Chương 41: Đưa ngươi một phần lễ lớn.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 41: Đưa ngươi một phần lễ lớn.

Chương 41: Đưa ngươi một phần lễ lớn.

Sau khi Từ Văn Tú rời đi, lúc này, Nguyễn Bảo mới ngồi thừ ra ở trong phòng, thần hồn ngẩn ngơ. Thật ra thì trong lòng Nguyễn Bảo có một cái bí mật mà hắn chôn giấu rất sâu, hắn mới không muốn làm cái gì chiêu hiền đãi sĩ hay bí mật chiêu binh mãi mã để đông sơn tái khởi, hắn không muốn đầu hàng Nguyễn Ánh, hắn không muốn làm phản, hắn chỉ muốn an phận làm một cái Hiếu công, ăn no chờ chết ở huyện Phù Ly. Có điều, sinh ra ở trong nhà đế vương ở vào thời loạn thế này cũng là sự may mắn mà cũng đồng thời chính là sự bi ai, nếu là khí số chính thịnh thì chính là rồng bay lên chín tầng trời quát tháo phong vân, còn nếu như khí số đã hết thì chính là rồng mắc ao cạn bị tôm khinh.

Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc ra đi đột ngột, Nguyễn Bảo từ vị trí thái tử đứng đầu bốn phủ rơi xuống Hiếu công, chôn chân và ăn lộc một huyện nhỏ, chênh lệch có thể nói là như trời và đất. Từ xưa đến nay, cây đổ thì bầy khỉ tan, tất cả các cựu thần lập tức rời đi xa lánh, nào có mấy người còn nhớ ân tình cũ mà những kẻ còn ở lại thì chưa chắc đã có lòng trung thành thật sự, chẳng qua bọn họ hoặc là vốn mang danh là thân tín của Nguyễn Nhạc hoặc là tài năng có hạn không được Cảnh Thịnh tin tưởng trọng dụng, không có chỗ để đi mà thôi.

Bọn họ ở bên cạnh Nguyễn Bảo, cấu kết với nhau, tay nắm hết mọi sự vụ trong huyện Phù Ly, bề ngoài mặc dù vẫn tôn thờ Nguyễn Bảo làm chủ nhưng thực ra là đã lấy hết quyền lực của hắn, thử hỏi những người một thời hoặc là đã từng là hãn tướng, hoặc là đã từng làm quan phẩm vị cực cao bên cạnh Thái Đức hoàng đế thì nay sao có thể cam lòng, khuất tài mà đi theo một kẻ không có tương lai như Nguyễn Bảo.

Thế gian này, người người đều rộn ràng vì lợi, càng là người có trí tuệ thì càng hiểu rõ điều này, danh và lợi luôn là hai điều song hành cùng nhau mà rất nhiều người suốt cuộc đời đeo đuổi.

Muốn danh cũng vì lợi, muốn có lợi cũng vì danh.

Hằng ngày, Nguyễn Bảo phải trưng ra một bộ mặt giả dối, đối phó với những người này cũng là thật mệt mỏi cùng bất đắt dĩ nhưng mà hắn không dám có chút sơ sẩy chủ quan, bởi vì nếu như hắn dám để cho bọn họ thất vọng thì kết cục sẽ cực kỳ thê thảm, tệ nhất là bọn họ có thể cầm lấy đầu hắn cùng vợ con của Nguyễn Nhạc mà đi đầu hàng Nguyễn Ánh. Chính vì vậy, Nguyễn Bảo lúc nào cũng phải làm ra vẻ căm hận Cảnh Thịnh vô cùng, đồng thời thể hiện ra sự không cam lòng, không muốn chết ở một cái huyện nhỏ nhoi này, luôn sẵn sàng một ngày đông sơn tái khởi. Nguyễn Bảo làm tất cả những điều đó chính là vì ổn định những người xung quanh hắn, cho bọn họ một chút hy vọng, tránh cho chó cùng rứt dậu.

Kinh thành Phú Xuân.

Thời tiết vào xuân, gió nhẹ man mát, khí trời trở nên rất dễ chịu, Cảnh Thịnh đang cùng với Bùi Thái Hậu đi dạo ngắm hoa viên thì chợt có cung nhân đến báo là có Tả đô chỉ huy sứ Lê Chất xin được gặp. Cảnh Thịnh đành phải xin lỗi Bùi Thái Hậu rồi nhanh chóng trở về cung, Bùi Thị Nhạn nhìn theo bóng lưng nhỏ bé của của Cảnh Thịnh, ánh mắt lấp lánh, không biết là đang suy nghĩ đến chuyện gì.

Về đến nơi, Cảnh Thịnh lập tức tuyên triệu Lê Chất vào gặp. Sau khi thi lễ quân thần, Lê Chất nói:

-Bẩm bệ hạ! Có mật tín từ Quy Nhơn gửi đến, Hiếu công Nguyễn Bảo đã có dấu hiệu đầu hàng quân Nguyễn.

Tả đô chỉ huy sứ Lê Chất nói xong liền đứng sang một bên im lặng chờ đợi mệnh lệnh của Cảnh Thịnh, trong lòng đầy cảm khái, tiếp xúc Cảnh Thịnh đã lâu, dần dần y mới biết được cái gì gọi là tài không đợi tuổi, chớ có xem thường thiếu niên lang. Lần này, Hiếu công Nguyễn Bảo và thuộc hạ đã bị Cảnh Thịnh hù dọa khiến cho sợ hãi quá sức, chưa gì đã lòi đuôi ra.

Cảnh Thịnh cầm lấy phong mật tín lật xem, khẽ cười:

-Cũng là trẫm đã gây áp lực cho hắn hơi quá mức cho nên hắn mới làm liều nhưng nếu như hắn không có làm chuyện gì mờ ám sau lưng trẫm thì làm sao lại sợ hãi đến nước này? Cũng được! Quân Nguyễn đã muốn kích động Nguyễn Bảo khởi binh làm phản thì trẫm cũng sẽ đưa cho bọn hắn thêm một phần lễ lớn nữa, có điều không biết là Nguyễn Ánh có dám nhận phần lễ này hay không.

Lê Chất nghe Cảnh Thịnh nói xong, trong lòng thầm tội nghiệp cho quân Nguyễn, bọn hắn mà cố sức ăn phần lễ này, không chừng là không những không ăn được mà có khi còn bị rụng cả răng.

Sau đó vài ngày, Cảnh Thịnh hạ chiếu công bố thiên hạ, nay huy động mười vạn quân hai đường thủy bộ, đợi qua tết khi gió xuân thổi về bắc thì nhà vua sẽ đích thân ngự giá thân chinh, Đại đô đốc Trần Quang Diệu cùng Đô đốc Bùi Thị Xuân đi theo hộ giá, Đại đô đốc Đặng Văn Chân thống lĩnh thủy quân, tất cả cùng tiến đến Quy Nhơn hợp với mười vạn quân đang trấn thủ ở đây thành hai mươi vạn quân, bức thẳng Diên Khánh thề phải lấy cho được thành này.

Chiếu chỉ vừa ban ra, thiên hạ chấn động, Đại đô đốc Trần Quang Diệu cùng các quan liều chết can ngăn không muốn Cảnh Thịnh đưa thân vào nguy hiểm, lại có người nói xuất binh vào lúc gió thổi về bắc là cực kỳ bất lợi cho thủy quân nhưng Cảnh Thịnh không nghe can gián, quyết làm theo ý mình, y ở trên triều đình mắng nhiếc các quan đều là một lũ nhát gan, thậm chí có người còn bị kéo ra ngọ môn đánh roi tróc da chảy máu, sau mới không có người dám can ngăn nữa.

Lại nói Đặng Trần Thường ở Gia Định đang đau đầu vì phải tìm cách khống chế sức lan tỏa của bài vè nói xấu Nguyễn Ánh, thì đúng lúc này y nhận được tin tức về chiếu chỉ của Cảnh Thịnh, đọc xong tin tức này, y lập tức ngửa đầu cười to:

-Trời cũng giúp ta vậy! Chỉ bằng công lớn lần này, công hầu khanh tướng có xá là gì!

Nói rồi, Đặng Trần Thường lập tức thay đồ tiến cung, lúc đến cửa cung đã thấy Tham mưu trung quân Đặng Đức Siêu đang đợi sẵn, hai người vừa chạm mặt lập tức hừ lạnh, bốn mắt trừng nhau tóe lửa, tuy vậy nhưng cả hai cũng rất biết điều, cùng giữ im lặng, chờ đợi Nguyễn Ánh triệu kiến. Lát sau, cả hai nhìn thấy có một người thân hình cao lớn từ phía trong cung đi ra, Đặng Trần Thường vừa liếc mắt đã nhận ra ngay người đến là ai, người này chính là Thống lĩnh nội vệ Lê Văn Duyệt, hồng nhân đương thời của Nguyễn Ánh.

Chỉ thấy Lê Văn Duyệt bước tới gần, hướng về hai người cao giọng nói:

-Vương gia truyền cho các ngươi vào gặp!

Sau đó xoay người đi trước dẫn đường.

Đặng Trần Thường cùng Đặng Đức Siêu cùng nhau đi theo Lê Văn Duyệt, sau khi thi lễ quân thần với Nguyễn Ánh liền nghe Nguyễn Ánh nói:

-Trần Thường! Cơ Mật Viện của khanh làm ăn như thế nào mà để những tin đồn kia lan rộng trong dân chúng cùng binh lính như vậy?

Đặng Trần Thường thấy sắc mặt trầm trọng của Nguyễn Ánh, lập tức quỳ xuống dập đầu:

-Vương gia tha tội! Những tin đồn đó là do quân Tây Sơn cố ý thả ra để ly gián quân thần, thần đang cố gắng hết sức để truy bắt những kẻ đầu sỏ và dập tắt tin đồn ấy.

Nguyễn Ánh hừ lạnh:

-Được! Cô cho khanh ba ngày để dẹp yên chuyện này rồi sau đó mới hỏi tội.

Đặng Trần Thường vội vã tạ ơn, sau đó đứng dậy.

Nguyễn Ánh trầm ngâm một chút sau đó nói tiếp:

-Về việc quân Tây Sơn định xuất hai mươi vạn quân thủy bộ tiến đánh Diên Khánh sau tết, các khanh nhận định thế nào? Thằng nhóc Cảnh Thịnh này cũng thật là khinh cô quá đáng, cô chưa tìm hắn tính sổ thì thôi, hắn lại dám cử binh đến đánh chúng ta!

Đặng Trần Thường vội vàng tiến lên trước giành nói, lần này y cũng không có thi tiểu kế với Đặng Đức Siêu. Đặng Đức Siêu vẫn như cũ khinh thường y, thầm mắng trong lòng:

-Chó không tránh được ăn cứt! Phi! Có nhục nhã nhặn!

Chỉ nghe Đặng Trần Thường dõng dạc nói:

-Bẩm vương gia! Thần cho là lần này chính là một cơ hội tuyệt hảo mà ông trời an bài, để cho chúng ta tiêu diệt hoàn toàn giặc Tây Sơn, số trời định về nhà Nguyễn vậy!

Nguyễn Ánh gật đầu hỏi:

-Lời ấy nói thế nào?

Đặng Trần Thường bái dài nói:

-Bẩm vương gia! Cảnh Thịnh chỉ là một thiếu niên mới mười hai tuổi, sang năm cũng chỉ mười ba, thiếu niên khinh cuồng, ngựa non háu đá cũng là lẽ tất nhiên. Thần nghĩ, ta có thể lợi dụng điểm này của y. Thần nghĩ ra một kế, trước tiên quân ta làm ra tư thế xem thường Cảnh Thịnh, kích cho y đến tấn công thành Diên Khánh, lệnh cho Võ Tánh cố thủ, tận dụng sự kiên cố của thành Diên Khánh mà tiêu hao sinh lực cùng sĩ khí của quân giặc. Ở đây, thần có thư hàng của ba vị tướng dưới trướng Nguyễn Bảo, đợi cho giặc Tây Sơn tiêu hao không sai biệt lắm, chỉ cần vương gia ra lệnh một tiếng, bọn họ sẽ bất ngờ khởi binh chiếm lấy thành Bồng Sơn, đồng thời tử thủ Bồng Sơn và Phù Ly, cắt đứt đường lui của Cảnh Thịnh. Sau đó, Võ Tánh sẽ đem quân kiềm chặt đại quân của Cảnh Thịnh, vương gia chỉ cần mang binh đi vòng đường thủy tập kích Phú Xuân đang trống rỗng, chiếm được Phú Xuân thì việc bắt được Cảnh Thịnh chỉ là trong sớm muộn dễ dàng như bắt ba ba trọng rọ mà thôi. Cảnh Thịnh mà chết thì giặc Tây Sơn còn làm sao mà đấu với vương gia được nữa. Thần xin chúc mừng vương gia, giang sơn thống nhất ở trong tầm tay.

Nói xong, Đặng Trần Thường vội trình lên ba bức thư hàng của Từ Văn Tú, Đoàn Văn Cát và Nguyễn Văn Thiệu cho Nguyễn Ánh xem.

Nguyễn Ánh cầm lấy ba bức hàng thư, chậm rãi lật ra cẩn thận xem xét, lúc này không gian trong phòng bất chợt trở nên lặng ngắt như tờ, đến tiếng kim rơi cũng có thể nghe thấy. Sau khi đọc xong ba bức hàng thư, ánh mắt của Nguyễn Ánh bỗng dưng sáng rực, hô hấp cũng dồn dập lên nhưng y vẫn cố gắng trấn tĩnh, nhìn Đặng Đức Siêu hỏi:

-Kế hay! Đức Siêu, khanh thấy thế nào?