Chương 83: Lê Chiêu Thống về nước.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 83: Lê Chiêu Thống về nước.

Chương 83: Lê Chiêu Thống về nước.

Phan Huy Ích vừa mới bước ra phía trước, ở trong đám người Việt đến gây rối lập tức có người nhận ra hắn, bọn họ tức giận mắng nhiếc:

-Gian thần!

-Phản tặc!

Phan Huy Ích nhướng mày, liếc mắt nhìn kỹ, hắn muốn xem xem là ai dám to gan thóa mạ hắn, hóa ra những người này không phải là ai xa lạ, bọn họ chính là những cựu thần chạy nạn theo Lê Chiêu Thống sang đất Thanh Quốc năm xưa.

Sống ở nơi đất khách quê người thật sự không hề dễ chịu, thân phận của bọn họ bị người Thanh Quốc kỳ thị khắp nơi, lúc Lê Chiêu Thống còn sống, những cựu thần này phải dựa vào thân phận đặc thù của y mới có thể sống tốt một chút, lúc Lê Chiêu Thống mất đi, bọn họ cũng vẫn phải dựa vào dư âm của Lê Chiêu Thống để sinh tồn một cách khó khăn. Lúc này đây, những cựu thần này nghe nói có một đám người từ Đại Việt đến, muốn đem hài cốt của Lê Chiêu Thống về quê hương, cắt mất chỗ dựa của bọn họ, bảo sao mà những cựu thần này không gấp gáp nóng lòng cho được.

Phan Huy Ích nhìn lại trong số những cựu thần này có một số gương mặt khá quen thuộc, những người năm xưa đã từng là quan đồng triều. Những cựu thần này suy cho cùng đều là những kẻ đáng thương, bọn họ là người ở bên thua, lợi ích bản thân đã quá gắn chặt với Lê Triều, bị thời cuộc đào thải.

Mặc dù trong lòng Phan Huy Ích có một chút đồng tình với những cựu thần này nhưng sự việc đưa hài cốt Lê Chiêu Thống về Đại Việt là việc trọng đại, có liên quan đến mưu kế của Cảnh Thịnh, không cho phép Phan Huy Ích sơ thất, hắn chỉ đành nhẫn tâm trầm giọng, quát lớn:

-Bọn điêu dân các ngươi to gan! Chiêu Thống Hoàng Đế đường đường là vua nước Đại Việt ta, nay người đã mất, là dân nước Đại Việt sao có thể nhẫn tâm để tiên đế nằm lại nơi đất khách quê người, ta được con cháu nhà họ Lê nhờ vả, thay mặt bọn họ, đem di hài của tiên hoàng về lại quê cha đất tổ an táng. Bọn các ngươi mau mau tránh ra, nể tình là đồng hương, ta không chấp nhặt, nếu còn hồ ngôn loạn ngữ, ngăn cản chúng ta làm đại sự thì chớ trách gươm đao vô tình không có mắt.

Lời nói của Phan Huy Ích vừa mới rơi xuống, mấy trăm binh lính Đại Việt liền tuốt gươm, chỉ thẳng vào đám người cựu thần nhà Lê, sát khí nổi lên tứ bề khiến cho bọn họ không dám làm loạn.

Thấy vậy, một người niên kỷ già nhất trong đám bọn họ lớn tiếng:

-Phan Huy Ích ngươi dám giết người trên đất Thiên Triều ư?

Phan Huy Ích khịt mũi xem thường cái gọi là "Thiên Triều", Thanh Quốc lúc này sắp đại loạn đến nơi, đám người này mãi cho đến bây giờ vẫn còn chưa nhìn ra đại thế của thiên hạ, tầm nhìn và tư duy kém cỏi đến như thế, chẳng trách bọn họ bị thời cuộc gạt bỏ. Hắn gằn giọng:

-Có gì không dám? Các ngươi thử nghĩ xem nếu như không có được sự đồng ý của Càn Long bệ hạ thì liệu ta có thể công khai đến đây hay không?

Đám người nghe Phan Huy Ích nói xong liền trầm mặt xuống, điều này không phải là bọn họ chưa từng nghĩ đến nhưng chẳng qua bọn họ vẫn cố tình đến đây, ngay từ đầu trong lòng mỗi người là ôm theo tâm lý may mắn đến ngăn cản mà thôi. Nếu như Càn Long đã đồng ý cho Phan Huy Ích đem hài cốt của Lê Chiêu Thống về quê thì bọn họ không có tư cách gì ngăn cản nữa, nhưng một khi không còn dư âm của Lê Chiêu Thống bảo hộ, cuộc sống của bọn họ sau này ở trên đất Thanh Triều gian nan có thể nghĩ.

Đúng lúc này, có hai người phụ nữ từ trong đám người bước ra, người phụ nữ độ tuổi trung niên mặc dù sắc mặt tiều tụy khắc khổ nhưng vẫn còn chút uy nghi, đi theo bên cạnh nàng là một người thiếu nữ khá xinh xắn. Người phụ nữ lên tiến hỏi:

-Phan Huy Ích! Ngươi có còn nhớ bổn cung là ai chăng? Đường đường là quan lớn một nước lại đến đây ăn hiếp mẹ góa con côi chúng ta, đào mộ chồng ta, liệu ngươi có còn tính người hay không? Những lời dạy của thánh hiền ngươi đem vứt đi đâu rồi?

Hai người phụ nữ này hóa ra là chính thất hoàng hậu cùng tiểu công chúa của Lê Chiêu Thống, trưởng tử của y đã bệnh chết cho nên không có ai kế thừa chức vị của y.

Trước đó, Phan Huy Ích cũng đã từng cho người tìm kiếm vợ con của Lê Chiêu Thống nhưng mà tìm mãi vẫn không thấy, hóa ra là do những cựu thần này đã đem dấu bộn họ đi rất kỹ. Bây giờ, hai người này tự ló đầu ra, như vậy cũng tiết kiệm cho Phan Huy Ích không ít công sức, hắn chẳng muốn nhiều lời với đám người đã bị thời cuộc gạt bỏ này, ra lệnh một tiếng lập tức có binh lính tiến lên bắt lấy vợ con của Lê Chiêu Thống, xua đuổi đám người cựu thần đi chỗ khác, kẻ nào lỳ lợm chống đối thì đánh cho một trận, sau đó trói lại đợi giao cho quan phủ nhà Thanh xử lý.

Việc đào mộ và ướp xác Lê Chiêu Thống cũng mất thời gian khá lâu, mãi đến buổi chiều công việc mới hoàn thành, cả cái xác lúc này được quấn lụa trắng tẩm hương liệu kính mít toàn thân, trông không khác gì những cái xác ướp trong các khu mộ của Kim Tự Tháp ở nơi đất nước Ai Cập xa xôi. Đoàn người Đại Việt chứa xác Lê Chiêu Thống trong cái hòm làm bằng gỗ quý đã chuẩn bị sẵn, sau đó khiêng để cái hòm lên xe ngựa, rồi quay về lại Công Quán.

Đến tận lúc này, nhiệm vụ đi sứ Thanh Triều của Phan Huy Ích xem như đã thành công mỹ mãn, đoàn người của Đại Việt bắt đầu lên đường trở về đất nước. Sau hai tháng rong ruổi cũng đã về đến đất Bắc Hà, xác của Lê Chiêu Thống được Hoàng Vệ hộ tống cùng với gia quyến của Lê Chiêu Thống đưa đến Lam Kinh, đất tổ của dòng họ Lê.

Lần này, Hữu đô chỉ huy sứ Phạm Văn Trị lại một lần nữa đặt chân đến Lam Kinh.

Kể từ lần dẹp loạn Phù Lê Quân ở Bắc Hà cho đến nay, Hữu Vệ bận rộn tối tăm mặt mày, điều tra giám sát địa phương, giám sát thương nhân nước ngoài, triệt phá các ổ trộm cướp,giám sát Tả Vệ, việc nào cũng quan trọng cũng đòi hỏi phải đầu nhập nhân lực vật lực. Phạm Văn Trị bị công việc quay đến sứt đầu mẻ trán nhưng là nhiệm vụ quan trọng của Cảnh Thịnh giao phó, hắn không dám để người khác làm thay, sợ có điều sơ thất thì gánh không nổi trách nhiệm.

Lúc này, Lê ông đã dẫn theo toàn bộ gia tộc họ Lê ra khỏi Lam Kinh, cách thành mười dặm để chờ đón linh cữu của Lê Chiêu thống, đứng bên cạnh Lê ông là Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân, khi nàng nhận được Lê ông đưa tin là linh cữu của Lê Chiêu thống đã được binh lính hộ tống về đến Đại Việt thì đã lập tức xin phép Cảnh Thịnh, ngày đêm lên đường chạy trở về Lam Kinh.

Đối với chuyện này, Cảnh Thịnh cũng không làm khó nàng, hắn muốn nghi lễ chôn cất của Lê Chiêu Thống làm càng lớn càng tốt, tốt nhất là lớn đến độ để toàn bộ người trong thiên hạ đều biết để hoàn thành mục đích của hắn.

Mười dặm ngoài thành Lam Kinh, mấy trăm con cháu dòng chính của họ Lê mặc áo tang màu trắng, đứng xếp thành hàng ngay ngắn, chờ đợi phút giây linh cữu của Lê Chiêu Thống được đưa về đất tổ, một bầu không khí tang thương và kiềm chế dần dần lan tỏa bao trùm đám người.

Lê ông dẫn đầu đoàn người chờ đợi từ sớm, hắn không khỏi thở dài một tiếng não nề, cho dù đã được Cảnh Thịnh cho biết trước về cái chết của Lê Chiêu Thống, nhưng lúc này đây khi tự mình đối diện trực tiếp với linh cữu của vị vua cuối cùng của Lê triều, trong lòng Lê ông vẫn không tránh khỏi cảm thấy hoảng hốt, tất cả dường như là một cơn ác mộng không hồi kết, chỉ mới mấy mươi năm mà vinh quang của Lê triều cứ đơn giản như vậy theo cái chết của vị vua cuối cùng mà tuyên cáo kết thúc.

Một cái kết buồn thảm sẽ được ghi lại trong sử sách của Đại Việt, vị vua cuối cùng của nhà Lê chết trong uất ức ở nơi xứ người như một vết nhơ của gia tộc.

Bắc cung hoàng thái hậu Lê Ngọc Hân chỉ biết đứng lặng người, dõi ánh mắt trông về phương xa, đôi mắt của nàng không hiểu tại sao vào lúc này lại có cảm giác cay cay, là một thành viên của Hoàng Tộc nhà Lê, được tận mắt chứng kiến sự suy tàn của gia tộc kể từ lúc Tây Sơn quật khởi cho đến bây giờ, trong lòng nàng chứa đầy sự thổn thức, cho dù có là một người phụ nữ quật cường thế nào đi chăng nữa thì lúc này cũng không tránh được rơi lệ đau lòng.