Chương 44: Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 44: Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Chương 44: Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Đại quân đến cách thành Quy Nhơn ba dặm thì hạ trại nghỉ ngơi, Đại đô đốc Lê Văn Hưng cùng Đô đốc Nguyễn Văn Huấn vội ra khỏi thành để tiếp đón Cảnh Thịnh và các vị trọng thần vào trong thành. Nếu có ai đó đứng ở trên tường thành cao của thành Quy Nhơn vào lúc này, nhìn về phía phương xa, có thể thấy được lều vải của binh lính ngoài thành đã được dựng lên lít nha lít nhít, kéo dài đến ngút tầm mắt.

Thành Quy Nhơn có một cái tên xưa cũ mà ít ai nhớ tới đó là thành Đồ Bàn, ngôi thành này đã từng một thời là kinh đô của nước Chiêm Thành hùng mạnh trong quá khứ, về sau này Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc chọn nơi đây làm kinh đô, đổi tên thành trở thành thành Hoàng Đế, một cái tên thể hiện đầy đủ khí phách của Nguyễn Nhạc. Cảnh Thịnh vào thành, di giá đến nghỉ ngơi ở biệt cung khi xưa của Nguyễn Nhạc, hắn nhìn ngắm nơi này mà trong lòng không khỏi thổn thức, ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ người nào cũng là hào kiệt một thời, là rồng bay lên trời, chỉ tiếc mệnh số không đủ, tất cả vô tình hay cố ý mà đều có chung một kết cục đó là mỗi người đều ôm theo nuối tiếc mà từ bỏ cõi đời này.

Sáng hôm sau, sau khi đã nghỉ ngơi một đêm đầy đủ, Cảnh Thịnh liền mở cuộc họp với các trọng thần Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu, Đại đô đốc Lê Văn Hưng, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Trung quân tham mưu Trần Văn Kỷ.

Quy Nhơn có sẵn mười vạn quân trấn thủ trong đó hai vạn quân trấn giữ thành Phú Yên là tuyến đầu quần nhau với giặc, hai huyện Tuy Viễn và Bồng Sơn mỗi nơi cũng có một vạn quân đóng giữ, riêng huyện Phù Ly do Hiếu công Nguyễn Bảo chịu trách nhiệm, quân đóng giữ là binh lính cũ của Thái đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, số lượng đại khái chừng hơn một vạn, như vậy thành Quy Nhơn có quân thường trực còn lại là sáu vạn. Để cho ổn thỏa, Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu đề nghị để lại ba vạn quân cho Đại đô đốc Lê Văn Hưng cùng Trung quân tham mưu Trần Văn Kỷ lưu giữ thành Quy Nhơn khi cần sẽ xuất binh viện thủ đại quân ở chiến trường Diên Khánh, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn dẫn theo ba vạn quân còn lại hợp với đại quân thành mười một vạn bộ quân tiến công Diên Khánh. Thành Quy Nhơn là một thành quan trọng không cho sơ thất, lấy nơi này làm căn cứ, đại quân tiến có thể công, lui có thể thủ.

Hai vạn thủy quân do Đại đô đốc Đặng Văn Chân đóng giữ ở quân cảng Thị Nại tùy thời xuất phát, đánh vào các tuyến duyên hải dọc theo Diên Khánh, Bình Thuận, Gia Định gây cản trở viện binh của quân Nguyễn.

Vốn là Trần Quang Diệu còn muốn thuyết phục Cảnh Thịnh tự thân ở lại trấn thủ ở thành Quy Nhơn cho an toàn nhưng Cảnh Thịnh không đồng ý, bởi kế hoạch lúc này như tên đã lên dây không thể không phát, càng huống hồ nếu như hắn không lộ diện thì làm thế nào để cho quân Nguyễn, nhất là Võ Tánh có danh xưng xác rùa tướng quân kia an tâm mắc lừa, không vào hang cọp sao bắt được cọp con.

Trần Quang Diệu thấy ý Cảnh Thịnh đã quyết thì thôi không can ngăn nữa, chuyên tâm điều binh. Đại quân sau một ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn lập tức xuất phát tiến đánh Diên Khánh, lúc đến thành Phú Yên, Đô đốc Phạm Văn Điềm dẫn một vạn quân ra xin làm tiên phong. Đại quân Tây Sơn với bộ quân mười hai vạn ồ ạt đánh vào Diên Khánh, thế đến hung hãn như nước lũ, các đồn lũy dọc theo đường đi do quân Nguyễn xây đắp đều bị đánh hạ một cách nhanh chóng, chỉ trong hai ngày, binh lính Tây Sơn đã đến dưới thành Diên Khánh, vây kín ba phía Đông, Tây, Bắc chỉ chừa lại phía Nam, đây là một kế đơn giản thường dùng trong binh pháp, tránh cho quân địch vì tuyệt đường sống mà quyết tâm tử thủ.

Trần Quang Diệu chưa vội hạ lệnh công thành mà chỉ cho quân vây kín, lại cho dựng một cái lầu cao để tiện quan sát chỉ huy.

Đứng trên lầu cao, Cảnh Thịnh trông về phía thành Diên Khánh mà không khỏi cảm thán, ngôi thành này đã được nhắc đến rất nhiều lần trong các bài viết về lịch sử, được nhấn mạnh là một ngôi thành kiên cố xây dựng theo lối kiến trúc Vauban của Pháp. Thành Diên Khánh được đắp bằng đất, tường thành cao khoảng ba đến bốn mét, toàn bộ kiến trúc có hình lục giác không đều, được bao bọc xung quanh bởi một con hào sâu và rất rộng, phía trên tường thành có đặt nhiều bệ súng pháo, dưới ánh mặt trời phản chiếu ánh sáng chói mắt. Lúc này, trên thành cờ xí tung bay, rất nhiều quân Nguyễn đứng gác sâm nghiêm ở phía trên tường thành.

Nhìn ngôi thành này, Cảnh Thịnh mới hiểu vì sao Trần Quang Diệu trước kia ba phen bốn bận đem quân vây mà không đánh được, nói thật đối với loại pháo đài kiểu Châu Âu này, không có hỏa lực mạnh hoặc đem sinh mạng binh lính chồng lên mãi cho đến khi kẻ địch cạn kiệt đạn dược thì không thể chiếm được. Thành Diên Khánh là thành lũy tiền đồn trọng điểm của quân Nguyễn cho nên lương thực và đạn dược được Nguyễn Ánh tồn trữ rất là sung túc, lại cho tướng giỏi trấn thủ.

Lúc này, Võ Tánh, Đặng Trần Thường cùng Nguyễn Phúc Cảnh đã có mặt trên tường thành phía Bắc của thành Diên Khánh, đây là mặt tấn công chính của quân Tây Sơn, nhìn ra xa chỉ thấy một mảng binh lính Tây Sơn vây thành đông nghịt như kiến cỏ. Võ Tánh và Đặng Trần Thường vẫn trấn định như thường, chỉ có Nguyễn Phúc Cảnh là có hơi hồi hộp vì dù sao đây cũng là lần đầu tiên y đối mặt với một lực lượng Tây Sơn đông đảo như vậy.

Nhìn con hào chạy quanh dưới chân thành Diên Khánh có độ sâu cỡ bốn đến năm mét, rộng cỡ hai ba chục mét, Cảnh Thịnh cho dù không biết đánh trận cũng ê hết cả răng, nếu không tìm cách vô hiệu hóa được con hào này thì không biết bao nhiêu sinh mạng binh lính sẽ ngã xuống ở đây bởi tiếp cận con hào là tiếp cận vào vùng nã đạn pháo, súng cùng cung tên của quân Nguyễn.

-Đại đô đốc định xử lý con hào kia như thế nào?

Cảnh Thịnh quay sang hỏi Trần Quang Diệu, hắn thực sự muốn biết y sẽ xử lý như thế nào để bớt lại thương vong cho binh lính.

-Bẩm bệ hạ! Thần chỉ có cách dùng một cách đần nhất là lấp hào!

Trần Quang Diệu cho ra câu trả lời.

Trong lòng Cảnh Thịnh hơi có chút thất vọng vì không thể giảm thương vong cho binh lính, đúng là ngoài cách của Trần Quang Diệu ra thì không còn cách nào khác có thể khiến cho binh lính vượt qua con hào này, kỹ thuật bắc cầu phao bằng gỗ mặc dù đã xuất hiện từ thời Lý Thường Kiệt nhưng rất rườm rà lại tốn thời gian, hơn nữa quân địch cũng sẽ không ngồi yên để cho quân ta có thời gian để hoàn thành cây cầu.

Cảnh Thịnh giao hết hoàn toàn quyền chỉ huy cuộc chiến cho Trần Quang Diệu, hắn chỉ là người đứng xem, không cản trở.

Quân Tây Sơn vây thành hai ngày mà không đánh, trong hai ngày này, Trần Quang Diệu cho quân làm ra rất nhiều bao bố đựng đủ thứ vật liệu nặng có thể tìm thấy, kể cả là đào đất bỏ vô, lấy ba vạn quân làm tử sỉ, ngày thứ ba bắt đầu khai chiến. Từ sáng sớm, súng pháo đã nổ vang rền liên tục giữa hai bên, lấy súng pháo cùng súng hỏa mai làm yểm trợ, ba vạn tử sỉ ôm bao bố liên tục xông lên lấp hào, người này ngã xuống, người kia xông lên, thậm chí còn vác cả xác của đồng đội mà quăng xuống con hào rộng.

Phía bên kia, Võ Tánh đã nhận ra ý định của Trần Quang Diệu, y lệnh cho binh lính thủ thành không cần tiết kiệm đạn, nã hết công suất, nhằm ngăn cản quân Tây Sơn lấp hào. Súng pháo của Tây Sơn uy lực phá hoại có hạn, mà quân Nguyễn lại có tường thành che chắn nên thiệt hại cũng không đáng kể, ngược lại quân Tây Sơn chết rất nhiều.

Cảnh Thịnh đứng ở trên lầu cao, nhìn binh lính Tây Sơn chết như ngã rạ mà lòng đau xót, hai mắt trừng như muốn nứt, hai nắm tay vô thức siết chặt lại.

-Đây là sinh mạng con người chứ không phải con gà con vịt!

Cảnh Thịnh quả thật không đành lòng nhẫn tâm nhưng mà hắn biết nếu như hắn mềm lòng lúc này thì rất nhiều người hơn nữa sẽ chết, mọi cố gắng từ đầu đến giờ sẽ trở thành công cốc, trôi theo dòng nước.

Quân Tây Sơn lấp hào từ sáng đến gần nửa đêm mới thu binh về nghỉ ngơi, thống kê sơ bộ chết gần năm ngàn, bị thương gần ba ngàn, con hào chỉ mới lấp được một phần ba. Nhìn chiến báo, Cảnh Thịnh âm thầm thở dài không thôi, chỉ có Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu là vô cùng tỉnh táo, sắc mặt y điềm nhiên như không.

-Truyền lệnh! Binh sĩ làm sơ nghỉ ngơi, sáng mai canh ba thổi cơm, canh năm tiếp tục công thành!

Trần Quang Diệu trầm giọng nói.

Ngày thứ hai, quân lính Tây Sơn tiến hành lấp hào từ sớm, Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu muốn dùng tốc độ nhanh nhất, nội trong ba ngày phải lấp xong con hào này cho dù là dùng cả xác người lấp cũng được, dưới sự thúc dục của Trần Quang Diệu cùng kỷ luật sắt của quân Tây Sơn, cuối cùng sau ba ngày, một con đường lấp bằng đất đá và xác người cũng đã được dựng xong, lúc này cuộc chiến công thành Diên Khánh mới bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Hiện tại, Cảnh Thịnh mới hiểu rõ được sự sâu sắc của câu nói "nhất tướng công thành, vạn cốt khô".

Cùng thời gian này, Đại đô đốc Đặng Văn Chân đã cho hai vạn thủy quân với gần một ngàn chiến thuyền rời quân cảng Thị Nại xuất phát đánh thẳng vào các vùng ven của Bình Thuận, Diên Khánh, thuận đà tiến xuống Gia Định nhưng bị thủy quân của Tả quân Lê Văn Duyệt cùng Tham mưu trung quân Đặng Đức Siêu chặn đánh. Hai bên triển khai thủy chiến, đánh nhau vô cùng thảm liệt, cuối cùng thủy quân của quân Nguyễn do có nhiều tàu chiến vượt trội hơn nên Đặng Văn Chân quyết định lui binh về cửa Thị Nại, dựa vào nơi hiểm yếu quần nhau với thủy quân của Lê Văn Duyệt. Tả quân lê Văn Duyệt muốn đánh nhanh chiếm Thị Nại để cho quân lên bờ bọc hậu quân Tây Sơn nhưng bị quân của Đặng Văn Chân gắt gao khóa lại ngoài cảng Thị Nại không thể tiến thêm. Thủy quân hai bên rơi vào thế giằng co.