Chương 100: Cái chết của Nguyễn Phúc Cảnh 1

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 100: Cái chết của Nguyễn Phúc Cảnh 1

Chương 100: Cái chết của Nguyễn Phúc Cảnh 1

Thành Diên Khánh, phủ tướng quân.

Lúc này, Đại tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức đang ở trong thư phòng không ngừng đi đi lại lại, đôi chân mày nhíu chặt như có điều suy nghĩ. Suốt hai tháng nay, Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh có điều gì đó lạ lẫm, y cứ trốn ru rú ở trong phủ không gặp bất cứ ai, ngay cả việc binh của Diên Khánh cũng mặc kệ không quản.

Ban đầu, Nguyễn Huỳnh Đức cho là thái tử mệt mỏi, cần có một khoảng thời gian nghỉ ngơi nên gã không mấy để ý, nhưng trải qua khoảng thời gian hai tháng vẫn không thấy thái tử Nguyễn Phúc Cảnh xuất hiện khiến cho Nguyễn Huỳnh Đức không thể không quan tâm, dù gì Nguyễn Phúc Cảnh chính là thái tử của nhà Nguyễn, thân phận tôn quý, không thể cho sơ thất.

Nguyễn Huỳnh Đức nhiều lần lấy cớ đến phủ thăm hỏi nhưng mà lần nào cũng bị thái tử Nguyễn Phúc Cảnh tìm cớ không cho gặp, chuyện này khiến cho Nguyễn Huỳnh Đức nổi lên nghi ngờ, gã khẳng định là thái tử Nguyễn Phúc Cảnh đang có chuyện gì đó.

Nguyễn Huỳnh Đức là cận thần tin cậy của Nguyễn Ánh, thái tử Nguyễn Phúc Cảnh lại là đứa con mà Nguyễn Ánh Thương yêu nhất. Nguyễn Phúc Cảnh ở thành Diên Khánh lịch luyện, Nguyễn Huỳnh Đức trên danh nghĩa là người lãnh đạo trực tiếp của y, về công về tư, Nguyễn Huỳnh Đức không thể không quan tâm thật tốt Nguyễn Phúc Cảnh.

Mấy ngày nay, Nguyễn Huỳnh Đức đã cẩn thận cho người đi điều tra Nguyễn Phúc Cảnh, gã phát hiện ra số lượng lương y được Nguyễn Phúc Cảnh mời đến phủ rất nhiều, những thầy thuốc này một khi tiến vào phủ của thái tử liền mất tích không thấy trở ra. Vợ con của những người thầy thuốc mất tích đó đã bắt đầu cáo lên nha môn nhưng mà nha môn bắt thái tử không có cách nên bất đắc dĩ đành phải đè xuống.

Chuyện này chắc chắn có quái lạ.

Nguyễn Huỳnh Đức dừng bước, ngừng việc đảo qua đảo lại, đôi lông mày nhíu càng chặt, gã hạ quyết tâm lần này cho dù có đắc tội Nguyễn Phúc Cảnh thì cũng phải cứng rắn xông vào phủ để có thể trực tiếp gặp mặt y một lần, biết được Nguyễn Phúc Cảnh vẫn an toàn khoẻ mạnh, như thế thì gã mới có thể yên tâm được.

Nguyễn Huỳnh Đức quyết không chờ đợi thêm phút giây nào nữa, nói là làm, gã trầm giọng quát lớn:

-Người đâu! Truyền lệnh của ta, lập tức điều hai ngàn tinh binh vây chặt phủ thái tử.

Trong phủ thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, hơn chục vị thầy thuốc mặt ủ mày chau ngồi lại với nhau, người nào người nấy đều không giấu được vẻ kinh hoảng trên khuôn mặt. Khoảng thời gian trước, tất cả bọn họ đều lần lượt được mời đến phủ để chuẩn bệnh cho thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, những vị thầy thuốc này đều là những người có tiếng tài giỏi ở trong vùng, bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh bấy lâu nay của mình chỉ cần liếc sơ những triệu chứng mà Nguyễn Phúc Cảnh đang biểu hiện ra là bọn họ có thể chẩn đoán chính xác ngay là thái tử Nguyễn Phúc Cảnh đã mắc phải căn bệnh hoa liễu.

Người mắc bệnh hoa liễu chắc chắn sống không quá được bốn tháng, người nào mắc phải căn bệnh này người đó cầm chắc lấy cái chết, không có thuốc nào trị khỏi.

Biết được Nguyễn Phúc Cảnh là mắc phải bệnh hoa liễu, những người thầy thuốc này người nào cũng cảm thấy toàn thân lạnh lẽo, căn bệnh này làm sao có người nào dám trị, nhưng khi Nguyễn Phúc Cảnh hỏi đến, tất cả bọn họ đều lảng tránh nói sang một căn bệnh khác có triệu chứng tương tự là bệnh đậu mùa. Nào có ai dám nói thật cho Nguyễn Phúc Cảnh biết là hắn mắc bệnh hoa liễu, không quá bốn tháng chắc chắn bệnh phát người vong.

Nói đùa gì vậy?

Nguyễn Phúc Cảnh là ai?

Y là thái tử đương thời của nhà Nguyễn, thân phận tôn quý, nếu những người thầy thuốc này dám nói ra là y mắc bệnh hoa liễu thì chắc chắn bọn họ sẽ bị giết chết để diệt khẩu, để giữ gìn danh dự cho thái tử.

Có điều, những người thầy thuốc này cũng khổ, nói ra cũng chết, không nói ra mà sau khi Nguyễn Phúc Cảnh chết, triều đình chắc chắn cử người đến điều tra nếu phát hiện ra căn bệnh thực sự mà Nguyễn Phúc Cảnh mắc phải thì bọn họ cũng sẽ bị bí mật giết chết để diệt khẩu, khác nhau là chết sớm hay chết muộn mà thôi.

Những người thầy thuốc này không có nói thật, lẽ tất nhiên bọn họ cũng bất lực không thể điều trị cho căn bệnh của Nguyễn Phúc Cảnh thuyên giảm. Ba tháng trôi qua, căn bênh hoa liễu đã bộc phát toàn diện, Nguyễn Phúc Cảnh từ bốn ngày trước đã suy yếu đến cùng cực, thường xuyên hôn mê sâu, điều này khiến cho những kẻ tôi tớ ở trong phủ thái tử như ngồi trên chảo lửa, bọn họ liên tục bức bách những người thầy thuốc này, thậm chí còn ra tay giết chết một vị thầy thuốc để hù doạ.

Nguyễn Phúc Cảnh mà chết không rõ nguyên nhân, những kẻ tôi tớ trong phủ cũng sẽ bị giáng tội, nhẹ nhất là sung làm lao dịch hoặc đi đày, nặng thì mất mạng như chơi.

Kể ra những người tôi tớ này cũng là nạn nhân, khi Nguyễn Phúc Cảnh bắt đầu phát bệnh, nhìn những mụn nước ở vùng kín trên cơ thể, y đã tra tìm y thư và ẩn ẩn đoán được căn bệnh của mình là gì chỉ là y không dám chấp nhận sự thật mà thôi, y không dám mời vị quan ngự y mà Nguyễn Ánh phái đến Diên Khánh, người chịu trách nhiệm chăm sóc riêng cho thái tử vì sợ tin tức truyền về Gia Định nên đã bí mật cho mời nhiều vị thầy thuốc có tiếng ở trong vùng đến phủ khám bệnh, uống nhiều loại đơn thuốc khác nhau nhưng vẫn không thể làm cho bệnh tình thuyên giảm.

Để tránh việc này lộ ra ngoài, Nguyễn Phúc Cảnh đã cho giam lỏng những người thầy thuốc này ở trong phủ đồng thời nghiêm lệnh cho những người hầu thân cận không được tiết lộ cho ai nửa chữ, nếu không sẽ bị gán tội chết. Lệnh của thái tử ban xuống, những người hầu này không dám làm trái.

Căn bệnh hoa liễu thời gian đầu vẫn chưa làm cho cơ thể suy kiệt cho nên Nguyễn Phúc Cảnh vì không muốn cho người khác nghi ngờ vẫn cố gắng biểu hiện ra bên ngoài là mình vẫn khoẻ mạnh. Những vị thầy thuốc mà y mời đến, người nào cũng nói là y có vẻ mắc bệnh đậu mùa, cho nên trong lòng Nguyễn Phúc Cảnh mặc dù đã biết thừa là mình có đến chín phần mắc căn bệnh nan y hoa liễu nhưng mà ở trong lúc tuyệt vọng nhất y vẫn cố gắng gạt bản thân mình, vẫn cố gắng phớt lờ sự thực, tin vào những lời nói dối của những vị thầy thuốc, ôm trong lòng hy vọng mong manh là y đã đoán sai, y thực sự mắc bệnh đậu mùa.

Thời gian đã chứng minh sự thật, càng ngày sức khoẻ của Nguyễn Phúc Cảnh càng yếu, ba tháng trôi qua, những mụn nước lan ra trên khắp cơ thể, vỡ ra tạo thành những vệt lỡ loét mưng mủ, cả người hắn bốc lên mùi hôi thối như xác chết những vết lở loét trên cơ thể mãi không lành khiến cho y phải chịu sự đau đớn đến vô cùng.

Đau đớn và tuyệt vọng khiến cho Nguyễn Phúc Cảnh ăn uống rất ít, hầu như chỉ húp cháo loãng cầm hơi, chỉ một thời gian ngắn vài tháng căn bệnh hoa liễu đã biến Nguyễn Phúc Cảnh từ một thiếu niên phong độ thành một người gầy yếu xanh xao, cho đến hiện tại, cơ thể của y đã không thể nào gượng dậy nổi nữa.

Nguyễn Phúc Cảnh lúc tỉnh lúc mê nằm ở trên giường, hít vô thì ít, thở ra thì nhiều.

Việc Nguyễn Phúc Cảnh ngã quỵ một cách vô cùng nhanh chóng, khiến cho toàn bộ người hầu trong phủ lâm vào hoảng loạn tột cùng, bọn họ không biết phải xử lý chuyện này như thế nào.

Nguyễn Huỳnh Đức đem quân vây kín phủ thái tử, lúc gã đạp cửa vào bên trong, nhìn thấy thảm trạng thê thảm của Nguyễn Phúc Cảnh thì không khỏi lấy làm kinh sợ, gã lập tức cho bắt toàn bộ người hầu lẫn cận vệ ở trong phủ lại tiến hành tra hỏi, đồng thời cho mời quan ngự y đến thăm khám với hy vọng còn cứu kịp.

Vậy quan ngự y khi được Nguyễn Huỳnh Đức báo tin Nguyễn Phúc Cảnh ốm nặng thì vội vàng đến phủ thái tử ngay lập tức, lúc nhìn thấy Nguyễn Phúc Cảnh đang nằm trên giường, sắc mặt của vị quan ngự y liền trở nên tái mét không còn giọt máu.

Nguyễn Phúc Cảnh mắc bệnh hoa liễu đã đến giai đoạn cuối, không có cách nào cứu trị, lúc này y chỉ có thể vô lực chờ đợi cái chết tiến đến mà thôi.

Nguyễn Huỳnh Đức nghe vị quan ngự y nói xong, trong lòng cũng sợ hãi không ngừng, thái tử ở dưới mí mắt của gã vậy mà mắc phải bệnh hoa liễu mà chết, cho dù có nói thế nào gã cũng không thể thoái thoát trách nhiệm, cho dù Nguyễn Ánh không giết gã thì chức quan này cũng không thể làm nữa.

Nguyễn Huỳnh Đức chán nản ngồi phịch xuống ghế, ánh mắt liếc nhìn sang vị quan ngự y đang đứng ngơ ngác ở kia không khỏi lấy làm tội nghiệp cho sự xui xẻo của y. Nguyễn Huỳnh Đức có thể từ quan về ở ẩn nhưng vị quan ngự y này chắc chắn không thoát khỏi cái chết.