Chương 29: Anh và em

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 29: Anh và em

Chương 29: Anh và em

Quang Trung mất, Cảnh Thịnh lên ngôi vua, tình hình Tây Sơn ngày càng hỏng bét.

Nguyễn Quang Thùy thân ở Bắc Hà càng ngày càng cảm thấy chán nản, vốn là y đã nản lòng thoái chí, muốn một lòng ăn no chờ chết ở Bắc Hà thì bỗng dưng có một ngày Đại đô đốc Vũ Văn Dũng gọi y đến bàn việc và cho y xem mật chỉ của Cảnh Thịnh. Trong mật chỉ, Cảnh Thịnh lệnh cho Vũ Văn Dũng điều quân về kinh hộ giá, chuyện này khiến cho y không dám tin vào mắt mình.

Điều đầu tiên Nguyễn Quang Thùy nghĩ đến là cảm thấy sự việc này có nhiều chỗ hoài nghi, y không tin đứa em mới mười hai tuổi của mình làm sao có thể bày mưu tính toán đến như vậy, chẳng biết là có bàn tay của ai thao túng ở phía sau hay không. Mãi cho đến ngày hôm đó, Nguyễn Quang Thùy tận mắt chứng kiến Cảnh Thịnh một mình đi thuyền đến trước quân doanh, thu phục mười vạn quân của Trần Quang Diệu thì y mới tin vào sự thật.

Tây Sơn một lần nữa sống dậy, Nguyễn Quang Thùy lại cháy bùng lên niềm hy vọng, muốn được đem mẹ ra khỏi cung để phụng dưỡng, y háo hức chờ đợi được lập thêm công lao cho nhà Tây Sơn để thực hiện ý định của mình nhưng y chờ đợi rất lâu vẫn chưa thấy Cảnh Thịnh triệu kiến, mãi cho đến hôm nay y mới được Cảnh Thịnh gọi vào cung nhưng lại bất ngờ được đưa đến Tông Miếu trước tiên.

Được gặp lại mẹ, nhìn nàng vẫn sống khỏe mạnh, Nguyễn Quang Thùy rất là vui mừng, sau khi thắp nhang cho những người đã khuất xong, hai mẹ con cùng dạo bước trò chuyện, tâm sự rất nhiều thứ. Nguyễn QUang Thùy khoe với mẹ rằng đã lấy vợ, nàng là một tiểu thơ con nhà có học thức, thùy mị đoan trang chỉ chờ sang năm là mẹ của y sẽ có cháu bế. Mẹ của Nguyễn Quang Thùy nghe y kể đã lập gia đình thì trong lòng rất là vui mừng, liên tục hỏi thăm nàng dâu.

Hai mẹ con lâu ngày mới gặp lại, trò chuyện say sưa đến quên cả thời gian, lúc ngẩng đầu nhìn lên thì sắc trời đã dần tối.

Gã thái giám trẻ tuổi vốn nãy giờ chỉ dám đứng từ xa chờ đợi lúc này liền tiến đến nhỏ giọng nói:

-Bẩm Khanh công, bệ hạ đã bày tiệc ở trong cung, nô tài kính mời Khanh công dời bước!

Nguyễn Quang Thùy nghe thế thì gật đầu với gã, sau đó quay sang nói với mẹ của y:

-Mẹ à! Bây giờ con phải đi gặp bệ hạ, mẹ một mình ở trong cung nhớ giữ gìn sức khỏe, rất nhanh thôi hai mẹ con ta sẽ lại gặp nhau.

Mẹ của Nguyễn Quang Thùy thấy y phải đi lúc này thì trong lòng không nỡ nhưng biết việc lớn không thể chậm trễ bèn khuyên Nguyễn Quang Thùy làm việc gì cũng nên cẩn trọng, hết lòng trung thành với Cảnh Thịnh.

Nguyễn Quang Thùy rời đi, theo chân vị thái giám đến nơi ở của Cảnh Thịnh, trong lòng vừa mong đợi vừa cảm thấy hồi hộp vì dù sao đã lâu lắm rồi y mới có thể gặp lại người em cùng cha khác mẹ của mình kể từ lúc dự tang Quang Trung. Đến nơi ở của Cảnh Thịnh, Nguyễn Quang Thùy trước tiên được mời vào phòng uống trà ngồi chờ, không phải đợi lâu, chỉ trong chốc lát Cảnh Thịnh đã xuất hiện.

-Thần tham kiến bệ hạ! Bệ hạ vạn tuế!

Nguyễn Quang Thùy vội vàng thi lễ quân thần.

-Bình thân!

Cảnh Thịnh mỉm cười nói, hắn sau khi bước vào phòng liền đi đến chủ vị ngồi xuống.

Nguyễn Quang Thùy đứng thẳng lên, ánh vào trong đôi mắt của y lúc này là hình ảnh của một người thiếu niên tuấn tú lịch sự, người thiếu niên đang nhìn y nở nụ cười thân thiện. Người thiếu niên mặc một bộ trang phục gọn nhẹ, ánh mắt sáng sủa thông minh, mặc dù còn rất trẻ nhưng đã có nét uy nghiêm, người thiếu niên này chính là em của hắn, hoàng đế của nhà Tây Sơn - Cảnh Thịnh.

Cảnh Thịnh hứng thú đánh giá Khanh công Nguyễn Quang Thùy, đây là lần đầu tiên hắn gặp mặt người anh nổi tiếng của mình, phải công nhận người anh này có vẻ ngoài giống Quang Trung đến tám phần, chẳng trách năm xưa y có thể thay thế đóng giả Quang Trung đi sứ sang nhà Thanh để lừa tiền. Nguyễn Quang Thùy có thân thể cao lớn cân xứng, khuôn mặt đầy vẻ khí khái của con nhà võ nhưng cũng không thiếu phần văn khí của người có học cộng với nét điển trai sẵn có nếu mà y khoác lên mình một bộ giáp bạc, cưỡi ngựa trắng, tay cầm ngân thương thì có đến chín phần giống với miêu tả về hình tượng Thường sơn Triệu Tử Long, một trong ngũ hổ tướng của nhà Thục trong tiểu thuyết.

-Anh đã thắp hương cho phụ hoàng rồi chứ? Đã lâu rồi hai anh em ta mới có dịp gặp nhau, trẫm đã sai người bày sẵn bàn tiệc, trước tiên hãy dùng bữa rồi nói.

Cảnh Thịnh thở dài một tiếng cảm thán, đứng lên kéo tay Nguyễn Quang Thùy vào trong sảnh dùng cơm. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện với nhau, Cảnh Thịnh rất khéo léo tìm chủ đề chung để nói, trước tiên là nhắc lại tiên đế sau đó lại khen ngợi những công lao mà Nguyễn Quang Thùy đã lập được cho nhà Tây Sơn từ trước đến nay, cuối cùng kéo tình cảm anh em. Bữa cơm này hai người dùng rất vui vẻ.

Nguyễn Quang Thùy rất chững chạc, đối đáp rất có chừng mực, khiêm tốn không tự kiêu nhưng trong lòng y có cảm giác hơi quái lạ, rõ ràng bản thân là người trưởng thành nhưng lại ăn nói khép nép trước một thiếu niên mới mười hai tuổi, thiếu niên nói đông nói tây nhưng trong bất tri bất giác đã nắm giữ tiết tấu, cởi bỏ sự phòng bị của người đối diện.

Cơm nước no nê, đợi cho cung nhân dọn dẹp dâng trà, Cảnh Thịnh mới bắt đầu vào việc chính.

-Kể từ khi phụ hoàng đột ngột mất đi, mấy năm vừa qua trẫm tuổi nhỏ lại lầm tin gian thần khiến cho triều chính chao đảo, lòng người tản mát, giang sơn nguy trong sớm chiều thật là có lỗi lớn đối với sự mong đợi của phụ hoàng.

Cảnh Thịnh buồn bã nói.

-Bệ hạ! Ngài không nên tự trách, hiện tại gian thần đã trừ, triều chính khôi phục, giang sơn này cần bệ hạ trọng chấn tinh thần dẫn dắt.

Nguyễn Quang Thùy bị Cảnh Thịnh đột ngột chuyển chủ đề nói chuyện làm cho hơi chút lúng túng, vội vàng dùng lời an ủi.

-Ha ha! Chỉ có trước mặt người thân ruột thịt của mình, trẫm mới có thể than thở một chút mà thôi.

Cảnh Thịnh nhấn mạnh hai từ "ruột thịt" một chút, đoạn tiếp lời:

-Lần này trẫm triệu anh vào cung là có trọng trách muốn phó thác cho anh, không phải anh không thể vì chỉ có anh mới là người mà trẫm tin tưởng.

Nguyễn Quang Thùy nghe xong, lại trông thấy sắc mặt nghiêm túc của Cảnh Thịnh liền biết việc này rất quan trọng, lập tức quỳ xuống tỏ rõ lòng son:

-Thần tạ ơn bệ hạ đã tin tưởng, nguyện hết mình ra sức vì Tây Sơn.

Cảnh Thịnh hài lòng đỡ y đứng dậy, nói tiếp:

-Trong vài ngày tới, trẫm sẽ hạ chỉ phong cho anh chức Đại đô đốc, thống lĩnh quân đội Bắc Hà, anh phải lập tức lên đường trở về thành Thăng Long ngay, sau đó dùng tốc độ nhanh nhất vững vàng nắm chắc quân đội.

Nguyễn Quang Thùy nghe Cảnh Thịnh nói xong, trong lòng lấy làm kinh sợ, y không ngờ rằng Cảnh Thịnh lại dám cho y nắm quân quyền càng hơn nữa là nắm quân quyền toàn cõi Bắc Hà. Phải biết, năm xưa, Nguyễn Quang Thùy cho dù lập được rất nhiều công lao nhưng Quang Trung cũng chưa từng cho y lãnh binh mà chỉ phong cho y làm Tiết chế, giám sát thủy bộ Bắc Hà.

-Sau khi trở về Bắc Hà, anh hãy mở phong thư này ra, những việc cần làm trẫm đã ghi trong thư.

Cảnh Thịnh trịnh trọng giao cho Nguyễn Quang Thùy một phong thư niêm phong đã chuẩn bị sẵn, phía ngoài bìa có ghi to rõ mấy chữ " duyệt xong tức đốt ".

Nguyễn Quang Thùy cẩn thận nhận lấy phong thư từ tay Cảnh Thịnh, trong lòng xúc động, dập đầu nói:

-Thần tuân chỉ! Thần nhất định không phụ lòng tin tưởng của bệ hạ.

Cảnh Thịnh thấy vậy bèn mỉm cười, hắn quyết định quăng ra một đòn sát thủ nữa khiến cho Nguyễn Quang Thùy triệt để thần phục:

-Đợi chuyện này qua đi, trẫm sẽ sắc phong cho mẹ của anh làm Hoàng Thái Phi, chính danh là phi tần của phụ hoàng, ban cho một tòa biệt viện ngoài cung, người hầu trăm tên cho nàng an hưởng tuổi gìa. Mỗi lúc trở về kinh, anh đều có thể đến thăm mẹ bất cứ lúc nào.

Đột ngột được Cảnh Thịnh tin tưởng trọng dụng phong làm thống lĩnh quân đội Bắc Hà đã khiến cho Nguyễn Quang Thùy đầy đủ choáng váng rồi, mà nay Cảnh Thịnh lại muốn hạ chỉ sắc phong chính danh cho mẹ của y làm Hoàng Thái Phi càng khiến cho đáy lòng Nguyễn Quang Thùy chấn động ầm ầm như sóng dậy.

Nguyễn Quang Thùy bất giác rơi lệ, dập đầu:

-Thần tạ ơn bệ hạ!

Nguyễn Quang Thùy xúc động đến rơi nước mắt, y chỉ có chân thành tạ ơn Cảnh Thịnh, trong lòng âm thầm thề sẽ dùng hành động để báo ơn này.

Cảnh Thịnh thấy hiệu quả đã đạt đến thì cảm thấy rất là hài lòng, liền bảo Nguyễn Quang Thùy mau mau trở về chuẩn bị, chỉ chờ chiếu chỉ đến là lập tức lên đường.

Nguyễn Quang Thùy lui đi, Cảnh Thịnh lai ngồi một mình ngẫm nghĩ, lần hành động này vô cùng mạo hiểm nhưng không thể không đi làm, nhà Tây Sơn có cơ hội chuyển mình hay không, mấu chốt là ở một bước này, chỉ cần nhà Tây Sơn có cơ hội thở dốc, Cảnh Thịnh có vài phần nắm chắc có thể từng bước dồn ép quân Nguyễn.

Kế hoạch lập đi lập lại kiểm tra và thôi diễn nhiều lần không sai, Cảnh Thịnh tạm thời yên tâm, có điều vẫn còn một biến số mà y cần xử lý, biến số này tuy không ảnh hưởng đến đại cuộc nhưng không thể không phòng. Cảnh Thịnh chỉ có một cơ hội duy nhất là lần này, hắn không thể để những yếu tố mất khống chế tồn tại, cho dù yếu tố đó không đáng kể đi chăng nữa.

Biến số mà hắn cần gạt bỏ đó là Hiến công Nguyễn Bảo con của Thái Đức Nguyễn Nhạc, nói đến Nguyễn Bảo, Cảnh Thịnh lại nhớ đến hai người mà hắn rất coi trọng đó là Đại đô đốc Lê Trung cùng con rể y Đô đốc Lê Chất hai người này hiện thời đang trấn giữ thành Quy Nhơn.

Lê Trung là một tướng lĩnh văn võ song toàn lại hết lòng trung thành với Tây Sơn nhưng người mà Cảnh Thịnh muốn thu về dưới trướng nhất lại là Lê Chất, kẻ này không những có tài năng mà còn rất gian giảo thức thời, có thể co có thể duỗi, gan to bằng trời điển hình là chân tiểu nhân.