Chương 121: Hồn Về Cố Hương (VI)

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 121: Hồn Về Cố Hương (VI)

Chương 121: Hồn Về Cố Hương (VI)


***
Dưới ánh trăng hoặc là thứ ánh sáng có màu gần giống sáng trăng, ngay khi tôi vừa mới khép miệng ngậm lá vối thì chỉ trong cái chớp mắt trước mắt tôi dần hiện rõ ba bóng người mặc giáp trụ, một tay cầm vũ khí nhìn tôi chằm chằm đồng thời nhe răng cười nham nhở. Tôi không hề cảm thấy thất kinh mà chỉ khẽ thở phào bỏ thanh kiếm gỗ trở vào ba lô.

Đứng đối diện với tôi trong ngõ nhỏ bây giờ không ai xa lạ mà chính là ba ông Tam, tôi bật cười:

- Ba ông thật biết đùa.

- Vì gọi mãi cháu không nghe thấy gì nên bọn ta chỉ còn cách ôm chặt nhằm truyền chút hơi lạnh cho cháu. – Ông Lê Tam, linh hồn có thể xem là… trưởng nhóm, ngửa cổ lên nhìn trời cười khoái trí, đôi vai của ông rung lên từng nhịp. – Ngót hai năm rồi không gặp mặt, à… nói đúng hơn là cháu không nhìn thấy bọn ta.

Tôi tủm tỉm cười:

- Nhưng cháu nghe nói ba ông bù khú, chén chú chén anh quanh năm ngày tháng có phải không?

- Làng này kể ra cũng có vài chỗ bán rượu ngon, không biết lấy mối ở đâu. – Ông Lê Tam Ba vừa nói miệng vừa nhóp nhép, đôi mắt hấp háy. – Có trách thì trách mấy tay lái buôn vì bọn ta cũng chỉ là người thưởng rượu ngắm trăng.

- Ông vẫn thưởng rượu ngắm trăng theo từng can chứ ạ?

- Đúng kiểu miệng lưỡi của thằng Cò Tý! – Ông Lê Ba che miệng ho húng hắng vài tiếng. – Tưởng thằng bé trầm hơn nhưng có vẻ không phải, miệng lưỡi của nó vẫn có thể giết người thay cho đao kiếm đấy hai ông ạ.

Ba ông Tam cùng cười những tràng dài đầy khoái trá. Nếu như trước đây khi tôi cùng lúc nghe nhiều hồn ma cùng cười lớn thì ngay lập tức hai tai tôi sẽ trở nên ê buốt nhưng lạ thay lúc này tôi không còn cảm thấy như vậy nữa.

- "Có lẽ khi mình lớn hơn thì ma quỷ cũng ít tác động được đến mình".

Thật sự thì gặp lại ba vị võ tướng cũng khiến lòng tôi bồi hồi, tôi đứng lặng yên ngắm nhìn ba ông thêm vài lượt. Ba ông không thay đổi, vẫn là bộ dáng như lần đầu gặp gỡ, vẫn cái mũ trụ, áo giáp sắt nhẹ đầy oai vệ. Tôi cũng đã nhiều lần hóa những bộ quần áo gửi cho các ông nhưng quanh đi quẩn lại, những bộ đó có vẻ không phù hợp cho một vị tướng bởi đều là khăn đóng, áo dài, guốc mộc.

- Sao ba ông không đi cùng chị Ngọc Hoa mà lại theo cháu?

- Cô Hoa đi từ lúc tối. – Ông Tam Ba nói. – Chắc cô ấy đang ở ngoài đầu làng, ngoài ấy bây giờ chắc âm hay dương đều đông vui cả, điện đóm tắt ngúm hết cả rồi.

Tôi chau mày hỏi lại:

- Việc mất điện đột ngột liệu có bàn tay của các ông hay không?

- Bọn ta làm gì đủ khả năng làm việc đó. – Ông Ba đáp. – Nhưng cũng chẳng thể biết được.

Tôi khẽ nhún vai:

- Vậy là ngẫu nhiên rồi.

Ông Tam Ba thản nhiên:

- Bóng tối là đồng minh của ma quỷ, ai đó đã từng nói như vậy.

- Và kẻ xấu! – Tôi nói đế.

- Bọn ta dĩ nhiên không phải là kẻ xấu. – Ông Tam cười tít mắt. – Đêm qua tất cả đã thống nhất rằng giờ Hợi sẽ tìm các cho đèn đóm tắt ngúm hết để chỉ còn ánh trăng và đèn dầu cho đến khi mọi việc được giải quyết xong.

- Để cho thêm phần ma mị ạ? – Tôi thắc mắc.

Ông Tam tặc lưỡi:

- Cô Hoa có nói rằng đây có thể là biến cố cuối cùng về âm phần của cháu. Ngày mai khi mặt trời ló dạng, cháu sẽ không còn phải bận tâm với những bóng hình mờ ảo thoắt ẩn thoắt hiện sau lũy tre làng này nữa.

Tôi khịt mũi:

- Cháu sẽ đi Hà Nội.

Ông Tam Ba trầm giọng:

- Bọn ta cũng sẽ đi và… nếu có thể…

Ông Tam Ba liếc nhìn sang hai ông còn lại, hai ông kia gật nhẹ. Ông Tam Ba nói tiếp:

- Ba chúng ta không biết lấy gì để báo đáp công ơn của cháu. Linh hồn của ba bọn ta đây tưởng sẽ mãi lưu lại, thừa lệnh kẻ xấu hại người nhưng may sao gặp được cháu, bây giờ lại sắp được trở về chốn cũ…

Tôi ngắt lời ông Tam Ba:

- Thi ân bất cầu báo! Có phải người quân tử hồi xưa hay nói như thế không ạ?

- Thằng Cò Tý vẫn là thằng Cò Tý chúng ta biết, nó không thích nói những lời ủy mị. Ta nói đúng không?

- Vậy đây là lý do ba ông bám theo cháu nãy giờ?

- Cháu là ân nhân của bọn ta! – Ông Tam nói. – Công ơn này nếu có thể, một ngày nào đó con cháu của ta nếu giúp được cháu thì nhất định sẽ giúp hết lòng.

Tôi nhoẻn miệng cười nói với ba ông Tam:

- Đứng đây nói chuyện mãi không tiện, chúng ta nên đi ra đầu làng ngồi sẽ hợp lý hơn. Cháu bây giờ không còn vô hình dưới mắt người thường nữa, nếu ai đó vô tình thấy cháu đứng nói chuyện với không khí thì…

- À… vậy chúng ta vừa đi vừa nói! – Ông Tam Ba lướt nhanh qua chỗ tôi.

Tôi lặng lẽ bước từ trong ngõ ra đường giữa làng. Trăng thanh nhưng không có gió mát, từ sau vài bức tường gạch vọng ra tiếng cười nói, nô đùa của cả người già lẫn trẻ nhỏ. Mất điện thì chẳng ai còn ngồi trong nhà nữa, mọi người đều ngồi trên thềm nhà hoặc bên cổng, hầu như trên tay các cụ già đều có một cái quạt giấy hoặc quạt nan.

- Bao giờ cháu ra Hà Nội sống? – Ông Tam cất tiếng hỏi khi chúng tôi đang đi qua một khoảng vắng người trên đường làng.

- Vài ngày nữa ạ.

- Cô Hoa đã cho bọn ta biết nơi cháu ở. – Ông Tam Ba bước đằng trước ngoái đầu lại nói. – Chẳng biết bọn ta có thể đến đó được không vì nơi kinh thành không thể tự do đi lại được, nơi đó quan nhiều hơn quân.

- Các ông không cần phải làm thế đâu ạ. Điều cháu mong mỏi là các ông sớm được nhập lại thành một và với những điều tốt đẹp ba ông đã làm thì cháu thật sự mong các ông sẽ sớm được đầu thai làm người.

- Cháu không cần nhận lại ơn huệ nhưng bọn ta đây sẽ không thể không trả ơn được, Cò Tý ạ! – Ông Tam nói. – Trong khoảng ba năm nữa bọn ta nhất định sẽ tìm cách trả ơn cháu.

- Cháu đã nói là không cần phải thế đâu mà. Hơn nữa cháu còn chưa biết cách đưa ba ông rời khỏi làng này trở về nơi an nghỉ.

- Cô Hoa đã nói với bọn ta rồi. – Ông Ba lên tiếng. – Kế hoạch của cháu là bí mật nên bọn ta chỉ việc làm theo nhất định sẽ thành công.

- Hả?

Tôi tỏ ra ngạc nhiên nhưng rồi đành cười trừ. Chị Ma lắm mưu nhiều kế hiểm, thật khó mà biết chị ấy đang bày trò gì.

- Cô Hoa không thể ở kinh thành được. – Ông Tam nói. – Bọn ta đã có giao kèo với nhau rồi, một khi vong đã giao kèo thì cháu cũng hiểu, ta không cần phải giải thích đúng không?

- Giao kèo gì ạ?

- Ba bọn ta sẽ thay nhau trông nom cháu trong ba năm tới.

Tôi phì cười chỉ vào ông Tam Ba:

- Nãy ông bảo ngoài Hà Nội quan nhiều hơn quân thì lo gì nhiễu nhương mà các ông phải lo. Như bây giờ ba ông cũng chỉ tự do đi lại được trong địa phận làng này chứ đâu phải thích đi đâu thì đi. Ba ông đừng bận tâm về cháu, mỗi người có một số phận. Chả lẽ các ông quên rằng cháu còn có người chống lưng ư?

- Ta biết chứ! – Ông Tam gật đầu. – Cứ xem như đó là chút ân tình qua lại giữa chúng ta, có trả hết nợ ân tình thì bọn ta mới đi đầu thai được chứ.

- Thật không ạ?

- Ta nghĩ thế! – Ông Tam cười.

- Hy vọng ngày nào đó cháu sẽ gặp lại ba ông ở đất Thủ đô… ừm… mà cũng khó, chắc cháu chỉ cảm nhận được thôi.

Chợt như có điều gì đó chợt thoáng qua trong đầu, tôi dừng bước quay sang hỏi ông Tam.

- Nhưng tại sao lại là ba năm?

- Cháu sắp tròn mười tám tuổi. – Ông Tam đáp. – Ta nghe loáng thoáng là cần trông nom, giúp đỡ cháu đến khi cháu hai mươi mốt mới thôi.

- Sao lại thế nhỉ? – Tôi nhăn mặt.

- Bọn ta làm sao mà biết được. – Ông Ba nói. – Cô Hoa gợi ý là bọn ta có ba linh hồn thì mỗi linh hồn trả ơn bằng cách trông nom một năm nên tổng là ba năm. Tóm lại là trong ba năm sắp tới ở đất thần kinh thì bọn ta đây sẽ được rong ruổi.

- Xem ra ba ông ham vui là chính.

- Ờ thì… - Ông Ba tặc lưỡi rồi cười.

- Vậy ai cho phép ba ông đi lại tự do như vậy? – Tôi hỏi dò.

- Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. – Ông Tam Ba vừa nói vừa cười hềnh hệch. – Cô Hoa sẽ đưa cho bọn ta cả bao tải vàng nén. Đất kinh đô muốn nói chuyện ắt phải có bạc vàng, có bạc vàng đầy túi thì chuyện gì cũng dễ cả.

Tôi không biết thực hư chuyện ba ông Tam và sau là chỉ còn lại duy nhất linh hồn ông Lê Tam trông nom tôi bằng cách nào ở nơi phố thị. Cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn với nhiều mối quan tâm, lo toan mới xuất hiện khi tôi sống ở Thủ đô đã cuốn tôi đi khiến tôi hiếm khi còn nhớ đến vị tướng họ Lê và những lời nói trong đêm trăng trên đường làng này.

Vào một đêm cuối tuần, khi ấy tôi mới là sinh viên, theo thói quen thì tôi cùng thằng bạn học chung lớp đại học nhà ở Bạch Mai rong ruổi trên những con phố Thủ đô trong tiếng gầm rú của pô xe máy.

Chúng tôi đi bão!

Tuổi trẻ mà, tuổi trẻ ai chẳng có những khoảng thời gian bốc đồng.

Thằng bạn tôi có xe Dream, nó cao và nặng hơn tôi nhưng khả năng lái xe lại không dẻo bằng tôi được. Tôi đã rất nhiều lần dạy nó cách lạng lách, đánh võng thật gắt để chân phanh của xe Dream quẹt xuống đường tóe ra lửa, theo cách gọi của giới trẻ thời đó là "đá lửa", nhưng nó không làm được. Nó có xe còn tôi lái khá hơn nên trong những đêm đi bão, tôi thường là người cầm lái!

Đêm ấy, thằng bạn tôi cầm lái còn tôi ngồi đằng sau ôm dính lấy nó. Tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, vì ôm cua quá gần nên khi rẽ phải vào phố Nguyễn Thái Học thì sẽ bị "chửa". Tốc độ quá nhanh, thằng bạn tôi không thể xử lý kịp và tôi có thể nhìn rõ ràng rằng xe máy đang lao thẳng vào một gốc cây ở phía bên kia đường, gần một cái bốt canh gác.

Mọi việc diễn ra trong tích tắc.

Tôi bất giác giơ chân trái ra nhắm thẳng vào gốc cây để… đạp! Tôi không biết tại sao mình lại làm như thế, có thể là theo phản xạ tự nhiên nhưng sau khi sự việc đã trôi qua, ngồi thở hồng hộc ở trong một quán trà đá trên phố Cửa Nam thì tôi mới đủ tỉnh táo để nhận ra rằng đáng ra mình đã gãy chân, chí ít là như vậy.

Nhưng tôi không gãy chân.

Tôi cũng không cảm nhận được bàn chân mình chạm vào thân cây.

Tôi chỉ biết rằng sau một cái chớp mắt thì xe do thằng bạn tôi cầm lái không còn đâm vào gốc cây nữa mà đang… chạy song song với lề đường!

Nhưng đó chưa phải là lần duy nhất!

***