Chương 24: Hỏi sách

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 24: Hỏi sách

Chương 24: Hỏi sách

Đêm khuya tĩnh lặng, ánh trăng mềm mại như nước phủ xuống nhân gian, trong thư phòng sáng ánh đèn, nơi giá sách có một thiếu niên mới mười hai tuổi vì lo cho việc nước mà bần thần không ngủ, tình cảnh này nhìn thế nào cũng cảm thấy quái lạ.

Hòa công công đứng hầu ngoài cửa, chốc chốc lại len lén liếc nhìn vào bóng dáng của người thiếu niên ở trong thư phòng, là một người từng trải qua bao sương gió, sống trong chốn cung đình đầy tranh đấu, có việc gì kinh khủng mà gã chưa từng thấy qua, lòng của gã đã luyện được đến mức tĩnh lặng, bình tĩnh như mặt nước, không gợn sóng trước bất cứ việc gì nhưng chỉ có con người của Cảnh Thịnh lúc này lại là có thể khiến cho vị thái giám già cảm thấy kinh hãi không ngừng. Kể từ sau khi bị thương tỉnh dậy, Cảnh Thịnh dường như thay đổi trở thành một con người khác hoàn toàn, hàng loạt mưu đồ bố cục liên tiếp xuất ra, lật tay thành mây, trở tay thành mưa cứu vãn thế cục vô cùng rối ren của nhà Tây Sơn, những việc lớn lao này thật sự không thể tin được là có thể xuất từ tay của một thiếu niên mới mười hai tuổi.

Hòa công công nghĩ mãi mà không rõ, ngoài hai chữ "thần trợ" ra thì không còn có một lời giải thích nào là có thể hợp lý cả. Có điều, Hòa công công vốn là một vị thái giám tin cẩn của hoàng đế thì có những việc mặc dù thấy rõ nhưng chỉ có thể giấu ở trong lòng không thể nói ra, bởi vì trong cuộc đời của một vị thái giám thì nhiệm vụ ý nghĩa nhất đó chính là cống hiến cho hoàng quyền, cho vị cửu ngũ chí tôn của thiên hạ, cho dù việc đó là đi tìm chết đi chăng nữa.

-Bệ hạ đêm đã khuya, nô tài kính xin bệ hạ dời bước nghỉ ngơi!

Nhìn Cảnh Thịnh còn nhỏ nhưng vì việc nước mà lao tâm lao lực, Hòa công công không khỏi cảm thấy xót xa.

Giọng nói của vị thái giám già kéo Cảnh Thịnh ra khỏi suy tư, về với thực tại, hắn liếc nhìn qua mấy bản tấu chương tổng hợp báo cáo của Tây Sơn Cố Mệnh mà bật cười, thì thầm tự nói:

-Ha ha! Trẫm thật là hồ đồ, một người kế ngắn, hai người kế dài, có một đám lão thần tài năng cớ sao mà không thỉnh giáo bọn họ, ta không phải thiên tài mà việc gì cũng phải cố ôm hết vào thân thì chẳng phải là tự làm khó mình hay sao?

Nói rồi tâm tình liền cảm thấy tốt hơn hẳn, Cảnh Thịnh yên tâm đi nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, Ngô Thì Nhậm vừa mới từ trên triều đình xử lý công vụ trở về phủ thì có người hầu chạy ra báo là có khách quý đến chơi. Ngô Thì Nhậm nghe vậy thì nhíu mày nghi hoặc, kể từ khi trở thành một trong sáu vị Cố Mệnh Đại Thần thì dòng khách đến phủ bái phỏng hầu như không dứt, bọn họ hầu hết là các quan lại và quyền quý trong kinh kỳ đến nghe ngóng hướng gió, vì để tránh hiềm nghi, Ngô Thì Nhậm cũng như mấy vị Cố Mệnh Đại Thần còn lại đều treo bảng miễn tiếp khách, dặn dò người nhà nhất định không tiếp đãi ai vào phủ.

Hôm nay, vừa trở về phủ, Ngô Thì Nhậm liền cảm thấy không khí trong phủ có vẻ là lạ, bọn người hầu đi nhẹ nói khẽ, ai ai cũng có cảm giác sợ sệt, lúc này được người hầu báo là có khách quý đến chơi, hơi suy nghĩ một chút vậy thì thân phận người này không ai xa lạ, có tám chín phần là vị quý nhân ở trong cung kia.

Cảnh Thịnh lúc này đang đi lại ngắm nghía ở trong thư phòng của Ngô Thì Nhậm, liên tục chắc lưỡi tán thưởng.

Người có học có khác, văn phòng tứ bảo, tranh treo mặc thủy, câu đối thơ vịnh, kinh sách không thiếu thứ gì, có điều cảm giác hơi buồn một chút bởi vì hầu hết các loại sách ở đây đều là sách chứa nội dung của Hoa Hạ, cho đến lúc này sách vở của Đại Việt vẫn chưa tự thành một hệ thống hoàn chỉnh nhưng Cảnh Thịnh cũng không lấy làm phản cảm, tiếp thu văn minh, thấy tốt thì lấy, cái gì tốt thì chọn lọc học tập, không có gì xấu, chỉ có khư khư bảo thủ mới là đáng chết.

Trên thư án còn chất một chồng tấu chương dày cần phê duyệt, là công vụ từ các địa phương bẩm tấu lên triều đình: lại trị, an sinh, thuế vụ, cứu tế... đủ cả các hạng mục.

-Cố Mệnh Đại Thần nha! Làm việc là phải chăm chỉ!

Cảnh Thịnh nhếch miệng cười trộm, kể từ khi thành lập Tây Sơn Cố Mệnh, hắn có thể vung tay đi suy nghĩ và làm những việc khác lớn hơn, không phải lao tâm lao lực vào chuyện phê duyệt tấu chương, giải quyết những chuyện lông gà vỏ tỏi, việc gì cũng đến tay vua thì có mà sớm ngày chết vì lao lực.

Ngô Thì Nhậm chỉnh trang lại quan phục, đi đến thư phòng, nhìn thấy tấm lưng nhỏ bé quen thuộc nhưng rất vững chải của một người thiếu niên đang đứng ngắm nhìn mấy bức tranh thủy mặc thì hơi mỉm cười, người đến quả không ngoài dự đoán của hắn.

-Thần tham kiến bệ hạ! Bệ hạ vạn tuế!

Ngô Thì Nhậm vội tiến lên thi lễ quân thần.

-Bình thân! Ngô thượng thư không phải câu nệ, mau đến đây ngồi xuống! Hôm nay trẫm thường phục xuất hành không cần câu nệ tiểu tiết.

Cảnh Thịnh hòa ái mỉm cười.

Ngô Thì Nhậm cung kính vái lạy, sau đó bước vào thư phòng, an tọa ở phía dưới thư án, an tĩnh chờ đợi Cảnh Thịnh lên tiếng. Cảnh Thịnh trầm ngâm một chút, trong đầu tổ chức câu từ, sau đó đứng dậy hướng về phía Ngô Thì Nhậm, khom người nhất bái, thái độ thành khẩn:

-Ngô Thượng Thư, nhà Tây Sơn đang nguy thay, trẫm thay mặt người trong thiên hạ, thay mặt những anh hào đã khuất của nhà Tây Sơn, mong khanh nể tình cũ với tiên đế mà một lần nữa ra sức giúp trẫm cứu vãn non sông!

Ngô Thì Nhậm đột nhiên thấy Cảnh Thịnh đứng lên bái mình thì giật mình kinh hãi, vội lách mình né tránh sau đó quỳ xuống nói:

-Bệ hạ không thể, thần có tài gì, đức gì?

Cảnh Thịnh biết hành động đột ngột của mình đã làm kinh hãi Ngô Thì Nhậm nhưng muốn vị lão thần này móc hết tâm can vì nước, hắn không thể không thể hiện thành ý của mình. Cảnh Thịnh thấy Ngô Thì Nhậm quỳ cúi đầu thì vội vàng đến đỡ Ngô Thì Nhậm đứng lên, cười nói:

-Ngô Thượng Thư mười sáu tuổi đã viết "Nhị thập tứ sử toát yếu", mười chín tuổi đầu bảng thi Hương, hai mươi tuổi viết "Tứ gia thuyết phả", hai mươi ba tuổi thi đỗ Giải Nguyên, ba mươi tuổi thi đỗ tiến sĩ, sau đó lại dâng thượng sách Giáo Nghị - Pháp Nghị - Chính Nghị cho Trịnh Sâm, sau đó lại cùng với tiên hoàng đánh nam dẹp bắc dựng lên nhà Tây Sơn như hiện nay. Khanh nói mình không có tài thì ai dám nhận mình có tài?

Ngô Thì Nhậm bị Cảnh Thịnh nói đến không phản bác được, trong lòng cũng cảm thấy thật xúc động, vì thu phục mình, người thiếu niên mới mười hai tuổi trước mắt này cũng tốn thật nhiều tâm tư, nói Cảnh Thịnh là thần đồng cũng không giả, có lẽ nhà Tây Sơn còn có thể cứu.

-Hôm nay, trẫm đến đây là muốn hỏi Ngô thượng thư có lương sách nào có thể cứu nhà Tây Sơn trong lúc nước sôi lửa bỏng. Trẫm không muốn công sức xây dựng bằng xương máu của các bậc tiên hiền lại sụp đổ trong tay trẫm. Trẫm không ước mơ gì nhiều, chỉ mong trừ hết giặc giã đem lại cho thiên hạ thịnh thế thái bình, người người an cư lạc nghiệp, dân chúng no đủ.

Cảnh Thịnh nhân lúc Ngô Thì Nhậm còn bùi ngùi vội mở ra khát vọng của mình cho hắn thấy rõ, đối với vị năng thần tài hoa này không gì bằng thẳng thắng chứng tỏ mình là một minh quân, một người xứng đáng để cho hiền thần phò tá.

Cảm xúc qua đi, Ngô Thì Nhậm nhìn về phía Cảnh Thịnh với ánh mắt vui mừng, hắn là một người đọc sách có khí tiết, lúc tuổi trẻ đã từng mắng qua Quang Trung là "phản tặc", về sau cũng chính hắn là người dâng sớ khuyên Quang Trung xưng đế, hắn sở dĩ thay đổi cái nhìn, đầu nhập vào Quang Trung hoàng đế không chỉ vì tài năng của Quang Trung mà cũng vì Quang Trung đã từng nói với hắn rằng ông muốn thống nhất đất nước, dẹp bỏ chiến tranh, hoàn lại cho thiên hạ một cái thịnh thế thái bình.

Quang Trung đột ngột chết trẻ, là cú sốc rất lớn đối với Ngô Thì Nhậm, về sau Cảnh Thịnh lên ngôi, vua thì còn nhỏ ham chơi, gian thần và trọng thần thìchỉ biết đấu đá với nhau vì quyền lực, triều cương rối loạn, chướng khí nổi lên mù mịt khiến cho Ngô Thì Nhậm có tâm nhưng không có lực, thất vọng cực kỳ, tâm như tro tàn, vốn là trong lòng hắn luôn có một trái tim đập vì dân vì nước nhưng nếu không tìm được minh quân thì khát vọng ấy chỉ là khát vọng mà thôi.

Ngày hôm nay, Cảnh Thịnh đã chứng tỏ cho Ngô Thì Nhậm thấy rõ quyết tâm và khát vọng của mình là muốn tiếp nối theo đường lối của Quang Trung hoàng đế, vén bỏ mây mù đem lại cho càn khôn một mảnh tươi sáng, khiến cho trái tim một lòng vì nước vì dân của Ngô Thì Nhậm bắt đầu đập trở lại, bắt đầu nhìn thấy hy vọng, điều này khiến cho trong lòng Ngô Thì Nhậm vui mừng quá thay.

Ngô Thì Nhậm nghe Cảnh Thịnh thành tâm hỏi sách bèn trầm ngâm cẩn thận suy nghĩ rồi nói:

-Tiên hoàng đột ngột mất sớm, không kịp thu xếp triều chính khiến cho nội bộ lục đục, những năm vừa qua gian thần lộng hành khiến cho chính trị bất minh xã tắc rung chuyển, dân oán dậy đất, việc liên tiếp đánh trận nhưng không thu được thành quả lớn khiến cho quốc lực tiêu hao. Quân Nguyễn ngày càng thế mạnh hung hăng, lại có Gia Định là kho lúa tự nhiên chiếm nhiều lợi thế, có thể duy trì chiến phí lâu dài. Suy xét cẩn thận, thần có Thượng - Trung - Hạ ba sách mong bệ hạ suy nghĩ lựa chon.

Cảnh Thịnh nghe vậy cả mừng vội nói:

-Ngô Thượng Thư mau dạy trẫm!

Ngô Thì Nhậm liên tục bái dài xưng không dám.

-Ngô Thượng Thư, trẫm mong khanh nói rõ lợi và hại của Thượng - Trung - Hạ ba sách để trẫm có thể lựa chọn cách tốt nhất có lợi cho đất nước, Trẫm xin thề với trời nếu khanh có thể giúp cho nhà Tây Sơn vượt qua khốn khó thì dựa vào công lao của khanh trẫm sẽ đảm bảo con cháu họ Ngô đời đời phú quý.

Cảnh Thịnh hứa hẹn.