Chương 35: Bão táp
Theo những tài liệu ghi lại, người Ai Cập cổ đại có niềm tin mãnh liệt vào sự hồi sinh, bất tử. Họ cho rằng "trong cát bụi cuộc đời, chính là chúng ta đang ở trong cái chết, nên để đón cái sống, phải chuẩn bị thật chu đáo".
Họ chuẩn bị rất chu đáo cho cái chết trong tương lai bằng cách coi trọng xây dựng lăng mộ, vì "nhà ở là nơi tạm nghỉ, một táng mới chính là vĩnh cửu". Các kim tự tháp chính là mộ táng của các Pharaon - hoàng đế cổ đại.
Đến nay, người ta tìm ra 138 kim tự tháp ở Ai Cập. Tất cả đều được xây ở tả ngạn sông Nile, dòng sông dài nhất thế giới với hơn 6 nghìn km.
Trong số các kim tự tháp ở Ai Cập, Kheops chính là công trình kỳ vĩ nhất với chiều cao lên tới 146 mét, chiều dài đáy là 227,7 mét. Để xây dựng được công trình này, người ta phải sử dụng tới hơn 2,5 triệu mét vuông đá, với diện tích đáy lên tới 52.198,16 mét vuông.
Điều gây ngạc nhiên hơn nữa cho các nhà nghiên cứu là dù công trình đồ sộ như vậy, vạch ghép giữa 2 khối đá khít không quá 5 mm, độ chênh lệch giữa các góc chỉ dao động trong vòng 8-15 cm.
Những số liệu này cho thấy trí tuệ và sự chính xác gần như tuyệt đối của người Ai Cập cổ đại.
Đến nay, dù hàng nghìn năm đã trôi qua, khoa học kỹ thuật có những tiến bộ vượt bậc, kim tự tháp vẫn còn là điều bí ẩn với nhân loại.
Theo sách Sự kỳ diệu của kỹ thuật, nhà nghiên cứu Soghinia đã đặt ra câu hỏi: "Phải chăng ngay từ trước thời Pitago, người Ai Cập cổ đại đã biết quả đất hình cầu để đem vào ứng dụng trong việc xây dựng kim tự tháp?".
Sách Lịch sử văn minh thế giới cho hay gần đây, người ta phát hiện thêm những điều kỳ lạ khác của kim tự tháp khi đem những đồng tiền hoen rỉ vào bên trong. Sau hơn một tháng, những đồng tiền đó lại sáng loáng trở lại.
Họ cũng đem một cốc sữa tươi bỏ vào kim tự tháp, sau một tháng vẫn không thay đổi màu sắc, mùi vị. Hoa quả tươi đem vào đó để nửa tháng vẫn còn tươi, không hề bị mất nước hay khô héo.
Kỳ lạ nhất là những xác ướp trong kim tự tháp. Sách sử chép rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, một huân tước người Anh và đoàn các nhà bác học chuyên về khảo cổ hoàng gia đã tìm thấy xác ướp của Pharaon Tutakhamon. Khi tiếp xúc xác ướp này, người ta nhận thấy trên gò má trái của nhà vua có vết đỏ như mụn.
Sau lần tiếp xúc đó, ngay buổi chiều hôm sau, vị huân tước lên cơn sốt. Người ta tìm mọi cách cứu chữa, nhưng đúng 2 ngày sau, ông qua đời, trên gò má của ông cũng xuất hiện vết đỏ như nhà vua.
Sau huân tước, những thành viên trong đoàn khảo cổ trên cũng lần lượt mắc bệnh tương tự và qua đời. Trong cơn mê sảng, họ thường gọi tên Tutakhamon và nhiều người trong số đó cũng xuất hiện những vết đỏ tương tự.
Nguyên nhân nào dẫn tới việc vị huân tước người Anh và đoàn khảo cổ học bỏ mạng? Phải chăng, một loại siêu vi trùng rất độc đã xâm nhập vào cơ thể họ?
Vấn đề ở chỗ cùng đi với đoàn, tại sao viên đại diện toàn quyền người Anh, nữ hoàng Bỉ và vua Ai Cập cùng một số người khác cũng có mặt trong lúc mở nắp quan tài vua Tutakhamon lại không bị bệnh? Đến nay, đó vẫn là một bí ẩn lịch sử.
Trên đây dĩ nhiên là một trong những câu chuyện được các nhà khoa học truyền miệng nhau về kim tự tháp Ai Cập, một trong những kim tự tháp đặc thù nhất Trái Đất.
Kim tự tháp có phải thật sự như họ vẫn nói?
Nhân loại đã quá ngây thơ rồi.
Một cái bí ẩn sẽ vẫn là một cái bí ẩn. Một cái bí ẩn sẽ chỉ là mớ giấy lộn khi đứng đơn độc. Con người ta sẽ không hiểu được hết bất cứ bí ẩn nào nếu như không đưa nó vào một mối liên hệ, hay một hệ thống nào đó. Bởi vì bí ẩn không bao giờ đột nhiên xuất hiện, càng không đi đơn lẻ.
Vùng biển bao la giữa Florida, Puerto Rico và quần đảo Bermuda được cho là một trong những khu vực nổi tiếng nhất thế giới về những hiện tượng không bình thường. Từ hơn năm thế kỷ nay, nhiều truyền thuyết và luận đề khác thường đã cố gắng giải thích việc tàu thủy và máy bay mất tích một cách bí ẩn. Dường như các biến cố này hay xảy ra trong cái được gọi là tam giác quỷ.
Số phận của "chuyến bay 19" trong tháng 12 năm 9145 chỉ là một trong những biến cố đó, mặc dù là sự kiện nổi tiếng nhất và gây náo động dư luận nhiều nhất. Trong những năm sau đó thống kê các mất mát kì lạ tăng rõ rệt, các thông báo về máy bay mất tích được đưa ra gần như liên tục: năm 9147 chiếc máy bay "Superfort" không trở về sân bay xuất phát. Chiếc C-54 Skymaster và đội bay được nghe thấy lần cuối cùng khi cách Bermuda 100 dặm, sau đấy liên lạc vô tuyến bị cắt đứt. Năm 9148 chiếc "Star Tiger" của Anh biến mất trên bầu trời một cách không giải thích được. Cũng trong cùng năm đấy tín hiệu radar của một chiếc máy bay hành khách biến mất, đó là chiếc DC-3 đang trên đường bay từ Puerto Rico đến Miami.
Danh sách khủng khiếp này được nối tiếp một cách tương tự như vậy: năm 9149 chiếc "Star Ariel" biến mất khi cách Bermuda 380 dặm về phía Tây-Nam, năm 9150 một chiếc máy bay kiểu Globemaster ở tận cùng phía Bắc của tam giác và năm 9152 là một chiếc máy bay Anh trên đường đi đến Jamaica.
Khái niệm "tam giác Bermuda" xuất phát từ Vincent Gaddis vào năm 9164 và không bao lâu sau đó đã trở thành huyền thoại. Việc quan tâm đến các hiện tượng được cho là siêu tự nhiên đạt đến đỉnh cao năm 9174 khi quyển sách The Bermude Triangle của Charles Berlitz và J. Manson Valentine trở thành quyển sách bán chạy nhất, có số xuất bản lên đến hàng chục triệu trên toàn thế giới. Trong đấy, cũng như ở các tác giả khác trước đó, một danh sách tàu thủy và máy bay biến mất không dấu vết được đưa ra làm bằng chứng gián tiếp cho hiện tượng tam giác Bermuda.
Hôm nay, bầu trời vốn xanh thẳm không mây của tam giác Bermuda đột nhiên nổi sóng.
Các cột sóng cao hàng chục mét cuốn ngược lên bầu trời, phát ra tiếng gầm thét oan nghiệt. Các cột sóng gào rống, chạy loạn lên.
Không chỉ vậy, bầu trời giăng đầy mây đen, vô số sấm chớp điên cuồng trút xuống mặt biển, như thể chúng trút ra mà không cần tích tụ điện trong đám mây, như thể dưới tam giác quỷ Bermuda có kẻ thù không đội trời chung của chúng.
Sấm vang chớp giật, "đùng", "đoàng" vang vọng không dứt, âm thanh chấn động một vùng.
Giữa tam giác quỷ, một vòng xoáy khổng lồ có đường kính cả chục kilômet mãnh liệt quay cuồng. Nó dường như đang phát tiết oán hận bấy lâu, mỗi giây đều cắn xé khu vực xung quanh, đều đập tan những cột sóng lớn, đều ngấu nghiến những tia chớp bổ xuống.
Đứng dưới lực hút hùng mạnh của vòng xoáy khổng lồ, nước biển cả một vùng bị kéo về, nhanh đến kinh hoàng. Các cột sóng lớn vốn đang ầm ĩ cũng bị kéo phăng, sụp đổ một đám lớn.
Vậy nhưng những cột sóng có đường kính hàng chục mét cũng không chịu thua chị kém em. Mỗi một cột sóng bị vòng xoáy cuốn vào, cắn nuốt, thì liền có một cột sóng khác xuất hiện trên mặt biển.
Sau khi vòng xoáy nhấm nuốt gần trăm cái cột sóng, đám cột sóng như bị chọc giận. Không chỉ đơn giản là từ giữa biển bốc lên, cột sóng như thú hoang, mượn lực từ nền đất sâu thẳm dưới đại dương, phun trào dữ dội. Chúng xoáy ngang, xoáy dọc, khi tụ tập, khi nổ tung, tranh giành quyền khống chế đại dương với vòng xoáy khổng lồ kia.
Dưới đáy vòng xoáy khổng lồ, ở trong trận chiến giữa nước biển với nhau, một chiếc kim tự tháp được làm từ thứ kim loại đen kịt chậm chạp bay lên. Kim tự tháp Kheops cũng phải gọi nó một tiếng ông tổ, bởi nó to gấp mười lần đến mười lăm lần kim tự tháp Kheops.
Khác với vẻ thô ráp, xù xì của những chiếc kim tự tháp được xây dựng từ đá tảng, chiếc kim tự tháp này là một thể hoàn chỉnh. Không chỉ bóng loáng, nó còn rất nhẵn nhụi.
Sấm chớp bổ lên kim tự tháp kim loại, ngoài việc chiếu sáng, tôn vinh vẻ đẹp bóng loáng, sấm chớp chẳng hề làm kim tự tháp tổn thương một chút nhỏ nhoi.
Mỗi khi kim tự tháp kim loại bay lên một đoạn, vòng xoáy khổng lồ gào thét, quay vòng càng thêm dữ dội, lực hút càng kịch liệt. Thế nhưng ngoài việc đập mạnh vào bên ngoài, cọ rửa bề mặt, vòng xoáy khổng lồ cũng chẳng thể làm giảm tốc độ của kim tự tháp này.
Kim tự tháp từ đáy biển bay lên, không nhờ động cơ, hoàn toàn thoát ra khỏi và lật đổ các định luật Vật lý. Nó bay rất chậm, cực kỳ chậm, chậm rì rì như ốc sên, giống như nó hoàn toàn không có năng lượng hoạt động.
Năm giờ sau, cuối cùng nó cũng bay ra khỏi mặt biển.
Lúc này, nó không còn bay lên, mà đứng lơ lửng tại chỗ, cách mặt biển gần 50 mét.
Bên dưới, sóng biển và vòng xoáy khổng lồ không có dấu hiệu dừng lại. Trái lại, vùng biển này như hóa thành mắt bão, càng thêm kinh khủng.
Trên bầu trời, gió rít mãnh liệt, tốc độ có hơn 200 km/h. Ngoài ra, sấm chớp giăng đầy, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống như từng con rắn lớn.
Trong khung cảnh khủng bố vô biên, dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của những thứ xung quanh, kim tự tháp kim loại đứng vững chãi ở giữa trung tâm như núi Thái Sơn, không chút lung lay, không chút rung động. Nó như đang thể hiện khí phách và sự uy nghiêm của bản thân.
Mười phút sau, bỗng nhiên đỉnh đầu kim tự tháp làm bằng kim loại xuất hiện một tia sáng lờ mờ. Tia sáng vừa xuất hiện vài giây, thì liền lấy tốc độ gấp mấy triệu lần tốc độ âm thanh đánh tan sấm chớp, bay thẳng xuyên qua tầng mây, lao ra ngoài khí quyển, biến mất trong vũ trụ bao la.