Chương 84: Chiếu nhường ngôi

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 84: Chiếu nhường ngôi

Chương 84: Chiếu nhường ngôi

Bầu trời trong xanh không một gợn mây, ánh nắng chiều dịu nhẹ phủ xuống mặt đất, gió mát mơn man dạo chơi khắp nơi thổi đám cỏ rạp mình ngã nghiêng.

-Đến rồi!

Chẳng biết là kẻ nào trong đám người bật thốt lên, mọi người lập tức tập trung sự chú ý của mình về phía phương xa.

Nơi cuối đường chân trời dần dần xuất hiện một đoàn người, nhìn kỹ lại có đến gần hai ngàn binh lính triều đình Tây Sơn, bọn họ hộ tống một chiếc xe ngựa được chín con ngựa cùng kéo, trên xe đặt một chiếc quan tài bằng gỗ quý, bốn phía hoàng kỳ tung bay. Đoàn quân hộ tống chậm rãi tiến về phía đám người nhà họ Lê, hoàng hôn đỏ rực ở phía sau lưng phủ lên một màu buồn thê lương.

Linh cữu của Lê Chiêu Thống sau nhiều năm bôn ba nơi xứ người, cuối cùng đã được về với quê cha đất tổ. Trong đám người nhà họ Lê chợt có tiếng khóc nỉ non vang lên, không biết là ai dẫn đầu, cảm xúc bi ai nhanh chóng bao trùm lên tất cả mọi người. Chiếc xe ngựa chở quan tài của Lê Chiêu Thống cùng với vợ con của y được chuyển giao cho đám người nhà họ Lê tiếp quản, ở dưới sự dẫn đầu của Lê ông cùng Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân trở về Lam Kinh để thực hiện nghi thức chôn cất.

Phạm Văn Trị dẫn theo hai ngàn quân lính triều đình cùng đi theo để bảo vệ. Trở lại Lam Kinh, Phạm Văn Trị đợi cho Lê ông cùng Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân xắp xếp mọi sự xong xuôi mới mời hai người dời bước nói chuyện.

Sau khi nghi thức chào hỏi xã giao qua đi, Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân mở miệng hỏi:

-Không biết bệ hạ có lời nhắn nhủ gì với chúng ta?

Phạm Văn Trị không dám thất lễ với Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân, hắn đứng dậy vái dài, cung kính nói:

-Bẩm thái hậu! Bệ hạ có khẩu dụ, lễ an táng của tiên hoàng cần phải tổ chức thật long trọng, nếu như cần thiết, triều đình sẽ cấp thêm kinh phí, ngoài ra...

Phạm Văn Trị nói đến chỗ này hơi ngập ngừng, y nhỏ giọng xuống đến mức chỉ có ba người ở trong phòng là nghe được.

Sau khi nghe xong lời nói của Phạm Văn Trị, sắc mặt của Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân cùng Lê ông bỗng dưng trở nên tái mét. Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân run run nói:

-Bệ hạ cho đến lúc này còn không chịu buông tha nhà họ Lê chúng ta ư? Nhất định phải vắt kiệt đến giọt giá trị cuối cùng?

Phạm Văn Trị nghe vậy, trầm giọng xuống, lạnh lùng nói:

-Thần mong thái hậu cẩn trọng lời nói của mình, chuyện này liên quan đến đại thế của thiên hạ, liên quan đến việc đánh bại quân Nguyễn để thống nhất đất nước, không cho sơ thất, hay là nhà họ Lê vẫn còn nuôi ảo tưởng, muốn Tây Sơn bại vào tay giặc Nguyễn?

Lời nói đanh thép của Phạm Văn Trị khiến cho Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân cùng Lê ông biến sắc, người khác có thể kính sợ địa vị của Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân nhưng y thì không, y chính là Hữu đô chỉ huy sứ, thống lĩnh Hữu vệ của Hoàng Vệ mà Hoàng Vệ chính là lực lượng trung thành nhất bảo vệ hoàng quyền, là đao sắc trong tay Cảnh Thịnh, bất cứ mối nguy cơ nào đe dọa đến sự thống trị của hoàng quyền thì Hoàng Vệ đều có quyền gạt bỏ.

Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân chỉ hơi lưỡng lự một chút liền gật đầu đồng ý, kể từ khi trợ giúp Cảnh Thịnh bình định Bắc Hà, nhà họ Lê đã không có đường quay lại chỉ có thể ở trên một con đường này đi đến đen, giữa lúc tình hình thiên hạ rối ren nhạy cảm như thế này, nàng cũng không muốn vì chút chuyện mà đánh mất thiện cảm của Cảnh Thịnh, gây bất lợn cho Lê Ngọc Hân bước lên chính vị hoàng hậu.

Linh cữu Lê Chiêu Thống được triều đình Tây Sơn đem từ Thanh Quốc về nước an táng long trọng, Cảnh Thịnh còn đích thân viết một bài tế tuyên đọc trong nghi lễ an táng, chuyện này đã được truyền đi khắp thiên hạ khiến cho mọi người đều lên tiếng tán thưởng sự rộng rãi độ lượng của hoàng đế.

Ngay sau tang lễ chôn cất của Lê Chiêu Thống, một sự kiện rúng động hơn nữa theo đó truyền ra, vợ của Lê Chiêu Thống đem theo chiếu chỉ truyền ngôi của Lê Chiêu Thống công bố cho người trong toàn thiên hạ biết, Lê Chiêu Thống những năm cuối đời tự nhận lấy khí số của nhà Lê đã hết, y tự nhận lỗi vì là vua một nước nhưng lại không thể đem lại sự ấm no cho dân chúng cho nên quyết định thoái vị, đem ngôi vị chính thống của nhà Lê truyền cho nhà Tây Sơn, mong rằng đất nước từ nay có thể thái bình, người người được ấm no hạnh phúc.

Chiếu truyền ngôi của Lê Chiêu Thống vừa tuyên cáo xong, lấy một cái tốc độ nhanh đến không thể tưởng tượng truyền đến tận các vùng miền, cho dù là nơi xa xôi hẻo lánh nhất hay là ở phía quân Nguyễn đối địch thuộc vùng đất Nam Hà.

Kể từ đây, sự chính thống của nhà Tây Sơn đã được khẳng định, danh chính ngôn thuận, được người trong thiên hạ tán thành chứ không còn là những kẻ cướp ngôi đoạt vị nữa, những kẻ phản loạn cũng không còn cái cớ mà lôi kéo dân chúng.

Cảnh Thịnh sau đó học theo Tào Tháo năm xưa, bắt đầu hạ chỉ phong quan cho các tướng lĩnh và quan lại của Nguyễn Ánh một cách loạn xí ngầu. Phó tướng phong làm đại tướng, quan vùng nhỏ phong sang quan vùng lớn, Võ Tánh thậm chí còn được phong vương chức vị ngang hàng với Nguyễn Ánh, hoàng tử Đảm mới ba tuổi được phong thế tử thay cho Nguyễn Phúc Cảnh...

Thành Gia Định.

Nguyễn Ánh ngồi trên ngôi cao nhìn xuống quần thần đứng hầu bên dưới, trong lòng của hắn vô cùng tức giận. Một bầu không khí nặng nề bao trùm cả gian đại điện, các quan người nào người nấy cúi đầu không dám thở mạnh cũng không dám lên tiếng, sợ chọc cho Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình, nhiễm lấy một thân xui xẻo.

Cảnh Thịnh chơi một chiêu này quá ác, quá cao tay.

Tờ Chiếu nhường ngôi của Lê Chiêu Thống vừa ra, triều đình Tây Sơn lập tức trở thành danh chính ngôn thuận, ngôi vị hoàng đế của Cảnh Thịnh vô cùng vững chắc được xem là chính thống, ổn thỏa đè ép một đầu danh phận của Nguyễn Ánh. Từ trước đến nay, Nguyễn Ánh tự xưng vương, tự nhận mình là một bề tôi nhà Lê, mặc dù trong lòng hắn có dục vọng xưng đế nhưng mà hắn không dám, bởi vì trong mắt thế nhân Lê Chiêu Thống vẫn còn sống mà họ Nguyễn đời đời đều là trọng thần của nhà Lê, cái nhãn hiệu này khó mà tẩy rửa một khi nhà Lê chưa hoàn toàn sụp đổ.

Nguyễn Ánh xưng vương cũng vì muốn lợi dụng những thế lực còn hướng về Lê triều ủng hộ mình, nhưng giờ đây cùng với cái chết của Lê Chiêu Thống và Chiếu nhường ngôi, Nguyễn Ánh chẳng khác nào tự vấp đá đập chân mình.

Đáng giận hơn nữa, Cảnh Thịnh cũng thật ghê tởm hèn hạ, dám tự hạ ý chỉ phong chức tước lung tung cho những người bên cạnh Nguyễn Ánh, ý đồ chia rẻ nội bộ chẳng hề kiêng nể. Người thông minh thì có thể nhìn ra ngay kế ly gián này của triều đình Tây Sơn mà an phận thủ thường, nhưng những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp tham lam thì không tránh được ý đồ rục rịch, bây giờ thế cuộc của quân Nguyễn còn chưa có bết bát lắm thì những người này vẫn còn chưa dám làm gì nhưng một khi quân Nguyễn lâm vào thế bất lợi thì những người này sẽ tranh thủ nhảy ra bỏ đá xuống giếng, giành lấy lợi ích.

Nguyễn Ánh dùng ánh mắt sắc béng liếc nhìn một vòng bá quan, người nào người này đều cúi thấp đầu xuống, chỉ hận ông trời không thể khiến cho mình trở nên vô hình ngay lúc này. Nhìn đám quan lại chột dạ, Nguyễn Ánh nổi lên tâm tư giết gà dọa khỉ là có nhưng khổ nỗi không tìm ra cớ, những kẻ này ai cũng tinh minh lõi đời, giấu giếm rất sâu, người nào người nấy đều thuận mi cụp mắt bày ra một bộ tư thế trung trinh.

Nguyễn Ánh liếc đến một hàng võ tướng, bất chợt thấy được Võ Tánh, lúc này y đang cố gắng hết sức thu nhỏ thân hình to lớn của mình lại, bất động như là một bức tượng, nghĩ đến cũng thật là khó khăn cho một võ tướng đô con như Võ Tánh.

Nguyễn Ánh thấy vậy bèn hừ lạnh một tiếng:

-Võ vương gia có ý kiến gì không?

Nghe thấy Nguyễn Ánh điểm đến tên mình một cách mỉa mai, Võ Tánh như bị sét đánh trúng, đứng hình mất mấy giây, mồ hôi lạnh tuôn ra ướt cả lưng áo.