Chương 94: Hứa hôn.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 94: Hứa hôn.

Chương 94: Hứa hôn.

Kinh thành Phú Xuân.

Tin tức về tình hình diễn biến ở Chân Lạp liên tục được những mật thám của Hoàng Vệ cập nhật, đưa về kinh đô Phú Xuân. Cảnh Thịnh rất quan tâm tới cuộc chiến lần này giữa liên quân Xiêm La - Vạn Tượng và quân đội Tây Sơn, bởi thế cho nên hắn mới cử một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng là Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn thống lãnh ba vạn quân tinh nhuệ Tây Sơn lên đường đến Chân Lạp.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn là hai vị tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm chiến trường, việc để cho hai vị tướng này lãnh binh đủ để cho thấy sự coi trọng của Cảnh Thịnh đối với việc thu phục đất Chân Lạp kỳ này thế nào, vốn dĩ chuyện này nếu như Cảnh Thịnh để chi Đại đô đốc Trần Quang Diệu lãnh binh đi Chân Lạp thì sẽ hợp lý hơn cả vì Đại đô đốc Trần Quang Diệu năm xưa sau khi đánh bại quân Xiêm La ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã từng đem quân cướp phá đến tận Outdong, cho nên y quá rành đường đi nước bước cũng như địa hình Chân Lạp.

Cảnh Thịnh không cử Đại đô đốc Trần Quang Diệu đi Chân Lạp lần này là vì hắn muốn Đại đô đốc Trần Quang Diệu nhìn chằm chằm vào quân Nguyễn, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng Nam chinh một lần nữa nếu như có sự việc nào bất ngờ xảy ra.

Buông tờ mật tin mà Hoàng Vệ gởi tới xuống bàn, Cảnh Thịnh ngẩng đầu nhìn lên bức địa đồ lớn treo ở trên cao, đánh bại quân Nguyễn thống nhất đất nước luôn là khát khao của Cảnh Thịnh. Khoảng thời gian trước, nhà Tây Sơn đã từng bên bờ vực sụp đỗ, nhưng đối với nhà Tây Sơn hiện nay, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, việc thống nhất đất nước đã không còn là giấc mơ xa vời mà chỉ còn vấn đề là thời gian.

Sau khi thống nhất đất nước, Đại Việt sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi dưỡng sức, tập trung vào phát triển hạ tầng kinh tế, khoa học kỹ thuật, tiếp tục xây dựng quân đội, chuẩn bị cho giai đoạn đại tranh chi thế với các cường quốc phương Tây ở trong khu vực Đông Bắc Á. Có điều, trước đó, còn có một kẻ thù cũ mà Đại Việt cần phải giải quyết đó là Xiêm La.

Xiêm La nằm trên con đường tiến về phía Đông của Đại Việt, là vùng đệm ngăn cách giữa Đại Việt và Đế quốc Miến Điện cùng người Anh ở Ấn Độ. Miến Điện là một đế quốc cực kỳ mạnh ở thời hiện tại, đế quốc này đã thành công ngăn cản đà tiến của người Anh về phía Đông trong nhiều năm, nhiều lần đánh bại Thanh Quốc và xâm lượt Xiêm La.

Nếu như sau này Đại Việt mở rộng về phía Đông, tiêu diệt Xiêm La là hành động không khôn ngoan, bởi vì nếu như không có Xiêm La làm vùng đệm, Đại Việt sẽ trực diện với Miến Điện, chiến tranh với một đế quốc mạnh như Miến Điện sẽ kéo lùi nền kinh tế của Đại Việt, dẫn đến sau này khó mà bảo toàn sức mạnh cạnh tranh với các nước khác.

Đại Việt không có nền tảng tốt như các nước Châu Âu cho nên cần phát triển vững chắc từng bước theo hướng bỏ ra cái giá nhỏ nhất, thu được lợi ích nhanh nhất, lấy đó làm nền tảng phát triển bền vững. Một đế quốc mạnh, không cần nhất định là một đất nước có diện tích lớn nhất, bởi vì diện tích lớn sẽ khiến cho khả năng quản lý bị lỏng lẻo, đất nước khó mà phát triển toàn vẹn. Điều mà Cảnh Thịnh hướng đến đó là tạo một nền móng vững chắc cho Đại Việt, tạo nền hoà bình lâu dài cho đất nước, tập trung phát triển đi trước một bước về khoa học kỹ thuật để Đại Việt có thể trở thành một trong những cường quốc hàng đầu trong tương lai.

Nước Nhật nhỏ bé tại sao lại có thể vươn lên ở trong thời kỳ mới?

Nước Mỹ tại sao lại có thể vượt mặt Anh để trở thành cường quốc số một thế giới?

Nước Đức không lớn nhưng tại sao lại có thể nhiều lần phát động chiến tranh châu lục và thế giới?

Vô số những bài học đúc kết kinh nghiệm ở tương lai mà Cảnh Thịnh có được khiến cho hắn tạo ra những chiến lược đúng đắn cho Đại Việt. Cảnh Thịnh quyết sẽ không đem Đại Việt vào những cuộc chiến bất tận vô nghĩa, lợi ích cho đất nước đó mới là mục tiêu mà hắn theo đuổi.

Cảnh Thịnh ngẫm nghĩ về hướng đi tương lai một chút sau đó hồi thần về những vấn đề hiện tại, muốn đạt được những điều tốt đẹp ở trong tương lai thì nhà Tây Sơn nhất định phải thống nhất đất nước, để tập trung sức mạnh của toàn dân toàn quân thành một thể, quá độ lên một thời kỳ mới.

Khoảng thời gian qua, Hải quân Tây Sơn đã dành được quyền khống chế tuyệt đối ở trên biển, cắt đứt nguồn thu nhập từ bên ngoài của Nguyễn Ánh. Đại đô đốc Lê Văn Hưng đã được tăng cường binh lính ở Quy Nhơn, chỉ cần đợi cho quân Xiêm La ở Chân Lạp bị đánh bại, con đường thông suốt là có thể tiến công quân Nguyễn từ ba mặt.

Nguyễn Ánh lúc này đã mất dân tâm, binh lính rệu rã, tinh thần chiến đấu xuống rất thấp, đây chính là thời cơ để nhà Tây Sơn đánh đòn quyết định, thống nhất giang sơn.

Cảnh Thịnh đang lúc suy nghĩ thì Hoà công công bước vào tấu:

- Bẩm bệ hạ! Bùi Thái Hậu cho mời bệ hạ đến Thái Hoà Cung để bàn chuyện hứa hôn ngày mai.

Cảnh Thịnh gật đầu đã biết, trong lòng không khỏi thở dài một tiếng, lúc này hắn đã gần mười sáu tuổi mà Lê Ngọc Bình cũng đã bước qua mười một tuổi. Ở cái thời đại này, nữ mười hai mười ba tuổi là có thể đi lấy chồng, tục tảo hôn khá phổ biến trong các tầng lớp.

Nói thật, Cảnh Thịnh chỉ thích những cô gái trưởng thành, ngực eo đầy đủ, đối với những cô bé hắn không có hứng thú. Lê Ngọc Bình còn quá nhỏ cho nên vì để thực hiện lời hứa với Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân cùng đám người nhà họ Lê, hắn chỉ đành làm ra một cái buổi lễ hứa hôn, chỉ cần Lê Ngọc Bình đến mười sáu tuổi sẽ chính thức rước nàng nhập chủ Đông Cung phong làm hoàng hậu.

Ban đầu, Bùi Thái Hậu cảm thấy rất là bất ngờ và bị động khi nhận được lời khẩn cầu của Cảnh Thịnh để chấp nhận mối hôn nhân này của hắn, bởi vì Cảnh Thịnh đã tự ý hứa hẹn với Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân mà nàng không biết bởi vì Bùi Thái Hậu cũng đang có ý định tiến cử một cô gái trong họ Bùi cho Cảnh Thịnh làm vợ, họ Bùi chưa kịp hành động thì đã bị Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân chiếm mất tiên cơ.

Bùi Thái Hậu hoàn toàn có quyền phủ định mối hôn nhân này nhưng Cảnh Thịnh là ai, sao hắn có thể để cho nàng được như ý. Cảnh Thịnh dứt khoát thẳng thắng với Bùi Thái Hậu là mối hôn nhân này với Lê Ngọc Bình chính là điều kiện để nhà họ Lê trợ giúp Cảnh Thịnh hoàn toàn bình định những thế lực chống đối ở Bắc hà, hắn còn đưa cho nàng một bản danh sách mà trước đó hắn đã lệnh cho Hoàng Vệ điều tra về số lượng quan viên của họ Bùi ở trong triều đình, hắn nói thẳng họ Bùi đã lũng đoạn quá nhiều quyền lực, hắn sẽ không động họ Bùi thế nào nhưng sẽ từ từ lấy lại bớt quyền lực từ tay họ Bùi để cân bằng quyền lực ở trong triều đình, Cảnh Thịnh không muốn nhìn thấy một triều đình Tây Sơn lâm vào bất ổn vì bị một gia tộc khống chế.

Nhìn bản danh sách, Bùi Thái Hậu chỉ biết im lặng không nói gì, Cảnh Thịnh đã thẳng thắng với nàng là vì hắn chân tâm thật ý đối tốt với nàng, nể trọng nàng. Họ Bùi lúc này cũng đã là một gia tộc lớn, phú quý đủ đầy, nếu còn ôm lấy tham vọng, quyến luyến quyền lực, đó là ngại mạng quá dài.

Họ Bùi tuy rất mạnh nhưng cũng không thể đấu lại Cảnh Thịnh, bởi lúc này hắn đã đủ lông đủ cánh, quyền uy như mặt trời ban trưa, kẻ nào dám xem thường hắn, thách thức uy nghiêm của Hoàng Đế thì kẻ đó cầm chắc lấy cái chết.

Cảnh Thịnh thấy uy hiếp đủ rồi thì cũng không làm khó cho Bùi Thái Hậu bởi hắn biết nàng cũng có trách nhiệm phải đảm đương với gia tộc của nàng. Hắn hứa hẹn sẽ lấy một đứa cháu gái của Bùi Thái Hậu, cho nàng một cái danh phận quý phi.

Cảnh Thịnh cư xử rất lão luyện. Bùi Thái Hậu cho dù có bất mãn đôi chút cũng chỉ có thể chiếu theo cách của hắn mà xử lý, đã chấp nhận thì nàng cũng không do dự nữa, tận tâm vì Cảnh Thịnh chuẩn bị buổi lễ hứa hôn này.