Chương 99: Quyết chiến thành Outdong 3

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 99: Quyết chiến thành Outdong 3

Chương 99: Quyết chiến thành Outdong 3

Chiêu Thuỳ Biện nắm giữ tiết tấu của chiến cuộc rất chắc, quân Xiêm La tiến theo sau lưng những người dân thường Chân Lạp với một khoảng cách không gần không xa nhưng đủ để tránh phần lớn đạn pháo của quân đội Đại Việt. Khi mà hoả lực của Đại Việt đang tập trung đối phó với những người dân Chân Lạp thì Chiêu Thuỳ Biện lập tức cho quân Xiêm La xung phong.

Đại pháo của Xiêm La đã đến được vị trí nhả đạn, lập tức nổ súng, mặc dù ít hơn hẳn về số lượng so với đại pháo của quân Đại Việt nhưng pháo binh của quân Xiêm La cũng có thể gây ra một vài thương vong cũng như quấy rối phòng tuyến của quân Đại Việt. Chiêu Thuỳ Biện chia quân làm ba cánh, hai cánh tả hữu mỗi cánh một vạn quân, cánh quân tấn công chính diện bao gồm hai vạn quân.

Có điều, Chiêu Thuỳ Biện hãy còn đánh giá thấp trận địa pháo và sức mạnh hoả lực của quân đội Đại Việt.

Quân đội Đại Việt trải qua hai năm cải cách, số lượng súng hoả mai cũ kỹ lạc hậu đã được thay thế hoàn toàn bằng súng kíp, loại súng theo quy chuẩn quân đội Châu Âu hiện tại, hơn nữa quân đội Đại Việt có một thứ vũ khí bí mật mà kể từ lúc tiến vào đất Chân Lạp từ đó đến giờ binh lính Đại Việt vẫn chưa một lần sử dụng.

Nhờ có những người dân thường Chân Lạp đỡ đạn, quân Xiêm La nhanh chóng áp sát được phòng tuyến của quân Đại Việt đồng thời tránh được nhiều thương vong. Súng kíp của quân Đại Việt mặc dù được cải tiến hiện đại hơn súng hoả mai trước đó nhưng cơ chế nạp đạn vẫn chậm vô cùng, cho dù đội hình của quân đội Đại Việt lúc này đã được lý tưởng hoá cho việc nạp và bắn nhưng dù sao khi ra chiến trường vẫn có rất nhiều yếu tố không lường trước ảnh hưởng đến binh lính, nhất là tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tác chiến.

Quân Xiêm La hung hãn tràn đến tấn công, Chiêu Thuỳ Biện chưa kịp vui mừng thì bên tai chợt nghe thấy những tiếng nổ to, y vội vàng cầm ống nhòm nhìn sang trận địa của quân Đại Việt thì chợt thấy binh lính Đại Việt đang thay nhau, ném vô số những quả Hoả Hổ về phía quân Xiêm La, những quả Hoả Hổ này có cơ chế hoạt động như là tiền thân của lựu đạn, là vũ khí được phát triển mạnh dưới thời vua Quang Trung, được nghiên cứu và hoàn thiện dần dưới thời Cảnh Thịnh.

Mỗi quả Hoả Hổ có sức công phá lớn, ở trong mỗi quả hoả hổ có để đinh sắt hoặc mảnh sắt vụn, khi Hoả Hổ nổ, những mảnh sắt này sẽ bị áp lực của thuốc nổ ép bay ra bốn phía, gây ra sức sát thương trên diện rộng.

Trên chiến trường, tiếng súng nổ vang lên không ngừng, khói thuốc súng bốc lên cao, mùi thuốc súng quyện với mùi tanh của máu bao trùm khắp nơi.

Quân Xiêm La ra sức bắn về phía quân Đại Việt, đạn của quân Xiêm La cũng gây được một số thương vong cho binh lính Đại Việt nhưng sức sát thương của Hoả Hổ quá lớn, cộng với binh lính Đại Việt sau phút giây lúng túng thì càng đánh càng nhuần nhuyễn, đạn súng kíp bắn như mưa áp chế quân Xiêm La áp sát.

Quân Xiêm La mặc dù chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn gan lỳ đánh rất ác, Hoả Hổ của quân Đại Việt cũng có hạn.

Hai quân giao chiến từ sáng sớm đến tối mịt, quân Xiêm La mặc dù tiến công dữ dội nhưng vẫn không thể phá được phòng tuyến của binh lính Đại Việt, bất đắc dĩ, Chiêu Thuỳ Biện phải cho lui quân chờ trời sáng.

Sáng hôm sau, quân Xiêm La lại bắt đầu tấn công, lần này đại pháo của hai bên chỉ bắn được lẻ tẻ do hết đạn, hai quân bắt đầu so kè đánh nhau để chiếm lĩnh từng vị trí. Những lô cốt nào bị quân Xiêm La áp sát thì lại chuyển sang đánh nhau bằng kiếm và lưỡi lê. Quân Xiêm La ở thế tấn công, quân Đại Việt ở thế phòng thủ, quân Xiêm La muốn chiếm được một lô cốt thì phải trả giá rất nhiều sinh mệnh, hơn nữa đạn dược của quân Đại Việt rất sung túc, việc chiếm được các lô cốt cũng không phải dễ dàng.

Đánh mãi mà không thể lấy được ưu thế cũng không đẩy lùi được quân Đại Việt, tổn thất quá nhiều khiến cho Chiêu Thuỳ Biện cảm thấy hết sức nôn nóng.

Lúc này, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng chợt nhận thấy sự chuyển biến của chiến trường, quân Xiêm La mặc dù vẫn còn tấn công mãnh liệt nhưng sức ép đã không còn được như trước, giống như là đã bắt đầu suy yếu. Đại đô đốc Vũ Văn Dũng quyết định chớp lấy thời cơ thật nhanh, lập tức thay đổi chiến thuật từ phòng thủ chuyển sang tấn công để đánh bại quân Xiêm La.

Đã không làm thì thôi, đã làm thì phải đến cùng, vô độc bất trượng phu, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng hạ ngoan tâm, ra lệnh cho bảy ngàn binh lính Chân Lạp đã chuẩn bị sẵn từ lâu tiến lên xung phong liều chết, quân đội Đại Việt tổ chức trận hình theo sát phía sau.

Quyết định của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đưa ra lúc này là cực kỳ chính xác, quân lính Chân Lạp vốn đang rất căm hận sự tàn bạo của quân Xiêm La đến tận xương tuỷ, được ra chiến trường giải toả cơn giận bị kiềm nén bấy lâu, bọn họ như hoá điên liều mạng lao về phía kẻ thù, quyết lấy mạng đổi mạng, quân lính Xiêm La chưa bao giờ thấy binh lính Chân Lạp hung hãn như thế cho nên ứng đối có phần lúng túng, bọn họ lại không có ưu thế về hoả lực như quân đội Đại Việt, cuối cùng cũng bị lính Chân Lạp liều mạng xé mở đội hình.

Quân đội Đại Việt thừa cơ đánh mạnh như bão táp, quân Xiêm La cố chống cự nhưng dưới sức tấn công mạnh như vũ bão của quân Đại Việt và Chân Lạp, quân Xiêm La cuối cùng cũng tan vỡ mà tháo chạy.

Trong lúc đốc thúc binh lính, Chiêu Thuỳ Biện vô tình bị trúng đạn lạc, được các tướng dưới quyền và thân binh liều chết bảo hộ bỏ chạy. Mất chủ tướng, quân Xiêm La không dám nấn ná, dẫm đạp lên nhau, một mạch tháo chạy về Bắc Tầm Bôn.

Trận này, bốn vạn quân Xiêm La chết và bị thương mất một phần ba, quân lính Xiêm La bị bắt lên đến gần bốn ngàn. Quân lính và người dân Chân Lạp chết vô số kế, lên đến vài vạn mà tính.

Ba Vạn quân Đại Việt cũng có tổn thất đáng kể, số lượng binh lính bị thương và chết trận lên đến con số gần ba ngàn, hầu hết là tổn thất nặng ở trong trận đánh với cánh quân Xiêm La do Chiêu Thuỳ Biện chỉ huy lần này. Đại đô đốc Vũ Văn Dũng thừa thắng tiến quân lấy lại thành Outdong nhưng không truy kích quân Xiêm La mà lựa chọn củng cố phòng ngự.

Thành Outdong hiện thời tan hoang đổ nát, kinh đô hoa lệ một thời của vương quốc Chân Lạp đã bị quân Xiêm La phá huỷ đến không còn hình dáng, ngay cả vương cung của hoàng gia Chân Lạp cũng bị đốt huỷ. Cả toà thành rộng lớn trống rỗng như một ngôi thành chết.

Đâu đó ở giữa những bãi đất trống vẫn còn xác người chất đống chưa cháy hết, bước vào thời kỳ phân huỷ, bị quạ đen bay đến rỉa xác.

Đâu đó ở trên chiến trường, ở trong thành trì, vẫn có những người thất thần đi lại giữa những xác chết và đống đổ nát, muốn tìm lại tung tích hình bóng người thân của mình, bọn họ cứ như những kẻ bị mất linh hồn chỉ còn lại cái xác trống không, lững thửng đi trong vô thức.

Mức độ tàn khốc của cuộc chiến lần này với quân Xiêm La vượt ra khỏi sự dự đoán của tất cả mọi người, sự tàn bạo của quân Xiêm La dẫn đầu bởi Chiêu Thuỳ Biện đã gần như phá huỷ Chân Lạp, quân Đại Việt mặc dù đã chiến thắng nhưng chỉ giành lấy được một Chân Lạp đổ nát tan hoang.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn sau khi lấy lại được Outdong đã nhanh chóng cử quân tiếp tục đi lấy lại thành La Bích, toà thành này cũng hứng chịu sự tàn phá như thành Outdong. Quân Đại Việt tiến vào hai toà thành này, lập tức tiếp quản và tổ chức cho dân chúng Chân Lạp bắt đầu tái thiết.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nhân cơ hội người Chân Lạp còn chưa hồi thần lại do hậu quả chiến tranh lập tức bắt giữ toàn bộ hoàng gia Chân Lạp, vua Ang Eng và triều đình Outdong, lệnh cho Đô đốc Nguyễn Văn Huấn ngày đêm hộ tống bọn họ đưa về Đại Việt, đồng thời viết tấu chương gửi cho Cảnh Thịnh xin nhà vua nhanh chóng cử các quan lại Đại Việt đến đây để thực hiện việc cai trị.

Đến tận đây, triều đình Tây Sơn đã giữ vững được phía Tây, thông suốt con đường thượng đạo hướng về cánh Tây của quân Nguyễn. Ở trên biển Đông, thuỷ quân Tây Sơn tung hoành không có đối thủ. Một cái thòng lọng đang dần dần xiết chặt quân Nguyễn ở phía Nam.