Chương 98: Quyết chiến thành Outdong 2

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 98: Quyết chiến thành Outdong 2

Chương 98: Quyết chiến thành Outdong 2

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn sau khi cho đại quân tiến đến gần Outdong thì cho quân dừng lại không tiến thêm nữa, bởi vì lúc này Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nhận ra quân Xiêm La của Chiêu Thuỳ Biện vẫn còn sức tiến công rất mạnh, cho nên hắn muốn đổi chiến lược lấy phòng thủ làm chính để đưa quân Xiêm La vào thế bất lợi.

Có điều, địa hình xung quanh Outdong chỉ toàn là đồng bằng trống trải, không có lấy một nơi hiểm yếu để dựa vào, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng quyết định xây dựng phòng tuyến bằng các bao đất chồng chất lên nhau, tạo thành các dãy lô cốt tạm thời. Quân Đại Việt có ưu thế vượt trội về các khẩu canon hoả lực mạnh, nhưng để có thể tận dụng tốt hoả lực, pháo binh cần phải có một tầm bắn tốt, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn liền cho bố trí pháo binh lên tuyến đầu xen kẻ giữa các ô lô cốt, nòng súng hướng thẳng về nơi trống trải, tầm bắn rộng mở.

Bảy ngàn bính lính Chân Lạp trang bị vũ khí thô sơ, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng bố trí bọn họ làm quân xung phong giáp lá cà, chống lại sự áp sát của kỵ binh quân Xiêm La là chính.

Mọi sự vừa chuẩn bị xong thì cũng là lúc quân Xiêm La tiến tới chiến trường, Chiêu Thuỳ Biện quan sát thấy cách bố trí phòng thủ kính kẻ như mai rùa của quân Đại Việt thì trong lòng tức giận đến nghiến răng nghiến lợi. Quân Đại Việt dường như đã đoán được chỗ gấp của hắn cho nên muốn để cho quân Xiêm La ở vị trí phải dồn lên tấn công còn bọn họ núp sau lô cốt, có thể tránh được nhiều tổn thất.

Chiêu Thuỳ Biện biết nếu để cho quân Xiêm La trực tiếp lên tấn công thì sẽ rơi vào trận địa đã bố trí sẵn sàng của quân địch, điều này khiến cho quân Xiêm La sẽ ở thế cực kỳ bất lợi, nếu như không nhanh chóng đánh tan được quân Đại Việt mà chịu nhiều tổn thất thì sĩ khí cua binh lính sẽ tan rã, dẫn đến nguy cơ thua trận.

Có điều, ở trên chiến trường không có điều gì là tuyệt đối, quân Đại Việt đưa thân vào thế phòng thủ thì cũng đồng nghĩa từ bỏ đi sự cơ động của mình, một khi thế trận phòng thủ bị rối loạn và không mang lại hiệu quả thì quân đội Đại Việt cũng sẽ bị đánh bại một cách hết sức nhanh chóng, điều Chiêu Thuỳ Biện cần làm lúc này là phá rối thế trận phòng thủ của quân Đại Việt khiến cho quân Đại Việt mất hết ưu thế.

Để phá rối thế trận phòng thủ của quân Đại Việt, Chiêu Thuỳ Biện quyết định tiếp tục thi hành kế sách tàn bạo của mình.

Quân Xiêm la khởi động thế công, trước tiên đẩy mấy vạn dân thường Xiêm La, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ra trước tiền tuyến, ép họ tiến lên, chạy về hướng quân đội Đại Việt và Chân Lạp đang phòng thủ. Bộ binh và pháo binh Xiêm La từ từ áp sát theo phía sau. Chiêu Thuỳ Biện muốn xem xem các tướng lĩnh của quân Đại Việt sẽ lựa chọn như thế nào.

Nếu như quân Đại Việt nhẫn tâm nổ súng bắn giết những người dân thường Chân Lạp này thì quân Xiêm La đã thành công tiêu hao được rất nhiều đạn dược của quân đội Đại Việt, đồng thời khiến cho người Chân Lạp cũng căm thù người Đại Việt không kém gì Xiêm La từ đó làm rạn nứt mối liên kết giữa liên quân Đại Việt và Xiêm La.

Trên cánh đồng trống, bốn vạn quân Xiêm La và bốn vạn quân Đại Việt - Chân Lạp đối đầu nhau, vì để tập trung hoả lực, tuyến phòng thủ của quân Đại Việt chỉ dàn trải khoảng ba kilomet. Lúc này, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đang dùng ống nhòm, đứng ở trên một cái tháp cao, quan sát trận thế của quân Xiêm La, điều đầu tiên đập vào mắt của hắn chính là một hàng dài đông đảo gồm mấy vạn người dân thường Chân Lạp, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, những người dân thường này bị quân Xiêm La liên tục thúc đẩy ép buộc, bọn họ bước đi xiêu vẹo tiến lên phía trước, vừa đi vừa khóc, tiếng khóc của mấy vạn người hợp lại vang thấu trời xanh.

Tiếng khóc vang đến bên tai của những người lính Đại Việt và Chân Lạp khiến cho bọn họ xao động, binh lính Đại Việt thì còn có thể chuyên chú giữ nguyên đội hình, nhưng binh lính Chân Lạp thì bị ảnh hưởng đến tinh thần rất lớn.

Nhìn thấy đám dân thường này, ngay lập tức Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đã đoán được ý đồ của quân Xiêm La, sự tàn bạo của người Xiêm La khiến cho hắn vừa tức giận vừa sợ hãi. Mặc dù biết chiến tranh rất tàn khốc, nó không tha một ai, nhưng tàn khốc tới mức độ mất cả tính người như quân Xiêm La, dùng phụ nữ và trẻ em làm bia đỡ đạn thì không còn gì để nói.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng hoàn toàn không ngờ tới, có một ngày, bản thân hắn phải đối mặt với việc như thế này. Chỉ cần một tiếng ra lệnh của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng thì mấy vạn người dân thường đó sẽ bị mất mạng, quân Đại Việt cho dù có chiến thắng thì cũng là một chiến thắng không có ý nghĩa, bởi vì hai tay nhuốm đầy máu tanh của những người dân thường Chân Lạp.

Mối thù này giữa người Chân Lạp với Xiêm La, với Đại Việt sẽ không bao giờ được xoá bỏ, nó sẽ được truyền đời này đến đời khác.

Từ bỏ? Rút lui?

Khẳng định là không được, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng không có đường lui, ở phía sau lưng hắn là Đại Việt, ở trên vai hắn là trách nhiệm với non sông xã tắc. Nếu như hắn từ bỏ, cho dù có cứu mạng được những người dân vô tội này nhất thời nhưng không thể cứu được mãi mãi, Xiêm La một khi chiếm được Chân Lạp thì tuyệt đối sẽ không bỏ qua cho Đại Việt, người Chân Lạp sẽ tiếp tục trở thành những con tốt thí cho tham vọng bành trướng của Xiêm La và người dân Đại Việt sẽ tiếp tục liên đới chịu đau khổ.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng xiết chặt bàn tay đến trắng bệch, khẽ thì thào:

-Đến đây đi! Tội lỗi này hãy để cho một mình ta gánh chịu.

Quân Xiêm La thúc mấy vạn dân tiến nhanh, những kẻ nào di chuyển chậm chạp sẽ bị giết chết không thương tiếc. Mấy vạn dân thường như một cơn sóng lớn từ từ đánh úp về phía quân Đại Việt, những binh lính Đại Việt vẫn cầm chắc vũ khí trong tay trầm mặc không nói, bên tai chỉ có tiếng hô lớn của các vị thống lĩnh liên tục cảnh tỉnh binh lính chuẩn bị sẵn sàng.

Rốt cuộc, tiếng súng pháo nổ vang, mở màn trần chiến.

Gần hai trăm khẩu pháo từ phía phòng tuyến của quân đội Đại Việt liên tục ầm vang như sấm đánh, bắn về phía những người dân thường Chân Lạp bị quân Xiêm La đẩy ra làm bia đỡ đạn đang tiến đến gần phía quân đội Đại Việt. Đạn pháo bay như lưu tinh vạch phá bầu trời, gần hai trăm khẩu pháo thi nhau bắn, hoả lực cực mạnh như muốn xới tung mặt đất.

Những người dân thường bị đạn pháo thổi bay, chết như ngả rạ, tay đứt chân gãy, máu thịt be bét, tiếng khóc than, tiếng la hét vang dậy đất trời. Những người dân thường bị đạn pháo của Đại Việt làm cho kinh hoảng muốn lùi về phía sau, lập tức liền bị quân lính Xiêm La nã đạn bắn chết không thương tiếc, buộc bọn họ phải liều lĩnh chạy về phía trước.

Những người dân đáng thương kẹt giữa hai bên làn đạn, có người phát điên khóc cười tại chỗ, có người cố gắng chạy về phía trước để tự cứu lấy mạng sống, dẫm đạp lên nhau. Có người phụ nữ tay ẵm đứa trẻ mới được vài tuổi trượt chân té ngã, đứa trẻ chưa kịp gào khóc đã bị đám đông dẫm đạp đến chết. Cảnh tượng huyết tinh thê thảm rùng rợn còn hơn cả địa ngục.

Đại pháo của quân Đại Việt vẫn nổ dồn dập không nương tay, mệnh lệnh phía trên đã ban xuống, bằng mọi giá không được để những người dân này áp sát làm rối loạn phòng tuyến.

Binh lính Chân Lạp nhìn cảnh tượng địa ngục trước mắt mà ruột gan như thắt lại, đôi mắt người nào người nấy trừng như muốn nứt, vằn vện tia máu, bọn họ hận không thể nhào ngay đến liều mạng với quân Xiêm La để cứu lấy những người dân của mình.

Đại pháo của Đại Việt cũng không thể ngăn chặn toàn bộ được những người dân thường Chân Lạp, vẫn có một số đông người chạy thoát gần đến phòng tuyến của quân Đại Việt, đôi mắt ánh lên sự mừng rỡ và hy vọng ngỡ là đã thoát thân, nhưng đón chờ họ lại là những viên đạn lạnh lẽo bắn ra từ những khẩu súng kíp, kết thúc cuộc đời đau khổ của họ.