Chương 119: Hồn Về Cố Hương (IV)

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 119: Hồn Về Cố Hương (IV)

Chương 119: Hồn Về Cố Hương (IV)


***
Trời nắng gắt.

Tôi chắp hai tay sau lưng lững thững tản bộ hết từ vườn trước đến vườn sau nhà bà ngoại, thi thoảng tôi dừng chân nheo mắt lên ngó những ngọn tre cao vút nhưng trơ trụi lá. Trong lũy tre gai có nhiều cây thân đã úa vàng hoặc xạm đen, số cây tre xanh tốt chiếm phân nửa. Dạo gần đây bộ mặt của làng có đôi chút thay đổi, một vài lũy tre đã biến mất, thay vào đó là những bức tường gạch mới tinh. Nhà này xây tường xong nhà kia thấy đẹp, thấy khang trang, tầm nhìn thông thoáng nên cũng gọi người đến để bán những bụi tre. Thời điểm này trong làng, một vài ngôi nhà mới được cất nóc nhưng hiếm nhà lợp mái ngói mà thay vào đó họ đổ bê tông cho hợp thời. Bởi vì thế, hình ảnh cây tre gắn bó lâu đời với những làng quê, trong đó có làng tôi, dần dà giảm đi sự hiện diện. Cuộc sống hối hả kéo người làng tôi vào vòng xoáy mưu sinh, mấy ai để tâm đến những thay đổi không đáng kể này.

Sau khi lượn lờ xung quanh vườn nhà bà ngoại vài lần thì tôi mới có cớ để lấy cái thuổng dựng trong góc bếp mang ra ngoài vườn. Bà ngoại tôi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy và sống một mình giống như nhiều ông bà cụ khác ở trong làng. Bà là một nông dân chính hiệu, có lẽ vì bà luôn chân luôn tay nên tuổi dù đã cao nhưng bà rất nhanh nhẹn nếu không nói là bà còn khỏe. Cậu Út của tôi sau khi lập gia đình đã thoát ly, trước đây khi cậu còn ở nhà thì bà và cậu cùng làm ruộng, trồng rau… nhưng kể từ khi ở một mình thì bà ngoại tôi cho thuê bớt ruộng, chỉ còn giữ lại vài thửa để cày cấy. Tôi không biết bà nội và bà ngoại tôi ai khỏe mạnh hơn, sự thật là tôi rất hiếm khi thấy hai bà ốm. Thi thoảng tôi vẫn thấy bà ngoại dùng xe thồ chở những buồng chuối, những rổ bưởi đem đi chợ phiên ở làng bên để bán. Bên cạnh đó bà còn nuôi lợn, nuôi gà vịt và chuồng trâu sau bếp cũng có một con để phục vụ việc cày bừa nhưng mỗi khi cày thì bà thường phải thuê hoặc nhờ con cháu của bà ở làng bên sang giúp.

Tôi hay đạp xe lên nhà bà ngoại tôi chơi nhưng thường không ở lâu, mắt trước mắt sau là tôi đã về. Ngày rằm hay mùng Một đầu tháng dù mưa hay nắng thì tôi đều lên chơi với bà nhưng hiếm khi ở lại ăn cơm cùng bà, tôi chỉ ăn cơm do bà Già nấu. Gần đây tôi có ăn cơm ké ở nhà Hà An, đó có thể xem như một sự thay đổi lớn của tôi. Mặc dù trong vườn nhà bà ngoại tôi có nhiều cây ăn quả như táo, bưởi, ổi, nhót… nhưng tôi rất ít khi hái để ăn, có thể do thường xuyên nhìn thấy những quả này sờ sờ trước mặt nên cảm giác thèm hầu như không hề xuất hiện.

Tôi và bà ngoại ít khi nói chuyện với nahu, có lẽ do cách biệt về thế hệ hoặc do bà quá bận rộn. Phải thú thật rằng lý do chính tôi thường xuyên ghé qua chơi nhà bà ngoại dù nhà bà cũng không có gì để chơi là vì… trong góc vườn có một ngôi miếu cũ nằm im lìm dưới tán cây duối xanh mướt mà tôi hay gọi là gò miếu. Sở dĩ tôi gọi là miếu cũ là bởi vì nó được xây lại hồi những năm 80 của thế kỷ trước, lai lịch của ngôi miếu này rất ly kỳ và nó cũng ẩn chứa bên tron những bí mật rất thú vị.

Làng tôi nhỏ nhưng lại có nhiều miếu thờ. Miếu thờ có thể nằm gần cổng nhà, trong góc vườn, bên đầu hồi của một ngôi nhà hoặc bất kỳ nơi nào đó nhưng điểm chung của phần lớn các ngôi miếu thờ là vẻ u tịch khiến đám trẻ con chẳng mấy khi bén mảng đến và miếu thờ nằm trong vườn nhà bà ngoại tôi cũng vậy. Ngôi miếu nhỏ trên gò miếu được quét ve màu xanh nhạt, qua khoảng thời gian hai chục năm mưa nắng, nhiều chỗ trên tường đã loang lổ, bong tróc vôi vữa. Hai mặt Tây và Nam của ngôi miếu là những bụi tre già mọc sát nhau, ngoài những ngọn tre cao vút thì nhiều thân tre khác mọc nghiêng, chìa ngọn về hướng ngôi miếu trên gò. Bóng tre kết hợp với cây duối có tán lá sum suê mang đến sự mát mẻ vào những buổi trưa hè nhưng khi trăng lên thì nơi này lạnh hơn bình thường cũng là điều dễ hiểu.

Bà ngoại tôi cũng có một thói quen giống như bà Già, ấy là mỗi ngày sau khi lùa đàn gà vào chuồng thì bà sẽ thắp hương và thay nước ở ngôi miếu. Việc này bà ngoại tôi làm đều đặn từ ngày này qua ngày khác, chỉ những khi bà vắng nhà đôi ba hôm thì bát hương trên bệ thờ của ngôi miếu mới thiếu mùi hương.

Chẳng ai biết ngôi miếu này thờ ai!

Từ thời cụ ngoại của tôi hãy còn trẻ thì trên gò này đã có một ngôi miếu nhỏ cũ kỹ làm từ gạch vồ, trước cửa miếu có đường nhỏ đi ra cánh đồng, bên đường trồng hai hàng duối cổ thụ thẳng tăm tắp. Người làng kháo nhau rằng nếu ai đi ngang qua cửa ngôi miếu này mà cuốc cày vẫn còn vác trên vai, nón vẫn đội trên đầu thì nhất định sẽ gặp chuyện chẳng lành. Sau Cải cách ruộng đất thì thời thế đổi thay, ruộng vườn chia lại nên lối nhỏ đi ra cánh đồng được nhập vào đất nhà cụ ngoại tôi. Vài năm sau, những cây duối cổ thụ trước cửa miếu cổ bị đốn hạ bởi một người trong xóm, cây duối hiện nay còn trên gò miếu bởi không mang lại giá trị gì hoặc vì một lý do nào đó mà sót lại.

Tuy không biết ngôi miếu xây bằng gạch vồ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt này thờ vị nào nhưng ai cũng chắc chắn rằng đó là một ngôi miếu thiêng! Vì thiêng nên cụ ngoại tôi không cho ông ngoại phá bỏ cho đến khi nó bị sụp thì ông ngoại tôi, một người khá cứng vía, dù không muốn nhưng sau cùng cũng phải bằng lòng xây ngôi miếu mà bây giờ tôi đang đứng cạnh.

Tôi là thế hệ con cháu, được sinh ra sau khi ngôi miếu đã hoàn thiện được vài năm vậy mà tôi lại biết chủ nhân của ngôi miếu này là ai, thế mới lạ!

Đứng trước bệ thờ nhỏ, miệng tôi lâm râm khấn vái trong khói hương nghi ngút. Sau khi vái ba vái, tôi bước lùi trở ra, khẽ cúi đầu thêm một lần tỏ lòng thành kính rồi mới cầm cái thuổng đang dựng cạnh cửa miếu bước phăm phăm dọc theo lũy tre gai. Tôi không gặp nhiều khó khăn khi khom lưng, cúi đầu luồn lách qua vài cây táo thấp lè tè với những cành đầy gai nhọn được bà ngoại tôi trồng cạnh lũy tre hơn hai năm trước. Ngồi thụp xuống bên cạnh bờ tre, tôi cẩn thận đảo mắt nhìn quanh một lượt cho yên tâm sau đó mới lấy thẻ hương mang theo trong người, rút ra vài nén châm lửa. Những làn khói mỏng tỏa ra từ những nén hương thơm tản mát theo từng cơn gió. Tôi đặt một chai rượu đã mở nắp cạnh mấy nén hương rồi quỳ gối, nhắm mắt khấn vái một hồi. Trước khi lúi húi dùng thuổng để đào, tôi đã đổ hết rượu trong chai thủy tinh ra xung quanh mấy chân hương khiến mùi thơm của rượu xộc vào mũi.

Tôi ngồi đào mà không cần phải dùng nhiều lực. Chính tôi là người đã chôn giấu ba bức tượng bằng đất sét nung ở chỗ này nên tôi rất rõ. Hai năm trôi qua chỉ đủ làm lớp đất trên mặt liền thành một khối nhưng vẫn còn tơi xốp. Chỉ vài phút ngắn ngủi sau khi cắm lưỡi thuổng xuống đất thì tôi đã tìm thấy những thứ cần tìm, tôi dùng hai tay bới đất thật nhanh vì sợ bà ngoại có thể bất thình lình xuất hiện. Từng bức tượng đất lấm lem được tôi bỏ vào cái túi vải màu đen mang theo bên mình, đâu đó xong xuôi tôi vội vàng gạt hết đất xuống trở lại vị trí cũ, dùng cán thuổng lèn đất xuống chặt nhất có thể nhằm xóa dấu vết.

Thò đầu ngó vào trong sân không thấy bóng dáng bà ngoại nên tôi nhón chân bước thật nhanh về chỗ để xe đạp, đặt cái túi vải đựng tượng vào trong giỏ xe rồi thở phào nhẹ nhõm.

- Mày có ở lại ăn cơm không?

Bà ngoại cất tiếng hỏi tôi khi bà đang khuấy nồi cám lợn, mùi thơm của khoai lang, khoai tây và nhiều thứ củ khác khiến tôi bỗng dưng cảm thấy thèm ăn… cái món chỉ dành cho lợn.

- Dạ không bà ạ! Cháu lên chơi một tí thôi. – Tôi đáp. - Nay mai cháu ở Hà Nội chẳng biết lúc nào mới về thăm bà được.

- Thế công việc của bố mày trên Bắc Giang như nào rồi?

- Cháu nghe nói cũng ổn bà ạ, chắc một tháng nữa sẽ đi vào hoạt động.

Nói chuyện thêm với bà dăm ba câu lấy lệ rồi tôi xin phép ra về, bà gọi với theo bảo tôi hái đu đủ chín mà ăn nhưng tôi khéo léo từ chối.

Tôi không thể mang ba bức tượng đất về nhà nên đành phải dúi tạm trong bụi cây gần cổng để vào nhà cất xe đạp sau đó quay ngược trở ra mang ba bức tượng giấu vào giữa bụi tre gai. Buổi trưa sau khi cơm nước xong xuôi, bà Già nằm trên võng nghỉ ngơi thì tôi lại chuồn ra ngoài, chui vào trong bụi tre để… làm lễ! Tôi dùng rượu pha với nước mưa để rửa sạch đất bám trên ba bức tượng và để lại chỗ cũ. Bỏng ngô, một chai rượu Vodka và gói kẹo lạc là lễ mà tôi đã chuẩn bị, rất đơn sơ nhưng quan trọng là thành tâm.

Giữa trưa nắng cuối hè, tôi quỳ gối trong bụi tre gai "tâm sự" với ba bức tượng đất vô tri, nhìn cảnh này người ta bảo tôi là kẻ thần kinh cũng có gì lạ lạ cả. Đối với tôi mà nói, ba bức tượng đất này phải thật sự có duyên thì tôi mới… sưu tập được. Bức tượng đầu tiên mà tôi tìm thấy là ở vườn nhà bà ngoại khi tôi bám theo một nhóm người đi tìm của chìm, sau tôi biết được linh hồn yểm trong tượng là tên là Lê Tam. Một thời gian sau tôi vô tình thó được một bức tượng chứa linh hồn khác của ông Lê Tam ở làng bên cạnh, để phân biệt hai linh hồn thì tôi gọi là Lê Ba tướng quân vì "ba" nghĩa là "tam". Hai tưởng đã là nhiều nhưng một lần khác, tôi lại thó được của đám người kỳ lạ ấy bức tượng thứ ba, tôi đặt tên là Lê Tam Ba. Và như vậy, linh hồn của ông Lê Tam đã bất đắc dĩ trở thành ma làng Bưởi Cuốc.

Tôi rất quý ba bức tượng này bởi tôi đã có nhiều kỷ niệm kể từ khi tìm được họ. Một bức tượng đất sét sẽ mãi mãi chỉ là một bức tượng đất sét vô tri nếu không có những thầy phù thủy cao tay hô hồn nhập tượng.

Tôi không phải là thầy phù thủy.

Làm thế nào để ba bức tượng này trở về chốn cũ, ba hồn nhập thành một?

Câu trả lời này có lẽ chỉ có Sơn Ca mới biết rõ.

***