Chương 122: Hồn Về Cố Hương (VII)

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 122: Hồn Về Cố Hương (VII)

Chương 122: Hồn Về Cố Hương (VII)


***
Đầu làng có con mương Khoai chảy qua thế nên khi mất điện có rất nhiều thanh thiếu niên đổ ra đây. Trong sân đình thì đám trẻ chơi nhảy dây, đuổi bắt, một số khác ngồi vắt vẻo trên bức tường ngăn cách sân đình với đường làng. Đám thanh niên mới lớn ngồi túm tụm quanh chân cột cờ, một số khác sành đời hơn thì ngồi vắt chân chữ ngũ hút thuốc lào, thuốc lá quanh ngọn đèn dầu của quán nước nhỏ mà mỗi buổi chiều trước sáu rưỡi luôn là điểm họp mặt thường xuyên của những người yêu thích dự đoán các con số.

Tôi đứng dựa vào cây cột điện đảo mắt tìm kiếm R9 vì tôi thừa biết nếu không vác mặt lên nhà tôi thì giờ này nhất định nó sẽ ngồi đâu đó lẫn trong đám thanh niên ồn ào kia. Trong khi tôi còn chưa tìm thấy bóng dáng của R9 thì nó đã nhận ra tôi trước. Tách ra khỏi đám thanh niên đang ngồi hút thuốc lào, R9 bước về phía tôi:

- Ở nhà nóng quá hả thằng bạn? – R9 cất tiếng hỏi.

- Không, mất điện nên tao đảo một vòng quanh làng chờ có điện thôi chứ rìa làng lo gì nóng hả mày.

- Uống gì không?

- Ờ thì uống nhưng ra mấy quán ngoài kia cho đỡ ồn ào.

- Vào ngồi chung tụ cho vui, mấy khi đông như này. – Nói đoạn R9 ngửa đầu lên nhìn mặt trăng tròn vành vạnh. – Có khi còn đông hơn tối hôm qua phát kẹo.

- Thôi, tao ngồi đấy không hợp gu. – Tôi từ chối. – Mọi người đang bàn tán chuyện gì mà xôm thế?

- Chuyện học hành, chuyện thi cử.

Tôi ngó nghiêng trong giây lát, thuận miệng hỏi:

- Chẳng có bóng dáng đứa con gái nào nhỉ?

- Nãy có mấy đứa đi qua đây, có cả con em mày nhưng mấy thằng ôn kia trêu nên bọn nó té hết cả rồi.

Con em tôi mà R9 vừa nhắc đến chuẩn bị vào lớp 11, nó là con gái lớn của cô út nhà tôi. Nó đang ở với ông nội cùng hai đứa em. Mẹ của nó, tức cô út của tôi, đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan được gần hai năm. Em gái tôi khá xinh lại khéo ăn khéo nói nên trong làng cũng có một vài anh thanh niên để ý nhưng tôi biết là nó sẽ chẳng bao giờ để tâm đến bất cứ một anh chàng nào trong làng. Nó cũng giống tôi ở chỗ muốn thoát khỏi nghề truyền thống của làng bằng con đường học vấn. Em tôi học giỏi còn tôi khi không, nó đã đại diện cho trường cấp ba, ngôi trường mà tôi vừa mới tốt nghiệp, đi thi môn Lịch sử ở tỉnh và đoạt giải cao.

- Tao ra ngoài quán bên đường ngồi cho thoáng đãng, mày cứ ngồi chơi với anh em đi, thích thì ra ngồi với tao.

- Ờ! – R9 gật đầu.

Tôi và R9 chơi với nhau đã lâu nên phần nào hiểu tính nhau. Nó không nhất thiết phải rời khỏi đám đông đang vui vẻ chỉ vì tôi cảm thấy không phù hợp, nếu nó làm vậy thì chính bản thân tôi cũng cảm thấy không được thoải mái.

- À này! – Toan bước đi nhưng sực nhớ ra điều gì đó nên tôi hỏi R9. – Mày ra đây ngồi lâu chưa?

- Trước lúc mất điện. – R9 đáp. – Có chuyện gì?

- Không có chuyện gì. – Tôi cười. – Cả ngày hôm nay tao không ló mặt ra khỏi nhà.

R9 lùi lại phía sau một bước, vẻ ngạc nhiên:

- Mày có mấy khi hỏi mà không có nguyên do?

Tôi nhếch mép cười:

- Thế ngày hôm nay mày có ra ngoài đầu làng ngồi uống nước chè xem mấy ông cụ đánh cờ tướng không?

- Không! – R9 lắc đầu.

Tôi tặc lưỡi:

- Tao quan tâm nên hỏi cho có chuyện vậy thôi chứ đâu có gì.

Vỗ nhẹ lên cánh tay R9 vài cái rồi tôi đi ra đầu làng còn R9 trở lại với đám đông đang tán chuyện rôm rả. Bên kia cầu Đình là một dãy quán nước nhưng bán nước chỉ là phụ, thứ chính mà các hàng quán này bán là những tấm khăn vải sô trắng dùng để gói đậu hoặc… đội lên đầu mỗi khi có ai đó ra Cầu Khoai yên nghỉ. Ngoài bán khăn sô ra thì những hàng quán này còn bày bán bên đường nhiều loại chảo gang lớn nhỏ dùng để đun sữa hoặc vài cái nồi được khoan sẵn nhiều lỗ giống như lồng máy giặt, những cái nồi và chảo gang đều được sản xuất ở làng Đại Bái ngay bên cạnh.

Tôi đã nhẵn mặt các hàng quán ở đầu làng, phần vì làng tôi nhỏ, phần vì tôi ăn vặt như mỏ khoét nên điều này không có gì là lạ. Qua cầu Đình rồi băng qua đường cái, tôi có thể rẽ sang trái hoặc sang phải, thậm chí đi thẳng vì quán nào cũng được, dù gì tôi cũng chỉ cần một chỗ ngời chờ đến giờ hành sự mà thôi. Lần này đôi chân của tôi bước chếch về bên trái, nhắm hướng quán nhỏ của bà cụ già đang ngồi bên cạnh bóng đèn dầu leo lét thay vì bước sang bên phải hoặc đi thẳng luôn bởi mấy quán đó đều có nhiều ánh nến và tiếng cười nói vọng ra. Tôi đoán rằng người lớn đang quây quần bên những bàn cờ được khắc trên mấy cái bàn là từ đá, những lúc mất điện mà lại sáng trăng như thế này bỗng dưng tôi nhận thấy ngôi làng bé nhỏ của mình tự nhiên trở nên sống động hẳn.

- Bà cho cháu xin chén nước chè.

- Có nước vối đấy sao mày không uống, giờ uống nước chè chốc nữa sao ngủ được hả cháu?

- Bà cứ lo xa. – Tôi nhoẻn miệng cười. – Cháu đương tuổi ăn tuổi ngủ, muốn ngủ khi nào thì ngủ khi ấy chứ thứ nước này có tác dụng gì đâu hả bà.

Đoạn tôi tặc lưỡi:

- Với lại điện đóm tối om như này chẳng biết lúc nào có bà nhỉ?

Bà cụ lấy cái tích đựng nước chè rót cho một chén rồi nói:

- Tao nghe bảo là chập điện ở đoạn Cầu Khoai, hình như bị đứt dây rồi, chỉ một chốc nữa là có thôi.

- Vâng! Cháu mời bà uống nước.

Tôi đưa chén nước nóng lên miệng nhấp một ngụm rồi hít hà một cái vì nóng. Bà cụ ngồi trên cái ghế tự, tay cầm quạt nan phe phẩy vài cái như thể điều đó sẽ giúp cho chén nước chè trong tay tôi nguội đi vài phần vậy.

- À này! Lúc trưa nay cái anh bạn của mày có vào đây ngồi uống nước đấy.

Tôi khẽ giật mình:

- Ai bà nhỉ?

- Thì cái anh gầy gầy, cao cao người đâu dưới Lắp ấy. Mấy lần ngồi tán gẫu với mày lâu lâu đấy còn gì nữa.

- À vâng! Cháu nhớ rồi! Anh ấy ngồi lâu không bà?

- Ngồi được một chốc rồi đi luôn, anh ấy có nhờ tao là nếu gặp mày thì nhắn hộ là tầm trưa mai anh ta sẽ ngồi chờ ở đây.

- Sao ạ? Trưa mai ạ?

- Ờ! Chắc anh ấy đi Hà Nội.

- Sao bà biết ạ?

- Thì tao nghe hai người nói với nhau như vậy, họ tính trưa mai trên đường về thì vào đây ngồi chờ mày. Mà tao thấy cái anh đó quen quen, hình như đợt trước cũng đến làng mình chơi nhiều rồi thì phải, có điều dạo này làm ăn phát đạt nên tướng tá có phần hơi khang khác một tí.

- Anh ấy đi cùng người khác hả bà? – Tôi hỏi mà trong lòng thấp thỏm.

- Ờ!

Bà cụ khẽ gật đầu rồi cúi người xuống để nhổ bã trầu còn tôi bỗng thở phào nhẹ nhõm, như vậy là Sơn Ca và anh Phương không gặp vấn đề gì. Tôi cũng thoáng tự hỏi về lý do hai người đi Hà Nội làm gì? Rất có thể Sơn Ca đưa anh Phương ra Bến Nứa hoặc bến xe Gia Lâm để từ đó bắt xe khách về Lạng Sơn, chỉ có thể tự trả lời như vậy tôi mới cảm thấy hợp lý cho chuyến đi của hai người.

- Các chú, các bác, các ông ngồi bên kia xôm quá! – Ngồi một mình nhìn ngọn đèn đầu mãi cũng chán nên tôi gợi chuyện. – Có khi bà cũng phải sắm vài bàn cờ tướng đấy ạ.

- Ôi trời! Ông lão nhà tao cũng đương ngồi ở bên đấy, béo bở gì cái môn cờ tướng. – Bà cụ vừa nói vừa cười. - Mấy ông đó kéo qua đây ngồi có khi tao còn chả buôn bán được gì mà lại nhức hết cả đầu.

- Đông người ngồi cũng bán thêm được cái nọ cái kia chứ bà.

- Nhưng ông lão nhà tao ngồi cùng thì tao còn phải hầu nước cho các ông ấy, có mà dở người.

Bán quán nước không phải nguồn thu của bà cụ, bà cụ cũng không nhận ghi số đề. Nhà chỉ có hai ông bà cụ sống cùng một đứa cháu nội, ngôi nhà mái bằng đã xây được hơn chục năm, con cái của hai cụ đều đã có nhà riêng ở Hà Nội nên quả thật bà cụ mở quán nước này chỉ để cho vui, kiếm đồng ra đồng vào mà nếu như chả kiếm được cũng không lấy gì làm buồn. Bà cụ cũng không con phải tuýp người đon đả bởi vậy mà quán của bà cụ lúc nào cũng vắng hơn cả, đổi lại thì quán này lại yên tĩnh nhất. Lần cuối cùng tôi ngồi ở quán này uống nước chè là cuối năm 2015, quán nước vài năm sau đó đã dẹp vì ông bà cụ lần lượt nhập hộ khẩu Cầu Khoai vì tuổi già.

- Mày không biết đấy chứ, quán của tao vắng nên mấy khách thích yên tĩnh hay tạt vào ngồi.

- Vâng! – Tôi gật đầu lấy lệ.

- Vừa rồi mấy ông khách lạ ngồi mãi từ trưa chẳng biết chờ đợi ai mà cứ ngó chăm chăm về Cầu Đình, tao là tao nghi lắm, có khi đang tăm tia cái gì ở làng mình thì chết.

- Bà cứ nghĩ thế, làng mình có cái gì mà ăn trộm? – Tôi phì cười. – Nhà thì toàn nhà bỏ không, ma thì nhiều hơn người.

- Đấy là tao cứ để ý như vậy, ngộ nhỡ làng có mất mát gì thì tao còn nhớ mặt họ chứ.

- Đúng là chẳng cái gì qua mắt được người già. – Tôi lại cười.

- Còn mày nữa! – Bà cụ lườm tôi. – Mày không phá làng phá xóm nhưng mày là thằng nghịch ngầm, nhìn cái tướng mày mà không nghịch thì tao đi đầu xuống đất.

- Bà nói thế nào ấy chứ, cháu ngoan hiền nhất làng! – Tôi ưỡn ngực. – Bà cháu chưa bao giờ phải lo lắng về cháu.

- Nhưng mày hay đi chơi đêm!

Tôi chột dạ:

- Ai bảo bà thế?

- Bà mày chứ ai.

- Thanh niên thì phải đi chơi đêm mới có người yêu chứ bà!

Tôi cười hề hề tìm cách lảng sang chuyện khác. Như sực nhớ ra điều gì, tôi cân nhắc một lát rồi mới lên tiếng hỏi bà cụ:

- Mấy người ngồi ở quán của bà từ hồi trưa có phải một người trong số đó má hóp, miệng hơi vẩu và… và tai hơi vểnh một tí không bà nhỉ?

- Mày biết à?

- Cháu không! – Tôi tặc lưỡi. – Lúc chiều đi qua đây hình như cháu có thấy.

- Thì ba thằng nó thay nhau ngồi mãi đến khi mất điện mới chịu đứng dậy.

- Họ đi xe máy hả bà?

- Có người chở đến nên tao mới nghi chứ.

- Thế chắc là người làng bên có hẹn gì với nhau thôi, bà đừng lo.

- Thì là tao nói thế thôi chứ lo gì.

- Mất điện là có người đến đón đi luôn hả bà?

- Gọi điện thoại í ới một hồi rồi cả ba thằng nó đi bộ. – Bà cụ dùng quạt nan chỉ hướng cho tôi. – Đi về hướng này chắc lên Đông Côi.

- Vâng!

Tôi lại giả vờ không quan tâm đến chủ đề này nữa nhưng sự thật thì trong đầu tôi đang suy nghĩ đến rất nhiều khả năng. Nheo mắt nhìn ngọn đèn dầu đỏ lòm một hồi lâu, tôi chợt nghĩ thay vì ngồi đây chờ đợi thì tôi nên làm gì đó để thời gian trôi qua nhanh hơn.

- Cháu gửi tiền với!

- Mày uống mỗi hai chén nước, lấy thêm cái gì đi để tao ghi sổ. Đêm hôm mất điện mày đeo ba lô theo làm gì đấy?

- Thế bà cho cháu gói kẹo lạc với chai Coca đi. – Tôi cười tít mắt thêm một lần nữa. – Thói quen của cháu thôi, đây bà xem!

Tôi kéo khóa ba lô cho ba lô cho bà cụ xem:

- Trong này có bộ quần áo với vài thứ linh tinh chứ có gì đâu.

Bỏ chai Coca và gói kẹo lạc vào trong ba lô, tôi bước ra khỏi quá rồi rảo bước thật nhanh để rẽ xuống lối nhỏ dẫn ra bãi Bã Mía.

***