Chương 93: Trận chiến trên cánh đồng.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 93: Trận chiến trên cánh đồng.

Chương 93: Trận chiến trên cánh đồng.

Dưới mệnh lệnh tấn công của Chiêu Sung, tiếng kèn trận của quân Xiêm La nổi lên vang lừng, một vạn quân tiên phong vạn tượng bắt đầu thúc đội Tượng binh xông lên trước mở đường, ở phía sau lưng bọn họ, đội hình bộ binh quân Xiêm La theo sát, pháo binh của Xiêm La cũng bắt đầu di chuyển theo sát đội hình, đến nơi mà tầm bắn có thể vươn đến.

Quân lính Đại Việt vẫn bình tĩnh giữ vững đội hình chờ cho quân Xiêm La tiến đến, khi khoảng cách hai bên được rút ngắn, pháo binh của hai bên bắt đầu nã đạn. Pháo binh của Đại Việt nhiều đến gần hai trăm khẩu, hoàn toàn áp chế hoả lực pháo của quân Xiêm La. Hơn một nửa pháo binh của Đại Việt tập trung mục tiêu chính vào đội tượng binh của Vạn Tượng, mưa đạn pháo trút xuống, đạn gém nổ bung, sức tàn phá khủng khiếp. Một con voi bị đạn pháo tạc trúng, sức công phá của viên đạn thổi bay nửa con voi, liên đới cả đến những người lính Vạn Tượng đang đứng gần, máu thịt bay tung toé lên bầu trời, máu đỏ thắm như hoa, rơi xuống như cơn mưa.

Hoả lực pháo của Đại Việt khiến cho Chiêu Sung biến sắc, chỉ mới vài phút mở đầu mà đã có vài ngàn lính ngã xuống, bắt buộc Chiêu Sung phải đẩy nhanh tốc độ tiến lên, đồng thời ra lệnh cho năm ngàn kỵ binh đánh bọc sườn hai cánh của quân Đại Việt hòng áp chế hoả lực pháo binh của quân địch.

Phía bên quân đội Đại Việt cũng có thương vong, một số viên đạn pháo của quân Xiêm La rơi trúng đội hình, khiến cho một số binh lính mất mạng nhưng cũng may, pháo binh Xiêm La không có nhiều súng canon, qua vài lượt đầu nổ súng liền bị hoả lực tập trung của pháo binh Đại Việt bắn tan nát, hơn nữa đội hình các ô vuông của binh lính Đại Việt giữ khoảng cách khá hợp lý cho nên thiệt hại cũng không đáng kể.

Kỵ binh của Xiêm La vừa mới xông lên, chưa kịp áp sát đã hứng phải mưa đạn như gió bão của binh lính Đại Việt, bởi vì đội hình ô vuông được hợp lý hoá cho việc sử dụng tối đa hoả lực, binh lính Đại Việt bắn không ngừng nghỉ, không có một viên đạn nào bị lãng phí, nếu có lính kỵ binh nào cá biệt áp sát được đội hình quân Đại Việt thì chờ đón họ là những lưỡi lê sắc lạnh. Tiếng súng nổ vang lừng không ngừng ở trên chiến trường, kỵ binh Xiêm La người ngã ngựa đổ chết như ngã rạ, tấn công không hiệu quả lại chịu thiệt hại quá lớn, kỵ binh Xiêm La buộc phải xoay người bỏ chạy, quân số lúc đến là năm ngàn kỵ quân đông đảo, lúc bỏ chạy chỉ còn được vài trăm.

Khói thuốc súng bốc lên cao tựa như sương mù che phủ chiến trường, mùi thuốc súng quyện với mùi máu theo gió lan toả, xộc thẳng vào mũi, tiếng súng nổ đùng đoàng át cả tiếng la hét, xác chết nằm la liệt khắp nơi, xác ngựa, xác voi nằm đè lên xác người, máu từ trong những cái xác chảy rỉ rả thấm đẫm mặt đất, toàn bộ khung cảnh tựa như chốn địa ngục được tái hiện ở nhân gian.

Pháo binh Đại Việt vẫn liên tục nhả đạn, cày nát đội hình quân Xiêm La - Vạn Tượng khiến cho quân lính Xiêm La có dấu hiệu hoảng hốt. Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nhận thấy thời cơ đã đến, ra lệnh cho binh lính tiến lên, đội hình ô vuông vừa tiến vừa bắn, quân Vạn Tượng - Xiêm La cố gắng bắn trả nhưng bị hoả lực mạnh mẽ của quân Đại Việt vùi dập, thua chạy tán loạn.

Chiêu Sung cố gắng vãn hồi tình thế, liên tục gầm thét ra lệnh, ngăn cản binh lính bỏ chạy nhưng binh bại như núi lở, gã dù giận tím mặt cũng phải thúc ngựa chạy theo.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng phái ra năm ngàn lính tinh nhuệ, chia thành năm cánh quân truy kích quyết liệt, quyết không cho Chiêu Sung có cơ hội thở dốc tụ quân tái chiến, muốn một lần đánh tan đạo quân này của Xiêm La.

Ba vạn liên quân Xiêm La do Chiêu Sung chỉ huy, chỉ trong một trận quyết chiến đã bị quân đội Đại Việt với ưu thế vượt trội về hoả lực đánh bại, bảy ngàn binh lính liên quân Xiêm La Vạn Tượng tử trận, gần ba ngàn người đầu hàng tại chỗ, số tàn binh còn lại giẫm đạp lên nhau mà trốn, bị quân đội Đại Việt truy kích chết thêm một mớ.

Về phía quân đội Đại Việt, ở trong trận này lại chỉ chết và bị thương chưa đến ba trăm người, sức chiến đầu toàn quân vẫn còn bảo toàn tương đối hoàn hảo. Kiểm kê chiến quả không sai biệt lắm, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng quyết định thu binh, trở về hội quân với Đô đốc Nguyễn Văn Huấn, nhìn chằm chằm tình hình ở Outdong.

Cùng thời gian với trận chiến giữa quân Đại Việt và cánh quân Xiêm La Vạn Tượng do Chiêu Sung chỉ huy, Chiêu Thuỳ Biện đã bắt đầu cho quân đội Xiêm La tấn công dữ dội vào thành Outdong. Trận chiến thành Outdong mở màn bằng trận mưa đạn súng thần công của quân Xiêm La trút xuống tường thành, những người dân bị kẹt ở bên ngoài thành Outdong là những nạn nhân đầu tiên.

Đạn pháo của quân Xiêm La trút xuống, những người dân thường bị tử thương vô số, xác người bị hất tung lên trời, bị bắn nát bét, tử trạng vô cùng thê thảm, viên đạn vô tình của quân Xiêm La không chừa một ai, từ người lớn đến trẻ con, từ ông già đến phụ nữ, tất cả đều bị nó quét sạch.

Loạt công kích đầu tiên qua đi, Chiêu Thuỳ Biện tạm thời cho pháo binh dừng bắn.

Ở dưới tường thành Outdong, tiếng la hét đau đớn, tiếng khóc thảm thiết của trẻ con bên xác cha mẹ, máu của mấy ngàn người dân chảy lênh láng xuống con hào bao quanh tường thành, nhuộm màu nước trong hào vốn trong vắt thành một màu đỏ quạnh tanh tưởi. Những binh lính Chân Lạp phòng thủ Outdong nhìn thấy cảnh tượng thê thảm đó mà sắc mặt tái nhợt đi, bên tai nghe thấy những tiếng gào thét khóc lóc đau khổ của những người dân mà trong lòng thấy hoảng hốt, sợ hãi, hối hận.

Có người bị lương tâm giằng xé không chịu nổi muốn đi mở cửa lập tức bị đồng bạn ấn xuống, nhiều trường hợp tương tự bắt đầu nổi lên khiến cho quan tướng chỉ huy của Chân Lạp không thể không giết vài người để vãn hồi trật tự.

Chiêu Thuỳ Biện thu hết mọi cảnh tượng của kẻ thù vào mắt, y muốn tận dụng sự kinh khủng đó để gây rối loạn tinh thần của quân Chân Lạp, khiến cho bọn họ cảm thấy sợ hãi mà mất đi ý chí chiến đấu. Qua một khoảng thời gian, quân Xiêm La lại bắt đầu tấn công một lần nữa, lần này mạnh hơn lần trước, hoả pháo của đại quân Xiêm La khiến cho tường thành Outdong không ngừng run lên bần bật, giống như bất cứ lúc nào cũng có thể sụp đổ.

Quân Chân Lạp cũng ngay lập tức phản công bằng những khẩu thần công đặt trên thành tường, nhưng những khẩu súng thần công này của quân Chân Lạp quá cũ kỹ lạc hậu, tầm bắn ngắn, không gây ra được thiệt hại nào đáng kể với quân đội Xiêm La.

Pháo binh Xiêm La nã đạn dữ dội hết cả buổi sáng, nòng pháo vì bắn nhiều quá mà có dấu hiệu nóng lên, bắt buộc phải ngừng nghỉ để bảo dưỡng nếu muốn dùng tiếp. Lúc này, bộ binh Xiêm La bắt đầu xông tới công thành, bọn họ dùng súng hoả mai áp chế hoả lực của quân Chân Lạp ở trên đầu thành để cho đội binh lính cảm tử bắt thang leo lên. Quân Chân Lạp ngoan cường chống cự bằng súng hoả mai và cung tên, nhưng vì trang bị không bằng quân đội Xiêm La cho nên chịu rất nhiều tổn thất nhưng cũng đã thành công đánh bật đợt tấn công đầu tiên của quân đội Xiêm La, buộc chúng phải rút lui.

Chiêu Thuỳ Biện cũng không quá vội vàng nôn nóng, y cho binh lính làm sơ nghỉ ngơi, sang ngày thứ hai lại bắt đầu một đợt tấn công mới, y biết thừa đạn dược của quân Chân Lạp không mấy sung túc, bằng vào ưu thế trang bị và sự tinh nhuệ của quân Xiêm La, chẳng mấy chốc quân đội Outdong sẽ bị y đánh tan.

Binh lính Xiêm La chiến đấu rất hăng hái và dữ dội, can đảm không sợ chết, bọn họ chiến đấu anh dũng như vậy không phải vì quốc vương hay vì đất nước của mình mà vì lời hứa của Tổng đốc Chiêu Thuỳ Biện. Một khi Outdong bị công phá, những binh lính Xiêm La này sẽ được thoả thích cướp giết hiếp liên tục trong vòng ba ngày.

Lời hứa của Chiêu Thuỳ Biện đã kích thích dục vọng và tinh thần chiến đấu của binh lính Xiêm La nhưng đồng thời cũng thể hiện được sự tàn bạo của người Xiêm La trong những cuộc chiến.