Chương 71: Tương Lai Bất Định

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 71: Tương Lai Bất Định

Chương 71: Tương Lai Bất Định


***
Tôi và Hà An cứ yêu nhau như thế, chúng tôi gặp nhau mỗi ngày trong tuần. Ngày thứ Bảy có khi tôi ở nhà Hà An chơi đến chiều muộn mới về và Chủ nhật Hà An sẽ xuống nhà tôi chơi. Thi thoảng tôi chở Hà An lên phố Hồ mua vài thứ linh tinh, đôi lần tôi mua tặng Hà An vài cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tình yêu của hai chúng tôi chỉ dừng lại ở những nụ hôn vội vàng, còn cầm tay nhau thì chỉ cần khuất mắt người thân quen là chẳng rời. Hà An hạnh phúc và tôi cũng vậy. Thảng hoặc chúng tôi nói về những dự định trong tương lai, tuy mơ hồ nhưng điều đó khiến cho mối quan hệ trở nên nghiêm túc.

Ngày mùng Tám tháng Ba, ngoài bó hoa nho nhỏ dành tặng cho người mình yêu thì tôi còn tự tay làm thiệp chúc mừng, tuy không đẹp nhưng nó chứa đựng tình cảm của tôi. Tôi cũng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong đôi mắt của Hà An khi nhận được những món quà ấy. Tôi cũng có ý định mua tặng Hà An một chiếc nhẫn đính đá nhưng suy đi tính lại, tôi cho rằng như thế là quá vội vàng nên quyết định sẽ tặng vào một dịp thích hợp hơn.

Mỗi lần gọi điện về hỏi thăm hai bà cháu, mẹ tôi đều nhắc đi nhắc lại với tôi rằng mục tiêu của tôi là phải đỗ đại học, dẹp chuyện yêu đương sang một bên. Tôi chỉ vâng dạ rồi để đấy. Xưa nay, bên ngoài vẻ hiền lành vô hại thì bên trong tôi lại là một đứa cứng đầu, chỉ thích làm theo ý mình và một khi tôi đã xác định làm gì thì khó ai có thể thay đổi được. Tuy nhiên, cách làm của tôi thường âm thầm, ít khi thể hiện quan điểm với người thân.

Vào ngày cuối cùng của tháng Ba, một ngày đầy nắng, tôi biết được chính xác những môn phải thi tốt nghiệp và kỳ lạ thay, môn học mà tôi kinh sợ nhất là môn Hóa không nằm trong 6 môn thi tốt nghiệp. Ba năm trước, tôi cũng không phải thi môn Hóa khi tốt nghiệp cấp hai. Và như vậy, tôi và các bạn cùng trang lứa chính thức bước vào cuộc đua nước rút khi mà kỳ thi tốt nghiệp cấp ba sẽ tổ chức vào cuối tháng Năm, hơn một tháng sau đó sẽ là kỳ thi đại học. Tôi xác định tư tưởng là ba tháng bận rộn tối mặt. Sáng học ở trường, chiều lại ôn tập những môn thi tốt nghiệp. Bố mẹ Hà An đã bảo rồi rằng buổi trưa nên về nhà ăn cơm rồi nghỉ ngơi sau đó học buổi chiều thay vì phải đạp xe hộc tốc dốc gan về nhà rồi quay ngược lên. Ban đầu tôi lưỡng lự bởi tôi chưa bao giờ ăn cơm ở nhà người khác như thế nhưng Hà An đã quyết thay tôi.

Như vậy, kể từ giữa tháng Tư năm 2001, sau khi tan học tôi sẽ chở Hà An về nhà. Hà Anh và Hà An chỉ mất chừng mười lăm phút để chuẩn bị bữa trưa vì đồ ăn thức uống đã được mẹ của Hà An chuẩn bị sẵn từ sáng. Một vài lần bác gái về ăn cơm cùng ba đứa chúng tôi, bác ấy luôn miệng động viên tôi cố gắng học để đạt được kết quả cao. Hà Anh lúc đầu còn chăm chỉ chuẩn bị bữa trưa nhưng chỉ được vài hôm liền khoán trắng cho Hà An, cô ấy tuyên bố với Hà An một câu xanh rờn:

- Bạn của mày thì mày phải chăm, tao sẽ ăn ké!

Thế là Hà An cũng đành phải lo cơm nước cho ba đứa trong khi Hà Anh chẳng phải động tay. Tôi không giúp được gì nhiều cho Hà An ngoài việc dọn cơm sau đó cất dọn. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi này đã mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ nhưng tôi chưa bao giờ nói ra với Hà An một cách trọn vẹn. Duy chỉ có một lần hai đứa ăn cơm trưa với nhau, tôi bảo:

- Nấu cơm thường xuyên quả nhiên An lên tay mau đấy, sau này chắc chắn anh sẽ chỉ ăn cơm ở nhà!

Hà An nhìn tôi và cười rất tươi.

Tôi cảm nhận rõ ràng sự quan tâm, chăm sóc mà Hà An và gia đình dành cho tôi và bởi vậy, cảm giác thân thuộc bắt đầu xuất hiện. Tôi đã có cảm giác gia đình của Hà An chính là gia đình của mình, có đầy đủ bố mẹ, anh chị em quây quần trong một bữa cơm rộn rã tiếng cười, điều mà tôi thiếu thốn kể từ khi mới lên mười.

Tôi là người sống thiên về tình cảm, nặng về tình cảm.

Bố mẹ của Hà An quý mến tôi và tôi cũng thế, thứ tình cảm này không cần phải nói ra vì những cử chỉ cũng như thời gian đã thay cho những lời muốn nói. Thời gian trôi đi, khi tôi và Hà An không còn bên nhau nữa nhưng tôi không quên những điều tốt đẹp mà mình đã nhận được từ gia đình này. Tôi đã rất buồn khi Hà An báo tin hai bác mất, chỉ cách nhau vài tháng. Ngồi một mình trong góc quen thuộc của quán cafe, tôi lặng mình hồi tưởng lại những gì đã qua, về những tình cảm mà bố mẹ của cô người yêu cũ đã dành cho mình để mỗi khi đi xa về gần tôi đều tranh thủ tạt qua nhà. Bên trong điện thoại, Hà An vẫn thút thít khóc nhưng ngoài những lời động viên ra thì tôi còn có thể làm gì nữa khi mà trưởng thành, mỗi chúng tôi đều có con đường riêng của mình.

Kỳ ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp kết thúc cũng là lúc bố tôi bảo chú Khương mang chiếc xe Dream yêu quý của bố về cho tôi sử dụng trong một tuần xem như khích lệ tinh thần. Bố biết tôi thích chiếc xe ấy, bố cũng kỳ vọng vào tôi rất nhiều nhưng theo cách thầm lặng hơn mẹ, tôi đều hiểu cả. Chú Khương gặp mặt Hà An lần đầu và nhận xét rằng con bé rất kháu, ngon nghẻ hơn trong ảnh vài phần, tôi nghe chú khen như vậy thì cười như Liên Xô được mùa.

Tôi được nghỉ một tuần trước khi bước vào môn thi đầu tiên. Danh sách thí sinh sẽ trộn lẫn giữa trường Thuận Thành 1, Thuận Thành 2 và trường dân lập của huyện. Lớp 12B8 của tôi được chia ra làm ba và tôi sẽ thi tại chính ngôi trường mà tôi đã gắn bó suốt ba năm qua. Tôi cảm nhận rõ một điều rằng những đứa như tôi lo lắng cho kỳ thi một phần thì gia đình lo lắng gấp đôi. Mẹ tôi gửi về rất nhiều thứ để tôi… bồi bổ như sữa ngoại, hoa quả nhập và… tiền! Mẹ biết tôi là đứa thích tiền hơn bất cứ món quà nào khác. Tiền là tiên là phật, ai mà chẳng thích, đâu riêng gì tôi, chỉ là tôi thể hiện rõ ràng quan điểm của mình hơn người khác đó thôi.

Vì tôi sẽ thi đại học khối C nên ngoài 6 môn thi tốt nghiệp, tôi vẫn phải học thêm môn Sử. Tôi nộp hồ sơ vào ba trường, nguyện vọng đầu tiên là khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ thi đợt 1, tiếp theo đó là Trường Đại học Công Đoàn thi đợt 2 và cuối cùng là Trường Cao đẳng Lao động Xã hội thi đợt cuối cùng vào ngày 15 tháng 7. Trong ba trường này, tôi kỳ vọng và toàn tâm toàn ý với trường Luật Hà Nội. Vậy nên, sau khi thi tốt nghiệp xong, tôi sẽ ôn thi đại học tại trung tâm của trường ở đường Nguyễn Chí Thanh.

Tôi đã tạm gác lại hay đúng hơn là từ bỏ ước mơ làm nhà văn vì tác phẩm dự thi vòng sơ khảo của tôi đã bị loại. Tôi không lấy làm buồn bởi tôi biết trên đất nước còn có rất nhiều nhân tài, một ngôi trường chỉ lấy có 90 sinh viên thì tôi khó mà chen chân vào được.

- Năm sau anh có định thi tiếp vào Nguyễn Du? – Hà An hỏi.

- Không! – Tôi lắc đầu. – Có một vài ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ em ạ, mình cũng phải nhìn nhận vào thực tế là khả năng của bản thân có hạn, không thể cố chấp được đâu.

- Anh biết gì không?

- Biết gì?

- Đấy chính là điều em thích ở anh.

Tôi nhăn mặt:

- Tại sao?

- Là có chí tiến thủ nhưng biết bản thân mình đang ở đâu chứ không nhắm mắt nhắm mũi đâm đầu vào tường. – Hà An vừa nói vừa cười.

- Ai cũng thế cả thôi chứ riêng gì anh đâu. Hơn nữa mẹ anh bảo nếu anh trở thành nhà văn thì anh sẽ bị hâm.

- Cái gì? Sao lại hâm?

- Thì ý mẹ anh nói là nhà văn thường thơ thẩn, tay nhặt lá chân đá ống bơ ấy mà. Mẹ anh là người buôn bán, mà phàm là người buôn bán có mấy ai thích văn chương đâu. Mẹ anh bảo làm nhà văn sẽ đói thối mồm vì chữ bán rất rẻ, chỉ được cái danh hão.

- Em cũng nghĩ như thế!

- Ớ!

- Nói thật sợ anh buồn chứ em thấy anh có lãng mạn, có tố chất để làm nhà văn nhưng như thế là không đủ. Nói sao nhỉ, ờ… hơi nửa mùa.

- Sao lại nửa mùa? – Tôi đần mặt ra.

Hà An thản nhiên:

- Vì anh chỉ lãng mạn một nửa, mơ mộng một nửa, nửa còn lại anh rất thực tế.

- Em nói thế nào ấy chứ, nhà văn hay nhà báo cũng cần phải có thực tế.

- Em biết! Nhưng anh mới tí tuổi đầu, hiểu biết so với thế giới ngoài kia hãy còn ít thì thực tế lấy ở đâu ra?

Tôi thở dài chấp nhận những gì Hà An vừa nói là hoàn toàn có lý, cô nàng cũng là một người thực tế, chẳng mơ mộng hão huyền như tôi. Quen nhau hơn nửa năm, yêu nhau mới chỉ chừng ba tháng nhưng do thường xuyên gặp nhau nên Hà An cũng phần nào hiểu được tính nết cũng như cách suy nghĩ của tôi.

- Nhưng anh có thể làm luật sư được đấy!

- Sao em nghĩ vậy?

- Vì anh rất hay lý sự và bắt bẻ người khác.

- Em không thể nói những gì dễ nghe hơn à? Nói phải củ cải cũng nghe, nói chưa đúng thì phải nói lại chứ sao nữa.

- Đứng trước tương lai của em thì em phải thành thật chứ, em đâu phải đứa ngốc. Nếu anh đỗ tốt nghiệp, à không, đỗ đại học thì muốn gì em cũng chiều hết.

- Hay là đỗ đại học xong anh về xin phép mẹ em cho cưới em luôn?

Hà An bĩu môi:

- Anh nghĩ xem mẹ anh có đồng ý không đã, chỉ được cái nói là hay thôi. Với lại em cũng không muốn lấy chồng sớm thế đâu, còn chưa chơi được cái gì cả.

Tôi nhún vai xem như đồng ý. Mười bảy tuổi hãy còn quá sớm để nghĩ đến chuyện lập gia đình, bố tôi hai mươi hai tuổi mới cưới mẹ tôi cơ mà.

- Mà An này, em cũng nên suy nghĩ một cách nghiêm túc và có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai đi, tầm này năm sau cũng đến lượt em đấy, chẳng mấy chốc.

- Toán em học được, Sinh thì tàm tạm còn mỗi môn Hóa! – Hà An vừa nói vè lè lưỡi lắc đầu, kèm thêm trợn mắt để minh họa cho sự đáng sợ của môn học. – Anh may thật đấy, năm nay môn Hóa không thi thì kiểu gì năm tới em cũng dính.

Hà An tỏ ra chán nản:

- Mà thôi, sắp tới bố em nghỉ hưu. Bố em sẽ mở một quán bún thịt chó, em sẽ ở nhà giúp bố, biết đâu sau này em sẽ trở thành bà chủ quán cầy tơ bảy món thì sao.

- Ây ây không được, không được! – Tôi nói. – Đừng có bàn lui như thế. Bố mẹ em làm công viên chức nhiều năm rồi, tính bố em anh cũng hiểu được chút ít, bác ấy nhiệt thành, cẩn thận nhưng…

- Nhưng làm sao?

- Bác ấy không phù hợp với việc buôn bán đâu, người buôn bán mấy ai hiền như bụt bao giờ. Em nhìn mẹ anh mà xem, người buôn bán là phải nhanh nhẹn, hoạt bát, mau mồm mau miệng.

- Bố em bảo là làm ở nhà luôn, chỉ là bún với thịt chó thôi. Người sắp nghỉ hưu họ sẽ tính làm cái gì đấy để tay chân không rảnh rỗi, nhiều bác lớn tuổi hơn bố em ở cùng khu đều thế cả.

- Em biết đấy, làng này làm đậu là gia truyền, làm đậu có thể giúp nhiều gia đình khấm khá nhưng bọn mình đi học để bớt làm việc tay chân đi. Anh học lớp bê bát, em chí ít cũng A3, kiểu gì chẳng khá hơn anh.

Hà An bám vào vai tôi cười như nắc nẻ:

- Thế là anh không biết rồi, hồi thi đầu vào môn Toán em tự làm còn môn Văn em chép của đứa bên cạnh.

- Hả? Sao thế được? Làm gì có chuyện đấy?

- Sao lại không?

- Hồi anh thì nhà trường trông ngặt lắm mà? Ai người ta cho mình chép chứ?

- Thế anh lại quên rằng em là dân ở đâu ư?

- Ờ nhỉ!

Một thời gian dài sau đó nhà Hà An mở bán bún thịt chó. Ngoài ông cậu ruột của tôi ra thì bố của Hà An là người làm thịt chó ngon nhất mà tôi từng biết.

***