Chương 31: Nỗi khổ của Nguyễn Ánh

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 31: Nỗi khổ của Nguyễn Ánh

Chương 31: Nỗi khổ của Nguyễn Ánh

Đặng Đức Siêu đang ở trong phủ nghiên cứu thư pháp thì chợt có người hầu bẩm báo là có mật vệ của Cơ Mật Viện đưa tin tình báo đến. Y cảm thấy rất là ngạc nhiên với hành động này của Cơ Mật Viện bởi từ trước đến giờ mỗi khi Cơ Mật Viện nắm được tin tức gì quan trọng thì Đặng Trần Thường đều đích thân đưa vào trong cung cho Nguyễn Ánh trước tiên. Đặng Đức Siêu biết rõ, Đặng Trần Thường - người này có tính tham công rất mạnh.

-Rốt cuộc, y cũng là một giới Tú Tài mà thôi.

Đặng Đức Siêu khẽ lắc đầu cười, trong lòng y, Đặng Trần Thường chỉ là một kẻ tài mọn chí lớn chỉ thích khoe khoang chứng tỏ mà thôi, người này chỉ có thể thích hợp đi làm những việc bẩn thỉu thấp kém như xét nhà diệt môn còn đối với những việc đại sự liên quan đến triều chính thì y lại không đủ sức, mà người có thể khiến cho Đặng Đức Siêu phải kiêng dè để ý thì chỉ có Ngô Thì Nhậm của nhà Tây Sơn kia.

Đối với Ngô Thì Nhậm, Đặng Đức Siêu rất là khâm phục tài hoa của con người này, về tài học về gia thế, Ngô Thì Nhậm không hề thua kém Đặng Đức Siêu nhưng y nghĩ mãi mà không rõ tại sao một người như Ngô Thì Nhậm vậy lại có thể khuất thân phò trợ cho một thân áo vải Nguyễn Huệ.

Gã mật vệ sau khi trao tận tay bức mật tín cho Đặng Đức Siêu thì vội vàng cung kính lui ra, dường như y rất là gấp gáp muốn nhanh chóng thoát đi, hận ông trời không thể khiến y trở thành vô hình chỉ sợ Đặng Đức Siêu để ý tới mình, trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, chuyện bằng mặt nhưng không bằng lòng giữa hai quan lớn hắn không muốn biết, chỉ muốn tránh được bao xa thì tránh bao xa sợ tai bay vạ gió.

Đặng Đức Siêu nhìn gã mật vệ khúm núm sợ sệt như vậy liền lắc đầu thở dài, chủ nào tớ nấy, người của Đặng Trần Thường cũng giống như y.

Đặng Đức Siêu thôi không nghĩ đến Đặng Trần Thường nữa mà chậm rãi lật phong mật tín ra xem, càng đọc nội dung, càng cảm thấy kinh ngạc.

-Ngô Thì Nhậm tái xuất, Bùi Đắc Tuyên bị hạ ngục, Tây Sơn Cố Mệnh được thành lập.

Đặng Đức Siêu đọc đi đọc lại những tin này, không ngừng suy diễn, cuối cùng y đứng dậy hô lớn:

-Người đâu chuẩn bị kiệu, ta muốn vào cung!

Cấm Cung Gia Định.

Nguyễn Ánh lúc này đang ngồi phê duyệt tấu chương, những năm tháng lao lực vất vả, nằm gai nếm mật khiến cho mái tóc y chớm điểm bạc nhưng điều đó không làm suy giảm khí chất kiêu hùng toát ra từ trên người y.

Qua một lát cảm thấy mỏi mệt, Nguyễn Ánh mới dừng việc phê duyệt tấu chương lại, dãn lưng, đứng dậy đi đến bên cửa sổ ngắm nhìn màn mưa.

Ngoài trời lúc này, mưa lớn đã chuyển thành nhỏ dần, hạt mưa trở nên mỏng manh như sợi tơ, từ trên cao rơi xuống đến lưng chừng trời lại không biết bị cơn gió tinh nghịch thổi phiêu lạc đến nơi chốn nào.

Nguyễn Huệ đã chết, trong lòng Nguyễn Ánh vừa vui mừng, vừa tức giận, lại vừa cảm hoài. Vui vì kẻ thù mà y kiêng dè nhất đã chết, từ nay nhà Tây Sơn không còn đáng để lo, sớm muộn sẽ bị y đánh bại. Tức giận vì y không được chính tay đâm chết kẻ thù sau đó đem nghiền xương thành tro cho giải mối hận trong lòng. Cảm hoài vì từ nay y đã mất đi một đối thủ khó được.

- Bẩm vương gia! Có quan Đặng Trần Thường và quan Đặng Đức Siêu xin được gặp.

Đương lúc Nguyễn Ánh đang suy nghĩ miên man thì có thái giám đến thông báo.

-Tuyên!

Nguyễn Ánh cảm thấy rất ngạc nhiên, hai người này thường rất ít khi đi cùng nhau mà hôm nay lại cùng lúc tiến đến, không biết là có việc gì hệ trọng mà có thể khiến cho hai người bọn họ cùng xuất hiện như vậy.

Đặng Đắc Siêu không hề cảm thấy ngạc nhiên khi gặp Đặng Trần Thường ở ngoài cửa cung, y chỉ hừ lạnh một tiếng sau đó cùng với Đặng Trần Thường theo chân vị thái giám tiến vào gặp Nguyễn Ánh.

-Chúng thần tham kiến vương gia! Vương gia thiên tuế.

Đặng Đắc Siêu cùng Đặng Trần Thường đồng thanh thi lễ quân thần.

-Miễn lễ! Có chuyện gì mà khiến cho hai vị ái khanh không quản ngại mưa gió cùng tiến cung như thế này?

Nguyễn Ánh ngồi trên cao trầm giọng hỏi.

-Bẩm vương gia! Cơ Mật Viện nhận được tinh thám báo gửi từ Phú Xuân, nhà Tây Sơn xảy ra biến động lớn nên thần lập tức cùng Trung quân tham mưu tiến cung bẩm báo vương gia.

Đặng Trần Thường giành nói trước.

-Trình lên!

Nguyễn Ánh cầm lấy phong mật tín mà Đặng Trần Thường trình lên, giở ra xem, hai đầu lông mày đột nhiên nhíu lại.

-Các khanh thấy thế nào?

Nguyễn Ánh đặt câu hỏi.

Đặng Trần Thường hơi lui về sau nửa bước đẩy Đặng Đức Siêu lộ ra trước ánh mắt của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh liếc thấy động tác nhỏ của Đặng Trần Thường, trong lòng hơi có chút phê bình nhưng cũng không nói gì, thuận thế nhìn thẳng vào Đặng Đức Siêu.

Đặng Đức Siêu trúng ám chiêu của Đặng Trần Thường, y vẫn điềm nhiên như không, trong lòng khinh thường mấy trò vụn vặt này, thấy Nguyễn Ánh nhìn mình y tiến thêm một bước nữa, lạy dài rồi dõng dạc nói:

-Bẩm vương gia! Lúc trước, Nguyễn Huệ đột ngột chết đi, Cảnh Thịnh còn nhỏ, Bùi Đắc Tuyên lộng quyền lẽ ra chính là trời giúp chúng ta muốn diệt giặc Tây Sơn, chúng ta chỉ cần tọa sơn quan hổ đấu chờ cho nội bộ chúng tự cắn xé lẫn nhau rồi lựa thừa cơ nhất cử đánh bại giặc Tây Sơn thu phục giang sơn. Lúc này, Bùi Đắc Tuyên đột nhiên bị diệt trừ ấy là trời chưa vong Tây Sơn vậy. Theo thần nghĩ, Tây Sơn vẫn còn có người tài, Ngô Thì Nhậm nay tái xuất nhập sĩ, người này tài cao học rộng có khả năng làm tể tướng một nước, chỉ có y xuất hiện mới có thể điều đình được các tướng lãnh của nhà Tây Sơn, đoàn kết bọn họ diệt trừ Bùi Đắc Tuyên. Có một điều thần vẫn không hiểu đó là Ngô Thì Nhậm đã sớm từ quan quy ẩn kể từ lúc Cảnh Thịnh lên ngôi, nghĩa là y đã chán ghét nhà Tây Sơn, mà nay chẳng biết có điều gì lại có thể đả động y một lần nữa rời núi phò trợ.

Đặng Đức Siêu nói đến đây tạm hoãn một hơi, lại nói tiếp:

-Có điều, lý do tại sao Ngô Thì Nhậm tái xuất thì giờ đây cũng không còn quan trọng nữa, giặc Tây Sơn một khi có y đứng ra chủ trì sẽ dần dần bình định được nội loạn và khi bọn chúng bình định được nội loạn rồi thở dốc được một hơi thì chúng sẽ tiếp tục quay mũi giáo vào chúng ta.

Đặng Trần Thường nghe thấy Đặng Đức Siêu khen Ngô Thì Nhậm lên trời thì trong lòng rất là khó chịu, thầm mắng mèo khen mèo dài đuôi, nhưng bề ngoài vẫn giữ vẻ bình tĩnh, sắc mặt không một gợn sóng.

-Trần Thường! Khanh thấy thế nào?

Nguyễn Ánh nghe xong phân tích của Đặng Đức Siêu bèn quay sang hỏi Đặng Trần Thường.

-Bẩm vương gia! Thần cũng có cùng suy nghĩ với quan Tham mưu.

Đặng Trần Thường vội vàng tiến lên lạy nói.

Nguyễn Ánh gật đầu, hai người mưu sĩ này của y mặc dù thường ngày cũng có chút ít va chạm nhưng khi bàn đến chính sự thì rất là nghiêm túc, rõ ràng về công lẫn tư.

Nguyễn Ánh rất rõ ràng, nhà Tây Sơn một khi bình định được nội loạn sẽ rảnh tay quay sang đối phó hắn, đánh với quân Tây Sơn lúc này thì quân Nguyễn sẽ gặp bất lợi lắm thay bởi nội tại mà Nguyễn Huệ để lại cho nhà Tây Sơn vẫn còn đó.

Nguyễn Ánh nghĩ nếu mà Nguyễn Huệ khi ấy không chết bất ngờ thì quân Nguyễn có đối phó được ba mươi vạn quân thủy bộ Tây Sơn hay không cũng khó nói, sợ rằng y lại bị bức một lần nữa phải bỏ chạy sống kiếp lưu vong.

Nguyễn Ánh hiểu sự chênh lệch giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn không thể bù đắp được bằng sự viện trợ hạn chế của nước Pháp cho nên những năm này y rất tích cực xây thành đắp lũy, chỉnh đốn quân đội, nhất là thủy quân. Nguyễn Ánh rất sợ sự mạnh mẽ của thủy quân Tây Sơn, sợ Tây Sơn sẽ lợi dụng đường thủy mà công đánh Gia Định cũng như các phủ, huyện của Nam Hà, vì để cho thủy quân của quân Nguyễn bắt kịp nhà Tây Sơn y không tiếc mua sắm tàu chiến của Pháp, thậm chí còn cho tháo ra để học hỏi theo thiết kế rồi đóng lại nhiều tàu chiến mới, mua sắm vũ khí trang bị cho tàu.

Những việc củng cố thành lũy cũng như chỉnh đốn quân đội khiến cho Nguyễn Ánh tiêu tiền như nước chảy, để có tiền và nhân lực y đã bất chấp tăng thuế khóa và lao dịch khiến cho dân chúng dần dần oán than, y hiểu rất rõ sự lợi và hại của việc mổ gà lấy trứng nhưng trước áp lực của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh không thể không làm như thế, thời kỳ phi thường thì phải hành động phi thường.

Sách này mặc dù có hiệu quả tức thời là trong một thời gian ngắn có thể nâng cao sức mạnh của quân Nguyễn nhưng đồng thời cũng tiêu hao nội lực của dân chúng, nếu như chiến sự với quân Tây Sơn phải kéo dài thì quốc lực cũng hao không nổi. Những điều này, Nguyễn Ánh biết, hai vị mưu sĩ cũng biết nhưng tạm thời còn chưa tìm ra cách giải quyết.

-Tình hình này, hai vị ái khanh có kế sách gì hay không?

Nguyễn Ánh mong đợi.

-Bẩm vương gia! Thần cho là giặc Tây Sơn hiện tại lúc này mới ổn định nội bộ, còn chưa được củng cố triệt để, quân ta nên bất ngờ đánh mạnh để gây thiệt hại nặng nề cho chúng, khiến cho giặc e sợ sau đó gợi ý buộc chúng phải cắt đất đình chiến, chúng ta cũng có thời gian củng cố quốc lực thư giãn sức dân một hai.

Đặng Đức Siêu cho ra câu trả lời.

Nguyễn Ánh nghe xong rất gật đầu tán thành, y đã lên thế cưỡi hổ không thể không đánh một trận với quân Tây Sơn, đánh trước đó là chủ động đi đánh, nắm quyền chủ động bài bố trong tay, đánh sau đó là bị động bị người ta đánh, bị quân giặc bài bố phải theo tiết tấu của chúng, thiệt hại khó mà đoán được.

-Bẩm vương gia! Thần cũng có một kế có thể khiến cho nội bộ Tây Sơn không yên ổn, trợ cho kế sách của quan Tham mưu một tay.

Đặng Trần Thường cũng không cam lòng chịu thua tiến lên nói.

-Mau nói!

Nguyễn Ánh thúc giục.

-Bẩm vương gia! Bùi Đắc Tuyên rất được Cảnh Thịnh coi trọng, y bị bọn Ngô Thì Nhậm hạ ngục tất khiến cho Cảnh Thịnh rất đau lòng và bất mãn, chúng ta chỉ cần tung tin Ngô Thì Nhậm cùng Tây Sơn Cố Mệnh chuyên quyền, có ý định khống vua lệnh chư hầu, ắt gây hoang mang trong lòng quân lính Tây Sơn ngoài ra còn có thể gieo mầm nghi kỵ vào trong lòng Cảnh Thịnh, theo thời gian sự nghi kỵ đó sẽ lớn dần, Ngô Thì Nhậm không cẩn thận ắt sẽ bị Cảnh Thịnh dồn vào chỗ chết.

Đặng Trần Thường hiến kế.