Chương 90: Lời Cảnh Báo

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 90: Lời Cảnh Báo

Chương 90: Lời Cảnh Báo


***
R9 bỗng hỏi tôi một câu mà bất cứ kẻ thất bại nào cũng sẽ phải lo lắng:

- Nếu năm tới trượt tiếp thì mày tính sao?

Điểm thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của R9 chỉ là 16 điểm, trong đó môn Địa lý đạt điểm cao nhất, R9 chưa bao giờ tự tin vào môn Lịch sử. 16 điểm cách quá xa điểm chuẩn đầu vào của trường nó thi nên nó bi quan cũng là điều dễ hiểu, còn tôi thì chỉ cách đời sinh viên một nửa bước chân nên tôi có phần tự tin hơn. Điều này cũng giống như bạn thích con số 16 và dồn tất cả tiền trong túi ra để đánh đề nhưng buổi tối kết quả lại về 61 khiến bạn tiếc rẻ mãi không thôi.

- Sao mà trượt được, kiểu gì tao cũng sẽ đỗ! – Tôi đáp với giọng tràn đầy tự tin.

- Chẳng có gì là chắc chắn cả.

- Đúng thế! – Tôi thừa nhận. – Chẳng có gì là chắc chắn nhưng tại sao mày không nghĩ rằng bọn mình sẽ đỗ mà lại nghĩ sẽ trượt? Khác nhau lắm đấy. Kinh nghiệm của tao cho thấy, cùng một chuyện nhưng nếu mày tin bản thân sẽ làm được thì từ đó sẽ sinh ra động lực, sự quyết tâm hướng đến mục tiêu. Còn nếu vừa bắt đầu mày đã tính đường lùi thì… cầm chắc thất bại.

- Đỗ thì ai chả muốn nhưng qua kỳ thi này tao mới cảm nhận rõ ràng một điều là cánh cửa trường đại học quá hẹp, hẹp đến nỗi tao với mày khó mà lách qua được.

- Thua keo này ta bày keo khác, đừng có vì một lần thất bại mà đã nhụt chí. Tao cũng chẳng khá hơn mày là bao nhưng tao tin rằng nếu bọn mình cố gắng thì nhất định sẽ có một kết quả tốt, thật đấy!

Tôi nhăn mặt nhìn R9 hỏi:

- Chẳng lẽ mày nghĩ đến khả năng tiếp nối nghề truyền thống của làng mình?

- Làng mình đầy người giàu có nhưng chẳng biết chữ, cuộc sống vẫn đủ đầy. Mày biết ông Bill Gates ở Mỹ không?

Tôi phẩy tay:

- Nơi đó quá xa, ông đó cũng quá xa, chỉ nên đọc để giải trí thôi chứ đừng mang ông ta ra làm tấm gương. Ý mày nói là ông ấy không cần học hết đại học vẫn trở nên nổi tiếng và giàu có chứ gì?

Câu chuyện về Bill Gates rất phổ biến trong đám học sinh cuối cấp, một số đứa mà tôi biết thậm chí đã mang ông ta ra để làm dẫn chứng cho việc nếu không học đại học thì cũng có đầy cách để làm giàu. Tôi chưa bao giờ đọc hết sách báo nói về Bill Gates bởi vì… nước Mỹ đã từng đánh nhau với Việt Nam, đối với một đứa yêu lịch sử như tôi thì đời nào mà thích kẻ thù cho được. Đây là sự thật bởi tôi mới vừa rời khỏi ghế trường cấp ba ở một vùng quê nên mang trong mình nhiều định kiến chưa thể thay đổi được.

- Ừ, có thể coi là vậy!

- Tao xin mày! Đừng có nhìn cuộc đời một cách giản đơn bằng hai con mắt như thế.

- Không nhìn bằng mắt thì nhìn bằng gì?

Tôi dùng ngón tay gõ nhẹ lên một bên thái dương, cười khẩy:

- Kết hợp với não nữa, thằng đần!

- Mày lúc nào cũng tỏ ra khôn lanh cả, vậy mày nói tao nghe thử xem không nhìn bằng mắt thì nhìn bằng não kiểu gì?

Tôi nhóp nhép miệng:

- Được, nếu mày chịu nghe thì cậu sẽ nói cho mày nghe. – Tôi ngồi thẳng lưng, điệu bộ trịnh trọng. – Mày cứ thử nghĩ mà xem, chẳng cần phải xem ở đâu xa, cứ nhìn quê mình là biết thôi.

R9 tỏ vẻ chăm chú nhưng miệng nó vẫn rau ráu nhai kẹo lạc còn tôi bắt đầu bài thuyết trình của mình:

- Thế hệ bố mẹ bọn mình chỉ có khoảng năm phần trăm học lên cấp ba, chín mươi lăm phần trăm còn lại chỉ tốt nghiệp lớp 7 (hệ mười năm) và trong số này chưa kể nhiều người mới học hết tiểu học rồi bỏ đi làm, tao nói có đúng không?

R9 gật gật, tôi nói tiếp:

- Bác tao học hết lớp 10 thì đi bộ đội, bây giờ bác ấy làm trưởng thôn, có thể gọi đó là tầng lớp tri thức ở làng này, phải không nào?

- Nói thì nói mẹ mày một mạch đi, cứ nhát gừng.

- Chín mươi lăm phần trăm còn lại học hành không đến nơi đến chốn vì nhiều lý do, trong đó có bố mẹ tao với bố mẹ mày. Bây giờ so luôn nhà tao với nhà mày đã thấy khác biệt về kinh tế một trời một vực trong khi học hành giống nhau. Tao nghĩ sự khác biệt đấy được tạo ra từ tính cách với cả môi trường, bố mẹ tao nhanh nhẹn trong khi bố mẹ mày lành quá, ngại va chạm nên cũng ít cơ hội làm giàu.

- Ừ, có lý! – R9 gật gù.

- Nhưng mày phải nhận ra một điều là chưa ai thống kê những người chỉ học hết lớp 7 ở cả làng này thì ai là người giàu nhất nhưng tao chắc chắn đó không phải là bố tao. Bên cạnh đó, tao chú ý thấy những người có kinh tế khá giả đều một mực muốn con cái học hành đến nơi đến chốn, người càng giàu thì họ càng muốn con cái học hành thành tài mày biết vì sao không?

R9 ngẫm nghĩ giây lát:

- Để sau này nó không phá của đúng không?

- Đúng, không phá đi cơ đồ của cha ông, thậm chí còn phát huy hơn nữa, làm cho gia sản thêm kếch xù. Bố tao làm Giám đốc nhưng bố tao thuê anh Tùng, anh ấy tốt nghiệp trường Bách Khoa nên rất giỏi. Ngoài anh Tùng, bố tao còn thuê một chị kế toán tốt nghiệp Trường Kinh tế Quốc dân nữa, toàn trường xịn. Bố tao bảo phải thuê những người tài, người giỏi để bổ sung chỗ yếu, chỗ thiếu của mình.

- Ờ! – R9 đưa tay lên sờ cằm, vẻ mặt đăm chiêu.

- Cái ông Bill Gates đấy không học hết đại học nhưng kiểu gì ông ấy cũng có cả trăm, cả nghìn người tài giúp việc cho. – Tôi kết luận.

- Nhưng mày nói như thế chưa chứng minh được gì cả.

Tôi đứng dậy vặn mình vài cái, hạ giọng hỏi R9:

- Có bao nhiêu người như Bill Gates?

- Bố ai mà biết được!

- Đúng! Nhưng tao có thể chắc chắn một điều rằng đó không phải là tao với mày. Nhà mày bây giờ có thể xem là hơi nghèo một tí, mà các các cụ hay đơn giản hơn là sách báo cũng hay đề cập đến việc học hành để thoát nghèo, hiểu chưa? Học để thoát nghèo cái đã, còn thoát được nghèo rồi có trở nên giàu ú ụ hay không là một chuyện khác. Tao thấy điều này rất có lý, nếu đói thì cần phải phấn đấu cho no bụng, no bụng rồi mới tính chuyện ăn ngon chứ sao có thể một tấc đến trời được.

- Thôi được rồi, mày nói lắm bỏ mẹ ra.

Hiểu là một chuyện nhưng thực hiện là một chuyện hoàn toàn khác. R9 có hoàn cảnh khác tôi, suy nghĩ khác tôi, nó là đứa cả nể, dễ bị lôi kéo vào những thứ viển vông, nói trắng phớ ra là bánh vẽ trong khi tôi từ bé đến lớn chỉ thích làm theo ý mình, tuy mộng mơ nhưng lại rất thực tế. Chị Ma tuy không trực tiếp dạy cho tôi biết những điều vừa rồi nhưng chị ấy kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện mà chị ấy đã nghe, đã thấy trong những năm… làm ma. Từ những câu chuyện của chị ấy, tôi kết hợp với sách vở rồi vận dụng vào thực tế để đúc kết ra những hiểu biết, những nhận định cá nhân.

Tôi luôn kiên định với mục tiêu của mình nhưng R9 thì không, nó hay bị người khác kéo ngang sang thực hiện những mục tiêu lớn. Tôi đã dăm lần bảy lượt cảnh báo, ngăn cản, thuyết phục nhưng không thành. R9 đã tiêu tốn mười lăm lăm cuộc đời để làm những việc không đầu không cuối theo như cách mà tôi nói, tôi thường xuyên chửi nó. Mãi cho đến khi chẳng còn lựa chọn nào khác, phải đối diện với hiện thực phũ phàng, lo miếng cơm manh áo thì R9 mới bắt tay vào công việc bán hàng và nó đã ít nhiều thành công, chí ít cũng đủ lo cho vợ con một cuộc sống không thiếu thốn.

Hai đứa chúng tôi nói chuyện đến nửa đêm thì R9 lấy xe đạp của tôi ra về. Gặp lại bạn thân, cũng chẳng khuyên bảo nhau được gì nhiều nhưng những câu chuyện không đầu không cuối khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn vài phần. Tôi cũng chẳng biết nếu năm sau tôi tiếp tục trượt thì sẽ ra sao, có lẽ người yêu cũng chia tay tôi, bố mẹ sẽ nhiếc móc… và như vậy, tôi chỉ còn cách bỏ xứ mà đi chứ mặt mũi nào ngồi trước thằng bạn thân của mình mà lên lớp.

- Em lại làm ăn với thằng Ca đấy hả?

Tôi có chút bất ngờ khi mới chợp mắt thì chị Ma đã gọi tôi dậy để hỏi chuyện. Tôi thừa nhận ngay:

- Anh ấy rủ em.

- Thằng Ca bây giờ không phải thằng Ca hồi trước đâu, nó đã khác rất nhiều.

- Mưu mô và xảo quyệt hơn! – Tôi phụ họa. – Ai rồi cũng thế cả chị ạ, em cũng có phải là em của ngày trước đâu.

- Chị chỉ muốn nhắc nhở em rằng nếu có biến cố gì xảy ra thì đừng bao giờ tiếp tục những công việc mò mẫm đêm hôm như này nữa.

- Vâng!

- Hãy hứa với chị!

- Hứa gì ạ?

- Hứa là nếu có biến cố gì xảy ra thì phải từ bỏ cách kiếm tiền bất chính đang làm với thằng Ca.

Tôi nhăn mặt nói với giọng yếu ớt:

- Chỉ là tiện thể thôi mà chị.

- Không nói nhiều, chị cần một lời hứa! – Chị Ma gằn giọng, nét mặt trở nên nghiêm nghị.

Tôi hiểu rằng lời hứa với vong hồn một khi đã nói ra thì phải thực hiện cho đến cùng nếu không muốn bản thân bị dày vò quanh năm suốt tháng.

- Cách giữ lời hứa tốt nhất là không hứa! – Tôi nói sau khi đã cân nhắc kỹ càng. – Nhưng em sẽ nghe lời chị, nếu có biến thì em sẽ bỏ ngay việc hợp tác với anh ấy.

Chị Ma chau mày nhìn tôi, cái nhìn sắc lạnh khiến tôi phải hướng sự chú ý của mình lên ngọn tre đang khẽ lay động trong gió khuya để lảng tránh.

- Nể tình nó xây miếu thờ nên chị tạm bỏ qua những chuyện trước đây. – Chị Ma khuyến cáo tôi. – Nên nhớ chỉ là tạm thôi. Thầy có lúc mạnh lúc yếu, nay nó mạnh thì những kẻ khác phải chịu nhịn nhưng một khi nó yếu thế, dậu đổ bìm leo, hậu quả khôn lường. Em đừng có dây dưa vào.

Nghe chị Ma nói vậy, tôi liền hỏi lại:

- Anh Ca hay nói về cái chết, liệu… liệu đó có phải là điềm không chị?

Chị Ma giơ ngón trỏ chỉ lên trời, khẽ hất hàm:

- Trời cao có mắt, vải thưa sao che được mắt thánh.

- Anh ấy có hỏi về vết bớt ở chân của em. – Tôi đổi chủ đề.

Chị Ma cười nhếch mép, lườm tôi:

- Dù gì vết bớt đấy vẫn đỡ hơn là thằng Cò Tý trở thành "Thiết Một Chân"!

Dứt lời chị Ma che miệng cười khúc khích còn tôi cũng chỉ biết thở dài. Chị Ma nói đúng, một vết bớt chỉ làm cho cái chân xấu đi vẫn đỡ hơn khi tôi bị què. Nghĩ đến hỗn danh Tý Què bỗng nhiên tôi cảm thấy lạnh sống lưng, khẽ rùng mình.

***