Chương 36: Cái chết của Bùi Đắc Tuyên

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 36: Cái chết của Bùi Đắc Tuyên

Chương 36: Cái chết của Bùi Đắc Tuyên

Lê Chất đã có được thứ mình cần, y không muốn tốn thêm thời gian quý báu của mình với một người sắp chết như Vũ Tâm Can. Lê Chất phất tay cho hai gã Hoàng Vệ gỡ Vũ Tâm Can xuống, nhốt trở lại phòng giam.

Vũ Tâm Can vốn nghĩ bản thân sẽ phải chịu nhìêu cực hình tra tấn từ Lê Chất khiến cho gã phải nửa sống nửa chết cho nên kể từ lúc nhìn thấy Lê Chất thì gã đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng trái ngược với ý nghĩ của gã, cái gì cũng không có xảy ra liền bị người tống trở lại phòng giam, gã ngơ ngác không hiểu ra sao.

Lê Chất trở về Hoàng Vệ Phủ, cẩn thận viết tấu chương, sau đó tiến cung gặp Cảnh Thịnh. Y được thái giám dẫn đường đến thư phòng của hoàng đế, Cảnh Thịnh lúc này đang chăm chú phê duyệt những bản tấu chương do Tây Sơn Cố Mệnh Phủ gửi đến. Lê Chất tiến vào trong thư phòng, vội vàng quỳ lạy thi lễ quân thần, sau đó dâng bản tấu chương mà y đã viết tốt lên cho Cảnh Thịnh xem.

Cảnh Thịnh thấy Lê Chất đến liền để bản tấu chương đang xem dở ở trên tay xuống bàn, hắn cầm lấy bản tấu chương của Lê Chất, lật ra xem, càng xem càng nhíu mày, có cảm giác hết hồn hết vía, xem đến cuối cùng bản tấu, Cảnh Thịnh không khỏi ngước lên nhìn Lê Chất bằng con mắt khác:

-Nhân tài!

Vốn là Cảnh Thịnh đã đánh giá cao tài năng của Lê Chất nên mới giao cho y chức Tả đô chỉ huy sứ Hoàng Vệ nhưng mà hóa ra hắn vẫn còn nhầm, tài năng thực sự của Lê Chất vẫn còn cao hơn nữa so với đánh giá của hắn là đằng khác, may mắn là Cảnh Thịnh đã chộp được gã Lê Chất này từ sớm, không để cho y có cơ hội chuồn sang phía quân Nguyễn, nếu không thì thực sự là rất đau đầu. Cảnh Thịnh nhìn vào bản tấu của Lê Chất, có một cái tên được nêu khiến cho hắn cực kỳ ấn tượng, người này và Thượng thư Ngô Thì Nhậm cực kỳ dây dưa ân oán với nhau mà cuối cùng thì theo sử sách khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã chết vào tay của người này. Cảnh Thịnh nhớ rất rõ màn đối đáp nổi tiếng giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm, hai câu đối nổi bật nhất trong lịch sử.

"Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai.

Thế chiến quốc, thế xuân thu, thế thời thế, thời phải thế."

Cảnh Thịnh cất giọng hỏi Lê Chất:

-Theo khanh nghĩ, giữa Đặng Trần Thường và Đặng Đức Siêu, ai mới là người bố cục lập nên âm mưu này?

Lê Chất không chút chần chừ liền cho ra câu trả lời ngay lập tức:

-Bẩm bệ hạ! Theo thần được biết Đặng Trần Thường và Đặng Đức Siêu đều là những mưu thần tin cậy của Nguyễn Ánh. Đặng Trần Thường hiện nắm giữ Cơ Mật Viện, còn Đặng Đức Siêu giữ chức Trung quân tham mưu của quân Nguyễn. Đặng Đức Siêu, người này có gia thế hiển hách, tài cao học rộng không thua cho Thượng thư Ngô Thì Nhậm cho nên phong cách hành sự của y mang theo chính khí, khinh thường âm mưu tiểu kế, y đi là đường đường chính chính dương mưu, chuyên lấy đại thế để đè người, khiến cho kẻ địch cho dù có biết rõ kế hoạch của y nhưng cũng phải bó tay chịu chết. Đặng Trần Thường, người này tuy có tài học nhưng gia thế bình thường, đường thi cử lận đận cho nên tính cách có khuyết điểm trở nên tự ti âm u, phong cách hành sự thích đi âm mưu quỷ kế khiến cho người ta khó lòng phòng bị. Xét về bố cục lần này, thần có tám chín phần nắm chắc, người bày cục chính là Đặng Trần Thường.

Nghe Lê Chất nói xong, Cảnh Thịnh ánh mắt sáng rực, trong lòng tán thưởng, liên tục vỗ tay khen hay. Qua một lát, dường như là chợt nhớ đến chuyện gì, Cảnh Thịnh lại hỏi:

-Dạo này kinh thành đột nhiên có tin đồn nổi lên bốn phía, nói rằng Thượng thư Ngô Thì Nhậm cùng các vị trọng thần Tây Sơn Cố Mệnh có ý khống vua lệnh chư hầu, các khanh có điều tra được là ai gây ra hay không?

Lê Chất vội nói:

-Bẩm bệ hạ! Từ lúc tin đồn bắt đầu nổi lên, thần và Hữu đô chỉ huy sứ Phạm Văn Trị đã tích cực truy tra, nhưng người tung tin này rất giảo hoạt, đối phương lợi dụng những đứa trẻ ăn xin, cho tiền và dạy cho chúng đọc hát những bài vè để phát tán nên không thể truy được nguồn gốc, mong bệ hạ xá tội.

Cảnh Thịnh cười gằn nói:

-Các khanh có tội gì, chuyện này là do đối phương tính toán từ trước, lập tức tăng cường Hoàng Vệ bí mật theo dõi ở kinh thành, nếu có kẻ nào phát tán lời đồn bậy, trước bắt giữ hạ ngục, mọi chuyện tra xét tính sau!

Lê Chất khom mình bái lạy:

-Thần tuân chỉ!

Cảnh Thịnh hừ lạnh:

-Kẻ địch đã bắt hành động ngang nhiên trước mặt chúng ta như vậy, đến mà không trả lễ thì quả là không phải đạo, khanh hãy cầm phong thơ này về phủ đọc cho kỹ, trong thơ có ghi rõ những chuyện mà trẫm giao cho khanh đi làm, chuyện này khanh nhất định phải lựa chọn thân tín cho kỹ, tự mình ra tay, không được để lộ tiếng gió.

Lê Chất cầm lấy phong thư mà Cảnh Thịnh đưa cho y, sắc mặt trở nên cực kỳ ngưng trọng, sau khi thi lễ quân thần xong thì liền vội vàng trở về nghiên cứu phong thơ một cách cẩn thận, y sợ sai lầm chuyện mà hoàng đế giao phó.

Một sớm tinh mơ nơi pháp trường của kinh thành.

Pháp trường là một khoảng sân rộng rãi nằm ngay trên quảng trường trung tâm của kinh thành, được lát đá sạch sẽ, đây là nơi mà triều đình thường dùng để hành hình công khai những kẻ phạm trọng tội nhằm răn đe người đời. Sáng nay, bên cạnh pháp trường bỗng dưng tụ tập rất đông người dân, bốn phía pháp trường có Hoàng Vệ và quân đội canh gác bảo vệ nghiêm ngặt, triều đình từ mấy hôm trước đã dán bố cáo cùng thông báo rộng rãi, ngày hôm nay Bùi Đắc Tuyên cùng đồng đảng sẽ bị chém đầu thị chúng vào lúc giờ ngọ ba khắc.

Một cái đài cao được dựng lên ở giữa pháp trường, những kẻ bị hành hình sẽ lần lượt bước lên trên đài chịu tội, lúc này hai mươi vị đao phủ đang đứng ở trên đài cao bắt đầu khởi động tay chân, chờ đợi phạm nhân được giải đến pháp trường, ngày hôm nay bọn họ sẽ biết cái gì gọi là chặt đầu mỏi tay, cấp trên đã có thông báo xuống, danh sách lần này có đến gần một ngàn người phải chết, nam có nữ có già có trẻ có nhưng tuyệt nhiên không có lấy một trẻ em, số người chết ít như vậy là do Cảnh Thịnh đã tận lực đè xuống chỉ xử tội những kẻ đứng đầu và những kẻ phạm ác với dân chúng chứ nếu mà cứ theo luật tru di tam tộc hoặc là tru di cử tộc thì số lượng đầu người chắc phải chất như núi.

Một ngày này, dân chúng Tây Sơn đã chờ đợi từ rất lâu rồi.

Hoàng Vệ thấy dân chúng vây xem đông như vậy vội vàng điều thêm quân đến giữ gìn trật tự, xua dân chúng đứng ra xa, cách đài hành hình hơn ba mươi mét.

Cách giờ hành hình khoảng hai canh giờ, phạm nhân bắt đầu nối đuôi nhau được dẫn ra pháp trường, hàng tử tù dài dằng dặc được người của bộ hình dẫn đi xuyên qua đám đông dân chúng tiến vào pháp trường, người nào cũng đeo gông xiềng nặng nề, bước đi chậm chạp, ánh mắt vô thần. Người dẫn đầu là Bùi Đắc Tuyên, tóc tai rũ rượi, khuôn mặt dơ bẩn khó mà có thể nhận ra, y cứ thế cúi gằm mặt mà đi không nói tiếng nào.

Đám đông nhìn thấy những kẻ tham quan ô lại ngày thường quát tháo phong vân, bắt nạt dân chúng rất oai phong mà nay hình dung thê thảm thì trong lòng rất là hả hê, cuối cùng thì bọn chúng sắp phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã làm. Một ngàn trọng phạm được đưa đến, xếp thành hàng quỳ xuống trên pháp trường, cảnh tượng khá là hoành tráng, dân chúng liên tục chỉ trỏ, có người đã từng bị chúng làm hại thê thảm đến tan cửa nát nhà thấy vậy xúc động quá, quỳ xuống lạy trời cao, nước mắt rơi như mưa:

-Ông trời ơi! Cuối cùng ông cũng mở mắt! Bệ hạ thánh minh, bệ hạ vạn tuế!

Người này quỳ ở đó, tay chỉ hung thủ, lớn giọng quát mắng kể rõ sự tao ngộ hãm hại thê thảm của bản thân, lại liên tục hướng về phía hoàng cung quỳ lạy cảm tạ nhà vua, sau đó liên tục có người kích động đứng ra bắt chước theo y, câu chuyện của bọn họ rất là xúc động lấy đi không ít nước mắt của dân chúng, đẩy tình cảm của dân chúng lên cao trào, lát sau toàn bộ người dân đều đồng thời quỳ xuống hướng về phía hoàng cung mà hô to nhà vua vạn tuế, cảm tạ ơn đức của nhà vua.

Quan giám trảm lần này có ba người, một là Thượng thư Bộ Hình Bùi Văn Nhựt, hai người còn lại là Tả đô chỉ huy sứ Lê Chất cùng Hữu đô chỉ huy sứ Phạm Văn Trị, trong đó Thượng thư Bộ Hình Bùi Văn Nhựt là chủ sự, hai người còn lại chỉ là phụ tá. Tả đô chỉ huy sứ Lê Chất ngồi ở trên đài cao, thấy dân chúng bên dưới vì cảm ân nhà vua mà hướng về hoàng cung quỳ lạy, tràng diện hoành tráng, sắc mặt y vẫn điềm nhiên như không nhưng trong lòng thì mừng thầm:

-Mấy tên kịch sĩ của đoàn kịch này quả là không có nói láo, rất có tài à, lát nữa coi bộ phải sai người thưởng thêm cho bọn chúng mới được.

Hữu đô chỉ huy sứ Phạm Văn Trị mắt lé liếc sang Lê Chất, cảm tình là cái thằng này không ngờ còn có một bộ mặt vô sỉ như vậy, ở trong mắt Phạm Văn Trị thì diễn xuất của những người này rất là thô thiển. Phạm Văn Trị lắc đầu nói:

-Tả đô sứ ngài xem, những kẻ kia tôi trông giống như là đang giả bộ thế nào ấy, có vẻ rất đáng nghi, có lẽ lát nữa chúng ta nên cho người bắt lại thẩm tra một thoáng xem thế nào.

Lê Chất nghe vậy, vội vàng nói:

-Ha ha! Hữu đô sứ, ngài quá lo lắng rồi đó, chúng ta là Hoàng Vệ, là bộ mặt của nhà vua thì cũng nên làm việc có chừng có mực, không phải cứ hở một tý là bắt người xét nhà, nếu không sẽ gây phản cảm với dân chúng, bị các quan nhân cơ hội dâng tấu hạch tội, ảnh hưởng công việc sau này là chuyện nhỏ, làm cho bệ hạ phiền lòng là chuyện lớn.

Phạm Văn Trị khịt mũi coi thường, hắn chỉ mới thăm dò một thoáng mà Lê Chất đã vội nhảy ra, hai chữ "lộ tẩy" viết rõ trên mặt y, là đồng liêu, Phạm Văn Trị hiểu rõ Lê Chất, người này bình thường không thấy thỏ không thả chim ưng, gã mới lười đi phần trần cho bất cứ người nào.