ chuyên dụng dùng để đào bới mà bấy lâu nay bỏ xó trong góc buồng. Một cái xẻng, có vẻ là xẻng quân dụng, đây là món đồ mà tôi đã thửa được từ những tay chuyên trộm mộ. Xẻng nhẹ nhưng rất sắc bén. Ngoài xẻng còn có thêm thuổng và xà beng, những món đồ mà mấy năm trước tôi thường xuyên sử dụng.

- Mày lại sắp bày trò gì đấy?

Thấy tôi lôi từ trong buồng ra những món đồ phủ bụi rồi ngồi cặm cụi rửa sạch, bà Già tò mò đến gần lên tiếng hỏi. Tôi đáp:

- Cháu định đi đào chuột đồng!

- Mày có bao giờ đụng đến thứ đấy đâu nhỉ?

- Tập lao động cho quen dần bà ạ, có khi sau này cháu sẽ trở thành một người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đấy.

- Cái ngữ nhà mày mà làm ruộng được thì tao cũng lấy làm lạ.

Bà phe phẩy cái quạt giấy sau đó chậm rãi đi ra phía cổng nhà. Bà không mấy khi hỏi cặn kẽ những việc tôi làm, bà chỉ quan tâm đến việc tôi hay ăn chóng lớn. Bà quan niệm con trai phải nghịch nhưng không được phá làng phá xóm để người ta đến mắng vốn là được. Mấy năm nay, tôi luôn giữ vững hình ảnh là cháu ngoan Bác Hồ, ngày ngủ đêm thức và làm gì đó thần không biết quỷ không hay.

Sau khi rửa sạch những món đồ thì tôi cảm thấy chúng không được sắc bén như tôi mong muốn, vậy nên tôi quyết định cho hết vào bao tải dứa rồi đạp một mạch đến chỗ chuyên sửa cuốc cày, gửi tất cả ở đấy và hẹn chiều tối sẽ quay lại để lấy. Đã lâu lắm rồi, cũng phải ngót hai năm trời tôi không đụng tay đến việc đào bới kiếm tìm những món đồ quý giá hãy còn ẩn sâu trong lòng đất.

- Có nên mang theo cái này không nhỉ?

Tôi tự hỏi như vậy khi lôi từ trong gầm giường ra lưỡi lê AK. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi quyết định sẽ mang theo phòng khi cần dùng đến vì lưỡi lê AK nhọn, rất phù hợp khi cần phải cạy, nạy… mà không thể dùng đến thuổng hoặc xà beng. Quay sang nhìn xuống gần phản gỗ, tôi nhìn thấy cái bao tải dứa được cuộn tròn, màu xám đã phủ đầy bụi và mạng nhện, ngẫm nghĩ trong giây lát, tôi lấy que khều ra. Bên trong cái bao tải này có để vài món đồ mà đã lâu rồi tôi không dùng đến.

Một thanh kiếm bằng gỗ màu tối sậm, nhìn không được đẹp mắt nhưng là một món "đồ chơi" mà tôi rất yêu thích trước đây. Thanh kiếm gỗ tưởng chừng như vô dụng này được tôi cẩn thận bọc đến mấy lớp túi bóng, ở phần chuôi kiếm vẫn còn gắn một sợi dây tua rua màu đỏ nhưng… do tôi chẳng mấy khi rửa nên từ lâu nó đã mang màu đen sậm vì ghét bẩn. Lần gần nhất tôi sử dụng thanh kiếm gỗ này đã là hai mươi tháng trước, sau một khoảng thời gian dài nằm quên lãng dưới gầm phản thì trên thân thanh kiếm đã có dấu hiệu bị ẩm mốc.

- "Thứ này liệu có còn dùng được không nhỉ?"

Tôi thầm hỏi rồi bỏ mặc những món đồ hãy còn ở trong bao tải, mang thanh kiếm ra ngoài hiên ngắm nghía một hồi lâu sau đó quyết định đi hái lá bưởi, lá chanh, tía tô, lá tre… những thứ lá có sẵn xung quanh nhà và thêm cả một củ gừng lấy từ chạn bát. Tôi cặm cụi ngồi đun một nồi nước xông. Chiều hè nắng gắt, ngồi bên bếp lửa, hơi nóng phả vào mặt tôi nên chả mấy mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ướt đẫm lưng áo.

Nguồn gốc của thanh kiếm gỗ cũ kỹ và đơn giản này là của vị sư thầy ở chùa làng đã cho tôi mượn nhiều năm trước. Tôi không biết nó được làm từ thứ gỗ gì nhưng rất chắc, theo lời sư thầy nói với tôi thì tuổi của thanh kiếm gỗ đồ chơi này hẳn là nhiều hơn cả tuổi ông nội đã khuất của tôi. Nó là một món đồ cổ quý giá, tôi nghĩ như vậy. Dạo trước khi tôi còn hay qua lại với Sơn Ca, anh ta cũng đôi lần thắc mắc khi thấy tôi đã lớn mà lại chơi kiếm gỗ. Tôi chỉ có thể giải thích rằng đó là món quà mà một người bạn đã tặng tôi lúc ở Hòa Bình nên tôi giữ làm kỷ niệm, vậy nên Sơn Ca không để tâm đến nữa. Kỳ thực đối với mọi người, thanh kiếm gỗ này thật không đáng chú ý, ngoài vẻ cũ kỹ thì nó còn xấu xí bởi được gọt đẽo bằng tay. Mấy năm trước đây, khi tôi còn hay nằm mơ những giấc mơ kỳ lạ hoặc lêu lổng khắp làng khắp xóm mỗi khi trăng lên thì thanh kiếm này là vật bất ly thân. Thứ đồ chơi nhìn giản đơn này ẩn giấu bên trong rất nhiều bí mật mà chính tôi cũng chưa bao giờ khám phá hết được nhưng tôi dám khẳng định rằng nó hoàn toàn vô dụng đối với người phàm nhưng với ma quỷ thì thanh kiếm này là nỗi khiếp sợ!

Sơn Ca cũng từng có một thanh kiếm lệnh, tôi nhớ là vậy. Thanh kiếm mà tôi đã từng vài lần nhìn thấy Sơn Ca mang theo nhìn rất dài và đẹp. Sơn Ca múa cũng rất dẻo, nếu ngồi yên vị mà chăm chú nhìn anh ta múa may thì chỉ một chốc thôi, nhất định sẽ hoa mắt chóng mặt. Sơn Ca là một thầy phù thủy nên việc anh ta có một thanh kiếm lệnh là lẽ thường tình nhưng tôi, một kẻ ngoại đạo mà có thanh kiếm lệnh cũ kỹ này mới là điều đáng bàn đến.

Trong suốt thời gian mang theo kiếm gỗ đi chơi vào ban đêm, lăn lê bò xoài, chui lùm rúc rậm nếu thanh kiếm có bẩn thì tôi cũng chỉ rửa bằng nước mưa một cách sơ sài rồi đem đi cất nhưng hôm nay tôi quyết định sẽ rửa sạch kiếm một cách đàng hoàng sau đó mang ra treo ngoài hiên cho thật khô, trời hãy còn nắng.

Đổ nồi nước xông vào cái chậu thau đồng lớn nhưng lòng thau không vừa nên tôi phải dùng đến thau nhôm, tôi ngâm thanh kiếm gỗ trong đó gần nửa giờ đồng hồ đến khi nước đã nguội thì tôi mới dùng những lá cây chà đi sát lại lên chuôi và lưỡi kiếm. Thanh kiếm không vì vậy mà đổi màu nhưng chùm tua rua ở chuôi thì có, chí ít nó không còn màu nâu đất nữa. Ngồi hì hục lau chùi bằng khăn khô thêm một lúc tôi mới buộc dây treo kiếm lên dây phơi rồi ngồi thở phào nhẹ nhõm ngắm nhìn thành quả của mình.

Từng giọt nước li ti nhỏ từ mũi kiếm xuống thềm nhà, dưới ánh sáng chói lóa của mặt trời rọi xuống, tôi lại ngồi chéo một góc khoảng ba mươi độ thi thoảng ngước nhìn lên thanh kiếm, trong một thoáng, tôi tưởng như mình vừa phát hiện ra nơi chuôi kiếm có mấy Hán tự. Tôi vội vàng đứng lên cầm lấy thanh kiếm để nhìn cho thật kỹ, mân mê từng li từng tí một nhưng có lẽ thời gian trôi qua đã đủ lâu khiến những ký tự phai mờ. Tôi nhìn kỹ thì nơi chuôi kiếm chỉ còn một vài vết hằn và nếu nhìn kỹ càng hơn nữa, tôi nhận thấy những hết hằn còn sót lại này không phải do thời gian mà do ai đó, có thể là người chủ cũ, đã dùng một vật sắc nhọn để gọt đi phần có chữ hòng che giấu nguồn gốc của món đồ này.

- "Trẻ người non dạ, các cụ nói cấm có sai! Hồi trước mình mang bên người suốt mà chẳng bao giờ để ý kỹ".

Dưới ánh chiều tà, tôi tựa cột xi măng trước hiên nhà nhìn trân trân thanh kiếm gỗ đang treo trên giây phơi và tự hỏi món đồ xưa cũ này rốt cuộc còn ẩn giấu những bí mật nào ở bên trong nữa.

***