Chương 82: Gặp mặt Càn Long

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 82: Gặp mặt Càn Long

Chương 82: Gặp mặt Càn Long

Phan Huy Ích bước vào trong Bảo Hòa Điện, hắn được các quan chức Bộ Lễ của Thanh Quốc tiếp đón, mời đến phòng uống trà trong lúc chờ đợi hoàng đế Càn Long tan triều và sẽ tiếp kiến hắn.

Có thể nói, đây là lần thứ ba Phan Huy Ích được gặp mặt vua Càn Long, lần đầu tiên là khi hắn hộ tống Nguyễn Quang Thùy đóng giả vua Quang Trung đi sứ nhận sắc phong của Thanh Triều, lần thứ hai là khi hắn cùng với Đại Tư mã Ngô Văn Sở được cử trong phái đoàn do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang chúc mừng vua sinh nhật Càn Long tám mươi tuổi, còn lần này Phan Huy Ích mang theo mục đích cầu lấy viện trợ của Thanh Quốc để chống lại Nguyễn Ánh cùng Xiêm La, đồng thời đem hài cốt của Lê Chiêu Thống về nước.

Hơn nửa buổi sáng cứ thế trôi qua, triều nghị nơi Thái Hòa Điện cuối cùng cũng kết thúc, Càn Long làm sơ nghỉ ngơi, sau đó được người hộ tống đến Bảo Hòa Điện. Phan Huy Ích được người dẫn đến sảnh chính của Bảo Hòa Điện để diện kiến Càn Long. Bước vào trong sảnh, Phan Huy Ích trông thấy vị vua của Thanh Quốc đang ngồi ngay ngắn trên ngai vàng, hắn vội vàng bước đến cung kính thi lễ.

Càn Long năm nay đã hơn tám mươi tuổi, năm tháng tang thương, thời gian không chừa một ai, vị vua với dáng vẻ khí khái kiêu hùng ngày nào giờ đang ở tuổi xế chiều, dáng dấp già nua bệ vệ, mái tóc bạc trắng, chỉ có đôi mắt sáng là còn giữ được vẻ tinh minh. Ngồi bên dưới Càn Long là Hoàng Thái Tử Vĩnh Diễm người chuẩn bị kế thừa ngôi đại thống của nhà Thanh.

Ngoài Hoàng Thái Tử Vĩnh Diễm và các quan lại khác của Thanh Triều còn có một người khác cực kỳ nổi bật nữa đó là quan đại thần Hòa Thân, vị sủng thần bậc nhất của Càn Long. Hòa Thân lúc này vẫn đang ở trên đỉnh cao quyền lực, là kẻ dưới một người trên vạn người, lời nói của Hòa Thân có sức ảnh hưởng rất lớn đến Càn Long, y là một kẻ vô cùng tham lam và khôn lanh, nhờ sự tham ô vô độ của y mà Thanh Quốc ngày càng suy yếu, theo sử sách khi Hoàng Thái Tử Vĩnh Diễm lên ngôi lấy hiệu là Gia Khánh đã triệt hạ Hòa Thân không lâu sau khi Càn Long qua đời, số tài sản mà triều đình tịch thu được từ trong tay của Hòa Thân lên đến con số chín trăm triệu lượng gấp mười hai lần quốc khố đang suy kiệt của Thanh Quốc lúc bấy giờ.

Cũng nhờ có Hòa Thân dẫn đầu mà nạn quan lại cấu kết tham ô hoành hành suốt những năm tháng sau đó mãi cho đến khi Thanh Quốc sụp đỗ mà các vị vua nhà Thanh tuy có tâm cứu vãn nhưng cũng đành bất lực.

Càn Long ban cho Phan Huy Ích được bình thân, sau khi nhận lời chúc tụng tâng bốc của Phan Huy Ích, Càn Long cũng nói lời trấn an, xã giao qua đi, Phan Huy Ích bắt đầu trở lại chính sự, móc ra một bản tấu chương đã chuẩn bị sẵn của vua nước Đại Việt, trình lên cho Càn Long.

Bản tấu chương này lời lẽ thấm thiết, kêu van kể khổ, tố cáo Nguyễn Ánh và Xiêm La cùng nhau cấu kết coi thường sự sắc phong của Thanh Quốc muốn lật đổ sự chính thống của nhà Tây Sơn đây là phạm vào đại tội, cầu mong Thanh Quốc ra tay viện trợ một số lượng tiền của cũng như quặng sắt để Đại Việt có thể chống lại hai kẻ đại nghịch bất đạo kia, ngoài ra cũng xin vua Càn Long cho phép được mang hài cốt của vua Lê Chiêu Thống về nước an táng theo lễ nghi cao nhất, bởi dù gì Lê Chiêu Thống cũng đã từng là vua một nước, nay y đã qua đời thì cũng nên quay về cố thổ để con cháu an lòng, lấy đó khiến cho Đại Việt muôn đời cảm kích sâu sắc Thanh Quốc, nguyện vĩnh thế hòa hảo, bốn bể yên vui.

Càn Long lúc này đã bị tuổi già ăn mòn đi hết hùng tâm tráng chí, chỉ muốn giữ gìn hiện trạng đang có của Thanh Quốc, không còn muốn động việc binh đao, đối với các tiểu quốc xung quanh, bọn họ đánh nhau càng hung thì Thanh Quốc càng vui lòng.

Quan đại thần Hòa Thân nghe bản tấu của Đại Việt, lại nghĩ đến số quà lễ mà Phan Huy Ích đã đưa đến ở trong phủ ngày hôm qua, gã liếc nhìn sắc mặt Càn Long, rất nhanh gã đã có thể đoán được ý định của Càn Long liền tiến lên nói đỡ cho Đại Việt, thúc đẩy Càn Long đồng ý. Phan Huy Ích quăng cho Hòa Thân một cái nhìn cảm kích chân thành.

Lúc này, Càn Long khẽ nhắm mắt suy nghĩ, qua một lát hắn đã có quyết định, đồng ý viện trợ cho Đại Việt một số tiền tương đối cùng một số lượng quặng sắt ưu đãi, việc này giao cho Hòa Thân đi làm, đồng thời đồng ý cho Phan Huy Ích đem theo hài cốt của Lê Chiêu Thống về nước an táng. Phan Huy Ích nghe xong, trong lòng lấy làm vui mừng quá đỗi, liên tục dập đầu tạ ơn, miệng bắn liên thanh những từ ngữ ca tụng Thanh Quốc lên mây xanh.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng cũng tan trong bầu không khí vui vẻ.

Mấy ngày sau, Phan Huy Ích đến gặp Hòa Thân ở phủ. Càn Long ra tay cũng đủ xa xỉ, viện trợ Đại Việt năm triệu lượng bạc, số tiền này hiện tại đối với Thanh Quốc không lớn nhưng cũng đủ để thể hiện ra khí phái của thượng quốc, Phan Huy Ích thật lòng rất muốn đem số bạc này về cho quốc khố của Đại Việt nhưng nhớ đến lời dặn dò của Cảnh Thịnh, hắn không thể không nén đau lòng mà nói với Hòa Thân muốn dùng số bạc này toàn bộ đổi lấy quặng sắt, giá cả tùy Hòa Thân định mức.

Hòa Thân nghe vậy thì trong lòng nở hoa, miệng cười toe toét, cực kỳ vui vẻ. Đại Việt thật sự rất biết cách lấy lòng gã, đối với Hòa Thân chỉ có bạc mới hữu dụng còn đống quặng sắt gã cũng không xài được. Đại Việt đã rộng rãi như thế thì Hòa Thân cũng không chiếm tiện nghi, y lấy một số lượng lớn quặng sắt khổng lồ đem cho Đại Việt, còn số quặng sắt này y có trả tiền cho người ta không thì Phan Huy Ích không biết.

Việc dâng sớ cầu viện Thanh Triều đã xong, Phan Huy Ích tranh thủ đến mộ của Lê Chiêu Thống để tiến hành bốc dỡ hài cốt về Đại Việt an táng, việc này hắn làm rất cẩn thận, trước tiên đặt người làm một cỗ quan tài bằng gỗ quý có trạm trỗ hoa văn của triều Lê, sắm đủ tiền vàng tế lễ, sau đó mới dẫn theo một đoàn mấy trăm người đến mộ vua Lê.

Mặc dù Càn Long đã cho chôn cất Lê Chiêu Thống theo nghi thức tước công nhưng mà bọn quan lại phía dưới trong lúc thi hành đã bớt xén vật liệu, thành ra ngôi mộ của vua Lê cực kỳ sơ sài, chỉ có một tấm bia mộ bằng đá ghi danh. Lê Chiêu Thống khi còn sống dù sao cũng là vua một nước nhưng khi chết đi lại nằm trơ trọi lẻ loi ở xứ người, không ai đoái hoài, tựa như một kẻ vô danh.

Phan Huy Ích cũng đã từng một thời làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống, lúc này đây nhìn lại mộ vua cũ đã mọc đầy rêu xanh cỏ dại mà không khỏi bùi ngùi cảm thán, số trời vô định, thân ở trong hồng trần cho dù là vua thì cũng không biết trước được ngày mai. Vị quan lại nhà Thanh được phân công chỉ đường cho Phan Huy Ích đến đây nhìn thấy mộ Lê Chiêu Thống sơ sài và hoang phế như vậy cũng lấy làm ái ngại, y nhanh chóng tìm cớ tháo lui.

Phan Huy Ích không những không làm khó y mà còn thưởng công cho trăm lạng bạc, sau đó sai người bày biện đồ tế lễ, đốt lên ba nén nhang, chân thành quỳ lạy, đọc văn tế. Sau khi làm xong tất cả mọi nghi lễ, Phan Huy Ích mới kêu lực sĩ tiến hành đào mộ Lê Chiêu Thống, vừa mới động thổ được một lúc thì chợt có một đám người chừng hơn một trăm người kéo đến ồn ào.

Một vị có vẻ lớn tuổi đứng ra quát lớn:

-Các ngươi muốn làm gì? Đây là mộ Lê tước công, ai cho các ngươi gan lớn dám xúc phạm di thể của người đã khuất? Phải bị tội gì?

Đám người này khí thế hung hăng nhưng lại không thể tiến đến gần mộ Lê Chiêu Thống vì bị lính bảo vệ của Đại Việt ngăn cản. Phan Huy Ích nghe thấy ồn ào, lúc này mới bước ra, hắn muốn nhìn xem kẻ đến là người nào, sao dám to gan kháng lệnh của Càn Long.