Chương 30: Lê Chất

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 30: Lê Chất

Chương 30: Lê Chất

Lê Chất trong lịch sử chính là điển hình của "con rể hố cha vợ", y nhận thấy nhà Tây Sơn vì liên tục đấu đá lẫn nhau mà suy yếu, trong khi đó quân Nguyễn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ánh thì càng ngày càng mạnh, dẫn tới nhà Tây Sơn phải đối diện với nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Áp dụng triệt để câu nói mà phường chân tiểu nhân hay thốt lên rằng "quân tử không đứng dưới bức tường đổ", Lê Chất muốn thoát ly Tây Sơn để đầu hàng nhà Nguyễn nhưng ngặt nỗi cha vợ y - Lê Trung lại là người rất trung thành với nhà Tây Sơn cho nên không đồng ý với y.

Lê Chất không chịu thua, vì muốn đầu hàng nhà Nguyễn nên tự mình âm thầm tìm cách liên lạc với quân Nguyễn, xung phong làm nội ứng, âm mưu đặt Lê Trung vào sự đã rồi nhưng chẳng hiểu tại sao tin tức lại bị tiết lộ ra ngoài khiến cho y bị cha vợ mắng cho một trận thê thảm thì sự việc mới thôi.

Cảnh Thịnh lại nghĩ đến cái tên ngu ngốc Hiến công Nguyễn Bảo, gã này ở không chẳng có việc gì làm lại tự nhiên muốn đi làm phản, tập hợp bộ hạ cũ nổi dậy đánh chiếm Quy Nhơn, muốn hiến thành cho Nguyễn Ánh làm công đầu hàng. Trong sự việc này, mặc dù sử sách không có nhắc tới nhưng Cảnh Thịnh dám chắc một trăm phần trăm là có sự thao túng của Lê Chất, nếu không có Lê Chất đảm bảo thì có cho Nguyễn Bảo một trăm lá gan gã cũng không dám làm phản.

Lê Chất là người xúi dục Nguyễn Bảo nổi lên, tinh tế phân tích sự việc mới thấy Lê Chất có đại tài.

Thứ nhất, nếu Nguyễn Bảo thành công chiếm được Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Ánh thì Lê Trung thân là cựu thần thân tín của Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc năm xưa chắc chắn sẽ bị Cảnh Thịnh nghi ngờ, từ đó Lê Chất đạt được mục đích ép Lê Trung bất đắt dĩ phải phản bội Tây Sơn đầu hàng Nguyễn Ánh, chỉ tội cho Nguyễn Bảo - cái tên ngu ngốc này trước khi quyết định muốn đầu hàng Nguyễn Ánh cũng không suy nghĩ xem xem Nguyễn Ánh căm hận Thái Đức Hoàng Đế và Quang Trung Hoàng Đế đến mức nào.

Mối hận của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn là vô cùng to lớn, không chỉ dùng nợ máu để hình dung, nó lớn tới mức mà Nguyễn Ánh lúc nào cũng muốn nghiền xương Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thành tro. Nguyễn Ánh hận nhà Tây Sơn nhiều như vậy thì làm sao có thể dung thứ được cho Nguyễn Bảo nhưng mà Lê Chất mới mặc kệ Nguyễn Bảo sống chết, mục đích cuối cùng của Lê Chất là thoát ly Tây Sơn sang đầu quân cho Nguyễn Ánh, y tin chắc rằng bằng tài năng của bản thân thì ở đâu y cũng có thể sống thoải mái và sự thật đã chứng minh đúng là như vậy.

Thứ hai, nếu Nguyễn Bảo thất bại trong việc nổi dậy thì Lê Trung trước sau gì cũng bị Cảnh Thịnh nghi ngờ, đến cuối cùng cũng là bị bức cho phản, cho dù kết cục của Nguyễn Bảo xảy ra như thế nào, là thành công hay thất bại thì âm mưu của Lê Chất đều đạt được.

Có điều Lê Chất ngàn tính, vạn tính cũng không tính được độ ngu trung của Lê Trung, đến cuối cùng Nguyễn Bảo thất bại, Lê Trung bị Cảnh Thịnh triệu về kinh nói là để cho y một cơ hội để giải thích, Lê Chất khi ấy đã nhiều lần khuyên bảo Lê Trung đừng về kinh nhưng Lê Trung cứ cứng đầu bỏ ngoài tai để rồi sau đó bị Cảnh Thịnh giết chết, ôm hận dưới suối vàng.

Lê Trung có lẽ là người cha vợ bị con rể hố thảm nhất triều Tây Sơn.

Cảnh Thịnh nghĩ thông suốt nhiều chuyện, không khỏi lắc đầu cười khổ, Lê Chất người này hắn nhất định phải thu về dưới trướng trọng dụng, vị trí Tả Đô Chỉ Huy Sứ của Hoàng Vệ không phải y là không được. Lê Chất có tiềm chất là một gian hùng, gian thần, nếu sử dụng hợp lý thì y chính là cây dao sắc, là côn đồ của hoàng đế, chỉ ai chém ai.

-Soạn chỉ!

Cảnh Thịnh dường như hạ quyết tâm, nói với Hòa công công đang đứng hầu bên cạnh.

Gió lớn gào thét không ngừng từ phía đông thổi đến, Gia Định lúc này đang vào mùa mưa tầm tả trong năm.

Một tiếng ầm vang!

Tiếng sấm đinh tai nhức óc vang lên, mưa to ào ào vẩy xuống. Mưa càng rơi xuống càng lớn, rót thành từng dòng chảy nhỏ, giống như là một tấm màn thủy tinh treo ở không trung, lại như sông lớn ở trên trời xuất hiện một đường vết rách khiến cho nước sông không ngừng trút xuống nhân gian.

Cơ Mật Viện nằm ở một góc hẻo lánh của thành Gia Định, ngôi nhà này mặc dù lớn nhưng lại không hề trang trí xa hoa, trái ngược lại nó thuần một màu nâu cũ kỹ, trước cửa lớn có hai con sư tử đá hung tợn trợn mắt ngồi trấn giữ càng tôn thêm vẻ thâm trầm bí hiểm.

Một trận mưa lớn đột ngột kéo đến, ập xuống mái ngói của Cơ Mật Viện. Nước bắn tung tóe, bốn bề hóa khói sương. Trong chớp mắt, nước mưa đã hội tụ thành một dòng suối nhỏ. Suối nhỏ chảy băng băng, dệt nên một bức rèm mưa dưới mái hiên, lại dội tiếp xuống đất từng đợt ào ạt. Một người thanh niên đang chắp tay sau lưng tản bộ nhàn nhã đến dưới mái hiên. Y lặng yên đứng đấy, ánh mắt đọng lại trên màn mưa, xuất thần. Rất lâu sau đó, y đột ngột vươn tay ra, lòng bàn tay đón lấy nước mưa từ trên mái ngói tuôn xuống. Nước mưa rơi trên tay y, bắn ướt tay áo y.

-Thật lạnh!

Đặng Trần Thường lẩm bẩm nói.

Phía bên ngoài, một người cưỡi ngựa gấp gáp xuyên qua màn mưa dày đặc, chạy đến trước cửa lớn của Cơ Mật Viện, người cưỡi ngựa liền kéo gấp dây cương thắng lại khiến cho con ngựa phải đứng chồm lên bằng hai chân sau, liên tục đá hai chân trước vào khoảng không phía trước. Bốn binh lính đứng gác trước cửa thấy có người xông đến, liền nắm chặt giáo mác đề phòng.

Người cưỡi ngựa sau khi leo xuống ngựa, tay cầm một cái hộp gỗ giơ cao lên hô lớn:

-Tin gấp từ xa đến!

Nhận ra người cưỡi ngựa chính là mật thám của Cơ Mật Viện, bốn binh lính bảo vệ lập tức lùi lại nhường đường, vị mật thám cầm theo mật tín phóng gấp vào phía bên trong phủ, liền thấy bên trong lính gác càng sâm nghiêm, ba bước một trạm, năm bước một gác.

-Bẩm quan lớn! Có mật tín gửi đến!

Một gã thống lĩnh của Cơ Mật Viện đoạt lấy mật tín từ tay gã mật thám, cung kính đưa dâng lên cho Đặng Trần Thường.

Đặng Trần Thường nghe gã thống lĩnh gọi vẫn chưa xoay người lại mà vẫn đứng ngẩn người ngắm mưa, đôi mắt thâm thúy, không biết là đang suy nghĩ điều gì. Qua một lát, Đặng Trần Thường mới xoay người lại cầm lấy mật tín trên tay của gã thống lĩnh, chậm rãi lật ra xem. Nội dung trong bức mật tín khiến cho y phải nhíu mày kinh ngạc.

-Bùi Đắc Tuyên cùng Vũ Tâm Can bị bắt, Cảnh Thịnh lập Tây Sơn Cố Mệnh, Ngô Thì Nhậm lại nhập sĩ!

Đọc đến cái tên Ngô Thì Nhậm, sắc mặt của Đặng Trần Thường hơi chút biến đổi khóe miệng khẽ nhếch ra vẻ khinh miệt nhưng rất nhanh liền trở lại bình thường.

-Ý trời à! Trời chưa diệt Tây Sơn, con ám cờ Vũ Tâm Can mà ta dày công bố trí lại bất ngờ bị phế, rõ ràng mọi chuyện đã được tính toán tốt làm sao cuối cùng lại cả bàn đều thua?

Đặng Trần Thường nghĩ mãi mà không rõ, Vũ Tâm Can vốn la ̀ quân cờ bí mật mà y dày công mai phục, muốn phá hoại nhà Tây Sơn từ bên trong nhưng chưa kịp phát huy nhiều tác dụng lại bất ngờ bị hủy bỏ.

-Ha! Thật là đáng tiếc, vốn nghĩ không cần mệt nhọc động tay cũng lập được công lớn.

Đặng Trần Thường chắc lưỡi, y cũng là người thua được, cuộc chiến này còn lâu còn dài không tính nhất thời.

Quay người trở lại ngắm màn mưa, Đặng Trần Thường tinh tế suy nghĩ chuyện này luôn có chút gì đó kỳ lạ, Cảnh Thịnh vốn là một đứa trẻ ham chơi đã bị Bùi Đắc Tuyên làm cho u mê, mà nay đột ngột tỉnh ngộ, Bùi Đắc Tuyên bị hạ ngục mà không có chút kháng cự, triều đình Tây Sơn bao năm qua đấu đá tranh giành lúc này lại không có một gợn sóng còn làm ra cái gì mà gọi là Tây Sơn Cố Mệnh.

-Sách! Không phải là mấy vị trọng thần liên kết với nhau khống vua thống lĩnh triều đình đó chứ?

Đặng Trần Thường càng ngẫm nghĩ càng dám chắc những sự việc này không đơn giản, mọi thứ mơ hồ giống như có một tấm màn che đậy, chắc chắn có một bàn tay ở phía sau màn thao túng thúc đẩy, nếu quả thật có tồn tại một kẻ như vậy thì người này thật không thể xem thường.

-Không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất! Thà tin là có!

Đặng Trần Thường âm thầm nhắc nhở bản thân đánh lên mười hai phần tinh thần.

Đặng Trần Thường ngắm nghía phần mật tín trên tay, cuối cùng cười lên âm hiểm, sau đó xoay người lại nói:

-Lập tức đem phong mật tín này đưa cho Trung quân tham mưu Đặng Đức Siêu để hắn đau đầu đi!

Liền có người tiến lên cung kính nhận lấy phong mật tín từ tay Đặng Trần Thường sau đó phóng ngựa đi trong mưa gió.

Nguyễn Ánh có hai vị trọng thần mà y thường hay hỏi kế sách, một người chính là Đặng Trần Thường nắm giữ Cơ Mật Viện chuyên thu thập tình báo, tham mưu và thay mặt Nguyễn Ánh giải quyết những việc trong bóng tối, người còn lại chính là Trung quân tham mưu Đặng Đức Siêu, người này tài cao học rộng rất có tiếng tăm xuất thân từ dòng họ có truyền thống làm quan, trước đây vua Quang Trung nghe tiếng đã nhiều lần cất công mời chào y về làm quan nhà Tây Sơn nhưng đều bị Đặng Đức Siêu lấy nhiều lý do từ chối, có lẽ là do Đặng Đức Siêu khinh thường xuất thân áo vải của ba anh em Nguyễn Huệ, về sau Đặng Đức Siêu trốn vào Nam theo phò Nguyễn Ánh.

Đặng Trần Thường và Đặng Đức Siêu đều là mưu sĩ tài giỏi nên thường có ý cạnh tranh lẫn nhau mà Nguyễn Ánh cũng vui lòng thấy điều này.

Đặng Trần Thường mặc dù rất giỏi mưu tính, nhưng đường học lại lận đận chỉ thi đỗ Tú Tài trong khi bạn y Ngô Thì Nhậm lại là Tiến Sĩ, có lần Đặng Trần Thường tìm đến Ngô Thì Nhậm muốn ra góp sức cho nhà Tây Sơn nhưng Ngô Thì Nhậm khi đó đã là Thượng Thư Binh Bộ thấy y chỉ thi đỗ Tú Tài nên chỉ cho y làm chức quan nhỏ. Đặng Trần Thường cho là Ngô Thì Nhậm xem thường y nên đã tức giận bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh.

Mặc dù Đặng Trần Thường và Đặng Đức Siêu đều làm quan cùng triều và có chức vụ ngang nhau nhưng Đặng Đức Siêu cũng là người có tài cao học rộng nổi tiếng nên trong thâm tâm y cũng xem thường Đặng Trần Thường, điều này khiến cho Đặng Trần Thường vô cùng căm tức.