Chương 89: Các bên đều có âm mưu

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 89: Các bên đều có âm mưu

Chương 89: Các bên đều có âm mưu

Chân Lạp.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng với Đô đốc Nguyễn Văn Huấn sau khi hội bàn với vua Chân Lạp là Ang Eng mới thấy phát sinh nhiều vấn đề. Ang Eng đề nghị đại quân Tây Sơn đến đóng quân tại thành La Bích cùng kết hợp với hai vạn quân Chân Lạp chặn đứng mũi nhọn tiến công của liên quân Xiêm La - Vạn Tượng. Ang Eng nắm giữ hai vạn quân chính quy ở Outdong làm hậu phương chi viện cũng như đảm bảo cung cấp lương thảo.

Đề nghị này của Ang Eng khiến cho Đại đô đốc Vũ Văn Dũng không thể nào chấp nhận được, hắn không thể nào lấy tính mạng binh lính Tây Sơn đi chết thay cho người Chân Lạp, khi mà ngay chính bản thân những người Chân Lạp không chịu đấu tranh để bảo vệ lấy đất nước của mình.

Ang Eng tính bài tính quá khôn, y muốn đẩy binh lính Tây Sơn ra đằng trước chắn mưa tên bão đạn, bản thân y cùng hoàng tộc thì an toàn ở hậu phương, đó là chưa tính đến việc nếu chiến sự không thuận lợi, Ang Eng hoàn toàn có thể trở mặt, phong kín đường lui của quân Tây Sơn bức quân Tây Sơn phải đồng vu quy tận với liên quân Xiêm La - Vạn Tượng. 

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng là một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng, thân kinh bách chiến, hắn chỉ cần liếc sơ là có thể nhìn thấu ngay những toan tính nhỏ nhặt đó của Ang Eng. 

Tin tức của mật thám dò la cho biết, tổng đốc Chiêu Thùy Biện của Xiêm La đã cho tập hợp từ sáu đến tám vạn quân Xiêm La - Vạn Tượng tại Bắc Tầm Bôn và Xiêm Riệp, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đoán chắc Chiêu Thùy Biện sẽ chia binh tấn công làm hai hướng, trong đó hướng chính là mặt phía đông Chân Lạp với một cánh quân xuất phát từ Bắc Tầm Bôn do đích thân Chiêu Thùy Biện chỉ huy, một cánh khác đánh vào mặt đông bắc do một tướng lãnh khác chỉ huy sẽ xuất phát từ Xiêm Riệp.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng quyết không thể để cho ba vạn binh lính tinh nhuệ Tây Sơn đi liều mạng trực diện với liên quân Xiêm La - Vạn Tượng, mục đích mà Cảnh Thịnh giao cho hắn rất rõ ràng.

Thứ nhất lấy phòng thủ làm chiến lược, chủ yếu cầm chân và tiêu hao sức lực liên quân Xiêm La - Vạn Tượng, thứ hai là hủy diệt triều đình Outdong.

Vua Ang Eng là một người tinh minh, y không phải là người ngốc nghếch thì sao lại không hiểu hoàn cảnh trước hổ sau sói của mình, trong lòng y thừa hiểu rõ Đại Việt là một con sói dữ, bất cứ lúc nào cũng có thể nuốt chửng lấy Chân Lạp không nhả xương.

Có điều, lần này quân Xiêm La thế đến quá hung hãn, vua Rama I của Xiêm La quyết tâm xóa sổ triều đình Outdong khiến cho vua Chân Lạp là Ang Eng không thể không đi nước hiểm, cầu cạnh Đại Việt muốn dùng kế xua sói cắn hổ.

Một khi Đại Việt và Xiêm La đấu nhau kịch liệt, Ang Eng chính là người được lợi, kết quả xấu nhất là Chân Lạp đồng thời xưng thần với hai nước Xiêm La và Đại Việt, kết quả tốt nhất là chỉ xưng thần với Đại Việt mà thôi, cho dù là kết quả nào thì sự thống trị của Ang Eng đối với Chân Lạp đều được bảo đảm.

Đại đô đốc Vũ Văn Dũng là người từng trải, làm sao hắn có thể để cho Ang Eng được như ý nguyện. Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nói với Ang Eng rằng liên quân Xiêm La - Vạn Tượng kỳ này rất mạnh và đông đảo, sĩ khí đang tại đỉnh cao, nếu như liên quân Đại Việt - Chân Lạp đi đối cứng là không khôn ngoan, chi bằng thực thi kế vườn không nhà trống, bỏ thành Luy Bích tập trung lực lượng về Outdong để phòng thủ.

Quân đội Chân Lạp sẽ trực diện với cánh quân Xiêm từ Bắc Tâm Bôn, thủ chặt mặt đông, quân Đại Việt sẽ đóng quân cách Outdong hai trăm dặm chếch về phía đông bắc chủ động đón đánh cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng đồng thời chi viện qua lại Outdong.

Quân Xiêm La - Vạn Tượng tuy đông đúc và hung hãn nhưng từ xa đến mệt mỏi, quân Chân Lạp - Đại Việt quân lương đầy đủ lại có sự chuẩn bị tốt lợi cho phòng thủ lâu dài, chỉ cần quân Xiêm La - Vạn Tượng đánh mãi không được lại tổn thất thảm trọng thì ắt phải nhanh chóng rút lui.

Ang Eng thấy Đại đô đốc Vũ Văn Dũng không mắc mưu của mình thì trong lòng hơi thất vọng, bất đắc dĩ phải đồng ý với đề nghị của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng bởi nếu y không đồng ý mà để cho Đại đô đốc Vũ Văn Dũng sinh nghi cho rút quân Đại Việt về nước thì một mình quân Chân Lạp đối đầu với liên quân Xiêm La - Vạn Tượng là chắc chắn cầm lấy cái chết, đến khi đó triều đình Outdong bị Xiêm La xóa xổ, tính mạng của Ang Eng cũng bị mất.

Ang Eng tuy đồng ý với chiến lược của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nhưng vẫn chưa từ bỏ ý đồ xấu xa của mình, y thầm nhủ một khi liên quân Xiêm La - Vạn Tượng đến đánh, quân đội Chân Lạp sẽ co đầu rút cổ trong thành Oudong, dựa vào thành cao hào sâu cố thủ. Cánh quân Xiêm từ Bắc Tầm Bôn đánh hoài không hạ được thành Outdong ắt sẽ chuyển sang đánh quân Đại Việt đóng ở đồng không mông quạnh, lúc đó Chân Lạp sẽ đợi cho hai bên đánh nhau tơi bời, tổn thất nghiêm trọng, Ang Eng sẽ đường hoàng dẫn quân Chân Lạp ra khỏi thành thu thập quân Xiêm La cứu viện quân Đại Việt, như thế Chân Lạp vừa có tiếng thơm vừa bảo tồn thực lực.

Còn đối với chuyện sau khi mưu kế thành công có khiến cho Đại đô đốc Vũ Văn Dũng mất lòng hay không thì Ang Eng cũng không mấy để bụng. Một đại tướng mà thôi, chỉ cần Chân Lạp sau đó dâng lên cống phẩm đủ dày thì vua Đại Việt sẽ ấn chuyện này xuống, cho dù Đại đô đốc Vũ Văn Dũng có bất mãn cũng không lật được bọt sóng gì.

Ang Eng nghĩ đến đây, trong lòng đại định nhưng mà y đâu có ngờ, chiến lược này của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng là có ý đồ đẩy quân Chân Lạp ra đối đầu trực diện với cánh quân có hỏa lực mạnh nhất của quân Xiêm La. Thành Outdong là một ngôi thành lớn có lịch sử lâu đời nhưng kiến trúc của nó không thể giữ vững trước hỏa lực mạnh của quân Xiêm La có được từ công nghệ của người Bồ Đào Nha. Ngôi thành này không được thiết kế để chống lại đại pháo như thành Diên Khánh của quân Nguyễn.

Để hoàn thành mục tiêu đánh bại liên quân Xiêm La - Vạn Tượng và xóa sổ triều đình Outdong, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cũng có nhiều ý định thâm sâu khi đề ra chiến lược này. Nếu liên quân Xiêm La - Vạn Tượng tấn công Outdong theo đúng hai hướng như Đại đô đốc Vũ Văn Dũng nhận định, quân Chân Lạp chắc chắn sẽ đánh nhau kịch liệt với cánh quân Xiêm La từ Bắc Tầm Bôn để giữ lấy Outdong, mặc dù trước sau gì quân Chân Lạp cũng thua trận nhưng ít nhất cũng sẽ chống cự được quân Xiêm La trong một thời gian ngắn.

Chừng đó thời gian cũng đủ để cho quân tinh nhuệ Đại Việt tiêu diệt trọn cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng từ hướng Xiêm Riệp. Địa hình xung quanh kinh đô Outdong là đồng bằng trống trãi bất lợi cho phòng thủ, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng không váng đầu mà áp dụng chiến thuật phòng thủ bất lợi cho quân Đại Việt, hắn dự định chủ động lấy tấn công làm phòng thủ, tận dụng lợi thế về hỏa lực áp đảo tuyệt đối của quân Đại Việt đối với cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng đến từ Xiêm Riệp mà tiêu diệt hết cánh quân này trong một khoảng thời gian ngắn nhất, việc này chắc chắn thành công bởi vì cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng đến từ Xiêm Riệp không phải cánh quân chủ công nên trang bị hỏa lực chắc chắn yếu hơn cánh quân Xiêm La từ Bắc Tầm Bôn, hơn nữa cánh quân này còn là một cánh quân hỗn hợp giữa Xiêm La và Vạn Tượng cho nên sự phối hợp giữa các binh lính chắc chắn không được nhịp nhàng như cánh quân Xiêm La đến từ Bắc Tầm Bôn chỉ toàn binh lính người Xiêm La.

Sau khi tiêu diệt nhanh gọn cánh quân Xiêm La - Vạn Tượng từ Xiêm Riệp, quân Đại Việt sẽ đợi cho quân Chân Lạp bị tàn sát không còn, mà cánh quân Xiêm La từ Bắc Tầm Bôn cũng bị tổn thất đáng kể về con người và đạn dược thì mới ung dung nhàn nhã thu thập cuộc chiến, đến đây triều đình Outdong bị quân Xiêm La xóa xổ mà Đại Việt lại đánh bại Xiêm La, hiển nhiên thuận lợi thu lấy đất này mà không có một chút cản trở.

Kết minh đã thành, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Ang Eng nắm lấy tay nhau cười to, ánh mắt nhìn nhau càng thêm tình cảm thắm thiết, thể hiện sự đoàn kết của liên quân Đại Việt - Chân Lạp, quyết tâm đánh đuổi quân Xiêm La độc ác.