Chương 84: Băng Đồng Trong Đêm Tối

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 84: Băng Đồng Trong Đêm Tối

Chương 84: Băng Đồng Trong Đêm Tối


***
Tôi rảo bước nhanh qua cầu Đình, nhắm hướng quán quen và băng qua đường cái. Chiếc xe Win màu đen mới cáu cạnh của Sơn Ca dựng khuất sau gốc cây, phải chú ý lắm mới có thể nhận ra được vì ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn hắt ra từ trong quán nước không thể hắt đến được. Sơn Ca ngồi trên băng ghế gỗ, ăn bận bộ đồ cũ kỹ, một cái ba lô căng phồng đặt cẩn thận giữa chân. Tôi chưa vào đến quán thì Sơn Ca đã vội bước ra, kéo nhẹ áo tôi thì thào:

- Mẹ kiếp, đi đào đất chứ đi chơi hội đâu mà mày ăn mặc chỉnh tề như này?

Tôi ngước mắt nhìn Sơn Ca, nhếch mép cười khẩy:

- Ngây thơ!

Sơn Ca đần mặt ra nhìn tôi. Tôi hất hàm về phía chiếc xe máy:

- Anh cũng thật biết cách chơi nổi, giờ cái xe mang về nhà em có phải không? Sao không lấy con Cub mà đi?

Sơn Ca chẳng nói chẳng rằng móc chìa khóa xe từ trong túi ao ra dúi vào tay tôi và hỏi:

- Liệu mày có đi được không đấy?

- Chỉ có ô tô là em chưa lái được chứ mấy con xe ghẻ này có gì là khó.

- Đi cho cẩn thận!

- Cứ vào ngồi uống nước chờ em một tí, anh hẳn là đã ăn tối rồi chứ nhỉ?

- Đớp rồi.

Tôi đạp nổ chiếc xe Win nhưng quả thật có chút khó khăn khi quay xe hoặc giữ thăng bằng vì chiều cao của tôi có phần hạn chế. Tôi chưa lái xe Win này bao giờ nên tôi không nghĩ là khi ngồi lại có vẻ cao và khó điều khiển hơn chiếc Dream II mà tôi hằng ao ước. Sơn Ca nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Tôi khịt mũi:

- Em chưa quen thôi chứ xe này chạy khác gì Simson hay Minsk đâu, Minsk to hơn em còn chạy được cơ mà.

Tôi không nói láo nửa lời. Xe Minsk ở Hà Nội thì vắng bóng nhưng tôi cũng đôi lần cưỡi thử rồi, nhà bạn tôi bố nó làm nghề mổ lợn nên có một con Minsk to đùng dùng làm xe thồ. Sau vài giây tỏ ra bỡ ngỡ trong việc giữ thăng bằng, tôi nhìn Sơn Ca, cười lớn rồi từ từ cho xe chạy qua đường. Tôi muốn trêu Sơn Ca nên đã bóp côn đồng thời vê ga vài cái, tiếng pô xe nổ giòn giã phá tan bầu không khí yên tĩnh nơi đầu làng.

- Xe của ai thế này?

Bà Già thắc mắc khi tôi kê tấm ván gỗ để dắt xe lên nhà.

- Xe của bạn cháu gửi, chốc nữa lấy bà ạ.

- Mày đừng có tụ tập chơi bời với mấy đứa phá làng phá xóm, cẩn thận đây là đồ ăn cắp thì khốn, bạn mày sao có tiền mua cái xe đẹp như này?

- Xe của bố nó chứ nó lấy tiền đâu ra mà mua. Bạn cấp ba của cháu, nó đi ăn cỗ ở làng bên đã uống say bí tỉ nên phải gửi tạm thôi.

Dựng xe ngay ngắn giữa nhà xong xuôi, tôi thay đôi xăng – đan bằng đôi dép tổ ong màu trắng, cất tiếng chào bà sau đó đi ra đống rơm trong vườn nhà moi ra cái ba lô đã giấu sẵn lúc chập tối. Bên trong ba lô là những trang bị cần thiết cho đêm nay, bao gồm cả quần áo để thay đổi nhân dạng. Tôi làm mọi thứ rất thuần thục mặc dù đã lâu rồi tôi không đi khuya kiểu như thế này.

Gặp tại tôi, ánh mắt Sơn Ca ba phần ngạc nhiên bảy phần khó hiểu trong khi tôi vẫn thản nhiên chẳng hề để tâm đến điều này. Tôi gọi một chai Coca rồi nhanh chóng uống cạn, sau đó lấy thêm hai chai nước khoáng Kim Bôi nhét hai bên ba lô trong khi Sơn Ca vẫn ngồi gần đó, hai mắt lim dim như thể đang phê thuốc lào.

- Anh biết trạm bơm làng em chứ? – Tôi hỏi nhỏ.

Sơn Ca khẽ gật đầu. Tôi nói thêm:

- Chờ nhau ở đấy, em đi trước.

Kín đáo đảo mắt quanh một lượt, tôi nhanh chóng rời khỏi quán nước đầu làng, phút chốc đã lẫn vào bóng đêm. Một mình tôi lặng lẽ bước trên con đường đất nhỏ, phía trước mặt là cánh đồng với những ruộng lúa hãy còn trơ gốc rạ trải dài như vô tận, một bên là những bụi găng, bên còn lại là rãnh nước tưới tiêu, tôi cứ thế mà đi. Trăng thượng tuần vẫn chưa lên, bóng tối vây tứ phía nhưng trạm bơm nước được xây dựng kiên cố từ những năm 60 của thế kỷ trước vẫn hiện rõ trên nền trời là một khối đen hình vuông. Tôi hạ ba lô xuống ven đường, ngó trước nhìn sau cho có lệ sau đó nhanh chóng thay quần áo. Cái áo sơ mi dài tay cùng quần Jeans nhanh chóng được thay bằng cái quần cộc ba màu xanh đỏ tím của Thái Lan và cái áo thun cộc tay. Tôi chưa bao giờ mặc áo ba lỗ, đơn giản là vì thân hình của tôi chỉ có da bọc với xương, mặc cái áo đó thì có khác gì một thằng nghiện đâu.

- Ra là thế, mày vẫn láu cá như tao nghĩ!

Tôi xem đây là một lời khen mà Sơn Ca dành cho mình.

- Anh cũng thay quần áo chứ nhỉ? – Tôi hỏi lại.

- Tao cũng mặc quần cộc luôn cho mát, mấy hôm nay trời oi thật.

Đang nhét cái quần dài vào ba lô, dường như sực nhớ ra điều gì nên Sơn Ca quay sang hỏi:

- Ơ, mẹ kiếp! Thế công cụ lao động đâu mà mày đi người không thế này?

- Ăn vụng phải biết chùi mép chứ anh. – Tôi nói với giọng đắc ý. – Lúc chập tối em đã mang những thứ đấy giấu bên hông trạm bơm, ngay sau lưng anh em mình đang ngồi đây này.

- À, đồ tốt chứ hả?

- Đã mang đến cửa hàng bên xã người ta mài lưỡi cho sắc bén, gần hai năm chẳng đụng đến sợ là không được ngọt.

- Được, xem như tao không nhìn nhầm người.

Khoác ba lô lên vai, tôi lom khom chạy đi lấy dụng cụ, chỉ một loáng sau đã trở lại chỗ cũ và đưa cho Sơn Ca cầm cái xà beng vì đó là thứ nặng nhất trong ba món cơ bản. Tôi một tay cầm thuổng, tay còn lại giữ cái xẻng đang vác trên vai và tiếp theo đó, hai bóng đen lầm lũi bước trong bóng tối, băng đồng trực chỉ hướng mặt trời mọc mà đi. Một vài cơn gió nhẹ thổi ngang qua mang theo mùi ngai ngái của đất, trong suốt nửa chặng đường đến mục tiêu thì tôi và Sơn Ca không ai nói với ai lời nào. Hai chúng tôi đi qua bãi Mã Đình, nơi này rất dễ nhận ra vì lác đác có một số ngôi mộ đất và hàng phi lao, từ vị trí tôi đang đi, thẳng về hướng Đông sẽ là bãi Bã Mía còn phía tay phải tôi là khu Đất Sét.

- Khu đầm sen làng mày ở phía đằng kia phải không?

Sơn Ca hỏi tôi đồng thời chỉ tay về hướng Nam. Trước khi trả lời Sơn Ca, tôi phải ngoái nhìn về hướng Bắc tìm mốc chuẩn là những cây cao chót ngót ngoài cổng làng nhằm xác định phương hướng.

- Đúng rồi, chếch về phía này một tí. Hồi trước, lúc còn nhỏ thi thoảng em vẫn hay ra khu đấy mót củ sen về cho bà Già ăn để bà ngủ cho dễ, sau này bà không ăn nên em cũng chẳng bén mảng đến khu ấy làm gì, nắng bỏ cha bỏ mẹ, cây cối thì chẳng có.

- Có ai trông nom nơi đấy không mà có ánh đèn thế?

- Người ta thầu để nuôi cá, nuôi vịt, họ quây lại cả rồi.

- Người làng mày à?

- Vâng, hình như một ông chú họ nội của em. À, mà sao anh quan tâm đến chỗ đấy? Có gì hay ho hả?

- Chưa biết nữa.

- Hẳn là có gì đó chứ chẳng tự nhiên anh hỏi, xưa nay anh có vô tình bao giờ đâu nhỉ? – Tôi hỏi, giọng mỉa mai.

- Qua khu đầm ấy là địa phận làng khác hả?

- Phải! – Tôi xác nhận. – Nhưng em cũng chưa bao giờ đặt chân đên đấy bao giờ, chỉ có thể đi bộ, bọn trẻ con cũng không mấy khi sang làng đó trừ khi đi ăn cỗ. Làng em với làng đó có hiềm từ xưa nên không có lối qua lại.

- Làng mày là một ngôi làng lạ lẫm nhất mà tao biết, làng đếch gì mà cứ thích một mình một kiểu, nhìn khắp tứ phía duy chỉ có lối sang bên xã là thông còn đâu… - Sơn Ca tặc lưỡi. – Chơi một mình như thế đâu vui.

- Đấy là việc của các cụ chứ hạng con cháu như em thì biết gì.

- Làng mày so với những làng xung quanh thì nhỏ nhất, tao đi khắp cả rồi nên tao biết rõ địa thế. Có điều tao nghĩ mãi chưa thông là làng thì bé bằng cái lỗ mũi mà ruộng thì trải dài đến tận lũy tre làng bên là cớ làm sao? Nếu so về tiền của thì chắc gì làng mày đã nhiều hơn làng khác.

Tôi vẫn căng mắt ra để nhìn cho rõ đoạn đường phía trước, thật ra chẳng có con đường nào cả, hai chúng tôi đang đi trên những thửa ruộng, trời tối nên chỉ cần chú ý những bờ thửa ngăn cách các ruộng lúa với nhau mà thôi.

- Hơn nửa thế kỷ trước thì ruộng mà ông nội em sở hữu thẳng cánh cò bay, cò bay mỏi quá phải đậu tạm xuống ruộng rồi mới bay tiếp một hồi.

- Mày phét lác nó vừa thôi.

Tôi tặc lưỡi:

- Ờ thì em có nói quá một tí nhưng ông em là địa chủ ruộng đất mà, ngoài ruộng ra thì có cái gì nữa đâu. Những người có tiền ở làng em đều tập trung mua ruộng, mua rất nhiều, mua nhiều nhất có thể, ai bán cũng mua cho bằng được sau đó cho người làng khác thuê lại.

- Ý mày đấy là nguyên nhân của việc làng mày nhiều ruộng?

- Có thể đó là nguyên nhân chính.

- Làng mày vẫn cứ thật là lạ!

Sơn Ca vừa nói vừa thở dài, tôi chẳng hiểu anh ta đang nghĩ gì.

***