Chương 76: Trúng Tủ!

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 76: Trúng Tủ!

Chương 76: Trúng Tủ!


***
Bà Già đánh thức tôi dậy sớm hơn thường lệ, tôi dụi mắt nhìn đồng hồ treo trên tường mới thấy 5 giờ rưỡi nhưng ngoài trời đã tờ mờ sáng. Bà Già đã dậy từ rất sớm lúi húi dưới bếp để chuẩn bị đồ ăn sáng cho tôi. Bà là người thuộc thế hệ cũ, chữ bẻ đôi chẳng biết nên bà thể hiện sự quan tâm và động viên tôi bằng cách đồ một chõ xôi vò, món ăn mà tôi rất thích.

- Trưa mày có về không để tao thịt con gà.

Bà Già ngồi trong bếp hỏi vọng ra. Tôi ngửa cổ súc miệng òng ọc, chùi đi bọt kem đánh răng còn dính bên khóe miệng xong mới quay sang trả lời bà:

- Thôi bà ạ, gà qué gì. Buổi chiều cháu còn phải thi nữa mà.

- Tao cũng chẳng biết trường thi của mày cụ thể nó ở cái chỗ nào.

- Hồi còn trẻ bà đi cấy với gặt ở cánh đồng Quán Dê phải không bà? – Tôi ngồi xổm trên bậc thềm cạnh bếp, miệng vẫn ngáp ngắn ngáp dài. – Từ chỗ đấy bà đi thẳng thêm độ hơn cây số nữa là đến trường cháu.

- Mày cố mà thi cho tốt, xưa họ nhà mày có mấy ông đỗ tú tài văn hay chữ tốt còn đến thế hệ bố mày chẳng đứa nào đỗ tú tài cả.

- Mỗi thời mỗi khác, bà đừng có lo! Thi tốt nghiệp cũng không khó lắm đâu, làng mình mười mấy đứa thi kiểu gì chẳng đỗ hết, thi đại học mới khó bà ạ.

- Ừ, thế thì tốt. Mày thi xong đi, làm bài cho tốt rồi tao làm mâm cơm báo công với gia tiên, nhân tiên mai cũng là đầu tháng.

Chỗ xôi được bà ủ trong đống tro ấm, bà còn cẩn thận đốt thêm vài mớ rạ bên trên đống tro, ánh lửa tỏa sáng rực cả căn bếp nhỏ. Tôi chợt nhớ đến những trăn trở đêm qua của mình nên rời khỏi bậc thềm, bước vào bếp ngồi xuống cạnh bà, vòng tay ôm chầm lấy rồi lắc nhẹ người bà.

- Mẹ cha cái thằng này, lên mà xem còn thiếu cái gì không chứ ngồi đây tro nó bám vào đầu tóc tí nữa đi thi người mày toàn khói cho mà xem.

- Mấy hôm nữa thi xong là cháu đi Hà Nội rồi, bà ở nhà một mình có buồn không bà, bà có nhớ cháu không?

- Mày bước đi cho khuất mắt tao! Có mày ở nhà tao chỉ hầu mày chứ nhớ với nhung cái gì. Một ngày tao chỉ phải nấu một bữa cơm, đỡ mệt biết bao nhiêu.

- Cháu sẽ sắp xếp để về thăm bà mỗi khi có thể.

- Mày đi thì mày cứ đi, ai khiến mày về.

Hầu hết các kỳ thi và sự kiện quan trọng trong cuộc đời mà tôi đã trải qua thì trước đó nếu phải ăn, tôi vẫn muốn ăn xôi hoặc cơm cho chắc dạ, phòng ngừa trường hợp ngoài ý muốn nào đó có thể xảy ra. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn nhớ món xôi vò và cơm nếp trộn lạc mà bà Già thường nấu cho tôi ăn.

R9 thi ở cụm khác nên không đi cùng tôi, bởi đi bằng xe máy nên tôi tương đối thoải mái về thời gian. Dắt xe xuống sân sau đó rời khỏi nhà, tôi cảm thấy như mình trưởng thành hơn rất nhiều. Có lẽ vài năm nữa, sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi cũng sẽ có một cái xe máy yêu thích để sử dụng hàng ngày thay cho xe đạp.

Tôi thoáng ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi nhìn thấy bóng dáng của Hà An co ro đứng dựa vào cái cột xi măng ngoài mái hiên nhà. Tôi cứ nghĩ giờ này Hà An hãy còn ngủ vùi trong chăn vì mới hơn 6 giờ sáng, trời vẫn se se lạnh.

- Sao em không ngủ, thức dậy sớm làm gì?

- Em cũng mới dậy.

- Đứng đây chờ anh đấy à?

- Ừ.

- Lâu chưa?

- Được một lúc.

Tôi cười cười:

- Chả phải tối hôm qua đã động viên, dặn dò đủ kiểu rồi à? Hay vẫn chưa cảm thấy yên tâm? Nếu anh thi trượt tốt nghiệp có khi lại học chung với em ấy chứ.

- Phỉ phui cái miệng anh, sắp thi rồi đừng có ăn nói xúi quẩy. – Hà An vừa nói vừa trợn mắt lên nhìn tôi.

Dứt lời Hà An lấy ra từ túi áo một miếng vải hình vuông màu đỏ dúi vào tay tôi, tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cái gì đây?

- Bùa may mắn đấy!

- Cái này á?

Hà An gật đầu, đôi mắt cô nàng chớp chớp nhưng nếu nhìn kỹ thì… chớp chớp do ngái ngủ, mặt mũi còn chưa rửa nữa.

- Miếng vải này hôm nọ em về quê thăm bà em, em với bà đi chùa, bà sư ở chùa cho em và bảo đây là bùa may mắn. Hôm qua anh về rồi em mới sực nhớ nên sáng nay đành đứng chờ ở đây vì kiểu gì anh đi qua cửa nhà cũng sẽ đi chậm.

- Ghê nhỉ, đoán được cả thói quen của anh cơ đấy.

- Anh đừng nghĩ chỉ có mình anh thông minh. Đừng có tự cao quá.

Tôi cười tít mắt rồi giơ miếng vải đỏ nhỏ xíu đang nằm gọn trong lòng bàn tay, một miếng vải đỏ trơn nhẵn hai mặt, chẳng có bất cứ hình thù hay ký tự nào kỳ lạ trên đó cả.

- Bùa may mắn sao lại cho anh làm gì, anh đủ may mắn rồi.

- Thì có thêm một tí may mắn nữa vẫn hơn mà.

- Ừ, được! – Tôi gật đầu, gấp miếng vải lại cho vào túi áo một cách cẩn thận. – Lớ ngớ thi đỗ thủ khoa không chừng.

- Anh nghiêm túc cho em xem nào.

- Hả? Thì anh vẫn nghiêm túc đấy chứ.

- Những lúc căng thẳng như này anh cứ nhơn nhơn ra, chẳng biết anh thế nào nữa.

- Có gì mà căng thẳng, ai đi học mà chẳng phải thi, ai thi mà chẳng đỗ tốt nghiệp, cái khó là đỗ đầu hay đỗ chót bảng thôi.

Tôi vừa nói vữa vỗ nhẹ vào túi áo, nét mặt hớn hở nhìn Hà An khiến cô nàng cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ.

- Anh cảm ơn nhé!

Hà An hơi sững người, tôi lại cười:

- Vì em dậy sớm đứng đây chỉ để đưa cái này. – Tôi lại vỗ vào túi áo thêm vài cái. – Anh cảm thấy may mắn lắm rồi đấy.

- Thi xong anh có về ăn cơm không? Em đợi.

- Chắc cũng 11 giờ mới về, thi xong kiểu gì chẳng túm năm tụm ba hỏi han nhau.

Tôi và Hà An nói thêm vài câu thì cánh cửa nhà mở ra, mẹ của Hà An dắt xe đạp đi làm. Tôi cất tiếng chào và nhận thêm những lời căn dặn từ bác ấy.

Con đường bắt đầu tấp nập hơn.

Cổng trường đông nghịt người, trái với suy nghĩ trước đó của tôi. Tôi cứ nghĩ lúc học cấp hai hãy còn nhỏ bố mẹ đưa đi rồi chờ đợi đã đành, nay thi cấp ba, đứa nào cũng lớn bằng đầu bằng cổ cả rồi mà đoạn đường trước cổng trường đã đông nghẹt người mặc dù mới hơn 6 rưỡi sáng. Tiếng còi xe, tiếng gọi nhau í ới… tất cả tạo thành một bầu không khí huyên náo. Để chắc ăn, tôi quay xe phi vào bệnh viện của huyện cách cổng trường chỉ hơn ba trăm mét để gửi xe. Nhìn tôi là bác bảo vệ biết tôi đi thi, bác ấy không cho gửi nên tôi đành mạo nhận mẹ của Hà An là bác của mình. Bác bảo vệ không tin nhưng khi tôi nói thêm vài thông tin thì bác ấy cũng đành miễn cưỡng cho vào gửi.

Ra khỏi cổng bệnh viện, tôi tạt vào quán nước ven đường gọi một chai Coca đồng thời rút từ trong cặp ra những tài liệu liên quan đến môn Văn. Nói là tài liệu cho oai chứ ngoài cuốn 100 bài văn mẫu, sách giáo khoa và vở chép bài thì không có thêm gì khác. Tôi nhớ thời kỳ này, cuốn 50 bài văn mẫu hay 100 bài văn mẫu có thể xem là… sách gối đầu giường rồi ấy chứ. Sau khi ngửa cổ uống một ngụm Coca rồi nhắm tịt mắt tận hưởng hơi ga xộc lên khoang mũi giúp cho tinh thần sảng khoái vài phần thì tôi mới bắt đầu dành thời gian suy nghĩ đến đề thi. Cầm cuốn văn mẫu trên tay, tôi lật đi lật lại vài lần, vỗ nhẹ vào tay thêm vài cái trước khi nhắm mắt tịt mắt lại để mở đến một trang bất kỳ.

- "Lại là Vợ nhặt à?"

Tôi dụi mắt vì tôi không thể tin vào mắt của mình. Tôi luôn có cảm tình với ông Kim Lân vì… ông ấy là đồng hương. Mỗi lần đọc truyện Làng hay Vợ nhặt, tôi đều cảm nhận rõ ràng rằng câu truyện đang mô tả về một làng quê nào đó ở tỉnh Bắc Ninh. Điều này theo tôi là logic vì sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu sẽ viết về nơi đó là lẽ thường tình.

- "Có chắc không nhỉ?"

Tôi bán tín bán nghi. Hồi thi vào trường Thuận Thành 1, đề thi là phân tích Làng của Kim Lân, bây giờ rời trường này chẳng lẽ lại cũng là một tác phẩm khác của ông ấy. Suy nghĩ trong giây lát, tôi quyết định tin vào những gì mình đã nằm mơ. Bất giác, tôi nhớ ra trong túi áo mình có miếng vải là bùa hộ mệnh mà Hà An vừa đưa cho.

- "Miếng vải đỏ, là một miếng vải đỏ, chẳng lẽ đây là chỉ dấu?"

Tôi lật giở, lướt thật nhanh bài văn mẫu rồi nhanh chóng đi bộ vào trường, hai mắt không rời khỏi cuốn sách. Tôi đọc lướt, cố ghi nhớ những câu tâm đắc, những ý hay ho của người viết mà không khỏi hồi họp, trong lòng khấp khởi mừng thầm. Đọc sách văn mẫu xong thì xem lại vở ôn tập, nhớ lại những gì mà cô giáo đã nhắc nhở.

Đề thi văn năm đó, nếu tôi nhớ không nhầm, thì một câu về Bản Tuyên ngôn độc lập, câu còn lại là phân tích tác phẩm Vợ nhặt! Điểm thi tốt nghiệp môn Văn tôi được 7,5 và tôi nghĩ đây là một kết quả không đến nỗi tệ.

***