Chương 40: Đáp lễ.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 40: Đáp lễ.

Chương 40: Đáp lễ.

Nguyễn Bảo không ngốc, y hỏi Từ Văn Tú:

-Đầu hàng quân Nguyễn? Nguyễn Vương có thể tha cho ta hay sao?

Từ Văn Tú trả lời:

-Nguyễn Vương là người làm đại sự, cái y cần là đánh bại Cảnh Thịnh, thống nhất giang sơn, trước đây đã có nhiều tướng lãnh của Tây Sơn chạy sang hàng, y không những không nhớ chuyện cũ mà còn trọng dụng bọn họ, có người bây giờ còn đang ở chức vị rất cao, tay cầm quân quyền.

Nguyễn Bảo do dự bất quyết:

-Chuyện này...chuyện này ta còn cần phải suy nghĩ thật kỹ, còn phải hỏi ý mẹ ta xem người nói như thế nào.

Từ Văn Tú bái dài khẩn thiết nói:

-Thần xin Thái tử hãy mau chóng làm ra quyết định kẻo thời gian không còn kịp nữa, trong mắt Nguyễn Vương chỉ có giang sơn, còn trong mắt Cảnh Thịnh thì ngài là hạt cát trong mắt, cái gai trong thịt!

Nguyễn Bảo vội đỡ Từ Văn Tú dậy, cảm động nói:

-Ta đã biết, Tham tán xin yên tâm, chớ vội, trong hai ngày ta sẽ cho Tham tán một câu trả lời chắc chắn.

Từ Văn Tú nghe Nguyễn Bảo nói xong liền ra vẻ an tâm, sau đó cáo lui, nhưng y không đi thẳng về phủ mà giữa đường ghé vào một căn nhà dân, ở trong căn nhà này có hai người đang đợi sẵn đó là Đại đô đốc Đoàn Văn Cát và Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu. Hai người này là tướng cũ dưới quyền Nguyễn Nhạc, sau khi Nguyễn Nhạc mất thì theo phò Nguyễn Bảo. Hai người này trông thấy Từ Văn Tú xuất hiện thì vội đứng lên chào hỏi:

-Văn Tú, ông đã trở về rồi, thái tử nói như thế nào?

Từ Văn Tú lắc đầu thở dài:

-Tôi đã hết lời khuyên nhủ Thái tử đầu hàng Nguyễn Vương nhưng ngài vẫn còn do dự chưa hạ được quyết tâm.

Hai người nghe xong, sắc mặt lộ rõ sự thất vọng, Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu trầm giọng nói:

-Việc tới nước này mà thái tử vẫn còn chưa hạ quyết tâm, chẳng lẽ phải đợi cho đến khi đao sắc của Cảnh Thịnh kề ngay cổ thì mới hối hận hay sao? Đến lúc đó, hối hận liệu có ích gì?

Đại đô đốc Đoàn Văn Cát nói:

-Chuyện cho đến hôm nay đã vượt ra ngoài tầm khống chế của chúng ta, vốn là theo kế hoạch chúng ta sẽ từ từ tiếp xúc với Lê Chất cùng Lê Trung, dùng tình cũ khuyên hàng hai người này, chiếm lấy Quy Nhơn cùng Phú Yên mà về với Nguyễn Vương đặng đông sơn tái khởi, báo thù cho Thái Đức hoàng đế nhưng người tính không bằng trời tính, Lê Chất cùng Lê Trung đột ngột bị triệu về kinh, mười vạn quân trấn thủ Quy Nhơn rơi vào tay Lê Văn Hưng cùng Nguyễn Văn Huấn, không có Lê Chất cùng Lê Trung làm nội ứng chỉ với vài ngàn binh lính ít ỏi, chúng ta lấy gì chiếm lấy Quy Nhơn đây? Không chiếm được Quy Nhơn và Phú Yên làm lễ đầu hàng, Nguyễn Vương lấy cái gì tin và trọng dụng chúng ta? Tình hình này chúng ta chỉ có thể bó tay chờ chết mà thôi!

Tham tán Từ Văn Tú đột nhiên đập bàn quát:

-Chúng ta không thể ngồi chờ chết như vậy!

Đại đô đốc Đoàn Văn Cát hỏi:

-Ông có kế nào hay?

Từ Văn Tú nói:

-Chuyện đến nước này, chúng ta chỉ còn cách binh đi nước hiểm, bức thái tử khởi binh, trước tiên ba người chúng ta hãy cùng viết một bức thức đưa cho mật sứ gửi cho Võ Tánh nói rằng chúng ta nguyện ý đầu hàng Nguyễn Vương, chúng ta sẽ khởi binh chiếm lấy thành Bồng Sơn, sau đó tử thủ Bồng Sơn và Phù Ly chặt đứt đường tiếp viện của Cảnh Thịnh từ Phú Xuân, ngoài ra còn phái người hiệp trợ Võ Tánh đánh lấy thành Phú Yên, sau đó Võ Tánh chỉ cần chia binh hai đường, một đường khởi binh công đánh Quy Nhơn, một đường đi đường thượng đạo đến viện binh cho chúng ta thủ vững Bồng Sơn và Phù Ly như vậy thì thành Quy Nhơn sẽ rơi vào thế cô lập, chẳng mấy chốc quân Nguyễn sẽ chiếm được thành, chúng ta cũng coi như là có công trạng lớn với Nguyễn Vương.

Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu gật đầu:

-Kế này rất hay, thành Phú Yên do Lê Văn Thanh cùng Phạm Văn Điềm trấn giữ chỉ có hai vạn quân trấn thủ, một số tướng cũ vẫn còn lòng hướng về triều cũ, chúng ta có thể lợi dụng điểm này để dễ đàng hiệp trợ Võ Tánh nhanh chóng chiếm được Phú Yên.

Ba người sau khi đồng nhất ý kiến liền tan họp, ai đi đường nấy, trở về chuẩn bị.

Từ Văn Tú trở về phủ, y đi thẳng đến thư phòng, nơi đây đã bị y hạ nghiêm lệnh là cấm địa trong phủ, tuyệt không có người dám béng mảng. Từ Văn Tú bước vào phòng, vừa mới hớp được miếng nước trà thì phía sau bức bình phong chợt có người đi ra, đó là một người đàn ông trung niên trông rất phổ thông, gã hướng về Từ Văn Tú dò hỏi:

-Thế nào? Câu trả lời của Nguyễn Bảo ra sao?

Gã đàn ông trung niên gọi thẳng tên húy của Nguyễn Bảo, không một chút kiêng dè, Từ Văn Tú chỉ hơi nhíu mày nhưng cũng không có ý trách cứ sự vô lễ của gã:

-Rất tiếc! Thái tử còn do dự chưa hạ quyết định nhưng mật sứ yên tâm, tôi đã bàn với hai quan Nguyễn Văn Thiệu và Đoàn Văn Cát, bọn họ đã đồng ý cùng bức thái tử khởi binh, đây là hai bức thư nguyện đầu hàng Nguyễn Vương mà bọn họ viết để làm tin, ngài hãy đem về giao cho viện chủ..

Gã đàn ông trung niên nhận lấy hai bức thư từ tay Từ Văn Tú, gật đầu nói:

-Được! Chỉ cần kế hoạch thành công, viện chủ chắc chắn sẽ ghi nhớ công này cho ông, ngày sau về với Nguyễn Vương, chỉ bằng phần công lao này cũng đủ để khiến cho ông đạt được quyền cao chức trọng.

Từ Văn Tú mỉm cười chắp tay:

-Chỉ hy vọng là thế!

Gã đàn ông trung niên không chần chờ lâu, lập tức cải trang thành một người dân bình thường, theo cửa sau ra khỏi phủ của Từ Văn Tú, đi chưa được mấy bước y liền xui xẻo gặp một đứa ở đang bưng chậu than va phải khiến cho y vì bất ngờ mà bị té ngã, tên người ở vội vàng đỡ y dậy nhưng y vội vàng gạt tay người ở ra, nhanh chóng rời đi, trên đường đi y rất là cẩn thận, ba phen mấy bận thay đổi lộ tuyến đề phòng có người theo dõi.

Nhưng mà y không thể ngờ tới, mọi hành tung của y đều bị một đám người nhìn ở trong mắt, đám người này lẫn vào trong đám dân thường, khi là người bán nước, lúc lại là kẻ mãi võ, hay là cải trang thành thầy đồ viết chữ...những vệt than dính trên áo y là dấu hiệu để người ta nhận ra y giữa đám đông. Gã mật thám sau khi ra khỏi thành Phù Ly liền cưỡi một con ngựa khỏe, ngày đêm theo đường mòn chạy về Diên Khánh để truyền tin về Gia Định.

Trong một căn nhà của một hộ gia đình buôn bán nhỏ của thành Phù Ly, một gã thanh niên vội vàng tung cửa tiến vào trong một căn phòng, ở trong đó có một người thanh niên khác đang ngồi đợi, người này có khuôn mặt anh tuấn, đôi mắt sáng, vầng trán cao lộ ra vẻ trí tuệ. Nếu mà Ngô Thì Nhậm có mặt ở đây, y sẽ lập tức nhận ra được ngay gã thanh niên này là ai, gã chính là đứa con trai đầu của hắn, cậu cả Ngô.

-Bẩm Chỉ huy sứ, đã phát hiện ra tung tích mật thám của quân Nguyễn, y vừa mới rời khỏi phủ của Từ Văn Tú, chúng ta có cần bắt lại ngay không ạ?

Người thanh niên hướng về phía cậu cả Ngô bẩm báo.

Trước kia cậu cả Ngô được Cảnh Thịnh phong chức Thị Lang theo sau phụ tá cho Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, về sau Trần Văn Kỷ phát hiện ra cậu cả Ngô rất có tài mưu lược tính toán nên đã tiến cử đề nghị Cảnh Thịnh trọng dụng, đúng lúc Hoàng Vệ mới lập đang thiếu người, Cảnh Thịnh liền dứt khoát phong cho cậu cả Ngô chức Chỉ huy sứ, điều về dưới trướng Tả đô sứ Lê Chất.

Cậu cả Ngô sau khi nghe gã Hoàng Vệ bẩm báo liền trầm ngâm một lát, sau đó nói:

-Không cần đánh rắn động cỏ, thả cho hắn đi, thông báo cho Phủ sứ và các Trấn sứ cần phải hết sức tra rõ đường dây liên lạc của những kẻ mật thám này một cách cẩn thận, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, một khi bên trên có lệnh thì lập tức bưng cả ổ, ngoài ra phái người đưa tin Nguyễn Bảo đã cấu kết với Nguyễn Vương cho Đại đô đốc Lê Văn Hưng và Đô đốc Nguyễn Văn Huấn.

Gã Hoàng Vệ cung kính bái:

-Hạ quan xin tuân lệnh!

Thành Gia Định, phủ Cơ Mật Viện.

Đặng Trần Thường lúc này đang buồn rầu đi qua đi lại, chốc chốc y lại liếc nhìn tờ mật tín trên bàn, sắc mặt đắng chát như ăn phải trái khổ qua, sau đó lại tự lẩm bẩm than ngắn thở dài:

-Ác thật là quá ác! Kẻ nào nghĩ ra được loại tin đồn như thế này thì lòng dạ đúng là độc ác còn hơn rắn rết.

Đặng Trần Thường hận đến nghiến răng nghiến lợi, gần đây trong thành Gia Định bắt đầu phát tán một bài vè đang được lũ trẻ con đua nhau hát và nhanh chóng lan rộng trong thành Gia Định. Vè rằng:

" Thợ săn giết chó

Lại bẻ cả cung

Gia Định tam hùng

Chết hai còn một

Gió xuân về bắc

Người người hát vang

Thiên hạ thái bình

Trời ban lộc nước"

Lúc Đặng Trần Thường đọc được bài vè này, y toát hết cả mồ hôi lạnh, quả là gậy ông đập lưng ông, mới đây thôi y còn dùng cách này để tung tin đồn nhảm tại Phú Xuân mà nay có người đã lập tức dùng chính cách này đáp trả, không những thế người này ra tay rất chuẩn, trực tiếp đụng đến điều cấm kỵ trong lòng Nguyễn Ánh.

Đặng Trần Thường ngay tức thì hét người, ban bố cấm lệnh, bỏ tù bất cứ ai dám đọc và truyền bá bài vè này cho dù y biết những hành động này đã trễ. Bài vè này rõ ràng chính là do quân Tây Sơn cố ý tuyên truyền để ly gián quân thần Nguyễn Ánh. Ở Gia Định có ai mà không biết, trước đây, nhà Nguyễn có ba người được xưng tụng là tam hùng, một người trong đó là Võ Tánh, hai người còn lại lần lượt là Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp.

Nguyễn Ánh nhìn bề ngoài có vẻ là một người chiêu hiền đãi sỉ nhưng thật ra y là người có lòng nghi ngờ rất nặng. Đỗ Thành Nhơn chết vì công cao chấn chủ tự cao tự đại, Châu Văn Tiếp chết vào tay Trương Văn Đa nhưng cái chết của y còn nhiều khuất tất, chỉ có Võ Tánh thiện đạo bo bo giữ mình là sống khỏe. Cái chết của Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là điều cấm kỵ đối với Nguyễn Ánh, y không bao giờ muốn người khác nhắc tới bởi vì y sợ các tướng lĩnh khác sẽ trông vào đó mà rét lạnh tâm can.

Đặng Trần Thường cười khổ, kỳ này, nếu như y không xử lý chuyện này cho gọn gàng thì Nguyễn Ánh nếu không giết y thì cũng sẽ lột một lớp da.