Chương 26: Hoàng Vệ

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 26: Hoàng Vệ

Chương 26: Hoàng Vệ

Tổ chức thích hợp nhất với thời buổi bây giờ mà Cảnh Thịnh hướng tới là tổ chức Cẩm Y Vệ của nhà Minh. Cảnh Thịnh muốn lập lực lượng riêng lấy tên là Hoàng Vệ, tổ chức này có nhiệm vụ thu thập tình báo, theo dõi quan lại, củng cố và bảo vệ hoàng quyền, chỉ chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ nhà Vua và để tránh cho tổ chức này lộng quyền như thời nhà Minh thì đối với quan lại có phẩm cấp cao từ Đốc Phủ trở lên Hoàng Vệ không có quyền bắt bớ mà một khi có chứng cứ đầy đủ thì trình lên cho nhà vua quyết định phê chuẩn sau đó kết hợp với Hình Bộ tróc nã quy án.

Hình thức tổ chức thì đơn giản gọn nhẹ, chỉ huy tối cao là nhà vua, dưới là tả hữu Đô Chỉ Huy Sứ, dưới nữa là Chỉ Huy Sứ, Phủ Sứ, Trấn sứ cuối cùng là Đội Trưởng. Người được tuyển vào Hoàng Vệ phải có xuất thân trong sạch ba đời, nguồn tuyển dụng trong quân đội, từ sai dịch trong các phủ nha.

Hoàng Vệ chính là con dao sắc của hoàng đế cho nên việc tuyển dụng nhân sự cho chức Tả Hữu Đô Chỉ Huy Sứ là rất quan trọng, phải là người có khả năng tùy cơ ứng biến cao và lá gan phải lớn, không sợ đắc tội người nào, hai người này ở trong triều đình chính là cô thần là côn đồ của hoàng đế. Tả Đô Chỉ Huy Sứ có trách nhiệm thu thập tình báo và xử lý quân địch ngoài lãnh thổ, cụ thể đối tượng chính bây giờ là quân Nguyễn, còn Hữu Đô Chỉ Huy Sứ thì có trách nhiệm giữ gìn an ninh địa phương chống gián điệp, theo dõi quan lại trong nước.

Đối tượng mà Cảnh Thịnh nhắm đến cho hai chức vụ này sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ đã có, chỉ đợi triệu tập về giao trách nhiệm mà thôi, chuyện lập Hoàng Vệ cũng không gấp được.

Lại nghĩ đến hai kế sách thượng và trung của Ngô Thì Nhậm, Cảnh Thịnh thiên hướng về thượng sách hơn nhưng mà quân Nguyễn hiện thời thế lớn, rất hung hăng, Nguyễn Ánh biết Quang Trung đã qua đời nên đã không còn sợ hãi, ngày đêm mài đao xoèn xoẹt chực chờ cơ hội báo thù, cũng còn may nếu như nhà Tây Sơn nội tại không còn đó thì đã bị quân Nguyễn tràn lên nghiền nát từ sớm, muốn đình chiến với quân Nguyễn thì trước tiên phải đánh cho quân Nguyễn một trận thật đau đớn, gọt đi sĩ khí thì mới dễ nói chuyện.

Nghĩ đến đây, Cảnh Thịnh bèn nói nhỏ với Hòa công công:

-Sau buổi chầu sớm mai, khanh hãy truyền khẩu dụ cho quan Trần Quang Diệu cùng Phạm Công Hưng đến đây gặp trẫm!

Hòa công công vội cung kính thi lễ:

-Nô tài tuân chỉ!

Hôm sau, buổi chầu sớm, trong lúc các quan đồng liêu khác vẫn còn đang chuẩn bị lên chầu thì đô đốc Trần Quang Diệu đã đến sớm hơn mọi ngày, y đứng lặng yên một mình ở trên bậc thềm cao nơi sân rồng, chắp hai tay sau lưng, trầm mặc nhìn ánh bình minh dần lên cao ở phía ngọ môn. Gió sớm thổi tới, đem theo làn không khí mát lạnh phả lên khuôn mặt đầy nét cương nghị của vị lương tướng nhà Tây Sơn. Gió thổi miên man cũng không thể thổi đi nỗi sầu lo trong lòng y.

Kể từ lúc Tây Sơn Cố Mệnh được thành lập, dưới sự ra sức của sáu vị trọng thần, triều chính đã bước đầu có chút khôi phục, Cảnh Thịnh đã bãi bỏ việc lên chầu mỗi buổi sáng, cứ bảy ngày mới có một buổi chầu để nghe bá quan tấu báo, các loại tấu chương đều giao cho Tây Sơn Cố Mệnh Phủ phê duyệt, hắn cũng rất ít khi can thiệp vào quân cơ chính vụ mà hầu như buông tay để các vị Cố Mệnh Đại Thần đi làm, mặc dù điều này khiến cho các vị Cố mệnh đại thần dễ dàng thuận tiện làm việc nhưng cũng khiến cho Trần Quang Diệu lo lắng, y sợ rằng Cảnh Thịnh dù sao cũng chỉ là một thiếu niên mới mười hai tuổi sẽ dễ dàng sa ngã bỏ bê việc nước rồi lại tái diễn việc đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vị trọng thần. Nhà Tây Sơn khó khăn lắm mới có thể vãn hồi được chút sinh khí, Trần Quang Diệu hoàn toàn không muốn một lần nữa trở lại như trước kia.

Sáu vị Cố Mệnh cũng có phân chia nhiệm vụ rõ ràng, các võ tướng thì lo việc về mặt quân sự, các quan văn thì lo việc quản lý triều chính nội vụ.

Kể từ lúc Quang Trung Hoàng Đế qua đời, quân Nguyễn ở phía Nam ngày càng hung hăng khiêu khích, trắng trợn xây thành đắp lũy lớn ở Diên Khánh đồng thời đưa trọng binh trấn giữ tùy thời có thể tấn công Quy Nhơn. Quân Tây Sơn ba phen mấy bận muốn thu phục Diên Khánh nhưng đều thất bại mà quay về. Quân nhà Nguyễn là mối đe dọa to lớn của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh như một con rết trăm chân nhiều lần bị Quang Trung đánh bại nhưng vẫn không dãy chết mà lúc nào cũng nhanh chóng ngóc đầu quay về, có đôi lúc Trần Quang Diệu vừa sợ vừa phục độ quật cường của Nguyễn Ánh.

-Ha ha! Đại đô đốc không ngờ hôm nay lại đến sớm như vậy!

Đương lúc Trần Quang Diệu suy nghĩ miên man thì chợt nghe tiếng cười lớn vang đến, y xoay người lại liền trông thấy Thái úy Phạm Công Hưng đang từ xa bước đến, vị lão tướng này tuy đã hơi lớn tuổi nhưng sắc mặt vẫn luôn hồng hào khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, bước đi vững vàng như rồng như hổ.

-Lão tướng quân!

Trần Quang Diệu chắp tay lên tiếng chào, đối với vị lão tướng này hắn rất là tôn trọng.

-Tối hôm qua tôi được tin cấp bào từ tiền tuyến, quân Nguyễn lại tiếp tục tăng quân ở Diên Khánh sợ rằng Võ Tánh muốn tấn công Quy Nhơn nên tôi muốn vào chầu sớm, tấu bẩm bệ hạ cùng thương lượng quyết sách.

Trần Quang Diệu nói.

-Có phải Đại đô đốc lại muốn đề nghị cử binh đánh Diên Khánh nữa đúng không?

Phạm Công Hưng cũng đã sớm nhận được tin báo từ tiền tuyến cho nên khi nghe Trần Quang Diệu nói ra cũng không cảm thấy ngạc nhiên mà nói thẳng vào suy nghĩ của Trần Quang Diệu.

-Ý của tôi chính là như vậy, chỉ là không biết ý của Thái Úy cùng Đại đô đốc Văn Dũng ra sao?

Trần Quang Diệu không chối bỏ ý đồ mà thẳng thắng nói.

Phạm Công Hưng trầm ngâm một chút, đang định trả lời y thì chợt có tiếng thái giám hô to vào chầu, lúc này bá quan đã đến đông đủ, mặt trời cũng đã lên cao, đoàn người vội vàng xếp hàng theo thứ tự tiến vào trong đại điện.

Cảnh Thịnh ngồi trên ngai cao nhìn bá quan quỳ lạy triều kiến, mỗi lần thấy cảnh tượng hoành tráng này, trong lòng hắn lại sinh ra mỗi một cảm xúc khác nhau. Ước mơ được một lần trở thành hoàng đế là ước mơ ấp ủ của mỗi người hiện đại, tam cung lục viện, trụy lạc sa hoa, hung hăng hưởng thụ, có điều đó là người khác còn đối với Cảnh Thịnh được ngồi ghế rồng đồng thời nghĩa là như ngồi trên bàn chông, cứ nghĩ đến cảnh tượng quân Nguyễn tràn vào Phú Xuân, Nguyễn Ánh cho người cột Cảnh Thịnh vào năm voi khiến cho voi xé xác, hắn liền mất hết cả hứng hưởng thụ, hắn không dám cũng không muốn rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy.

Trên buổi chầu, Cảnh Thịnh chỉ nghe các quan tấu báo những việc lớn đã làm trong bảy ngày vừa qua thật ra trông không khác gì một cuộc họp tổng kết báo cáo công việc thường kỳ vào cuối tuần của thời hiện đại bởi vì những thứ cần giải quyết và phê chuẩn trước đó thì Tây Sơn Cố Mệnh đã giải quyết hết, Cảnh Thịnh chỉ cần nắm bắt, động viên và đề ra đường hướng chính sách chung là được, những chính sách này hắn cũng không chuyên quyền độc đoán mà là đã bàn bạc với sáu vị Cố Mệnh Đại Thần trước đó.

Buổi chầu lần này, bá quan tranh luận nhiều nhất cũng là việc Đại đô đốc Trần Quang Diệu đứng ra xin lãnh binh tiếp tục Nam chinh đánh Nguyễn Ánh, y muốn dập tắt ý đồ của quân Nguyễn từ sớm, phần lớn ý kiến đều xin đánh nhưng liền bị Cảnh Thịnh vững vàng lấy cớ đè xuống. Muốn đánh bại nhà Nguyễn không vội sớm chiều, huống hồ quân Nguyễn hiện tại cũng không phải là quả hồng mềm dễ bóp mà sĩ khí quân đội Tây Sơn thì lại không chịu nổi một trận thất bại nữa.

Thành Diên Khánh bây giờ đã bị quân Nguyễn và người Pháp chế tạo vững như tường đồng vách sắt, còn có danh tướng Võ Tánh cầm quân, người này tính tình cực kỳ cẩn thận ẩn nhẫn, thiện về phòng thủ cho nên thành Diên Khánh rất khó công phá.

Buổi chầu kết thúc đã là chính ngọ, bá quan lần lượt ra về.

Trần Quang Diệu định trở về nơi làm việc của Tây Sơn Cố Mệnh - Tây Sơn Cố Mệnh Phủ để bàn bạc thuyết phục thêm mấy vị Cố Mệnh Đại Thần khác cùng liên danh thuyết phục Cảnh Thịnh đồng ý xuất chinh đánh nhà Nguyễn, bởi Trần Quang Diệu sợ rằng một khi để cho Nguyễn Ánh lớn mạnh hơn nữa, không có Quang Trung Hoàng Đế thì thật khó mà đánh bại quân Nguyễn, cần phải nhân lúc quân Nguyễn còn nhỏ yếu mà nhất cử tiêu diệt, mấy lần theo Quang Trung đuổi Nguyễn Ánh chạy dài, Trần Quang Diệu rất tự tin chỉ cần Cảnh Thịnh cấp cho mình đầy đủ quân bị y sẽ rất dễ dàng đánh bại quân Nguyễn lần nữa, nhưng mà Trần Quang Diệu lần này đã đánh giá thấp mức độ mà Đa Bá Lộc đã huy động các thương nhân và binh lính đánh thuê Pháp viện trợ cho Nguyễn Ánh hay nói đúng hơn là y mù tịt thông tin về đế quốc Pháp.

-Đại đô đốc xin dừng bước!

Trần Quang Diệu vừa mới bước ra khỏi cửa liền có một vị thái giám chạy theo hô ngừng.

-Công công có chuyện gì?

Trần Quang Diệu xoay người lại hỏi.

-Bệ hạ có khẩu dụ, mời Đại đô đốc lưu lại trong cung dùng cơm trưa!

Vị thái giám trẻ tuổi không dám qua loa vị trọng thần trước mắt, vội vàng cung kính nói.

Trần Quang Diệu nghe vị thái dám tuyên khẩu dụ của Cảnh Thịnh xong trong lòng cảm thấy rất là ngạc nhiên, liên chắp tay nói:

-Thần tuân chỉ!

Sau đó dưới sự dẫn đường của vị thái giám trẻ tuổi đi đến Ngự Hoa Viên, ở nơi đó có một ngôi đình nghỉ mát được xây dựng ở giữa hồ sen. Lúc Trần Quang Diệu đến còn trông thấy năm người khác nữa, một người là Ngô Thượng Thư - Ngô Thì Nhậm, một người là Thái Úy Phạm Công Hưng, một người là Lễ bộ thượng thư - Phan Huy Ích, người còn lại là Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ.

Bên dưới bầu trời trong xanh, giữa hồ sen bát ngát, trong một ngôi đình nhỏ, ngày hôm nay toàn bộ sáu vị Cố Mệnh Đại Thần đều tập trung tại đây, nhà Tây Sơn lại sắp có chuyện lớn xảy ra.