Chương 99. Tái thiết.

Phục Hưng

Chương 99. Tái thiết.

Chương 99. Tái thiết.

Chiến tranh qua đi 3 tháng nhưng những vết thương nó để lại cần rất nhiều năm mới có thể vơi đi, biết bao gia đình tan nát, con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con. Biết bao hòn vọng phu trên khắp đất Việt. Chiến tranh không phải thứ mà dân chúng mong muốn nhưng nó luôn luôn xuất hiện, hiện hữu xung quanh, đặc biệt ở thế kỷ 15 đầy máu lửa này.

Đối với dân đất Việt, chiến loạn không khác gì cơm bữa, không chống giặc Bắc thì cũng đánh đấm với Chiêm Thành, Ai Lao, nếu không thì cũng tự nội đấu, dân chúng kiêu dũng thiện chiến nhưng đằng sau đó là biết bao mất mát đau thương. Nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn, chiến tranh không thể tách rời khỏi lịch sử loài người, chiến tranh tuy tàn khốc nhưng nó cũng thúc đẩy nhân loại đi lên. Văn minh nhân loại là những trang sử dài của máu và lửa, từ thửa khai sơ, chống chọi thiên nhiên đến buổi bình minh của văn hóa, các đế chế hình thành, chinh phạt, sát nhập. Đến loài kiến còn công thành chiếm đất huống chi loài người.

Muốn chiến tranh không lan đến thì quốc gia phải hùng cường, dân phải giàu, nước phải mạnh. Có thế kẻ thù mới run sợ, không dám tấn công. Hoặc có chiến tranh thì cũng là chiến tranh trên đất địch, dân ta vẫn sống cuộc sống bình yên. "Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh." Chiến tranh không đơn giản chỉ là mang quân đi đánh, nó còn là hậu cần, tình báo, lực lượng dự bị…..nhìn chung thì là quốc lực, đất nước luôn phải sẵn sàng, dân chúng phải dũng cảm, không ngại đương đầu bất kỳ kẻ thù nào. Chớ như Tống triều, quốc lực mạnh mẽ nhưng quân sự yếu kém, luôn bị Liêu rồi Kim, Mông Cổ đè ra đánh, dẫn tới họa vong quốc. Bài học Tống triều không bao giờ được quên.

Muốn dân giàu, nước mạnh thì trước hết chính trị phải ổn định rồi dân phải có đủ cơm ăn áo mặc, phải được học hành. Sau chiến tranh Đại Ngu – Đại Minh, Vạn Xuân – Đại Minh, tình hình nước Việt cơ bản là ổn. Thiết kỵ Vạn Xuất rong ruổi khắp cõi, phỉ tặc kinh sợ mà hàng, không thì cũng bị diệt, danh môn thế gia cũng ngoan ngoãn nghe theo. Nước Việt yên bình.

Yên ổn xong thì đến việc phục hồi kinh tế, theo chiến sự tan đi, hàng ngày đều có tàu thuyền từ đất cũ Vạn Xuân cập bến, mang theo biết bao nông cụ, quan lại, công nhân, kỹ thuật viên. Dân chúng được tổ chức sắp xếp lại về quê yên ổn, một bộ phận lớn thì di chuyển về phía Nam khai làng lập ấp, các nông trang tập thể lần lượt được mọc lên, giải quyết công ăn việc làm. Đợi khi tình hình ổn định hơn, nông dân muốn sở hữu ruộng tư không phải không thể, có thể khai hoang hoặc mua lại, nông trang tập thể chỉ là hình thực ban đầu, tiến tới thành lập hợp tác xã, có vai trò quản lý, hỗ trợ là chính.

Ăn chung, làm chung theo kiểu công xã nguyên thủy hay thời bao cấp là rất tốt đẹp nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh con người mà, không phải ai cũng là kẻ chăm chỉ, sẽ xuất hiện những kẻ chây lì, lười biếng, ham ăn biếng làm, những kẻ đó sẽ là gánh nặng cho các nông trang tập thể. Đều là người trưởng thành rồi, phải tự biết mà lo cho thân mình, gia đình vợ con, tư hữu hóa ruộng đất là cần thiết, những kẻ yếu kém sẽ bị xã hội đào thải.

Còn cách mạng ruộng đất tại Đại Ngu thời điểm hiện tại là hơi khoai, giai cấp địa chủ, thế gia vọng tộc rồi chùa miếu đều sở hữu nhiều ruộng đất, tự nhiên đòi cướp lấy mà chia cho dân nghèo thì nghe chừng không ổn, những người này sẽ nổi dậy chống lại ngay, đất nước mới yên được ít thời gian sẽ lại lâm vào loạn lạc. Cách giải quyết lúc này là tăng thuế sở hữu đất lên như vậy các địa chủ, các gia tộc sẽ tự phải chia đất ra nhỏ, nếu không thì bị tính thuế cao ngất ngưởng. Mọi sự ưu tiên về thuế của các triều đại cũ cho nhóm đối tượng này bị xóa bỏ, và với sức mạnh quân sự cùng sự thiết huyết của chính quyền Vạn Xuân, trốn thuế không phải là sự lựa chọn sáng suốt. Bên cạnh đó là đẩy mạnh di dân, khai hoang, đất nhiều mà không có nhân lực cày cấy thì nhiều để làm gì.

Chưa kể chính quyền còn hỗ trợ nông dân nghèo nông cụ, trâu bò, họ không còn phải quá phụ thuộc vào địa chủ nữa. Dĩ nhiên, thiên hạ không có bữa ăn nào là miễn phí, nông cụ, trâu bò có thể lĩnh nhưng tiền là phải trả. Nhà nước rất nhân văn khi cho phép trả góp trong nhiều năm và dân chúng thì không có mong muốn gì xa vời hơn cả. Những thứ họ đang nhận được là quá tuyệt vời rồi, trên cả tuyệt vời ấy chứ, thử hỏi đương thời có chính quyền nào khẳng khái đến vậy.

Sắt thép thì nhiều, trâu bò cũng không thiếu, chưa nói đến mua từ bên thảo nguyên, nguyên món cướp được từ Đại Minh cũng quá đủ cho dân Việt cày cấy rồi. Đại Hải không tiếc lấy giá rẻ mà bán lại cho dân chúng, vừa được lòng dân, vừa cho dân chúng yên tâm làm ăn, lúc đấy thuế phú lại nhiều, dân trung thành, nguồn tuyển quân dồi dào, Vạn Xuân sao mà không mạnh cho cam.

Nông nghiệp là căn bản của nền kinh tế thì thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng không thể thiếu. Các chính sách trọng nông ức thương bị xóa bỏ, thương nhân có thể tự do buôn bán miễn sao tuân thủ pháp luật, thợ thủ công cũng có những chính sách bảo hộ, tránh cho bị thương nhân, chủ xưởng chèn ép, hàng hóa làm ra nhiều, trao đổi buôn bán mạnh, đặc biệt là có thể thông qua các thương đoàn Vạn Xuân xuất khẩu hàng đi ra ngoài, tiền kiếm càng nhiều. Thương nhân, thợ thủ công, các chủ xưởng nằm mơ cũng cười.

Còn về công nghiệp, công nghiệp đối với thế kỷ 15 vẫn là thứ gì đó khá xa vời. Có thể xét là công nghiệp ở Vạn Xuân lúc này chắc chỉ có sắt thép, vật liệu xây dựng và công nghiệp quốc phòng. Những ngành này hiện tại hoàn toàn nắm trong tay nhà nước, không một thế lực nào được phép nhúng chàm. Các ngành này cũng mang lại rất nhiều lợi nhuận, tăng nguồn thu cho quốc khố.

Theo dòng công nhân, kỹ thuật viên, một loạt các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép được xây dựng trên đất Việt, đảm bảo nguồn cung tại chỗ, phục vụ công cuộc kiến thiết. Chỉ trong một thời gian ngắn đã đi vào hoạt động nhiều nhà máy, công xưởng.

Với sự chi mạnh tay này, cùng với nguyên vật liệu sẵn có, xi măng, sắt thép ở đất Việt quá là nhiều, lại thêm mấy chục vạn tù binh quân Minh, dân phu người Hán, công cuộc xây dựng cơ sở vật chất diễn ra hết sức mạnh mẽ. Quan trọng nhất là các bến cảng cùng tuyến đường thiên lý Nam Bắc, hàng ngày có hàng vạn người cùng lúc thi công.

Sau chiến tranh, ngoài số bị giết và bị thương không qua khỏi, tù binh quân Minh cũng có đến gần chục vạn, chưa kể đến gần hơn 20 chục vạn phu bị tóm được. Tất cả đều là trai tráng, khỏe mạnh, đây là một khối tài sản hết sức khổng lồ. Giết hết họ thì không biết đến tháng năm nào, đã vậy còn mang tiếng cuồng sát, khát máu. Giữ lại nguồn lao động không công này, quá có ích cho việc xây dựng nặng nhọc. Đây cũng là một cách để quân Minh chuộc lại lỗi lầm của mình.

Mỗi tuần làm 6 ngày, nghỉ một ngày, cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả tuần. Cho ăn no, lại có ngày nghỉ đảm bảo tù binh có sức khảo mà lao động, chứ hành hạ quá hao người, thỏa mãn chút thú tính nhưng lỗ nhiều hơn lợi. Tù binh Minh cũng không dám đòi hỏi gì thêm, ơn không giết đã là quá lớn rồi. Chưa kể những tên ngoan ngoãn phối hợp, tích cực học tập tiếp thu văn hóa Việt còn được thả tự do, cho đi chỗ khác làm việc, được trả công đàng hoàng, quân Minh quả là mơ cũng không dám mơ đến. Dĩ nhiên số này rất ít, chưa đến ngàn người nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ kích thích người Minh liều mạng làm việc rồi, như đánh xổ số vậy, biết đâu mình lại trúng, tương lai mà, ai biết được.

Cứ như vậy, cảng Hải Phòng, bến Đông Bộ Đầu, đê bao sông Hồng, đường thiên lý, kênh đào Bắc Nam,…. từng bước từng bước được xây dựng với quy mô to lớn. Mấy chục vạn tù binh này tiết kiệm cho Vạn Xuân không biết bao nhiêu sức người sức của, đã vậy còn mang tiếng nhân nghĩa. Quả là quá lời.

Dĩ nhiên, người thì trăm tính, trong đám tù binh quân Minh không thiếu hạng anh tài, nghĩ mình hơn người, có thể dễ dàng thoát khỏi ngục tù mà trốn chạy, tìm kiếm tự do. Số này không nhiều nhưng cũng đến vài ngàn, số phận thì thảm thương. Trời xa đất lạ, tứ phía không người Việt thì cũng rừng thiêng nước độc. Ngàn người chưa chắc thoát nổi 1 2, bị bắt thì thôi hỏng rồi, quân Vạn Xuân nhân đạo chứ không thánh mẫu. Dọc đường thiên lý Bắc Nam không thiếu những cọc gỗ, trên đó treo xác tù binh chạy trốn. Khi bị bắt, chúng không bị giết ngay mà bị trói lại, đóng cọc, rồi bị giáo đâm, dao cắt cho thương tật đầy mình, sau đó bỏ mặc cho chim muông xé xác, từ từ chết đi trong đau đớn tuyệt vọng. Thủ đoạn tàn nhẫn này khiến tù binh phải kinh sợ, dân chúng, thế tộc cũng phải khiếp đảm. Càng không có gan trốn chạy hay chống phá pháp luật.

Dù biết là tàn nhẫn nhưng Vạn Xuân vẫn làm, thời kỳ đặc biệt phải có thủ đoạn đặc biệt. Lúc này, chính quyền Vạn Xuân mà tỏ ra mềm yếu là đất nước loạn ngay, dân tâm là thứ cần quan tâm nhưng dân túy là hỏng rồi. Chính quyền giúp đỡ, hỗ trợ, bảo vệ nhân dân nhưng khi cần thì phải cứng rắn, dân Việt vốn cũng không phải dạng hiền lành gì, không có pháp luật nghiêm minh thì không biết sẽ loạn như nào. Xưa kia vua Đinh Bộ Lĩnh còn có các hình phạt như nhúng chảo dầu hay chém ngang lưng, có vậy mới kinh sợ được phường trộm cướp, quân phản loạn.

Sơ cua qua vài nét về công cuộc kiến thiết đất Việt sau chiến tranh, để thấy chính quyền Vạn Xuân chăm lo cho đời sống nhân dân về mọi mặt, cố gắng xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn, phấn đấu thực hiện làm theo năng lực, hưởng theo năng lực, hạn chế những sự bóc lột, chèn ép, xấu xa. Kinh tế phát triển, nhân dân ấm no, đất nước ổn định.

Và một phần rất quan trọng nữa đó là giáo dục, nghèo gì cũng không thể nghèo giáo dục, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Ngu dân dễ trị của Nho gia tuy ổn định được đất nước nhưng thế sẽ khiến đất nước suy yếu, sĩ tộc lên ngôi, dân chúng bình thường sẽ càng ngày càng cực khổ. Chỉ có toàn dân giáo dục mới có thể khiến đất nước văn minh hơn, nhân tài mới có thể xuất hiện lớp lớp mà phụng sự Tổ quốc.

Nhưng đây là một quãng đường dài và vất vả trong xã hội phong kiến này, dù có hơn chục năm thử nghiệm ở Vạn Xuân cũng vẫn còn nhiều khó khăn…. Đến thế kỉ 21 văn minh tiên tiến mà giặc dốt còn xuất hiện nhan nhản nói gì đến thế kỷ 15. Cải cách giáo dục là cần thiết, bắt buộc, mặc kệ có bao khó khăn thử thách, nó sẽ quyết định đến tương lai của Tổ quốc, có sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, có trở lên hùng cường được hay không.