Chương 77: Cuối Con Đường Là Dòng Sông

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 77: Cuối Con Đường Là Dòng Sông

Chương 77: Cuối Con Đường Là Dòng Sông


***
Giữ đúng lời hứa với Hà An, buổi sáng ngày kế tiếp ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, tôi đã lên đón Hà An và hai chúng tôi cùng thử đi dọc theo con đường cái quan chạy ngang qua cổng làng tôi về hướng Kênh Vàng. Trong suốt những năm sống ở quê, mỗi khi đạp xe ra khỏi cầu Đình thì tôi thường rẽ phải bởi đó là hướng đi Hà Nội, hướng đi lên phố Hồ, hướng đi học và nhà Hà An nằm trên con đường tôi đến trường mỗi ngày. Bởi vậy, rất hiếm khi tôi ra khỏi làng mà rẽ trái.

- Kia là mộ tổ nhà anh!

Tôi chỉ cho Hà An một khu mộ tương đối lớn nằm gần con đường mà chúng tôi đang đi, Hà An thắc mắc:

- Đây đâu phải làng mình, sao mộ tổ lại ở đây?

Tôi xuống xe, gạt chân chống nghiêng. Hà An vẫn yên vị trên xe. Tôi nheo mắt giải thích:

- Mộ tổ rất quan trọng, khi chôn mộ tổ người xưa đều mời thầy địa lý về xem thế đất để đặt. Làng anh không có thế đất đẹp nên các cụ mới phải chôn cụ tổ ở đây.

- Từ đây về làng mình xa không anh nhỉ?

- Độ hai cây số, cũng không tính là xa. – Tôi vừa nói vừa quay người lại chỉ tay một lượt khắp cánh đồng lúa bát ngát. – Xưa kia về làng anh phải đi qua cánh đồng này, chưa có đường cái như bây giờ đâu.

- Sao anh không mang theo hương hoa vào thắp hương?

Tôi cười buồn:

- Con cháu của cụ tổ vài trăm người, cách đây ba năm chạp họ tính sơ sơ đã hơn ba trăm suất đinh nên mưa móc không đến lượt anh. Anh chỉ thắp hương khi anh tự dưng muốn vậy, thêm nữa… - Tôi thoáng ngập ngừng. – Theo như anh biết, mộ tổ họ nhà anh chỉ phát về dòng đích, cơ mà dòng đích hay tưng tửng.

- Anh lạ thật đấy, em tưởng anh là người chu toàn về mấy chuyện mồ mả lắm cơ mà?

- Vậy để khi nào vinh quy anh sẽ bái tổ chứ bây giờ chưa có gì, cũng chẳng biết báo công ơn ra sao. – Tôi vừa nói vừa nhoẻn miệng cười. – Bây giờ mình đi thôi.

Tôi và Hà An tiếp tục cuộc hành trình mà hai đứa đã dự định, Hà An ngồi phía sau vòng tay ôm tôi cứng ngắc, khẽ tựa cằm lên vai tôi. Sáng nay trời trong, con đường cái quan chạy giữa những cánh đồng lớn, xuyên qua những ngôi làng rợp bóng tre. Càng gần đến đích thì con đường dường như xấu hơn với những ổ gà, ổ voi và bụi mịt mù mỗi khi có một chiếc xe khách hay xe công nông chạy ngược chiều.

- Bọn mình đến cuối đường rồi. – Tôi nói với Hà An.

- Hết đường rồi à? Bên kia là đâu?

- Theo như bản đồ địa chính anh từng xem thì bên ấy là Phả Lại, Hải Dương. Muốn sang bên ấy thì bọn mình phải đi bằng đò, con đò nhỏ đằng kia kìa em!

- Đây có phải sông Đuống không?

- Ừ, vẫn là sông Đuống.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn trời, mắt nheo lại:

- Nếu mình đi theo lối đằng kia sẽ vòng lên đê sông Đuống, anh nghĩ vậy. Đi mãi có khi đến cầu Hồ.

- Anh chắc không?

Tôi khẽ nhún vai:

- Anh chưa đi bao giờ nhưng dựa vào phương hướng thì anh đoán như thế. Đứng ở đây bọn mình không nhìn thấy được núi Thiên Thai, thấy ngọn núi ấy chắc chắn sẽ xác định phương hướng tốt hơn.

Tôi dừng xe gần một bụi tre lớn ven đường cái. Hà An rời xe, ngồi phệt xuống ven đường bứt từng ngọn cỏ rồi thả tay ra cho chúng bay theo những cơn gió. Tôi đứng bên cạnh, hai tay chống nạnh nhìn xuống dòng sông đục ngầu ở phía trước mặt, trong lòng bỗng trào dâng một cảm xúc khó tả.

- Bên kia là đất Hải Dương, bao giờ mình mới có cơ hội đến nơi đó? Nam Sách đi theo hướng nào, ngôi làng xưa kia của chị Ngọc Hoa có xa đây không? Hồi mới quen biết, chị ấy bảo rằng phải đi những hai ngày đường, tính ra cũng phải dăm bảy chục cây chứ chẳng ít. Chị ấy chẳng bao giờ chịu nói cụ thể nơi chôn rau cắt rốn, nếu biết được, nhất định một ngày nào đó mình sẽ về tận nơi đấy thắp nén hương bái vọng".

Những cơn gió từ mặt sông thi nhau thổi hắt lên mát lạnh, từ chỗ đang đứng, tôi có thể nhìn rõ con đò ngang đang chậm rãi chở một vài người đội nón lá cùng với xe đạp qua sông. Phóng tầm mắt nhìn về phía xa hơn ở bờ bên kia chỉ thấy những cánh đồng, cây cối và những cây cột điện cao thế. Tuy vậy, đứng trước khung cảnh này, cá nhân tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Người ta thường hay bảo rằng, cuối mỗi con đường sẽ lại bắt đầu một con đường khác nhưng bây giờ, cuối con đường mà tôi vừa mới đi qua lại là một dòng sông cắt ngang.

Tôi nhìn con đò nhỏ với tiếng máy nổ từ xa vọng lại, chợt nhớ đến những giấc mơ trước đây của mình, trong những giấc mơ ấy tôi cũng phải đi qua con đò ngang để đến một thế giới khác. Có khác chăng là trong giấc mơ thì cảnh vật u ám, còn lúc này, trước mắt tôi là quang cảnh thoáng đãng dưới ánh nắng vàng trải rộng khắp mặt sông.

Cuộc đời tôi luôn có nhiều điểm lạ kỳ. Tôi chẳng bao giờ có thể biết được rằng mười năm sau tôi cũng đứng ở chính nơi này nhìn con đò ngang nhưng với một người con gái khác. Như một sự sắp đặt của số phận, tôi đã dắt tay người con gái ấy bước lên con đò nhỏ sang đất Hải Dương. Đó là một ngày đông lạnh giá, cũng trái ngược với một ngày hè nắng nóng. Nói một cách hình tượng thì tôi đã cùng với người con gái, cô gái định mệnh của cuộc đời, cùng đặt chân đến vùng đất của bà mối đã se duyên. Nhưng đó là chuyện của những năm sau này, còn giờ đây, cô bạn gái xinh đẹp đang ngả đầu vào vai tôi cùng ngắm dòng sông quê hương.

- Anh đang nghĩ gì thế?

Hà An cất tiếng hỏi, cắt đứt mạch suy tư, kéo tôi trở về với thực tại. Tôi chỉ cười mà không đáp.

- Anh có quen ai bên Hải Dương không?

- Có! – Tôi buột miệng trả lời nhưng ngẫm lại thì lắc đầu. – Mà không, ở làng anh có vài người làm đậu ở Hải Dương nhưng anh không biết cụ thể là nơi nào. Hải Dương nổi tiếng với bánh đậu xanh, món đó mua về thắp hương xong, pha ấm chè rồi ngồi nhâm nhi từng miếng bánh cũng thích lắm.

- Anh cứ mở miệng ra là ăn với uống sao người vẫn gầy như que tăm thế?

Hà An đứng lên hất nhẹ mái tóc rồi cầm tay tôi, giọng nhỏ nhẹ:

- Từ nhà em đến chỗ này dễ phải hơn hai chục cây ấy nhỉ? Em chưa bao giờ đi xa đến thế.

- Anh cũng chưa từng đến đây bao giờ.

- Thế chiều nay anh đi Hà Nội luôn à?

- Tầm trưa anh chở thằng R9 ra, nhanh thì tối mà chậm thì ngày mai anh bắt xe khách về. Đồ đạc anh cũng chưa sắp xếp gì. – Tôi khẽ thở dài. – Lúc chưa đi thì ao ước mà đến lúc chuẩn bị đi anh lại…

- Anh đừng suy nghĩ nhiều.

- À em. – Tôi quay sang nhìn Hà An. – Cái xe đạp màu đỏ anh để lại cho em đi, em không phải dùng chung xe đạp với cái Anh nữa.

- Em có mấy khi dùng đến xe đạp đâu.

- Nhưng cũng cần, đó là một cái xe tốt.

- Thế còn cái xe đạp địa hình, anh tính để ở nhà hay mang ra Hà Nội?

- Thằng bạn cùng lớp anh muốn mua cho em trai nó, anh đã hứa để lại cho nó, giá một trăm rưỡi. – Tôi cười. – Nếu biết trước là sẽ quen em thì anh đã chẳng mua cái xe một chỗ ngồi như thế.

- Em nghe thằng bạn em bảo là trước đây mỗi khi đi học về anh hay bốc đầu bằng cái xe đấy, có phải không?

- Hả? Làm gì có.

- Lại còn chối!

- Hồi trẻ con mới nghịch thế chứ giờ anh lớn rồi.

- Anh cứ liệu hồn, chơi dại như thế có ngày không còn răng mà húp cháo đâu. Em thấy anh đi xe máy cũng rất nhanh, quê mình đường vắng nhưng Hà Nội đông đúc, anh phải cẩn thận.

- Ừ, anh biết rồi.

- Với lại ra ngoài ấy phải thường xuyên nhớ em.

- Chắc chắn rồi.

- Anh hứa đi!

- Hứa! Em muốn anh thề cũng được chứ hứa ăn thua gì.

- Con gái Hà Nội cô nào cũng đẹp, da cũng trắng, chỉ sợ vài hôm là anh quên béng em luôn.

- Toàn nói linh tinh! Con gái Hà Nội đẹp thì cũng chẳng để ý đến một thằng quê mùa đen đúa như anh. Thôi, hai đứa mình nồi nào úp vung nấy cũng tốt.

Tôi nói xong liền phá lên cười đắc ý trong khi Hà An sụ mặt đá cho tôi vài cái. Sự thật thì Hà An có làn da trắng sáng chứ chẳng đen đúa như tôi. Mới một năm trước, tôi nhất nhất muốn ở Hà Nội, vậy mà giờ đây, nhìn nụ cười của cô gái tóc tém đang ở bên cạnh tôi thì tôi lại lưỡng lự, tôi muốn ở lại nơi này lâu hơn nữa.

Sau bữa cơm trưa với bà Già, tôi chở Hà An về dưới cái nắng như đổ lửa của buổi trưa hè. Mặc dù ngày mai hai đứa lại gặp nhau nhưng ánh mắt của Hà An cũng như của tôi quyến luyến không rời lúc tạm biệt. Không chỉ riêng tôi, mà cả Hà An cũng vậy, chúng tôi dường như cảm nhận rõ được những thay đổi sắp diễn ra trong cuộc đời của mỗi đứa. Sắp tới đây, Hà An sẽ đi học sau kỳ nghỉ hè rồi ngóng trông mỗi cuối tuần để gặp nhau. Còn tôi, tương lai vẫn bất định.

Tôi chở R9 ra Hà Nội, nó sẽ ở lại nhà tôi ôn thi đại học. Nó không lạ lẫm gì gia đình tôi và ngược lại, bố mẹ tôi coi R9 như con cháu trong nhà. Nhìn chung, R9 bắt nhịp cuộc sống nơi đô thị chậm hơn tôi ở nhiều mặt nhưng có một số chuyện nó lại bắt kịp rất nhanh. Em trai tôi, Ba Duy, cũng như bao đứa học sinh khác, rất mê điện tử và R9 cũng là một tay ham chơi. Thay vì ngồi mài đũng quần trong lớp luyện thi, nó lại mài đũng quần trên băng ghế nhựa của quán điện tử cùng em trai tôi và lũ bạn của nó. R9 mê mệt, đôi khi chơi một mình.

Mỗi khi đêm xuống, bốn bề yên tĩnh thì tôi ngồi học trên cái bàn trong căn phòng nhỏ nồng nặc khói thuốc lá. Em trai tôi và lũ bạn của nó trốn vào trong này để hút, R9 cũng tập hút cùng. Tôi lúc này chưa hút thuốc lá, tôi bắt đầu hút những điếu đầu tiên trong những đêm dài khi một thân một mình đối mặt với bão táp của cuộc đời. Những người nghiện thuốc lá đều ngụy biện rằng hút thuốc giúp họ tập trung hơn, tỉnh táo hơn và tôi cũng cho là như vậy.

***