Chương 120: Hồn Về Cố Hương (V)

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 120: Hồn Về Cố Hương (V)

Chương 120: Hồn Về Cố Hương (V)


***
Tôi không biết gã mặt chuột tai dơi sở hữu giọng nói chói tai đã suýt tóm được tôi vào đêm hôm trước có mò đến cổng làng và ngồi khuất ở một góc quán nào đó hay không bởi vì cả ngày tôi không dám ló mặt ra ngoài ấy. Tôi sợ rằng nếu hắn ta quả có đến thật và ngồi đồng suốt ngày trong quán nước thì e là lúc chạm mặt có thể tôi sẽ bị hắn nhận ra. Tôi nghĩ dù tôi có che mặt tuy nhiên vóc dáng gầy gò của tôi thật khó mà thay đổi chỉ sau một đêm được. Thú thật là tôi không dám mạo hiểm để rước thêm rắc rối vào thân lúc này, tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Trời dần ngả về chiều, ánh nắng cũng vì thế mà nhạt dần. Mặt trời đỏ rực treo lơ trên những ngọn tre phía đằng Tây. Tôi ngồi một mình trên mái nhà cao chót vót trầm tư, ánh mắt lơ đãng nhìn những ngọn cau cao vút trong vườn nhà hàng xóm. Không gian bốn bề tương đối yên tĩnh, từ chỗ đang ngồi tôi có thể nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng vài đứa trẻ vừa mới được bố mẹ đưa từ Hà Nội về chuẩn bị nhập học. Sau Lễ Quốc khánh, chẳng ai hẹn ai nhưng đã thành thông lệ, những đứa trẻ rời làng ngay khi mùa hè vừa bắt đầu nay đã qua lại, đâu đó tiếng cười nói vọng đến bên tai tôi.

Bà Già cũng nhận được những gói bánh, gói kẹo từ lũ trẻ trong xóm hoặc từ các bà cụ khác. Những năm trước mỗi khi tôi trở về làng sau mùa hè ngắn ngủi ở Thủ đô thì tôi cũng mua quà bánh, phần để thắp hương gia tiên, phần để bà cho đám trẻ trong xóm, của ít lòng nhiều. Năm nay tôi trượt đại học, tôi chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến quà bánh và những người hàng xóm rộng lòng nếu có vô tình gặp tôi trên đường làng ngõ xóm sẽ hỏi thăm dăm câu ba điều động viên tôi năm sau thi tiếp. Những đồng quà tấm bánh mỗi khi người trong xóm đi xa về gần cho lẫn nhau chính là sợi dây vô hình gắn kết những còn người sinh ra từ làng hoặc đang sinh sống ở làng. Nhiều năm sau tôi vẫn giữ thói quen này mỗi khi về thăm bà, cá nhân tôi nghĩ đó là một nét văn hóa đặc trưng ở các làng quê Việt Nam nói chung và làng tôi nói riêng.

Khói bếp len lỏi qua mái ngói sẫm màu bốc lên chỗ tôi ngồi, khói xộc vào mũi khiến tôi đứt mạch suy tư, trở lại với thực tại.

- Mày làm cái gì mà leo lên trên ấy ngồi? Có ngày ngã què cẳng ra đấy.

Tôi ném cái chổi nan xuống sân, cẩn thận đu mình trên mí cửa rồi nhẹ nhàng nhảy xuống trước cửa bếp, vừa phủi tay tôi vừa nói với bà:

- Cháu quét sạch lá tre trên mái hiên rồi, mấy hôm nữa cháu đi Hà Nội nếu có mưa thì nước mưa ít cặn, mấy hôm vừa rồi cháu dùng hết cả chum nước mưa.

- Tiên sư bố nhà mày, nước mưa tao hứng để đun nước uống mà cứ khuất mắt là mày dùng để gội đầu thì nước nào cho đủ.

- Tại nước giếng khoan mùi tanh lắm, lọc rồi vẫn không ngọt bằng nước mưa mà bà. – Tôi cười tít mắt. – Mới hết một chum, còn chum nữa bà lo cái gì.

- Tiện thể tay đương bẩn thì ra lùa đàn gà vào giúp tao rồi đi tắm đi.

- Vâng!

Thời điểm này bà Già vẫn để chuồng gà ngay cạnh ngôi miếu nhỏ, gọi là chuồng chứ thực tế nó được quây lại bằng những cọc tre vát nhọn một đầu cắm san sát với nhau sau đó dùng rơm rạ lót xung quanh. Bên trên chuồng căng bạt, bạt thì được làm từ bao tải dứa nên mỗi khi mưa là lũ gà chắc sẽ lạnh. Tôi đã mấy lần định nói với bà Già di chuyển đàn gà vào mái hiên vì lo mùi hôi hám của lũ gà sẽ ảnh hưởng đến ngôi miếu nhỏ của chị Ma ở ngay bên cạnh nhưng chị Ma lại tặc lưỡi bảo:

- Cứ để đấy không cần phải mang vào nhà đâu. Nhà đã không nuôi trâu bò hay lợn thì có đàn gà cho vui mắt, chị không cảm thấy có vấn đề gì sất.

Vậy nên chuồng gà cứ ở vị trí đó cho đến vài năm sau mới di chuyển vào mái hiên rồi vào bếp vì thời tiết mùa đông quá lạnh.

Tôi ngồi nhâm nhi cốc nước vối cạnh bồn hoa đầu hồi nhà chờ tời sập tối. Mãi cho đến khoảng giữa giờ Dậu khi trời đã tối nhọ mặt người thì tôi mới nhảy xuống vườn khi nhìn thấy một cánh bướm trắng xuất hiện từ bụi tre bay dập dờn nhiều vòng trong khu vườn nhỏ. Cánh bướm trắng đậu lên một lá vối non và chỉ tung cánh bay lên lẫn vào bóng tối khi tôi đến gần để hái lá. Cầm lá vối trên tay, tôi đưa lên mũi hít nhẹ vài cái rồi đảo mắt một vong sau đó dúi tạm vào trong đống rơm giữa vườn. Đã lâu không dùng đến thứ lá diệu kỳ này nên cảm xúc của tôi có chút bồi hồi, chẳng biết thứ lá này còn hiệu nghiệm đến đâu, có thể giúp tôi trở nên vô hình trước con mắt của mọi người hay không.

Tôi không chút nghi ngờ lời của chị Ma nhưng tôi muốn thử kiểm tra lại.

Sau bữa tối với bà Già, tôi nằm dài trên phản gỗ suy nghĩ mông lung đến gần 8 giờ tối mới ngồi dậy xỏ dép đi ra ngoài hiên ngồi ngắm trăng chờ thêm một lúc trước khi quay trở vào nhà vơ lấy thanh kiếm gỗ bỏ vào trong ba lô rồi khoác lên một bên vai.

- Mày lại định đi đâu?

- Cháu xuống nhà thằng R9 ngồi chơi chốc cháu về.

- Lại nửa đêm nửa hôm mới mò về, nòi giống nhà mày suốt ngày thức đêm thức hôm ròi mắt trũng sâu vào.

- Bà xem tivi xong cứ ngủ trước bà nhé, cháu về cháu tự mở cửa.

Tôi vừa mới đặt chân xuống sân thì điện trong nhà phụt tắt, tôi có chút giật mình nhưng sau khi đảo mắt một vòng thì biết được cả xóm mất chứ không riêng nhà tôi. Đứng ngẫm nghĩ trong giây lát, tôi ngoái đầu nói vọng vào trong nhà:

- Bà cứ ngồi yên đấy để cháu châm đèn dầu cho.

- Nóng thế này lại mất điện. – Bà Già nói vọng ra.

- Chắc quá tải nên mới bị vậy đấy bà. – Tôi vặn to bấc đèn dầu lên và không quên động viên bà. – Mà tối nay trăng sáng như này sao bà không sang nhà hàng xóm ngồi trong khi chờ có điện?

Tay bà Già cầm cái quạt giấy phe phẩy, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm:

- Ờ, để tao sang hàng xóm ngồi, tiện hỏi thăm mấy đứa trẻ.

Đặt đèn dầu lên trên nóc tủ, tôi nhanh chân bước ra ngoài, đến bên đống rơm lấy lá vối, lưỡng lự một hồi thì tôi quyết định thả ba lô xuống vườn rồi chạy vào đứng ngay giữa sân chờ bà. Ngậm lá vối vào miệng mà tôi cảm thấy hồi hộp như thể lần đầu tiên mình làm việc này vậy.

Tôi đứng đó chăm chú nhìn bà Già lạch cạch cài then cửa, một tay bà cầm đèn dầu, cái quạt nan mà bà bang theo vừa dùng để quạt mát, vừa dùng để lót chỗ ngồi được kẹp bên nách.

Tôi tự hỏi liệu khi bà bước xuống thềm nhà có nhìn thấy tôi hay không?

Rất nhanh tôi đã có câu trả lời.

- Mày còn chưa đi ư? Đứng đây làm gì?

- Hả? Bà… bà nhìn thấy cháu ạ? – Tôi tỏ ra ngạc nhiên.

- Tao già rồi nhưng mắt tao không bị toét như thằng bố mày đâu mà không nhìn thấy mày, cái thằng này hỏi lạ.

Tôi gãi đầu gượng gạo cười:

- Mắt bà tinh thật đấy!

Bà Già dí cái đèn dầu gần vào mặt tôi:

- Mày cứ đọc truyện buổi tối cho lắm vào thì chả mấy mà mày bị lòa đâu. Già như tao đây mà mắt còn sáng chứ tao nghe trên tivi nói bây giờ cái bệnh cận thị là bọn học sinh hay bị.

- Vâng, vâng! – Thôi bà đi đi!

Vừa nói tôi vừa đỡ khuỷu tay bước theo bà ra đến tận cổng mới quay trở lại vườn lấy ba lô. Tôi chép miệng, thở dài đầy thất vọng:

- Mình biết ngay mà, rõ ràng càng lớn thì thứ lá này sẽ chỉ dùng để đun nước vối uống mà thôi.

Lắc đầu một cách ngao ngán, tôi lau lá vối rồi bỏ vào túi áo ngực, lững thững đi ra cổng nhà:

- "Bây giờ ra đầu làng cũng như ra ngồi hóng mát vì mất điện thôi chứ ma với cỏ cái gì nữa".

Sau khi ra khỏi cổng nhà, thay vì rẽ trái như mọi lần để ra đầu làng bằng lối nhỏ cạnh mương Khoai thì lần này tôi rẽ phải đi vào trong làng. Quả thực tôi định tạt qua nhà R9 ngồi chơi một lúc rồi mới ra đầu làng vì hãy còn sớm. Đi được một đoạn trong con ngõ nhỏ vắng vẻ thì tôi dừng chân ngoái lại phía sau nheo mắt nhìn, nghiêng đầu nghĩ:

- "Quái lạ, sao mình cứ cảm giác như có người đang đi theo mình thế nhỉ?"

Tôi khịt mũi, cất tiếng hỏi nhỏ:

- Ai đấy?

Chẳng có tiếng ai đáp lời, cũng chẳng có ngọn gió nào thổi đến trong ngõ sâu hun hún này. Tôi khẽ nhún vai một cái rồi quay lưng bước đi nhưng chỉ được thêm vài bước thì tôi cảm nhận một cách rõ ràng hơn hơi lạnh liên tục phả vào gáy nên tôi lại phải dừng bước thêm một lần nữa. Nếu là một người yếu bóng vía hẳn là lúc này đã vắt chân lên cổ mà chạy vì cảm giác lạnh lẽo vây quanh nhưng tôi thì khác, tôi nhát gan nhưng lại không yếu bóng vía, tôi nghĩ như vậy.

- "Lâu rồi mình không gặp ma đâm ra trực giác bị thui chột mất rồi, chẳng hiểu ông bà nào đang đứng cạnh mình nữa".

Tôi chun mũi hít nhẹ vài hơi xung quanh chỗ đang đứng thì ngửi thấy mùi thum thủm của nước cống tồn đọng của một lò đậu phụ bên cạnh ngõ chứ không thấy mùi tanh tưởi. Tuy nhiên tôi cũng nhanh chóng nhận ra rằng mình hít phải kha khá khí lạnh. Đưa một ngón tay lên quẹt mũi vài lần, tôi lẩm bẩm:

- Ông bà nào có đứng cạnh thì vui lòng đứng cách xa cháu ba bước không cháu sợ quá lại làm liều.

Dứt lời, tôi trở ba lô ra đeo đằng trước, nhanh tay rút thanh kiếm gỗ ra cầm trong tay và xoay tròn vài vòng thứ vũ khí nguy hiểm ấy như một món đồ chơi đồng thời tay còn lại thò vào túi áo ngực lấy lá vối, ngẫm nghĩ trong giây lát sau đó bỏ vào miệng.

Tôi còn nhớ rõ ràng rằng trước đây mỗi khi tôi cho lá vối vào miệng hoặc nhả ra thì ánh sáng trước mắt tôi có thay đổi giống như tôi nhìn mọi vật qua một thấu kính. Nếu đó là một đêm sáng trăng, ánh sáng sẽ thay đổi từ màu vàng nhạt sang màu trắng đục còn nếu như đó là một đêm tối trời thì ngay lập tức bóng đêm được thay bằng ánh sáng của buổi sớm tinh sương chỉ trong chớp mắt.

***