Chương 100: Bát Cơm Cổ

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 100: Bát Cơm Cổ

Chương 100: Bát Cơm Cổ


***
Mặt trời treo cao trên đỉnh đầu, ánh nắng gay gắt của buổi trưa cuối hè khiến mồ hôi vã ra như tắm, cái áo tôi đang mặc trên người đã ướt sũng. Cái khăn mặt quàng trên vai cũng chung số phận với cái áo, cứ mỗi nhát thuổng được hạ xuống là một vài giọt mồ hôi ở hai bên thái dương cũng theo đó mà rơi xuống mặt ruộng. Tôi không phải con nhà nông, mà kể cả là con nhà nông cũng chẳng ai giữa trưa ra ngoài đồng đào đất dưới cái nắng chói chang đào bới như tôi cả. Tôi vừa làm vừa thở, vừa lau mồ hôi, cứ chốc chốc lại dựng thẳng cán thuổng để thở, đồng thời ngửa cổ tu nước ừng ực.

Trong khi tôi lao động vất vả thì Sơn Ca lại xếp bằng tròn ngồi trong bóng râm, hai mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm điều gì chỉ có riêng anh ta hiểu. Gần chỗ Sơn Ca ngồi, ba nén hương đã cháy được hai phần ba. Tôi cố nén cơn bực dọc, bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao Sơn Ca dễ dàng đồng ý cưa đôi với tôi, ấy chính là vì việc đào đất giữa trưa này đối với tôi mà nói chẳng khác nào một cực hình. Trời nắng nóng, tôi lại là một tay ngang nên xuống sức rất mau. Tuy nhiên, động lực khiến tôi mắm môm mắm lợi tiếp tục dồn lực vào cái thuổng chính là tiền! Đúng! Chỉ có tiền mới khiến tôi cố quên đi mệt mỏi mà thôi.

Theo như vị trí mà Sơn Ca đã chỉ, tôi chọn một góc ruộng cách chỗ Sơn Ca đang ngồi chừng ba mét và tiến hành đào. Lớp đất trên mặt ruộng trơ những gốc rạ rắn chẳng khác nào đá khiến đôi bàn tay thường xuyên dùng để… cầm truyện đọc của tôi như muốn phồng lên. Sau khi đã đào được một hố sâu chừng hơn ba mươi phân có đường kính cũng khoảng chừng đó thì công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn khi lớp đất ở dưới tương đối mềm, càng đào sâu lại càng mềm.

- Sắp tìm được chưa anh? – Tôi đứng dưới gốc cây tránh nắng, hơi thở đứt quãng. – Cũng sâu nửa mét rồi chứ chả ít.

Sơn Ca vẫn ngồi bất động, tôi tò mò nên đặt hờ một ngón tay lên hai lỗ mũi của anh ta để kiểm tra xem Sơn Ca có còn thở hay hồn vía đang phiêu diêu miền cực lạc. Sơn Ca vẫn thở nhưng hơi thở của anh rất nhẹ và đều. Chỉ dám đứng nghỉ trong chốc lát, tôi tiếp tục đào thêm một lúc nữa rồi ngả nón, nheo mắt ngước nhìn mặt trời trên cao, lấy khăn lau những giọt mồ hôi vẫn không ngừng túa ra khiến hai mắt tôi cay xè.

- Hết một nén hương rồi, nghỉ một lúc đi mày!

- Đến rồi hả anh?

- Chưa!

Sơn Ca lắc đầu đồng thời đứng dậy bước đến bên cạnh tôi đưa tay nhận lấy cái thuổng, tôi đưa cho anh ta rồi ngồi phệt xuống chỗ mà anh ta vừa ngồi, ngửa cổ tu nước. Sơn Ca đào thay tôi nhưng anh ta làm rất nhẹ nhàng như thể sợ lưỡi thuổng sẽ phạm vào món đồ mà chúng tôi đang kiếm tìm.

- Xẻng đâu? Xẻng đâu? – Sơn Ca vẫy tay. – Đưa cái xẻng đây xem nào.

Tôi uể oải mở bao tải dứa lấy ra cái xẻng đưa cho Sơn Ca rồi đứng chống nạnh thắc mắc:

- Thấy rồi hay sao anh?

- Có thể lắm!

- Từ mặt ruộng xuống chừng sáu mươi phân thôi mà, sao bấy lâu nay người ta làm đồng lại không phát hiện ra điều gì nhỉ?

- Nếu tao đoán không nhầm thì góc ruộng này trồng lúa không được. – Vừa nói Sơn Ca vừa dùng tay chỉ cho tôi. – Chủ của cái ruộng này sẽ nghĩ do trâu bò giẫm lúa nhưng không phải đâu. Ban nãy mày đào mà không thấy gì lạ hả?

- Lạ gì ạ? – Tôi ngạc nhiên.

- Xung quanh đều có gốc rạ nhưng riêng khoảng này nhẵn thín.

- Em không để ý lắm! – Tôi nhăn mặt.

- Dưới này có cốt, chắc chắn luôn. Mày để ý xem có người nào theo dõi bọn mình không, phần này để tao, mày đừng động tay vào.

Sơn Ca ngồi thụp xuống, dùng sức ấn mạnh cái xẻng trong tay, cẩn thận xén từng thớ đất nhằm mở rộng đáy hố sau đó dùng tay bới đất lên. Cái thuổng được Sơn Ca sử dụng để khoét hàm ếch, tôi hồi hộp theo dõi những việc anh ta đang làm nhưng cũng không quên nhiệm vụ cảnh giới được giao.

- Mày thắp ngay hộ tao một que hương! Cắm bên miệng hố, nhanh cái tay lên!

Sơn Ca giục giã mà như ra lệnh, tôi ngay lập tức làm theo không chút thắc mắc. Với tôi mà nói, mỗi khi mùi hương thơm tỏa ra, tôi bỗng cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn vài phần, cảm giác an tâm cũng vì thế mà nhiều lên, giúp giảm đi sự căng thẳng, thấp thỏm vì sợ bị ai đó phát hiện giữa chừng. Một khi đã làm việc khuất tất không muốn cho người khác hay biết thì cho dù có thế lực nào chống lưng đi nữa cũng không thể tránh được sự bất an ẩn giấu trong lòng.

Sơn Ca vứt cái thuổng nằm chỏng chơ trên mặt ruộng, hai chân nhảy xuống hố đang đào dở, đôi tay thoăn thoắt kéo khóa cái ba lô cũ mèm lấy ra một mảnh vải màu đen vuông vức kèm theo một cái ô. Tôi chưa kịp hiểu anh ta định làm gì thì Sơn Ca đã dúi cái ô vào tay tôi, nói rất ngắn gọn:

- Che ô, đừng để mặt trời chiếu thẳng xuống hố nghe chưa?

Tôi gật đầu trong khi hai con mắt mở to, lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên hơn nữa là Sơn Ca còn chuẩn bị hai thanh tre khô, dài khoảng bốn mươi phân, vát một đầu. Anh ta dùng hai thanh tre này để… đào đất. Tay cầm ô che nắng trong khi đó tôi vẫn phải dáo dác nhìn quanh xem có ai đang đó để ý đến tôi hay không. Sơn Ca gần như ngồi lọt thỏm trong hố, tôi có thể nghe rõ tiếng thở phì phò của anh ta.

Một vài phút trôi qua rất nhanh, Sơn Ca hơi nhổm người lên vơ vội mảnh khăn đen đang để bên miệng hố rồi lại cúi xuống hì hục làm gì đó, chưa đầy một phút sau thì Sơn Ca đã có thể đứng thẳng lưng, mặt anh ta nhăn nhó có lẽ vì mệt, mồ hôi đổ ra như tắm. Trên tay Sơn Ca, miếng vải đen có thêu một vài hình thù lạ trùm lên một thứ gì đó mà tôi nghĩ hình dáng tương đối giống một cái bát hương. Sơn Ca cẩn thận đặt mông ngồi phệt xuống miệng hố để thở lấy thở để, sau khi đưa tay quệt đi những giọt mồ hôi đang không ngừng lăn trên trán, anh ta ngẩng đầu lên nhăn mặt nói với tôi:

- Cất ô đi! Mày lo đào xung quanh cái hõm cạnh đáy hố nhé, làm nhanh gọn nhất có thể.

Dứt lời, Sơn Ca nắm chặt ống đồng của tôi lấy đà dứng dậy. Anh ta bước thật nhanh đến chỗ gốc cây ban nãy đã ngồi. Tôi thầm nghĩ:

- "Chả lẽ đó là hũ tro cốt ư?"

Tôi đã đoán đúng bởi ngay sau đó Sơn Ca ngồi xổm cạnh gốc cây, hì hục dùng dây chun buộc chằng chịt quanh miếng vải đen bao bọc bên ngoài hũ cốt.

- Đứng ngây ra đấy làm gì hả thằng kia? Mau lấy thứ cần lấy rồi lấp hố lại, mau lên!

Tôi thu ô lại rồi quăng luôn về phía Sơn Ca sau đó cẩn thận thò một chân xuống hố. Dưới ánh chắng chói chang, tôi nhận ra dấu vết của hũ cốt mà Sơn Ca vừa mới cầm lên bởi lẫn trong đám đất vụn vẫn còn hằn rõ một hình tròn có đường kính khoảng gần hai mươi phân. Tôi dùng luôn một cái que tre mà Sơn Ca bỏ lại trong hố, cẩn thận gạt nhẹ từng lớp đất vụn rồi chọc thăm dò từng chỗ một cho đến lúc cảm nhận được mình vừa đụng phải thứ gì đó rắn rắn mà không phải là đất.

- Thấy rồi! – Tôi nhổm người lên thông báo cho Sơn Ca.

- Thấy thì bứng cho mau, quá chính Ngọ rồi. – Sơn Ca giục.

- Dùng dao có được không anh?

- Tùy mày!

Sơn Ca còn chú tâm vào công việc của anh ta nên đáp lấy lệ, tôi vội trèo lên khỏi hố để lấy lưỡi lê, nhờ có lưỡi lê này mà mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên tôi cảm thấy vài phần thất vọng khi món đồ mình tìm được lại khác so với tưởng tượng của tôi, đối với tôi mà nói, ngoài vàng ra thì những thứ khác chẳng có gì đáng giá cả. Vậy mà bây giờ tôi đang cầm trên tay một cái… bát ăn cơm mà chẳng cần phải hỏi ai tôi cũng có thể đoán biết được rằng đây đích thị là cái bát đựng cơm cúng. Tôi giơ cái bát lên trước mặt ngắm nghía và thất vọng. Một cái bát cũ, cổ thì chắc là cổ rồi nhưng loại bát này gần giống những cái bát mà ông nội tôi đã để lại. Màu men của bát hơi sẫm, có những hoa văn màu xanh lục. Tôi dùng tay gạt bớt đất cát bám xung quanh cái bát đi và thấy cả hình con rồng cùng những đám mây.

- Có mỗi cái bát vứt đi này thôi anh ạ!

Tôi nói với Sơn Ca giọng chán nản. Sơn Ca vừa mới cất thứ anh ta tìm được vào ba lô, nghe tôi nói vậy vội vàng chạy đến, mắt anh ta sáng như sao sa:

- Đúng nó đấy!

- Cái bát đựng cơm cúng này á?

- Ờ, chính nó! – Sơn Ca gật đầu lia lịa. – Đúng là nó rồi, không thể nhầm được.

Nói đoạn Sơn Ca cầm lấy cái bát, hai bàn tay của anh ta run rẩy, nét mặt lộ rõ vẻ xúc động khiến tôi khó hiểu.

- Bát này quý lắm ư? Ở nhà bà em có đầy mà?

- Mày thì biết cái đếch gì. Mau lấp đất lại rồi tếch thôi.

- Ơ… có khi còn thứ khác.

- Không còn, không còn gì nữa đâu!

Sơn Ca dùng vạt áo lau cái bát rồi dùng miệng thổi phù phù, nhìn cách mà anh ta nâng niu thì tôi cũng cho rằng đó chắc hẳn là một cái bát quý. Đứng tần ngần bên miệng hố, tôi lưỡng lự trong giây lát, thở dài trước khi dùng xẻng xúc đất lấp hố lại.

- Cái bát vứt đi này liệu được đôi triệu không anh?

Sơn Ca quỳ hai gối chắp tay khấn vái tứ phương sau đó bọc cái bát lại hết sức cẩn thận rồi cho vào ba lô, anh ta nhìn tôi cười, đôi mắt hấp háy, lộ rõ vẻ mãn nguyện:

- Thằng ngu như mày chỉ biết đến vàng có phải không?

Tôi chống cái xẻng xuống đất, tranh thủ thở, gật đầu đáp:

- Dễ quy đổi!

Sơn Ca nhếch mép cười:

- Rồi mày sẽ ngạc nhiên, sẽ mau thôi!

- Ý anh nói là được nhiều hơn à? Có quý hơn cái bô đựng nước tiểu hồi xưa không?

- Mày đúng là loại trời đánh thánh đâm, toàn nói linh tinh. Nhanh lên!

Tôi thì biết gì về đồ cổ chứ? Tôi thậm chí còn chẳng thèm gạt đi phần đất còn bám ở đáy bát, nếu gạt sạch đi, hẳn là tôi sẽ nhìn thấy vài chữ Hán. Nhưng ai mà ngờ được cái bát vứt đi ấy bán được những hơn chai chục triệu! Bảo sao Sơn Ca bất chấp mọi sự để tìm tro cốt của người lạ giữa trưa. Sau này tôi biết miếng vải đen có thêu những hình thù lạ mà Sơn Ca mang theo chính là để cho linh hồn của người đã khuất không bị tiêu tán.

***