Chương 32: Hoang mang

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 32: Hoang mang

Chương 32: Hoang mang

Nguyễn Ánh nghe xong kế của Đặng Trần Thường liền vỗ tay khen hay.

Đặng Đắc Siêu thì lạnh hết sống lưng, Đặng Trần Thường đưa ra kế này thật là âm hiểm, trong bất tri bất giác dồn Ngô Thì Nhậm vào chỗ chết, trong lòng Đặng Đắc Siêu âm thầm nhắc nhở bản thân phải luôn cảnh giác với Đặng Trần Thường. Quân tử báo thù mười năm không muộn, tiểu nhân báo thù không để qua đêm.

-Được! Việc này cứ quyết định như vậy, trẫm giao cho hai khanh toàn quyền xử trí.

Nguyễn Ánh quyết đoán nói.

-Chúng thần tuân chỉ!

Đặng Đắc Siêu cùng Đặng Trần Thường cùng nhau lãnh mệnh.

Sáng nay, kinh thành Phú Xuân không biết vì sao bỗng dưng xuất hiện sương sớm, làn sương dày đặc trắng xóa, bao phủ bốn phía, bồng bềnh như mây, nhà cửa cung điện ẩn hiện bên dưới làn sương mờ ảo khiến cho người đi lại ở trên đường không khỏi bỡ ngỡ, cứ tưởng như mình đang lạc vào chốn tiên cung.

Lúc này, Lê Chất trầm mặc đứng ngoài sân của một ngôi nhà nhỏ ở trong kinh thành, y ngẩn người ngắm làn sương sớm, ánh mắt lấp lánh hình như là đang hồi tưởng về chuyện gì đó.

Bảy ngày trước, Đại đô đốc Lê Văn Hưng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn bất ngờ mang theo chiếu chỉ của Cảnh Thịnh đến Quy Nhơn, đoạt lấy binh quyền của Lê Chất và cha vợ Lê Trung, sau đó lệnh cho một đội quân bảo vệ hai cha con cùng gia quyến tiến về kinh thành, miệng nói là cử quân đi cùng bảo vệ chứ thật tế Lê Chất nhìn giống như là cử quân đi cùng để áp tải thì đúng hơn. Hai người Lê Văn Hưng cùng với Nguyễn Văn Huấn khi đến Quy Nhơn liền hành động rất nhanh, chặt chẽ và dứt khoát, cơ hồ không để cho hai cha con Lê Trung một chút thời gian hay một chút cơ hội để tìm hiểu là đang có chuyện gì xảy ra, đặng có kế sách mà ứng đối cho hợp lý.

Ngày đêm lên đường, về đến kinh thành Phú Xuân, hai cha con lại bị người tách ra, bố trí cho ở hai nơi khác nhau, không thể gặp mặt, mặc dù không có gọi là giam lỏng nhưng lúc nào cũng có người của quân cấm vệ ngó chừng theo dõi, chuyện này khiến cho trong lòng Lê Chất cảm thấy hoang mang và rất sợ hãi, y thầm nghĩ đến tình huống xấu nhất là Cảnh Thịnh vẫn còn nghi ngờ về lòng trung thành, muốn giết hai cha con.

Lo lắng, thấp thỏm nhiều ngày, cuối cùng trong mấy ngày sau Lê Chất cũng đã được trông thấy cha vợ Lê Trung xuất hiện trước mắt. Cha vợ của y hiện tại đã được nhà vua trọng dụng, phong cho chức Thống lĩnh Hữu Vệ Doanh thay cho Nguyễn Văn Huấn, cả gia đình cũng được triều đình cấp cho một tòa phủ đệ tương đối lớn, an tâm định cư ở lại kinh thành.

Lê Chất thấy vậy mới tạm thời yên tâm một chút, nhưng y chờ đợi thêm vài ngày cũng không thấy ai đả động đến mình, cha vợ cứ cách ngày lại đến thăm, nhìn lão cha vợ nét mặt phơi phới liên tục khoe khoang gặp lại nhiều bạn cũ, kết giao khắp nơi, khiến cho Lê Chất buồn rầu không thôi.

Nghĩ đến đây, Lê Chất hồi thần, thở dài một hơi, quay người muốn bước ra phía ngoài đi dạo, ngay lập tức liền có hai cấm vệ quân xuất hiện, lặng im đi theo phía sau lưng y, hai người này cứ thế công khai mà theo dõi Lê Chất một cách hiên ngang, không thèm dấu giếm ý đồ. Thấy như vậy, Lê Chất cũng đành câm lặng không biết nói gì hơn, bất đắc dĩ lắc đầu ngán ngẩm, mặc kệ bọn họ.

Lúc này, mặt trời cũng đã dần dần dâng lên cao, dưới ánh nắng ấm áp, làn sương dày đặc ban sớm đã tan bớt phần nào, trở nên mỏng manh như một tấm lụa mỏng. Sương đọng lại trên lá hoa hai bên đường, treo móc thành giọt, sáng đẹp long lanh như ngọc.

Lê Chất bước đi thật chậm, trên đường phố lúc này đã bắt đầu đông đúc, rất nhiều hàng quán mở cửa buôn bán, người đến người đi như thoi đưa, tiếng rao huyên náo, đã từ rất lâu rồi y mới có thể một lần nữa được trải nghiệm kinh thành phồn hoa như gấm. Lê Chất chọn một nhà quán rượu có lầu cao, một mình ngồi ở cái bàn sát cửa sổ, điểm vài món ngon, tự rót tự uống. Ở bàn đối diện, hai gã quân cấm vệ cũng ngồi xuống, thấy có người của cấm vệ quân xuất hiện tất cả các vị khách đang dùng bữa đều vội vàng tính tiền rời đi, để lại một tầng lầu rộng rãi và trống trãi, lão chủ quán rón rén mang lên bình trà mời hai vị quan gia, hỏi họ có cần dùng gì không, đổi lại chỉ có một từ:

-Cút!

Lão chủ quán cười gượng lui xuống.

Lê Chất nhìn hai gã cấm vệ quân mắt hổ cứ lom lom nhìn y, nước trà trên bàn cũng không thèm động, trong lòng không khỏi cười khổ.

Lê Chất hớp một ngụm rượu, rượu vào đầu lưỡi mát lạnh cay nồng nhưng sau khi nuốt xuống lại lưu lại vị ngọt khiến đầu lưỡi sinh tân, quả không hổ là rượu ngon nổi tiếng xứ kinh thành. Một bên uống rượu một bên ngắm nhìn phố xá kinh kỳ. Thấy cảnh sinh tình, Lê Chất không khỏi nhớ lại những sự việc đã qua, cảm thán đời người thật giống như một giấc mộng Nam Kha.

Ở trong thời chiến loạn, hằng ngày chinh chiến sa trường, lưỡi đao dính máu, Lê Chất cảm nhận rất rõ cái gọi là trời đất vô tình sinh mạng càng thêm không đáng giá, có thể hôm nay đang nói cười vui vẻ thì ngày hôm sau đã có thể chết vì binh đao, nếu là dân chúng tầm thường thì mệnh tiện càng như cỏ cây.

Lê Chất xuất thân tầm thường, năm ấy nếu y không gặp được Lê Trung, được Lê Trung truyền dạy văn võ và nâng đỡ thì không biết y đã phải phơi thây mục nát ở xó nào, ước muốn của Lê Chất rất giản đơn đó là phải sống sót, không chỉ sống sót mà còn phải sống thật tốt trong thời loạn thế, muốn vậy thì phải biết rõ thời thế, leo càng cao thì sống càng lâu, y không muốn sống một cuộc sống tầm thường vô vi.

Năm xưa, Lê Chất cũng vì nhận rõ Nguyễn Huệ thế lớn nên mới tìm mọi cách, âm thầm khiến cho Lê Trung từ bỏ Nguyễn Nhạc triệt để đầu nhập về dưới trướng của vua Quang Trung, vốn là y muốn một lòng phò trợ cho cha vợ lập thêm nhiều chiến công nữa để cha vợ ngày càng thăng tiến, có như vậy, nước lên thì thuyền lên, y cũng sẽ thuận thế đạp bước lên theo nhưng mà người tính không bằng trời tính, vua Quang Trung đột ngột chết đi, Thái Đức Hoàng Đế cũng bị hãm hại, những chuyện này khiến cho Lê Chất không những cảm thấy hụt hẫng mà lúc nào cũng có cảm giác lo sợ cùng mê mang, y nhìn các quan đại thần trong triều mãi đấu đá với nhau, lòng tự hỏi chẳng biết rồi nhà Tây Sơn sẽ đi về đâu.

Lê Chất đem theo sự mê mang ấy vào kinh, mấy hôm nay nghe lão cha vợ Lê Trung nói đến chuyện Thái Sư Bùi Đắc Tuyên cùng đồng đảng đã bị nhà vua hạ ngục, triều đình thành lập Tây Sơn Cố Mệnh mà hãi hùng khiếp vía. Lê Chất cảm thấy kinh thành này không hề yên ổn giống như bề ngoài, trông thì có vẻ thanh bình phồn hoa nhưng sóng ngầm lại cuồn cuộn không dứt, y rất sợ một ngày nào đó bản thân và cha vợ sẽ bị những cơn sóng ngầm kia nuốt chửng đến cặn bã cũng không còn bởi y và cha vợ vốn chỉ là lục bình không rễ.

Lê Chất chỉ uống một chút rượu, ở chốn kinh thành xa lạ này, y không dám tự do say rượu, lúc nào cũng phải bảo trì sự tỉnh táo để có thể nhanh chóng ứng đối mọi chuyện bất ngờ có thể xảy ra. Lúc từ quán rượu trở về, Lê Chất bất ngờ trông thấy có một vị thái giám đến từ trong cung đang đứng đợi đã lâu.

Trông thấy Lê Chất trở về, vị thái giám vội vàng bước đến nói:

-Bệ hạ có khẩu dụ! Truyền Đô đốc Lê Chất tiến cung gặp mặt sau buổi chầu sáng.

Lê Chất nghe xong vội vàng bái lạy:

-Thần tuân chỉ!

Vị thái giám truyền xong khẩu dụ của Cảnh Thịnh thì lên tiếng cáo từ rời đi, để về cung phục mệnh, đương lúc xoay người thì bất ngờ bị Lê Chất đột nhiên giữ tay lại, vị thái giám cảm thấy giận giữ:

-Ngài..!

Vị thái giám vừa định mắng Lê Chất vô lễ nhưng lời định thốt ra đã vội nuốt trở lại bởi gã bất ngờ cảm giác được trong tay có một cái bọc khá nặng, gã khẽ ước lượng chắc cũng hơn trăm lạng bạc, đây là một số tiền tương đối lớn đối với một người phục vụ trong cung ở vị trí bình thường như gã. Gã thái giám lập tức thay đổi thái độ tươi cười khách sáo:

-Không biết Đô đốc có gì dạy bảo? Hạ nhân xin được lắng nghe!

Lê Chất cười thân thiết bắt chuyện:

-Công công khách sáo! Chất tôi lâu ngày không vào kinh cảm thấy mình quê mùa sợ có chỗ nào không phải làm cho bệ hạ phật ý thì phải tội, tôi muốn hỏi công công xem, ngài có biết liệu lần này bệ hạ triệu tôi vào cung thì có việc gì cần chú ý hay không để tôi có thể làm hết sức mình khiến cho bệ hạ vui lòng.

Lê Chất dùng lời rất khéo, y không hỏi thẳng gã thái giám có biết việc gì xảy ra hay không bởi vì y biết rõ chuyện cung nhân dám bàn chuyện của hoàng đế là điều cấm kỵ, nhẹ thì bị trách phạt đuổi ra khỏi cung, nặng thì lao tù tử tội. Lê Chất khéo léo hỏi tránh đi, thấy y hiểu được lòng người vị thái giám cũng thấy có cảm tình nhưng rất tiếc, quả thật là gã cũng không biết Cảnh Thịnh triệu Lê Chất vào cung để làm gì cả mà có biết gã cũng không dám nói.

-Nói thật với Đô đốc! Tôi chỉ được bên trên ra lệnh đến đây truyền khẩu dụ triệu Đô đốc vào cung sau buổi chầu sáng, còn những chuyện khác tôi quả thật không được biết nhưng có một điều Đô đốc có thể làm được khi gặp bệ hạ đó là hãy tỏ rỏ lòng son của mình, thiết nghĩ bệ hạ sẽ rất là vui vẻ.

Vị thái giám ngập ngừng nói, tiền này coi như lấy không nên gã cũng ngượng ngùng, dù sao gã vẫn còn trẻ tuổi, da mặt vẫn chưa luyện dày đến mức như tường thành được. Gã nói xong liền xoay người bỏ đi thẳng một mạch như sợ Lê Chất đổi ý đòi lại tiền.

Lê Chất mắt lé nhìn theo bóng lưng vị thái giám đang khuất xa dần một cách nhanh chóng, trong lòng âm thầm mắng chửi, y như người câm ăn hoàng liên, có khổ không thể nói.