Chương 78: Những Ngã Rẽ Cuộc Đời

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 78: Những Ngã Rẽ Cuộc Đời

Chương 78: Những Ngã Rẽ Cuộc Đời


***
Tôi và R9 cùng luyện thi tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo đúng mong muốn của tôi vào mỗi buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Bởi R9 hay bỏ ngang, cúp học đi chơi điện tử cùng với em trai của tôi nên tôi thường đạp xe đi học một mình, đôi khi một anh công nhân đang làm cho gia đình tôi sẽ chở tôi đến trường bằng xe máy.

Tôi ôn thi rất chăm chỉ và nghiêm túc, tôi đã có rất nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên bước qua cổng ngôi trường mà tôi hàng ước ao một ngày nào đó mình sẽ là sinh viên. Ngồi trong lớp luyện thi rộng rãi cùng hàng trăm bạn học đến từ nhiều tỉnh thành, thầy giáo giảng bằng micro… khiến tôi có chút choáng ngợp xen lẫn háo hức. Và vì thế, mong muốn trở thành sinh viên của tôi có thể vì thế mà trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi còn tự nhủ với bản thân rằng:

- "Sớm thôi, chỉ hai tháng nữa thì mình sẽ là sinh viên của cái trường này."

Mẹ tôi cũng rất tin tưởng rằng con trai rồi sẽ trở thành sinh viên của một ngôi trường danh giá! Bố tôi đã không còn ở Hà Nội vì bố đang bận rộn với công việc tiếp nhận nhà máy sản xuất bia ở thành phố Bắc Giang, nhà máy mà bố đã trúng thầu tháng trước.

Nhà tôi và nhà Hà An đều có điện thoại bàn nên chúng tôi đã thống nhất ám hiệu với nhau, đó là Hà An nhá máy vào số cố định của nhà tôi, chỉ duy nhất một tiếng chuông rồi cúp, sau đó tôi sẽ gọi lại. Ban đầu mẹ tôi chẳng để tâm nhưng dần dà mẹ bắt đầu để ý sau mỗi lần chuông đổ một hồi là y như rằng tôi sẽ bốc máy gọi điện nên mẹ tôi cấm luôn. Hóa đơn điện thoại cố định của gia đình tôi tăng hơn hai mươi phần trăm trong tháng đầu tiên tôi đặt chân ra Hà Nội, tương đương khoảng hơn hai trăm nghìn đồng.

Nói chuyện với người yêu mà mẹ tôi cứ đứng cạnh, mắt long lên sòng sọc thì làm sao nói chuyện thoải mái cho được, vậy nên tôi quyết định không cần dùng đến máy cố định nữa. Tôi cũng có điện thoại di động, một cái di động rất xịn sò nhãn hiệu Motorola trị giá vài triệu đồng. Món đồ sang chảnh này tất nhiên là tôi đời nào bỏ tiền ra mua, của một đống tiền chứ ít ỏi gì. Vài năm trước, một người đàn ông lạ mặt tốt bụng đã "tặng" cho tôi, lúc đấy tôi đã định đem bán nhưng sau cùng quyết định giữ lại vì… nó rất đẹp! Ai mà ngờ có lúc dùng đến.

Thời điểm giữa năm 2001, để đăng ký một số điện thoại di động không hề đơn giản nhưng cho dù khó khăn đến thế nào thì tôi cũng phải tự làm. Trong tay tôi có Chứng minh thư và sổ hộ khẩu, tôi lên Bưu điện Bờ Hồ để đăng ký một số Vinaphone nhưng đông người nên tôi thiếu tự tin. Vậy nên tôi đã về quê đăng ký, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, tình yêu thì luôn… đắt đỏ! Một phút nói chuyện qua điện thoại sẽ tốn khoảng hơn ba nghìn đồng, block 30 giây, tôi nhớ là vậy. Cũng may là tôi có tiền, nếu thiếu thì tôi chỉ cần về quê, chạy ra sau vườn nhà, đào bới một lúc rồi lấy lên một cái nhẫn trơn hai chỉ là xong. Tất nhiên, đất nhà tôi không tự nhiên có vàng, còn vàng ở đâu ra để đào dễ dàng là một bí mật khác mà tôi đã từng kể. Mẹ tôi, R9 và ngay cả lũ em của tôi, chúng nó luôn thắc mắc vì sao tôi lại thường xuyên có tiền mà chẳng bao giờ thấy tôi ngửa tay xin tiền mẹ. Ban đầu mọi người tưởng bà Trẻ cho tôi nhưng sau đó mọi người không nghĩ như vậy nữa. Bà Trẻ có cho tôi tiền nhưng lúc hai chục, khi thì năm chục để tôi đổ xăng, uống nước chứ làm sao bà cho tôi cả triệu bạc để tiêu vung tiêu vãi được. Hà An cũng chưa bao giờ thắc mắc về việc tôi luôn có tiền, thậm chí rất nhiều. Điều này cũng dễ hiểu khi mà trong suy nghĩ của Hà An và nhiều người khác thì tôi đang là con nhà có điều kiện, con nhà có điều kiện thì ngoài tiền ra còn có gì khác nữa ư?

Nhưng tiền chi cho nỗi nhớ qua điện thoại rất tốn kém, tôi cảm thấy xót ruột nên sau cùng quyết định… bán lại cho bố tôi với giá tượng trưng để quay lại với điện thoại bàn. Tôi nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ trả tiền điện thoại mà tôi sử dụng một cách sòng phẳng. Tôi thực hiện được đôi ba tháng như thế, rất sòng phẳng nhưng mẹ tôi lại có tính hay quên nên… tôi cũng quên luôn! Cuối cùng, nói gì thì nói, mẹ tôi vẫn là người chi trả tình phí cho tôi.

Trong thời gian luyện thi đại học tôi chỉ về quê thăm bà Già và Hà An chớp nhoáng được một lần, đó là tranh thủ về lấy giấy xác nhận điểm thi tốt nghiệp để hoàn thiện hồ sơ thi đại học cùng với R9. Tôi đưa xe máy cho R9 chạy về nhà trước còn tôi và Hà An lóc cóc đạp xe đạp về sau. Gần ba tuần không gặp, hai đứa tíu tít hỏi nhau đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, dính với nhau như hình với bóng. Tôi và Hà An cùng ăn tối sớm với bà Già rồi tôi lại chở Hà An về bằng xe đạp, chờ R9 tạt qua đón rồi cùng đi.

Ba tuần không gặp thì nỗi nhớ nhiều đến mức nào? Tôi chưa bao giờ thống kê, cũng chẳng ai thống kê được, chỉ đơn giản là nhiều mà thôi. Nhưng bởi vì thời gian ngắn ngủi nên ngoài những cái nắm tay và nụ hôn vội vã thì chẳng có gì khác đặc biệt.

Sớm ngày tôi đi thi đại học, bà Trẻ dậy sớm mua xôi xéo cho tôi. Bà Trẻ cũng như bà Già, đều muốn thằng cháu đích tôn no bụng để yên tâm thi cử. Tôi đi thi một mình, không cần mẹ tôi đưa đi mặc dù mẹ tôi muốn như vậy. Trong rất nhiều cuộc thi mà tôi phải trải qua sau này cũng vậy, tôi luôn đi một mình và luôn thoải mái với điều đấy. Dần dà tôi nhận ra rằng tôi có tính độc lập từ rất sớm, không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai. Tôi có thể quan tâm đến mọi người nhưng lại không muốn ai quan tâm quá mức đến mình, tôi sợ làm phiền người khác chăng?

Cụm thi của tôi cũng nhộn nhịp như bao nơi khác, hàng nghìn phụ huynh đứng chật cứng hai bên đường, đâu đó vẫn thấp thoáng hình ảnh những chiếc nón lá cũ kỹ, những tay nải tối màu, những túi, những bị, những chiếc xe đạp đã nhuốm màu thời gian và lấm lem bùn đấn. Nhiều phụ huynh mà tôi gặp ở cổng trường có bàn tay gân guốc, cháy nắng, móng tay ố vàng vì phèn chua… tôi không lạ lẫm gì với những hình ảnh này vì tôi cũng vừa mới ở quê ra. Trước khi kỳ thi bắt đầu, phụ huynh nào cũng lo lắng, căng thẳng và khấp khởi hy vọng con của mình sẽ có một tấm vé nhằm đổi đời nhưng khi công bố kết quả, tôi biết, chỉ chưa đến mười phần trăm số phụ huynh sẽ cười, phần còn lại sẽ là những nỗi buồn, những tiếng thở dài nuốt ngược vào trong. Cá nhân tôi cũng mong muốn bố mẹ mình nằm trong số phần trăm ít ỏi đó. Mặc dù thầy cô giáo đã nhiều lần nói rằng đại học không phải là cánh cửa duy nhất để bước vào đời nhưng tôi biết rằng cả miền Bắc ai cũng muốn con mình đỗ đại học. Sự hiếu học là một đức tính tốt của người Việt Nam, đã truyền từ đời này qua đời khác.

Năm 2001 cũng là năm cuối cùng các trường đại học tự ra đề để tuyển sinh, từ năm 2002 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi đề chung và xét tuyển nguyện vọng. Tôi chẳng biết mọi người ra sao nhưng tôi nghĩ, vào lúc giao thời sẽ có nhiều biến động. Nếu tôi trượt, kiến thức sợ rằng sẽ mai một dần theo từng ngày, tôi sẽ có ít cơ hội hơn khi phải "chọi" với những người học dưới mình một lớp.

Môn Văn vẫn là môn thi đầu tiên. Câu 1 liên quan đến tác phẩm Chí Phèo và… Vợ nhặt, câu hai là phân tích một đoạn thơ trong bài Tây Tiến. Thời gian trôi qua đã quá lâu, tôi không còn nhớ nội dung chi tiết của đề bài nhưng tôi có thể chắc chắn đề thi là như vậy. Tôi cũng nhớ rõ ràng là câu 1 mình làm rất tốt còn câu 2 có vẻ lan man, thú thật thì tôi… không thích thơ cho lắm! Sau khi thi xong môn Văn, tôi lấy xe để về nhà, tinh thần tương đối thoải mái. Tôi không muốn xem lại sách Văn để ồ lên tiếc nuối vì mình đã quên mất điều gì đó. Tôi đã tập được một thói quen, việc gì đã làm thì phải làm cho đến cùng, cố gắng hết sức nhưng sau khi xong rồi, cho dù kết quả ra sao cũng không được phép hối tiếc.

Thời gian không thể quay trở lại được, tôi không muốn tự trách bản thân mình.

Đại học Luật Hà Nội, ngôi trường mà tôi luôn ao ước được theo học để sau này trở thành một Luật sư, tưởng gần trong tấc gang mà lại xa không thể với đến được. Ngày xem điểm thi, mẹ chở tôi đi. Hai mẹ con chen lấn giữa đám đông trong sân trường để xem điểm chuẩn sau đó mới tìm điểm thi của tôi.

Tôi được 19 điểm cho ba môn, trong đó môn Văn và Sử đều được 6,5.

Điểm chuẩn ưu tiên cho thí sinh tại các tỉnh là… 19,5 còn các bạn học tại Hà Nội hay các thành phố lớn là 20,5.

Nửa điểm khi đi học có lẽ không là gì và chẳng ai quan tâm nhiều nhưng khi bước ra biển lớn thì số điểm ấy đủ để thay đổi biết bao nhiêu số phận con người. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà có hàng trăm bạn khác thi cùng đợt cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối khi gần chạm được vào cánh cửa của trường đại học.

Tôi buồn! Ai cũng sẽ buồn giống như tôi cả thôi.

Mẹ tôi cũng buồn nhưng việc tôi chỉ thiếu 0,5 điểm để trở thành sinh viên trường Luật được mẹ lý giải là do tôi mải mê yêu đương.

- Thằng nhà em mà không yêu đương sớm thì nó kiểu gì cũng đỗ!

Ngoài việc phải chấp nhận sự thật là mình đã trượt trường Luật thì tôi còn phải đối điện với những cái nhìn có phần thông cảm hoặc tiếc nuối của người quen.

Nhưng những nỗi buồn cũng như tiếc nuối chưa phải là đã hết. Trường Đại học Công đoàn lấy 20 điểm và tôi chỉ được 18 điểm. Mẹ tôi thất vọng ra mặt nhưng vẫn còn vớt vát hy vọng ở trường cao đẳng, mẹ tôi tin rằng điểm chuẩn của trường cao đẳng sẽ thấp hơn. Mẹ tôi đã đúng, Trường Cao đẳng Lao động Xã hội năm ấy, một ngôi trường chưa có nhiều bề dày lịch sử, có điểm chuẩn là 16!

Nhưng tôi chỉ được 15 điểm!

Tôi không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào trong suốt một thời gian dài sau đó, tôi chỉ im lặng và im lặng giống như những bạn ở vào hoàn cảnh giống tôi. Tôi có thể nói gì? Một kẻ thất bại cho dù có giải thích trăm nghìn lần thì đó cũng chỉ là những lời ngụy biện! Đây là một sự thật cay đắng mà tôi đã thấu hiểu khi chưa tròn mười tám tuổi.

Tôi muốn trở thành một luật sư và không muốn học cao đẳng, đây là tâm lý chung không chỉ của riêng tôi hoặc đơn giản đó là suy nghĩ của tôi. Chính bởi vậy, điểm thi của tôi cũng giảm dần theo mục tiêu của cuộc đời! Đây cũng là bài học mà tôi phải tự đúc kết, sau này, nếu tôi không toàn tâm toàn ý làm điều gì thì tôi sẽ không làm ngay từ đầu để không bao giờ phải hối tiếc, còn nếu đã làm phải đi đến cùng.

Nhưng Hà An, người yêu của tôi, ngoài việc buồn vì tôi trượt đại học lại phải hứng chịu những lời nói không hay khác, thật may là cô nàng chưa bao giờ nghe được. Cuộc đời mà, khi thất bại người ta luôn cần có một lý do để đổ lỗi. Hà An là một cô gái thông minh, tuy không nghe nhưng cô nàng có thể đoán được rằng chuyện tình yêu của hai đứa sẽ được xem là nguyên nhân chính cho thất bại của tôi. Điều này tôi nghĩ không đúng!

Cùng thời điểm này Vân Quỳnh, cô bạn lớp phó học tập hồi cấp hai của tôi, người mà tôi vẫn thầm thương trộm nhớ cũng trượt đại học. Tuy nhiên Vân Quỳnh khá hơn tôi, cô ấy đã trở thành sinh viên của một trường cao đẳng. Tôi không biết điều này bởi tôi mặc định nghĩ rằng Vân Quỳnh sẽ chắc ghế trong một ngôi trường đại học xịn sò nào đó. Chỉ tiếc là mục tiêu của cô ấy quá cao nên đã hụt tầm với. Nhưng điều này phải vài năm sau tôi mới được biết.

R9 cũng trượt, nó trượt thì tôi không lạ bởi nó chẳng nghiêm túc với mục tiêu của nó và chính bản thân R9 cũng chẳng may măn buồn rầu. Vài tháng sau, R9 quyết định theo học ở một trường nghề liên quan đến công nghệ thông tin và cuộc đời của nó cũng rẽ theo một hướng khác. R9 cùng học rồi chơi thân cùng với một vài người trẻ mà sau này đã có thời gian trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực của họ.

***