Chương 80: Gặp Lại Cố Nhân

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 80: Gặp Lại Cố Nhân

Chương 80: Gặp Lại Cố Nhân

***
Tôi bắt đầu kỳ nghỉ hè, một kỳ nghỉ hè thật sự và đúng nghĩa bên Hà An. Thường thì chúng tôi chỉ ở hai nơi, hoặc nhà Hà An hoặc nhà tôi vì thú thật là hai đứa chẳng biết đi đâu. Quán bún thịt chó của bố Hà An mới mở, khách đến ăn hầu hết là người quen và hàng xóm láng giềng nhưng phần đông người ta đến ăn sáng nên sau 8 giờ là vắng hoe, rất hiếm khi có một người khách vãng lai ghé vào. Tôi không lấy làm lạ về điều này bởi gọi là quán nhưng thực chất bố Hà An đã phá bức tường có cửa sổ hướng ra đường cái và thay vào đó một cái cửa xếp, bên trong có hai cái bàn gỗ dài. Bởi nhìn nó không giống một hàng quán nên khách khứa vì thế đi qua ít chú ý, song bố Hà An dường như chẳng bận tâm về điều này. Những ngày nghỉ ở quê, hầu như sáng nào tôi cũng đạp xe lên ăn sáng miễn phí, Hà An tự làm cho tôi một bán… chó bún vì thịt chó nhiều đến ngọn còn bún lại chẳng thấy đâu.

Nỗi buồn của tôi nhạt dần sau mỗi ngày, tôi mau chóng lấy lại được thăng bằng, nụ cười cũng như sự hồn nhiên của cô bạn gái góp phần rất lớn.

Để tránh… tai mắt của mẹ tôi, mỗi lần rời khỏi hay về làng thì tôi đều đi theo con đường nhỏ chạy song song với đường cái, ngăn cách bởi mương Khoai. Tôi không muốn đi qua đầu làng vì tôi đồ rằng mẹ tôi kiểu gì cũng gọi điện về đó hỏi thăm tình hình của tôi. Nói đâu xa, chỉ mới chiều hôm qua bà chị họ của tôi đạp xe xuống gặp tôi, chỗ chị em thân tình, lại học chung với nhau mấy năm nên chị ấy đã mách với tôi rằng ngày nào mẹ tôi cũng gọi về hỏi han đủ điều về tôi.

- Mẹ mày đọc báo thấy bảo có đứa trượt đại học buồn quá nhảy cầu tự vẫn nên mẹ mày sợ mày cũng nghĩ quẩn.

Tôi cười khẩy:

- Mẹ em toàn lo lắng đâu đâu, em ngu gì mà nhảy cầu, em không có gan ấy đâu. Năm nay trượt thì năm sau tính tiếp, sao phải tự kết thúc mạng sống của mình lãng nhách như thế?

- Ai mà biết được.

- Thế còn chị? Chị sẽ đi học hay làm gì sắp tới?

- Tao tính đi học may ở trên huyện hoặc có thể tao sẽ học một trường nghề nào đấy, nói gì thì nói cần phải có một cái nghề mày ạ.

- Chị nói phải, em thấy quê mình đi học may cũng được đấy. Đời sống kinh tế mỗi ngày một phát triển, kiểu gì người ta chẳng mua vải vóc, may quần áo. Các cụ xưa có câu phú quý sinh lễ nghĩa, càng có tiền thì càng ăn mặc đẹp. Chị học xong bảo bác mở cho một cửa hàng may nho nhỏ ở bên xã có khi lại kiếm bộn.

Chị họ tôi hơn tôi hai tuổi, chị là một người hiền lành giống như cái tên của chị. Cũng giống như bao cô gái khác ở tuổi cập kê, hai bác của tôi cũng muốn chị sớm yên bề gia thất nhưng chị chưa tìm được ý trung nhân. Chị cũng giống tôi, không muốn cuộc đời sau này gắn với cái cối xay đỗ hay mâm đậu phụ ở một chợ cóc nào đó nơi Thủ đô nhộn nhịp. Chị đi học may một thời gian sau đó theo học một trường nghề trên tỉnh, ở nơi đó chị quen anh rể tôi, một anh chàng đẹp trai với nước da trắng ngần cùng nụ cười khiến bao cô gái si mê. Chị tôi mê trai đẹp, chuyện này cũng rất bình thường, ai mà chẳng mê cái đẹp, tôi cũng mê gái đẹp đó thôi. Nhưng cuộc đời rất tréo nghoe, đàn ông xấu có thể lấy vợ đẹp và hạnh phúc chứ phụ nữ kém nhan sắc mà lấy đàn ông đẹp mã e rằng cuộc đời sẽ gặp nhiều gian truân.

Anh rể tôi không phải người làng Bưởi Cuốc nhưng lại đam mê cờ bạc, anh ấy cũng chịu khó lao động, thương vợ con nhưng chẳng thể từ bỏ được môn đỏ đen đã làm bao gia đình tán gia bại sản. Bác tôi, một người đã vào sinh ra tử trước hòn đạn mũi tên ở chiến trường K đủ kinh nghiệm để nhìn người nên nhất quyết ngăn cản mối lương duyên của chị nhưng chị không chịu, tuổi trẻ mà. Chị và anh rể tôi khi đó chưa cưới, đã quyết định sẽ bỏ học để đi làm ăn xa. Chị đã gọi cho tôi vào một buổi tối để hỏi địa chỉ nhằm tá túc vài hôm trước khi Nam tiến. Tôi đã cân nhắc trước khi gọi điện báo cho bác tôi và bác đã ngay lập tức lên tỉnh lôi chị về. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, bác tôi đồng ý cho hai người làm đám cưới. Chị tôi đã rất hạnh phúc.

Nhiều năm trôi qua, chiều hôm ấy tôi đang ở thành phố Quy Nhơn trong một chuyến công tác thì nhận được tin anh rể tôi đã mất, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ. Tôi lặng người khi nghe tin và cũng chỉ biết thở dài não ruột. Suốt hành trình trở về, tôi chìm vào suy tư và tự hỏi năm xưa cuộc điện thoại của tôi liệu có phải đã thay đổi cuộc sống của một người khác hay không? Thật khó mà biết được. Tuy nhiên trong sâu thẳm tâm can tôi vẫn cảm thấy có chút áy náy nhưng… biết làm sao được, tương lai vốn bất định cơ mà.

Một chiều hạ tuần tháng Tám, tôi đạp xe từ nhà Hà An trở về. Hôm nay tự dưng tôi không muốn theo lối cũ vào làng mà đi bằng lối cổng chính và tôi luôn giữ bộ mặt như đưa đám của mình. Tôi muốn mọi người biết là tôi đang buồn, điều này phù hợp với hoàn cảnh của tôi bây giờ lắm lắm.

- Ê, Cò Tý, Cò Tý!

Có tiếng ai đó gọi tôi giật giọng. Tôi bất ngờ vì giọng nghe quen quen, thêm nữa chỉ có người thân quen từ lâu mới gọi tôi bằng cái tên ở nhà. Tôi dừng xe, ngoái lại nhìn về phía quán nước ven đường, nét mặt thoáng chút rạng rỡ nhưng ngay lập tức tôi phải điều chỉnh về trạng thái buồn bã. Người thanh niên gầy gò từ trong quán nước nhanh chân chạy đến chỗ tôi không ai xa lạ mà chính là Sơn Ca, anh thầy phù thủy lắm mưu nhiều kế chỉ hơn tôi ba tuổi.

- Khỏe không mày?

Sơn Ca vỗ vai tôi một cái thật mạnh, nét mặt tươi cười, chỉ còn thiếu điều ôm chầm lấy tôi nữa là chẳng khác gì chiến hữu nhiều năm không gặp.

- Thì vưỡn! – Tôi đáp với vẻ mặt buồn rầu.

- Khỏe là tốt rồi. Mẹ kiếp, trượt đại học năm nay thì năm sau thi, mà học đại học ra trường cũng chỉ để kiếm cơm thiên hạ chứ báu gì, vào đây, vào đây cái đã.

Tôi ngạc nhiên:

- Anh mới vào nhà em chơi à?

- Không! – Sơn Ca lắc đầu.

- Thế sao anh biết là…

- Ngồi lê quán nước đầu làng thì biết thôi! – Sơn Ca nhe răng cười. – Nói phét mày thế, thực ra tao có gọi cho bố mày hỏi thăm sức khỏe nên vô tình biết được mày đang ở quê. Sao? Tính ru rú trong làng để chạy trốn thất bại hả?

Tôi không vội trả lời câu hỏi của Sơn Ca mà dựng xe đạp vào gốc cây cạnh quán, kéo băng ghế gỗ để ngồi rồi gọi một chai Coca như thường lệ. Sơn Ca cũng không vội hỏi thêm, anh ta véo một nhúm thuốc lào, vo viên lại chuẩn bị làm một hơi.

- Mấy năm không gặp, nhìn anh dạo này vượng đấy chứ? Vợ con sao rồi anh? Hồi anh cưới em không đi được nhưng em có gửi tiền mừng đàng hoàng đấy nhé!

- Biết rồi, biết rồi! Bố mày có đưa tận tay tao nói là tiền mày mừng cưới! Mày khá, mới tí tuổi đầu đã chơi sang, mừng bố mày tận hai trăm.

- Số đấy có là bao so với những gì em đã kiếm được từ anh. – Tôi cười, nói nửa đùa nửa thật. – Chỉ là lại quả thôi mà.

Sơn Ca nhếch mép cười, nghiêng đầu rít một hơi thuốc lào thật dài rồi phả khói mù mịt, mắt lim dim:

- Từ dạo tếch khỏi cái làng chết tiệt này rồi lấy vợ thì tao vớ nhiều quả bẫm. Mẹ kiếp, cái làng chết tiệt này mãi tao đếch hiểu vì sao tao lại tốn công tốn của mà chẳng được gì.

Vừa nói Sơn Ca vừa khéo léo vạch nhẹ cổ áo cố ý để tôi nhìn thấy sợi dây chuyền vàng to tổ bố lấp ló bên trong cái cổ áo đen sì vì ghét bẩn. Nhìn bộ dạng của Sơn Ca người ta sẽ nghĩ sợi dây chuyền bằng vàng này hẳn là đồ giả nhưng tôi chẳng lạ gì anh ấy. Sơn Ca nháy mắt với tôi:

- Xịn không?

- Có ngày bị giật mất thì lại vui! – Tôi nhếch mép cười.

Sơn Ca hất hàm về phía chiếc xe Win 100 màu đen mới cáu cạnh dựng gần đó, nói tiếp:

- Con xe kia phù hợp với việc leo đèo lội suối.

Tôi chẳng thích xe Win lắm, trong mắt tôi chỉ có Dream và phần còn lại của thế giới xe máy. Tôi chau mày:

- Phục vụ việc đào mồ cuốc mả nhà người ta?

- Mày câm mẹ mồm đi! Tao đào mồ cuốc mả nhà người khác bao giờ.

- Ấy là em nói vui thế. Mà anh ngồi đây chờ ai?

- Tao ngồi chờ mày chứ ai.

- Hả? – Tôi ngạc nhiên.

- Nãy tao nhờ người vào nhà tìm thì bà mày bảo là mày đang ở nhà con bé nào đấy ngoài Đông Côi nên tao chỉ còn cách ngồi canh miếu.

- Thế là anh may đấy, mọi lần em không đi lối này!

- Mẹ kiếp, may cái đếch gì, bố mày ngồi bấm quẻ đoán kiểu gì mày cũng sẽ về trước giờ gà lên chuồng nên mới ngồi chứ không bố tếch rồi.

Tôi khẽ nhún vai, ngửa cổ uống nốt phần còn lại của chai nước ngọt. Lời Sơn Ca vừa nói nếu người ngoài nghe được sẽ nghĩ anh ta phịa nhưng tôi thì không, tôi biết anh ta có khả năng đấy. Bảo sao khi nãy đến cầu Thường Vũ tôi định rẽ đi theo lối cũ mà chẳng hiểu thế nào lại đạp xe đi thẳng, rõ ràng là tay này ngày một nguy hiểm.

***