Chương 33: Hoàng Vệ lập.

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 33: Hoàng Vệ lập.

Chương 33: Hoàng Vệ lập.

Lê Chất nhận được khẩu dụ của Cảnh Thịnh triệu vào cung, không dám chậm trễ, lập tức tắm rửa thay đồ, tiến cung từ sớm. Tại hoàng cung, Y được cung nhân dẫn vào một gian thư phòng chờ đợi Cảnh Thịnh tan chầu. Đợi một khoảng thời gian thì Cảnh Thịnh cũng đến, trông thấy Cảnh Thịnh xuất hiện, Lê Chất vội vàng tiến lên thi lễ quân thần:

-Thần Lê Chất! Xin ra mắt bệ hạ, bệ hạ vạn tuế!

Cảnh Thịnh bước vào thư phòng, nhìn thấy Lê Chất quỳ lạy dưới đất, không nói lời nào, khoan thai đi đến ngồi trên chủ vị, hứng thú quan sát biểu hiện của Lê Chất.

Lê Chất quỳ lạy đã lâu, thấy Cảnh Thịnh vẫn không nói một lời, trong lòng hồi hộp lo sợ, mồ hôi lạnh đổ ra như mưa thấm ướt lưng áo nhưng y vẫn cắn răng thành tâm quỳ sát mặt đất, không dám cử động, qua một lát, liền nghe thấy một tiếng nói trầm ổn nhưng lại đầy vẻ non nớt vang lên bên tai:

-Đứng dậy đi!

Cảnh Thịnh gật đầu nói, chất giọng non nớt cũng là nỗi khổ của hắn, bởi vì dù sao thì hắn cũng mới là một thiếu niên mười hai tuổi, còn chưa đến cái tuổi dậy thì vỡ giọng để định hình giọng nói của người trưởng thành, cho nên mỗi khi Cảnh Thịnh giở giọng ông cụ non bàn chuyện với các vị trọng thần đều khiến cho các vị quan có cảm giác quái lạ không nói nên lời.

Lê Chất tạ ơn đứng dậy, mắt nhìn mũi, mũi nhìn tâm, yên lặng đứng sang một bên chờ đợi nhà vua mở lời.

Cảnh Thịnh thấy y thức thời như vậy thì khá hài lòng. Mấy ngày vừa qua, Cảnh Thịnh chính là cố y treo Lê Chất để xem biểu hiện của y như thế nào, có phải là người dễ dàng xúc động và nôn nóng hay không, dù sao thì những phỏng đoán về con người Lê Chất trước đây đều là do Cảnh Thịnh từ trong lịch sử của kiếp trước nhớ đến, mà lịch sử lại có rất nhiều thiếu khuyết cho nên có thể không phản ánh chính xác con người Lê Chất, mà Hoàng Vệ lại là một lực lượng vô cùng quan trọng có tầm ảnh hưởng rất lớn về sau vì vậy hắn phải hết sức cẩn thận khi tuyển người. Trải qua mấy ngày thăm dò, sự biểu hiện của Lê Chất quả nhiên không làm cho Cảnh Thịnh thất vọng cho nên hôm nay hắn liền quyết định triệu Lê Chất vào cung để giao phó trách nhiệm.

Cảnh Thịnh trầm mặc một hồi, sau đó quyết định không vòng vo mà nói thẳng vào vấn đề:

-Trẫm đang cần nhất một vị "cô thần"!

Lê Chất nghe xong thì giật mình.

Cô thần, tên như ý nghĩa là một người cô đơn ở trong triều đình, là nanh vuốt của hoàng đế, chỉ trung với hoàng quyền, được hoàng đế đến đỡ ở sau lưng, sống hay chết chỉ trong một ý niệm của hoàng đế. Trở thành cô thần cũng đồng nghĩa với trở thành công địch của toàn thể triều đình quan lại, ngẫm nghĩ lại từ xưa đến nay, kết cục của cô thần thường thường không được tốt lành nếu không muốn nói là vô cùng thê thảm. Có điều, nguy hiểm cũng đi cùng với cơ hội, trở thành cô thần là trở thành người mà hoàng đế tin tưởng nhất, vinh hoa phú quý, quyền lực đều dễ dàng đạt được như trở bàn tay.

Lê Chất không cầu gì hơn, chỉ cầu có thể sống thật tốt ở trong thời loạn thế, một đời phú quý quyền thế, quát tháo phong vân cũng đủ rồi, cho dù là chết y cũng không hối hận, càng huống chi nhà vua đã đích thân gặp mặt riêng để hỏi y nghĩa là nhà vua đã quyết tâm tuyển định y làm cô thần, ngày hôm nay nếu y dám nói ra chữ "không" thì kết cục có thể nghĩ, vô số ý nghĩ dồn dập lóe lên như chớp giật, là một người vô cùng thông minh, chỉ trong một thoáng là y đã có thể phân tích rõ ràng lợi và hại của việc trở thành một "cô thần" của hoàng đế.

Suy nghĩ trong chốc lát, Lê Chất hạ quyết tâm tiến lên quỳ lạy:

-Thần tạ ơn bệ hạ! Thần nguyện trở thành "cô thần", nguyện vì bệ hạ cúc cung tận tụy đến chết mới thôi.

Cảnh Thịnh rất hài lòng liên tục nói "tốt", sau đó Cảnh Thịnh bảo Lê Chất có thể đi trở về yên tâm chờ đợi, rất nhanh thánh chỉ sẽ truyền tới. Lê Chất không dám nấn ná, thi lễ quân thần rồi mau chóng thối lui.

Lê Chất đi rồi, Cảnh Thịnh vẫn ngồi một mình tiếp tục suy nghĩ, chức Tả đô chỉ huy sứ của Hoàng Vệ đã định, chỉ còn lại chức Hữu đô chỉ huy sứ là hắn còn xoắn xít chưa chọn được người. Liếc nhìn Hòa công công đang đứng hầu bên cạnh, lão thái giám này là một nhân tuyển không tệ, độ trung thành với hoàng đế thì không cần phải nói nhưng mà không hiểu tại sao khi nhìn đến Hòa công công, Cảnh Thịnh lại không tránh khỏi liên tưởng đến Đông Xưởng và Yêm Đảng của nhà Minh khi xưa.

Thái giám là một vị trí hết sức đặc thù trong các triều đại phong kiến, nếu hỏi ai trung thành với hoàng quyền nhất thì câu trả lời chính xác đó là các vị thái giám. Bọn họ suốt đời đều sống trong cung cấm, phụng sự chủ yếu cho nhà vua, sự tồn tại của bọn họ gắn chặt với vị chủ nhân của mình, gắn chặt với sự hưng suy của vương triều. Có điều, sự trung thành của họ được xây dựng trên sự sợ hãi và kính nể chủ nhân, nếu là một chủ nhân mạnh mẽ thì sự chi phối là tuyệt đối, cho dù bảo thái giám đi chết họ cũng không chối từ, còn nếu chủ nhân là một người yếu đuối thì mặc dù bọn họ không dám làm phản cắn ngược nhưng sau lưng lén lút qua mặt chủ nhân là điều không tránh khỏi và hậu quả thường thường rất lớn, bởi vì những vị thái giám là những người rất hiểu chủ nhân của mình cho nên càng dễ dàng nhìn ra lỗ hổng để mà lợi dụng. Điều này chính là tệ nạn khi dùng thái giám.

Cảnh Thịnh cũng không muốn tạo tiền lệ cho thái giám có cơ hội can thiệp vào triều chính, ít nhất hiện tại là không.

Nhân tuyển thứ hai cho chức Hữu đô chỉ huy sứ Hoàng Vệ mà Cảnh Thịnh dự kiến chính là người con thứ hai của Thái úy Phạm Công Hưng, phò mã Phạm Văn Trị. Dùng Phạm Văn Trị, Cảnh Thịnh sử dụng rất yên tâm vì dù sao y cũng là người thân thích trong gia đình, là dòng chính bên ngoại, có điều hiện thời gia tộc họ Bùi đang xuống dốc mà gia tộc họ Phạm được Cảnh Thịnh nâng đỡ lại đang lên như diều gặp gió, bây giờ lại đưa Phạm Văn Trị nắm giữ chức Hữu đô chỉ huy sứ Hoàng Vệ, này lên kia xuống, chuyện này cần phải thao tác tinh tế một hai để giữ thế cân bằng trong triều.

Trong lòng đã có quyết định, Cảnh Thịnh cũng rất quyết đoán, thôi không do dự nữa.

Bảy ngày sau, Cảnh Thịnh hạ chiếu thành lập Hoàng Vệ, phong cho Lê Chất làm Tả đô chỉ huy sứ, phong cho phò mã Phạm Văn Trị là Hữu đô chỉ huy sứ, xây Hoàng Vệ Phủ. Nhân viên của Hoàng Vệ được ban cho y phục màu vàng. Hoàng Vệ chỉ tuân theo lệnh của vua, có nhiệm vụ bảo vệ trị an, truy bắt tham quan, bảo vệ hoàng gia.

Hoàng Vệ thành lập khiến cho rất nhiều quan lại nơm nớp lo sợ, các quan ngự sử lập tức dâng sớ phản đối, dẫn chứng những hậu quả thảm khốc mà Cẩm Y Vệ triều Minh đã từng gây ra. Các vị Cố Mệnh Đại Thần cũng có người phản đối như Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Thượng thư Phan Huy Ích, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng. Trước tình hình này, Cảnh Thịnh đứng trước triều đình cam kết rằng lập Hoàng Vệ là để răn đe các loại tham quan ô lại của địa phương, trừ bỏ các băng nhóm giang hồ đang mọc lên như nấm khiến cho dân chúng bớt khổ, lập xuống quy định cho Hoàng Vệ, đối với các quan lớn từ Đốc Phủ trở lên Hoàng Vệ chỉ được phép điều tra chứ không được phép tự ý bắt bớ, một khi có đủ bằng chứng chứng minh các vị quan lớn này phạm pháp thì chuyển cho Bộ Hình lập án trình lên cho Tây Sơn Cố Mệnh Phủ hạ lệnh truy bắt xét xử. Hoàng Vệ cũng không được nhúng tay vào các sự vụ của quân đội.

Cảnh Thịnh phải cho ra cam kết và quy định như vậy thì mới có thể khiến cho tiếng nói phản đối của đa số trọng thần giảm xuống, mặc dù trong lòng mỗi người vẫn còn tồn tại không ít nghi ngờ.

Hoàng Vệ Phủ được xây dựng rất nhanh chóng và quy mô trên một khu đất rộng lớn.

Lúc này, Tả đô chỉ huy sứ Lê Chất và Hữu đô chỉ huy sứ Phạm Văn Trị đang ngồi đối diện nhau trong đại sảnh của Hoàng Vệ Phủ, bên dưới bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng đề tự "Hoàng Ân Mênh Mông - Trung Quân Ái Quốc", hai người bọn họ đang cùng nhau bàn bạc về việc xây dựng và phát triển Hoàng Vệ, bề ngoài hai người hợp tác rất là hòa hợp nhưng trong lòng cả hai hiểu rất rõ ràng, về sau này hai người bọn họ là không thể nào kết bạn với nhau, số phận chú định là đối thủ giám sát lẫn nhau.

Cảnh Thịnh đã phân chia rất rõ ràng nhiệm vụ cho Tả Đô Chỉ Huy Sứ và Hữu Đô Chỉ Huy Sứ, cũng buông tay cho hai người tùy ý tuyển chọn nhân sự, chỉ có một yêu cầu tất yếu cho mỗi người gia nhập Hoàng Vệ đó là tuyệt đối trung thành với hoàng đế.

Lê Chất và Phạm Văn Trị bắt đầu xây dựng một lực lượng mới toanh nên có rất nhiều thứ phải bàn bạc thống nhất, đầu tiên là định ra tiêu chuẩn tuyển dụng Hoàng Vệ, tiêu chuẩn này nhất định phải kỹ càng. Thứ hai là lương bổng, bởi vì quốc khố khó khăn nên ngân sách mà triều đình phân bổ cho Hoàng Vệ hiện tại là không nhiều, nhất thiết phải sử dụng cho thỏa đáng.

Hai người học theo tổ chức Cẩm Y Vệ của nhà Minh, bắt đầu bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, có đối tượng là Cẩm Y Vệ để tham khảo đã giúp hai người tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Dưới sự dốc sức của hai tướng tài Lê Chất và Phạm Văn Trị, Hoàng Vệ rất nhanh được tổ chức bài bản, bắt đầu đi vào hoạt động.

Thành công có được Hoàng Vệ, lực lượng của riêng mình, từ nay Cảnh Thịnh đã có thể chủ động nắm được rất nhiều tin tức, từ đó kịp thời chủ động đưa ra những quốc sách thích hợp làm lớn mạnh nhà Tây Sơn.