Chương 50: Hồi Kinh

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 50: Hồi Kinh

Chương 50: Hồi Kinh

Hành cung thành Quy Nhơn.

Lúc này, Cảnh Thịnh đang ngồi trên ngai cao, hai bên trái phải có các trọng thận đứng hầu, lần lượt là Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu, Đại đô đốc Đặng Văn Chân, Tham quân Trần Văn Kỷ, Đại đô đốc Lê Văn Hưng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn, Đô đốc Phạm Văn Điềm, Đô đốc Nguyễn Quang Bàng, Đô Đô đốc Trần Thị Lan, Đô đốc Bùi Thị Xuân. Đến giờ phút này, quân Tây Sơn đã hoàn thành mục tiêu thắng lợi đã đề ra, Cảnh Thịnh cho họp các tướng, bàn giao một số nhắc nhở cùng nhiệm vụ sau đó sẽ đem theo đại quân hồi kinh.

Sau khi chính sự đã được bàn bạc xong, Đô đốc Nguyễn Quang Bàng bước ra khỏi hàng bái lạy nói:

-Bẩm bệ hạ! Thần đã cho người áp giải Nguyễn Bảo cùng gia quyến đến trước cửa cung, chờ bệ hạ xử tội!

Cảnh Thịnh nhìn đến Nguyễn Quang Bàng, thời gian vừa qua có rất nhiều công sự và áp lực nặng nề từ nhiều phía khiến cho Cảnh Thịnh không có mấy tâm lực chú ý đến các dòng dõi hậu duệ của vua Quang Trung hay nói đúng hơn là các anh chị em của mình, có thể nói đây là lần đầu tiên hắn gặp mặt người anh ruột của mình. Nguyễn Quang Bàng vốn trấn giữ Quảng Ngãi, khi hay tin Cảnh Thịnh bị vây ở Quy Nhơn, mặc dù lúc đó đạt được tin tức đã trễ nhưng Nguyễn Quang Bàn vẫn ngày đêm lên đường, không sợ nguy hiểm cùng vất vả mà dẫn quân đến với ý đồ cứu viện cho Cảnh Thịnh, chuyện này khiến cho Cảnh Thịnh rất bất ngờ cùng cảm động, hắn sẽ ghi nhớ ở nơi đáy lòng.

Cảnh Thịnh gật đầu với Nguyễn Quang Bàng:

-Đưa bọn họ vào đây!

Lập tức có cấm vệ quân áp giải Nguyễn Bảo cùng gia quyến vào trong sảnh lớn, bọn họ người nào người nấy bị trói chặt bằng dây thừng làm bằng da trâu. Nguyễn Bảo bước vào sảnh, trông thấy Cảnh Thịnh ngồi trên ngôi cao, trong lòng tuy sợ hãi nhưng đã đến nước này y cũng không muốn làm mất đi chút thanh danh còn lại của Thái Đức Nguyễn Nhạc, y gồng hết cốt khí của mình, run rẩy đứng thẳng sống lưng ra vẻ muốn chém muốn giết tùy ý Cảnh Thịnh.

Cảnh Thịnh nghiêm túc đánh giá Nguyễn Bảo, hắn nhìn chăm chú vào con người này, lúc nhìn đến hai chân đang run rẩy của y thì trong lòng không khỏi cười thầm, nhưng chẳng qua chỉ là thuần túy cảm thấy buồn cười chứ không có chê bai gì Nguyễn Bảo bởi đã là con người thì có mấy ai mà không sợ chết, đối mặt với đại khủng bố, Nguyễn Bảo vẫn còn giữ lại được một chút xíu cốt khí, không có làm mất mặt dòng dõi Tây Sơn đã là đáng khen.

Đô đốc Trần Thị Lan nhìn thấy chị mình là Trần Thị Huệ xuất hiện thì thở dài một hơi buồn bã, trong lòng mặc dù thương xót nhưng lúc này nàng cũng không dám mở miệng cầu xin Cảnh Thịnh vì sợ nhà vua có ác cảm từ đó ảnh hưởng đến chồng mình là Đô đốc Tuyết, nàng chỉ đành nhắm hai mắt lại.

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết trông thấy biểu hiện của Trần Thị Lan, y hiểu rõ sự khổ sở trong lòng của vợ mình, hít sâu một hơi, Đô đốc Tuyết hạ quyết tâm, tiến lên trước một bước, hướng về phía Cảnh Thịnh lạy dài rồi nói:

-Bẩm bệ hạ, thần có chuyện tấu!

Đô đốc Trần Thị Lan thấy chồng mình đột nhiên đứng ra, thân thể không khỏi run lên, hai nắm tay khẽ xiết chặt, ánh mắt nhìn về phía Đô đốc Tuyết càng thêm thương yêu.

Cảnh Thịnh trông thấy Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đột nhiên đứng ra thì khá là bất ngờ, không biết là y có chuyện gấp gì, đối với vợ chồng Đô đốc Tuyết, Cảnh Thịnh luôn có sự ưu ái nhất định bởi vì hai người bọn họ luôn là những người trung thành nhất với nhà Tây Sơn, chỉ thấy Cảnh Thịnh gật đầu hòa ái:

-Ái khanh có chuyện gì cứ việc nói, đừng ngại!

Được sự cho phép của Cảnh Thịnh, Đô đốc Tuyết tiếp lời:

-Bẩm bệ hạ! Thần to gan, kính xin bệ hạ tha mạng cho Trần Thị Huệ bởi dù gì nàng cũng là vợ chính thức của Tây Sơn Vương đã quá cố, thần mong bệ hạ tha thứ cho nàng như thế cũng làm cho sự rộng lượng của bệ hạ được người trong thiên hạ ngợi khen, mà các quan lại cũ cũng yên lòng.

Đô đốc Tuyết nói xong liền bái dài không dậy. Cảnh Thịnh nhíu mày trầm mặc. Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu hơi nhíu mày, Đô đốc Bùi Thị Xuân cảm thấy lo lắng, các tướng lĩnh khác thì nhìn Đô đốc Tuyết như nhìn thằng ngốc, Tham quân Trần Văn Kỷ chợt thở dài.

Đô đốc Trần Thị Lan cắn chặt môi, người chồng này của nàng cái gì cũng tốt, thương vợ con, anh dũng sa trường, chỉ có mỗi cái tật đi thẳng về thẳng là không sửa được, nhìn thái độ trầm mặc của Cảnh Thịnh, nàng sợ nhà vua sẽ nổi giận mà trách phạt chồng nàng, đương lúc Trần Thị Lan muốn tiến lên để cùng chịu tội với chồng thì Cảnh Thịnh chợt cười phá lên:

-Ha ha! Mọi người không cần căng thẳng như vậy, các khanh yên tâm, trẫm là minh quân chứ không phải là hôn quân, ai trung với trẫm, ai nói lời ngay chẳng lẽ trẫm không biết hay sao? Lời của Đô đốc Tuyết chính hợp ý trẫm, khanh hãy đứng lên đi.

Sau đó, Cảnh Thịnh trầm giọng nói với Nguyễn Bảo:

-Nguyễn Bảo a Nguyễn Bảo! Ngươi nói trẫm phải đối xử với các ngươi như thế nào bây giờ? Ngửa bàn tay cũng là thịt, úp bàn tay cũng là thịt!

Thở dài một tiếng, Cảnh Thịnh bất ngờ quát lớn khiến cho Nguyễn Bảo hoảng sợ té bịch xuống đất:

-Không muốn chết thì cũng đừng có đi tìm chết! Truyền chỉ! Hiếu công Nguyễn Bảo vì bị gian thần Từ Đình Tú tước đoạt binh quyền khống chế mà bất đắt dĩ phải mang danh tạo phản, nay trẫm quyết định an trí Nguyễn Bảo và gia quyến định cư ở kinh thành, cho xây phủ Hiếu công, triều đình cấp dưỡng chỉ một đời không được thế tập, con cháu mãi mãi không được ra làm quan. Những kẻ tạo phản còn lại toàn bộ xử trảm.

Tất cả các tướng lĩnh cùng quan lại đều quỳ xuống hô to:

-Bệ hạ thánh minh! Bệ hạ vạn tuế!

Nguyễn Bảo tìm được đường sống trong chỗ chết, chút cốt khí mà y cố gắng lắm mới tích tụ được sớm đã bay đi đâu mất, vội quỳ lạy tạ ơn Cảnh Thịnh:

-Tội thần tạ ơn bệ hạ! Bệ hạ vạn tuế!

Trần Thị Huệ cũng đi theo dập đầu nhưng nàng vẫn quật cường không nói một lời, lòng của nàng dường như sớm đã chết lặng theo cái chết của chồng nàng là Thái Đức Nguyễn Nhạc.

Thật lòng mà nói, Cảnh Thịnh không phải là không nghĩ đến chuyện làm thịt Nguyễn Bảo cho xong chuyện, nhưng thật sự thì lúc này đại thế đã ở trong tay hắn, giết hay không giết Nguyễn Bảo cũng không ảnh hưởng đến đại cuộc, giết Nguyễn Bảo thì các cựu thần dưới thời Nguyễn Nhạc hiện đang phục vụ trong triều đình sẽ hơi cảm thấy bất an, không giết Nguyễn Bảo thì được tiếng thơm là người rộng lượng không nhớ thù cũ, các cựu thần sẽ an tâm bán mạng làm việc, ngoài ra còn tạo tiền đề để sau này dễ dàng thu phục các hàng tướng nhà Nguyễn, lợi nhiều hơn hại, cớ sao mà không làm.

Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu và Tham quân Trần Văn Kỷ bốn mắt liếc nhìn nhau, không ẩn giấu được sự vui mừng, bọn họ tin tưởng, nhà Tây Sơn dưới sự dẫn dắt của Cảnh Thịnh nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng.

Đầu năm Cảnh Thịnh thứ ba, đại quân Tây Sơn xuất chịnh Diên Khánh mặc dù không chiếm được thành nhưng đã thành công đánh cho quân Nguyễn một trận đau đớn, quân Tây Sơn tuy cũng có nhiều tổn thất nhưng nhìn chung cũng không đáng kể. Các thế lực lớn trong thiên hạ nhìn vào sự thất bại của quân Nguyễn mà khiếp sợ vô cùng, Tây Sơn hóa ra vẫn còn có người tài ba, người này ẩn trong bóng tối, bày ra một cái bẫy to lớn không những khiến cho Nguyễn Ánh đại bại đến thương cân động cốt mà còn đào ra các thế lực ủng hộ nhà Nguyễn còn sót lại vốn ẩn nấp vô cùng kỹ càng mà diệt đi.

Một trận đánh này đã giúp cho nhà Tây Sơn xoay chuyển tình thế, từ chỗ đánh mất ý chí dần hướng suy tàn đến vực dậy tinh thần và có được một khoảng thời gian dài quý giá để thở dốc.

Cảnh Thịnh mang theo đại quân hồi triều trong tư thế của người chiến thắng, được dân chúng tung hô vang dội, bá quan thần phục, uy thế chính thịnh như mặt trời lên cao. Có điều, trong lòng Cảnh Thịnh biết, chiến thắng này chỉ là tạm thời trước mắt, nhà Tây Sơn vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn trắc trở, hắn đưa ánh mắt nhìn về phía Vạn Tượng, xa hơn là Xiêm La ngoài ra còn có sự xâm thực của các đế quốc phương Tây đang từ từ tiến đến, hiện tại các nước phương Tây còn đang bận đối phó nhà Thanh và chiến tranh nội bộ ở Châu lục nên còn chưa để mắt đến những nước nhỏ khác ở vùng Đông Bắc Á này nhưng một khi bọn họ giải quyết được hết thảy những vướng mắc thì Đại Việt sẽ phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù lớn.

Lại nói về Nguyễn Ánh, sau khi tàn quân nhà Nguyễn chạy về tới Gia Định, y mới tạm thời thở ra một hơi nhẹ nhõm. Sau đó, dưới sự phân tích của Đặng Đức Siêu, vương tôi nhà Nguyễn mới hiểu ra rằng trận chiến lần này, ngay từ lúc bắt đầu, tất cả đều là một cái bẫy lớn do quân Tây Sơn giăng ra mà việc Cảnh Thịnh ngự giá thân chinh chính là miếng mồi khó cưỡng nhằm dụ dỗ quân Nguyễn rơi vào bẫy, nghĩ lại mà sợ, cũng còn may khí số Nguyễn Ánh chưa hết, nếu không có các tướng liều mạng hộ giá thì có lẽ giờ này y đã phơi thây ở Phú Xuân.

Bao nhiêu công sức xây dựng quân đội giờ đây đã đổ sông đổ biển, nhà Nguyễn giờ đây gần như suy yếu đến cùng cực, nếu quân Tây Sơn lại xuất binh cường công lúc này thì Nguyễn Ánh chỉ còn có nước lại bỏ chạy ra hải ngoại, nhưng mà quân Tây Sơn có lẽ còn có khó khăn nào đó không muốn người khác biết mà chưa tổng tấn công. Cảnh Thịnh thậm chí còn cho triệt binh về phía sau.

Lúc này, Nguyễn Ánh thật sự là cảm thấy vô cùng chán chường và mệt mỏi nhưng là một kẻ kiêu hùng, thường xuyên nằm gai nếm mật đã quen, đóng vai xác chết vùng dậy liên tục, y nhanh chóng quét tan đi sự chán nản của bản thân, tự chấn chỉnh tinh thần. Nguyễn Ánh lẩm bẩm:

-Lũ giặc Tây Sơn khốn kiếp! Các ngươi làm mồng một thì đừng trách bổn vương làm mười lăm, ta nhất định không để các ngươi ung dung tự tại.

Nguyễn Ánh nói rồi, ánh mắt hung ác nhìn về hướng Vạn Tượng cùng Xiêm La.