Chương 92: Xiêm La Tấn Công 3

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 92: Xiêm La Tấn Công 3

Chương 92: Xiêm La Tấn Công 3

Mặt trận phía đông bắc, cách thành Outdong ba trăm dặm.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng và Đô đốc Nguyễn Văn Huấn đã cho đại quân xây dựng doanh trại và các công sự phòng thủ, thiết lập một phòng tuyến dài khoảng ba kilomet, chặn đứng đường tiến quân của cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng do Chiêu Sung chỉ huy từ Xiêm Riệp.

Lần đầu tiên, những lô cốt bằng những bao đất cát được dựng lên trên chiến trường, mỗi một lô cốt có hai mươi binh lính phụ trách, khi chiến đấu thì xếp thành bốn hàng dọc phía sau lô cốt, mỗi hàng có năm người, hàng đầu bắn xong lập tức chuyển súng về sau để đưa về cho hàng cuối nạp đạn, hàng kế sau nhanh chóng chuyển súng đã nạp sẵn đạn cho hàng đầu để đảm bảo tốc độ bắn được nhanh chóng nhất, nhờ đó hoả lực liên tục được duy trì trong chiến đấu.

Các khẩu pháo canon cơ động được sắp xếp theo đơn vị cứ năm trăm quân là ba khẩu pháo, các khẩu pháo này chỉ cần ba người là có thể vận hành, sẵn sàng thay nhau khạc đạn liên tục.

Quân Đại Việt phân làm hai cánh quân tả hữu hỗ trợ lẫn nhau, hữu quân gồm hai vạn binh lính Tây Sơn tinh nhuệ làm cánh quân tấn công chủ lực do Đại đô đốc Vũ Văn Dũng chỉ huy, Tả quân gồm một vạn binh lính còn lại do Đô đốc Nguyễn Văn Huấn thống lĩnh có nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần, bảo vệ phòng tuyến cũng như chi viện cho cánh quân chủ lực.

Lúc này, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng và Đô đốc Nguyễn Văn Huấn đang ngồi trong soái trướng cùng nhau thương nghị tình hình diễn biến của Chân Lạp trong những ngày vừa qua cũng như dự đoán trước những tình huống bất ngờ có thể phát sinh để có thể trù bị kế sách ứng đối, nắm lấy sự chủ động trong tay, đương lúc hai người cùng chư tướng đang nghị luận hăng say thì có quân trinh sát chạy vào báo cáo rằng đã phát hiện tung tích của liên quân Xiêm La - Vạn Tượng, quân địch còn cách nơi đây một ngàn dặm đường.

Tốc độ hành quân của liên quân Xiêm La - Vạn Tượng rất nhanh, dự tính chỉ trong ba ngày là có thể giáp mặt quân Đại Việt.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nghe lính báo xong, lập tức nhìn lên địa đồ một lần nữa để xét lại kế hoạch tác chiến. Địa hình giữa quân Đại Việt và liên quân Xiêm La - Chân Lạp là một vùng đồng bằng rộng lớn, không hề có núi non, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng quyết định chủ động bày trận đón đánh, quyết tâm nhanh chóng diệt gọn cánh quân liên quân Xiêm La - Vạn Tượng do Chiêu Sung chỉ huy này của Xiêm La.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng còn đang suy nghĩ thì lại có một lính trinh sát khác chạy vào báo cáo tin tức, cánh quân Xiêm La do Chiêu Thuỳ Biện chỉ huy xuất phát từ Bắc Tầm Bôn đã lấy được thành La Bích đang chuẩn bị tiến về thành Outdong.

Xác định được quân Xiêm La chia binh hai đường tiến đánh Chân Lạp đúng như đã dự kiến, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng không chần chờ nữa, lập tức hạ lệnh cho hai vạn quân tinh nhuệ Đại Việt tiến về địa điểm đã định trước, bày sẵn trận địa để đón đánh cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng của Chiêu Sung. Đô đốc Nguyễn Văn Huấn thống lĩnh một vạn quân còn lại canh giữ chặt chẽ phòng tuyến, ngừa khi chiến sự bất lợi, đại quân của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng sẽ lui về giữ nơi này.

Ba vạn quân Xiêm La - Vạn Tượng ồ ạt tiến quân, Chiêu Sung cũng đã sớm nhận được báo cáo của lính trinh sát về những hành động của quân Đại Việt, y vốn tưởng rằng quân Đại Việt sẽ dùng chiến thuật phòng thủ, núp sau phòng tuyến chờ quân của y đến đánh để giành thế có lợi, nhưng thật không ngờ đại quân của Đại Việt lại dám nghênh ngang bày trận ở trên cánh đồng, muốn quyết chiến một trận đường hoàng với y.

Chiêu Sung ngẫm nghĩ, lúc này có lẽ cánh quân của Chiêu Thuỳ Biện đã tiến sát thành Outdong, điều y cần làm là kéo chân đại quân của Đại Việt tại đây càng lâu càng tốt, không cho quân Đại Việt có thời gian cứu viện Outdong. 

Chiêu Sung đang đau đầu vì chuyện này bởi y chưa tìm ra được cách nào có thể phá vỡ phòng tuyến của quân Đại Việt một cách nhanh nhất thì quân Đại Việt lại chủ động ló đầu ra quyết chiến với y, điều này chính hợp ý của Chiêu Sung. Lực lượng của hai bên vốn tương đương, nếu Chiêu Sung hung ác hơn một chút, không tiếc hy sinh tính mạng của binh lính Vạn Tượng làm đại giá thì có thể hoàn toàn kéo chân đại quân của Đại Việt, chờ đến khi Chiêu Thuỳ Biện phá được thành Outdong, hai bên tiền hậu giáp kích thì có thể tiêu diệt được hoàn toàn ba vạn quân Đại Việt, khiến cho kẻ địch mãi mãi nằm lại ở đất này.

Kế sách của Chiêu Sung không sai, nhưng có một điều y không tính được đến, đó là trang bị hoả lực của quân Tây Sơn cùng chiến thuật chiến đấu đã thay đổi không còn như trước kia nữa. Trận chiến lần này của quân Đại Việt với quân Xiêm La cũng là phép thử cho sức mạnh quân đội Đại Việt sau khi đã trải qua nhiều phen cải cách suốt gần hai năm qua.

Trời tờ mờ sớm, quân đội Đại Việt đã xếp sẵn phương trận chờ đợi liên quân Xiêm La - Vạn Tượng. Đại quân tinh nhuệ hai vạn người sử dụng đội hình ô vuông, cứ một ô vuông có hai mươi hàng ngang dọc, mỗi hàng hai mươi người, số lượng binh lính mỗi ô vuông là bốn trăm.

Phía sau lính bộ binh, xen kẻ giữa các ô vuông là gần hai trăm khẩu pháo canon gắn trên bánh xe cơ động, họng pháo chỉa lên trời, sẵn sàng oanh tạc trận hình của quân địch.

Trên cánh đồng rộng lớn, binh lính Đại Việt đứng nghiêm trong trận hình, tay nắm chắc vũ khí, im lặng chờ đợi kẻ địch xuất hiện. Không gian chiến trường cực kỳ im ắng, chỉ có gió lạnh không ngừng gào thét bên tai, thổi tấm đại kỳ tung bay phần phật.

Ánh nắng dần lên, khi tia nắng bình minh đầu tiên rải xuống mặt đất rộng lớn, quân Xiêm La - Vạn Tượng xuất hiện, đông đặc như đàn kiến ở đường chân trời.

Quân Vạn Tượng xếp ở đội hình đằng trước, là lực lượng tiên phong, quân số ước chừng một vạn quân, vũ khí trang bị chủ yếu là gươm giáo, rất ít súng hỏa mai, binh lính Vạn Tượng đứng sau một đội tượng binh hùng hậu gồm một trăm con voi to lớn, dường như bị sát khí vô hình ở trên chiến trường ảnh hưởng mà liên tục gầm rú vang trời.

Quân Xiêm La đi phía sau đội quân Vạn Tượng, được trang bị tốt hơn hẳn binh lính Vạn Tượng, số lượng lính có súng hỏa mai khá nhiều, tuy không đến mức mỗi người một khẩu như binh lính chính quy Đại Việt nhưng ít nhất hơn một vạn khẩu là có, ngoài ra còn có khoảng ba ngàn kỵ binh chia làm hai cánh, một khi chiến đấu xảy ra, hai nhánh kỵ binh này sẽ đánh thọc sườn phá tan đội hình địch.

Số lượng đại pháo của cánh quân này không nhiều, áng chừng hơn chục khẩu pháo, là lọai pháo cơ động, vì không phải là cánh quân chủ lực cho nên Chiêu Sung không đem theo quá nhiều đại pháo, mà phong cách chiến đấu của quân Xiêm La cũng không có thói quen dùng trận địa pháo mở đường.

Trên cánh đồng rộng lớn, hai quân đối chọi nhau, hai kẻ thù cũ lại một lần nữa chạm mặt ở trên chiến trường.

Một bên liên quân Xiêm La - Vạn Tượng thế đến hung hãn, tiếng quân reo, tiếng ngựa hý voi rống ầm ĩ cả một góc trời.

Một bên quân đội Đại Việt kỷ luật nghiêm minh, quân trận sẵn sàng đón quân địch, không có tiếng quân reo, chỉ có sự im lặng trầm mặc, vững chãi sừng sững như núi cao, chỉ có tiếng của những lá đại kỳ tung bay phần phật trong gió.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cưỡi ngựa ở hậu quân, cất ống nhòm nhìn về phía kẻ địch đối diện, phát hiện ra kẻ địch có lực lượng kỵ binh hùng hậu, liền phất tay ra hiệu cho tùy tướng giương cờ hiệu, sau một hồi trống đánh rền vang của quân nhạc, những binh lính đứng hàng đầu tiên trong các phương trận ô vuông lập tức gắn lưỡi lê, nửa quỳ chống súng ra phía trước.

Lưỡi lê sắc nhọn đâm ra tua tủa hệt như gai nhím, ngăn cản bất cứ kỵ binh nào có ý đồ xâm nhập xâu xé đội hình. Sự thay đổi nhịp nhàng nhanh chóng chứng minh thành quả luyện tập miệt mài không biết bao lâu của binh lính, quân đội Tây Sơn ở trong mắt những sĩ quan người nước ngoài theo quân đã đạt đến tiêu chuẩn tinh nhuệ.

Chiêu Sung nhìn về hướng quân đội Đại Việt, y cảm thấy hơi ngỡ ngàng vì đội quân này dường như được trang bị quá giản đơn, một khi bị quân Xiêm La áp sát là có thể rất dễ dàng bị tiêu diệt.

Đại công đang ở phía trước, Chiêu Sung cười lớn một tiếng, lập tức ra lệnh tiến công.