Chương 87: Đêm Năm Cũ

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 87: Đêm Năm Cũ

Chương 87: Đêm Năm Cũ


***
Sơn Ca không ngồi chờ lấy xe máy ở quán nước mà trước đó tôi và anh ta đã ngồi. Thay vào đó, anh ta ngồi trong một quán khác, cũng ở đối diện với cầu Đình, cách quán cũ chừng năm chục mét. Nội một điều giản đơn này thôi càng giúp cho nhận định trước đó về Sơn Ca của tôi là đúng. Tôi càng thêm khẳng định rằng Sơn Ca quả thật đã dạn dày và thâm sâu hơn nhiều, không còn là một anh thầy phù thủy chân chất như tôi đã từng biết.

Tôi không mất nhiều thời gian để mang xe ra trả cho Sơn Ca. Lúc tôi lái xe đi qua đường thì có một xe máy khác chậm rãi đi vào làng, là tiếng pô của một chiếc xe Cub. Tôi nhác thấy một bóng dáng quen thuộc cầm lái nên ngoái lại nhìn nhưng không kịp, chiếc xe đã băng qua cầu Đình, nơi bị những tán cây sum suê che phủ nên đã tối lại càng tối. Tôi chỉ kịp nhìn thấy ánh sáng màu đỏ của đèn hậu, miệng lẩm bẩm:

- Sao nhìn nhác như thằng R9 cầm lái nhỉ? Nó về với ai?

Tôi gạt chân chống xe rồi bước vào quán. Ngay khi vừa nhận chén nước chè nóng thì tôi phải trả lời vài câu hỏi của bà cụ chủ quán. Chủ đề không lạ, vẫn là việc tôi trượt đại học. Làng mà, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông nhưng đó cũng là cách những người làng quan tâm đến nhau, tôi chưa bao giờ thấy phiền. Bà cụ chốt câu động viên:

- Thôi, trượt đại học thì đi làm đậu, dăm ba năm rồi cưới vợ cháu ạ. – Bà cụ tặc lưỡi. – Nhà mày thì thiếu gì việc.

- Vâng, trước mắt chắc chắn cháu phải giúp bố mẹ cháu.

- Lâu lắm rồi tao không thấy bố mày về. Này, nghe nói bố mày bây giờ làm ăn lớn trên Bắc Giang phải không?

- Đợt rồi cháu tập trung vào việc học nên cũng không nắm rõ bà ạ. Cháu cũng chưa lên trên đó bao giờ. – Tôi trả lời bà cụ, kèm theo một nụ cười tít mắt.

Bố tôi đã tiếp nhận bàn giao nhà máy bia xong xuôi. Trước hôm tôi về quê, tôi nghe loáng thoáng mẹ tôi có nhắc đến việc mẹ sẽ lên đó khi nhà máy đi vào hoạt động thử, sau khi hoạt động trơn tru mới tiến hành làm lễ khai trương.

Sơn Ca kín đáo dúi vào tay tôi một nắm tiền, anh ta ghé tai tôi thì thào:

- Cầm trước hai triệu mà tiêu, chờ tao bán xong cái này sẽ đưa nốt phần còn lại cho mày.

Tôi chau mày, lắc đầu từ chối thì Sơn Ca lại bảo:

- Mẹ, sĩ diện cái đếch gì. Tiền này là của mày chứ có phải tao cho mày đâu.

Tôi tặc lưỡi:

- Em cũng không gấp gáp lắm, đủ thì cầm một lần cho ra tấm ra món.

Chẳng hề để tâm đến lời tôi nói, Sơn Ca tự tay nhét tiền vào túi quần của tôi. Bỗng nhiên anh ta nhăn mặt hỏi:

- Lại thay quần rồi à?

Tôi gật nhẹ nhưng cảm thấy khó hiểu vì câu hỏi của Sơn Ca. Sơn Ca đảo mắt nhìn quanh, quán nước chỉ còn lại anh ta và tôi, bà cụ vừa mới đứng dậy trở nhà. Sơn Ca hất hàm, giọng như ra lệnh:

- Kéo ống quần bên trái lên tao xem thử!

- Có việc gì?

- Chậc, tao bảo kéo thì kéo lên xem nào.

Tôi miễn cưỡng làm theo lời Sơn Ca. Sơn Ca với tay cầm cái đèn dầu đang đặt ở trên bàn uống nước, soi xuống bắp chân trái của tôi, ngó nghiêng trong giây lát rồi để cái đèn đầu lại chỗ cũ. Nét mặt của Sơn Ca thoáng thay đổi, anh ta cắn môi, đôi mắt díp lại suy tư. Tôi nén tiếng thở dài, thản nhiên đưa chén nước chè nóng lên miệng uống một ngụm rồi khà nhẹ một tiếng.

- Tao nhớ là lần trước gặp mày không thấy mày có cái bớt này, đúng không?

Tôi gật.

- Cái bớt có từ bao giờ?

Tôi nhướng mày suy nghĩ trong giây lát mới trả lời:

- Gần hai năm rồi.

- Có ngứa ngáy gì không?

- Không! – Tôi đáp.

- Ừm… có phải sau cái dạo tao té khỏi làng thì mày thấy vết bớt này xuất hiện nơi bắp chân hả?

- Em cũng chẳng nhớ rõ nữa, có thể là vậy.

- Mẹ cái thằng này, tao đang quan tâm đến mày thật lòng đấy.

- Thì có sao em nói vậy mà.

- Nói tao nghe xem, cái bớt không thể tự nhiên xuất hiện như thế được. – Sơn Ca thở dài. - Thứ này rồi sẽ đeo bám mày cả đời.

- Ban đầu em thấy ngứa khi muỗi đốt nên gãi, da chỗ đó ửng đỏ lên rồi lan dần ra xung quanh, đến khi những phần da màu đỏ chuyển thành màu tối như máu tụ thì không còn thấy ngứa nữa.

Tôi cúi người xuống tự véo bắp chân mình để minh họa cho lời tôi đang nói:

- Phần da này cứ bì bì. Đợt trước mẹ em có nghe ai đó mách thử mua thuốc của thầy lang trên mạn ngược bôi.

- Chẳng ăn thua.

- Ừ, Lúc đầu phần da màu nâu này bong ra để lộ phần da non nhưng chỉ vài ngày sau thì đâu lại vào đấy nên… - Tôi bật cười. – Em kệ.

- Mày nói tao nghe thử, mày cố nhớ lại xem.

- Nhớ cái gì?

- Nhớ lại cái đêm giông bão trước đây, mày cố nhớ đi.

- Thì đêm đó có xảy ra cái gì em đều kể với anh hết rồi còn gì nữa.

Sơn Ca nhăn mặt thở dài não nuột. Sau khi rít một hơi thuốc lào kêu đến chói tai thì Sơn Ca ngả người dựa vào cái cột xi măng ngay sau lưng, đôi mắt khép hờ, một lúc sau anh ta gục đầu xuống đưa lên bóp trán suy tư. Bất chợt Sơn Ca ngẩng đầu lên quay sang, ánh mắt của anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi, trong giây phút ấy tôi đã định lảng tránh ánh nhìn này nhưng lại thôi. Tôi gượng cười hỏi:

- Có chuyện gì nghiêm trọng hay sao mà anh nhìn em ghê thế?

- Tao… tao nghĩ… tao nghĩ mày… mày đã bị đánh dấu.

Tôi khẽ nhún vai và không nói gì. Sơn Ca chau mày hỏi:

- Mày hiểu… hiểu câu tao vừa nói chứ?

- Có gì mà không hiểu. – Tôi đáp.

- Vậy mày không lo lắng ư?

Tôi chép miệng, bình tĩnh đáp:

- Lo lắng thì được gì? Vết bớt này không làm em chết được. Nó có thể làm em xấu hơn vài phần nhưng như vậy cũng chẳng sao.

- Đúng là vết vớt không thể làm mày chết được, mày nói không sai. – Sơn Ca nắm hai bàn tay lại, đấm nhẹ lên hai đầu gối. – Vấn đề nằm ở chỗ sau này khi mày trở về với đất thì mọi chuyện mới bắt đầu.

Tôi rướn người lấy tích nước chè, tự rót thêm cho tôi và cả Sơn Ca. Tôi vẫn thản nhiên:

- Làng em ai mà chẳng phải ra Cầu Khoai, xưa nay đó đã quy luật cả rồi, tránh làm sao được. Sống còn chả lo, lo gì lúc nhắm mắt xuôi tay hả anh?

- Mày lạ thật đấy! – Sơn Ca nhăn nhó. – Tao đang nói rất nghiêm túc.

- Em biết! – Tôi gật đầu khẳng định. – Nhưng anh ạ, nếu em chẳng thể làm được gì thì cách tốt nhất là em chấp nhận để sống một cuộc đời thật vui vẻ.

Tôi quay sang nhìn Sơn Ca, tủm tỉm cười rồi nói tiếp:

- Đã là phúc thì không phải họa mà là họa thì không phải phúc, có đúng không?

Mặt Sơn Ca nghệt ra trong phút chốc trước khi nở một nụ cười méo xệch. Anh ta khẽ lắc đầu rồi nói:

- Đây không phải là phúc hay họa. Mày nói tao nghe đi, nói thật.

- Nói gì?

- Chả lẽ từ đợt ấy đến giờ mày không thấy điều gì lạ?

- Em ăn no ngủ kỹ. – Tôi đáp. – Mà anh cũng từng mấy lần bảo là em sống dai lắm mà?

- Tao đã bao giờ bảo mày chết yểu đâu. Cái tao đang nói là sau khi mày toi cơ.

- Chết thì còn biết cái đếch gì nữa mà lo hả anh?

- Vậy phải xem tổ tiên nhà mày phúc dày đến đâu.

- Mà anh bảo đánh dấu là đánh dấu cái gì?

- Sao? Tò mò rồi ư?

Tôi bẻ nửa thanh kẹo lạc cho vào miệng nhai rau ráu, khụt khịt đáp:

- Biết thêm có bao giờ là thừa!

Hai con mắt của Sơn Ca díp lại nhìn tôi nghi ngờ, anh ta nhếch mép cười:

- Nhìn thái độ của mày như này thì hoặc mày là một thằng điên hoặc mày đã biết được điều gì đó rồi.

- Thái độ của em làm sao?

- Đời này chỉ có thằng điên mới không biết sợ mà mày lại không hề điên nên chứng tỏ mày đã mơ hồ đoán biết được điều gì sẽ xảy đến với mày sau này, tao nói như vậy có phải không?

- Sai bét! – Tôi nói. – Em cho rằng sợ không phải là cách vì sợ sẽ khiến người ta mau ra ngoài Cầu Khoai hơn.

Sơn Ca lại thở dài. Anh ta rút từ trong túi áo gói 555 rồi giơ về phía tôi định mời, nửa chừng nhớ ra là tôi không hút nên Sơn Ca nhoẻn miệng cười. Anh ta khẽ xóc lên một cái, đủ để vài điếu thuốc nhô lên cao, kế đó Sơn Ca ngậm lấy một điếu, hơi nghiêng đầu, mắt nheo lại khi ngọn lửa nhỏ từ que diêm Thống Nhất bùng lên. Sơn Ca rít vài hơn thật sâu rồi thở ra bằng mũi, dường như lúc này anh ta đang suy nghĩ rất mông lung. Tôi hiểu Sơn Ca đang lo lắng cho tôi và phần nào đó, có thể là lương tâm anh ta đang cảm thấy chút cắn rứt khi nhớ lại những chuyện xưa cũ đã xảy ra trong khu vườn nhỏ ở đầu hồi nhà tôi năm nào.

Nhiều năm trôi qua, tôi không quên được hình ảnh của Sơn Ca ngồi trong quán nước đầu làng, ngay cả cái cách anh ta châm điếu thuốc cũng vậy. Người thanh niên có dáng vẻ gầy gò ấy ngồi rít hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác trong khi tôi cũng lặng lẽ ngồi gần bên nhâm nhi từng chén nước chè nóng. Tôi không muốn nhớ lại những gì đã xảy ra vào cái đêm đầy biến cố gần hai năm trước, cái đêm đã thay đổi vận mện không chỉ của riêng tôi mà còn nhiều người khác trong gia đình.

Tôi không muốn Sơn Ca phải bận tâm về tôi hay những gì đã xảy ra bởi nếu tôi hé răng nửa lời cũng đồng nghĩa với việc Sơn Ca có thể đoán biết được tất cả bí mật mà tôi đã cố gắng cất giấu bấy lâu nay.

Tôi đã chấp nhận một sự thật rằng nơi bắp chân trái của mình có một vết bớt xấu xí, tôi không ngại. Hà An, cô bạn gái của tôi dường như cũng chẳng hề để tâm đến vết bớt của tôi, cô nàng chưa bao giờ thắc mắc dù chỉ một câu.

Tôi nhớ cái đêm hạ tuần tháng Mười một…

***