Chương 99: Nắm Tro Tàn Dưới Ba Tấc Đất

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 99: Nắm Tro Tàn Dưới Ba Tấc Đất

Chương 99: Nắm Tro Tàn Dưới Ba Tấc Đất


***
Cuộc sống yên bình trong gần hai năm qua dường như đã khiến tôi tạm quên đi nhiều thứ hay đúng hơn là tôi muốn quên đi để sống một cuộc sống khác. Tôi ao ước rời khỏi ngôi làng thân yêu của mình để có một cuộc sống mới, cuộc sống mà hàng đêm cho dù tôi có lang thang thì vẫn có ánh đèn đường chiếu sáng và không phải mơ thấy những bóng người mờ nhạt.

Tôi đưa một tay lên giữ chặt nón cho khỏi bay khi một cơn gió mạnh đột ngột thổi ngang qua, tôi nghe như trong gió văng vẳng những điệu cười khoái trá, đồng thời mũi tôi cũng ngửi thấy thoang thoảng mùi tanh. Tôi rất kỵ mùi tanh nên đặc biệt nhạy cảm với mùi này.

Tạm dừng bước, tôi xoay người nhìn lại có ý chờ đợi Sơn Ca thì trước mắt tôi là một khung cảnh khiến tôi khó có thể nào quên được. Sơn Ca đứng giữa trời nắng gắt, hai tay giơ cao lên trời, đôi mắt nhắm nghiền trong khi khóe môi của anh không giấu diếm nụ cười đắc ý. Tôi ngước nhìn lên và thấy những tờ tiền lẻ đang bay tứ tung trong không trung, cơn gió lạ xuất hiện, mang theo mùi tanh tưởi cũng đồng thời thổi những đồng tiền thật bay dạt về một hướng. Tôi chôn chân, mở to hai mắt ra nhìn cảnh tượng có một không hai này. Cơn gió chợt đến rồi chợt đi, bỏ lại những đồng tiền chụm lại một chỗ ven đường. Tôi nhìn Sơn Ca với ánh mắt nghi hoặc nhưng mau chóng thay đổi thái độ sau một cái lắc đầu.

- Đi thôi, đừng có đứng đực mặt ra đấy!

Sơn Ca lướt qua chỗ tôi đứng, vỗ nhẹ vào vai tôi ra hiệu rồi vọt lên phía trước. Tôi vội vã chạy theo anh ta nhưng vẫn không quên ngoài đầu lại nhìn số tiền lẻ như thể đã có một bàn tay vô hình nào đó thu gom chúng lại thành một đống.

Đôi chân của Sơn Ca thoăn thoắt, đi nhanh như chạy khiến tôi có chút vất vả. Vừa đi tôi vừa nghĩ, cảnh này trước đây tôi đã ít nhất một lần chứng kiến. Lần ấy tôi và R9 đã mua rất nhiều tiền vàng rồi bí mật mang ra hóa ở ngoài nghĩa địa Cầu Khoai. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ sau khi hai đứa chúng tôi hóa gần như xong thì một cơn lốc xoáy nhỏ hình trôn ốc đã xuất hiện, tàn trò bay lả tả trong đêm đen. Nhưng tôi và R9 đã hóa tiền vàng để gửi cho những người khuất mặt, còn đây thì Sơn Ca lại dùng tiền thật. Tuy cách thức có chỗ khác nhau nhưng tôi cho rằng Sơn Ca đã thành công trong việc hối lộ quỷ thần ở cánh đồng này, cũng có khi chẳng phải quỷ thần mà là những vong hồn vất vưởng.

- Mày đang nghĩ cái gì mà mặt khó đăm đăm thế?

Sơn Ca chợt dừng lại bất ngờ khiến tôi đâm sầm vào người anh ta.

- À… à thì… - Tôi nhăn nhó cười. – Thì anh không giải thích gì nên em phải tự nghĩ, tự lý giải những điều anh vừa mới làm khi nãy.

Đôi mắt của Sơn Ca bỗng trở nên tinh quái:

- Sao? Thế đã lý giải được chưa?

- Chả biết có đúng không! – Tôi cười gượng gạo.

Sơn Ca tặc lưỡi, giọng nhẹ nhàng động viên:

- Nói tao nghe thử đi, biết đâu đấy!

- À thì em nghĩ anh chọn tăm đồ buổi trưa như này hẳn là có lý do không muốn nói ra. Hhm… sao nhỉ? Em nghe nói giờ Ngọ thì dương khí rất thịnh, ma quỷ vì thế mà sợ té đái, trốn sạch!

- Mày nghe ai nói?

- Thì… - Tôi chép miệng. – Các cụ trong làng lúc trà dư tửu hậu nói vậy chứ em cũng chẳng rõ cụ thể là ai.

Sơn Ca nhếch mép cười, tôi cũng cười theo một cách gượng gạo.

- Vậy cứ cho là thế đi.

Sơn Ca nháy mắt, nói xong liền quay lưng bước đi.

Gần đến Đầm Sen thì con đường đất trở nên nhỏ hẹp, bề ngang mặt đường chưa đến một mét. Tôi dừng chân ngoái đầu nhìn ngôi làng thân thuộc bây giờ chỉ còn là những tán cây cao, những rặng tre xanh rì nằm phía xa xa. Tôi và Sơn Ca không đi thẳng vào khu Đầm Sen mà bước xuống ruộng, đánh một vòng qua khu đất rộng hàng nghìn mét vuông này sau đó mới dừng chân bên một mô đất nhỏ có vài cái cây để tránh nắng. Khu Đầm Sen gần giống như một ốc đảo nhỏ nằm giữa cánh đồng, điểm nhấn của khu này là một cái ao sen rất rộng mà bây giờ người thuê khu đầm này đã trồng rất nhiều loại cây xung quanh ao. Một cái lán khá rộng nằm gần bờ ao, ngoài khoảnh sân nhỏ trước lán có dựng một một chiếc xe máy cùng vài cái xe đạp thồ cũ kỹ dựng ở một góc gần đấy. Đã từ lâu rồi tôi không đặt chân đến nơi này bởi nó quá xa làng tôi, từ chỗ tôi đang ngồi nghỉ chân đến lũy tre của làng bên cạnh chưa đầy năm trăm mét.

- Đầm này có trộm cắp gì không mà sao nhiều bóng đèn điện thế nhỉ? – Sơn Ca chợt cất tiếng hỏi tôi.

- Em chưa bao giờ nghe đến chuyện trộm cắp ở đây. – Tôi tặc lưỡi. – Của một đống tiền nên chăng dây điện xung quanh để ban đêm sáng trưng cũng là phải anh ạ.

- Hình như dây điện dòng từ làng kia hả?

- Anh nhìn thấy rồi còn hỏi gì nữa.

Cách tầm năm chục mét lại có một cây tre khô thay cho cột điện cắm ở một góc ruộng, chỉ cần nhìn sơ qua thì tôi cũng đủ biết chủ thuê cái đầm này đã bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Mặc dù người đang là chủ của cái đầm này là chú họ của tôi nhưng tôi cũng không biết được nhiều thông tin, con gái của chú ấy học chung lớp cấp hai với tôi, đến cấp ba thì không còn học chung nữa. Tôi có loáng thoáng nghe bà tôi nói rằng đứa con gái của ông chú họ này chuẩn bị lấy chồng sau đó đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc hoặc Ba Lan. Tuy học chung lớp và gọi tôi là anh nhưng nó hơn tôi tận hai tuổi, vậy nên vừa tốt nghiệp cấp ba thì nó ngay lập tức lấy chồng cũng không có gì lạ.

- Tiến hành được chưa anh?

Tôi đưa tay quệt mồ hôi đang lấm tấm hai bên thái dương, nhăn nhó hỏi. Thay vì trả lời tôi thì Sơn Ca lại đảo mắt nhìn quanh đầy cảnh giác, anh ta hạ giọng:

- Để ý xem có người nào đến gần không hộ tao, nhanh thôi.

Tôi liền gật đầu. Sơn Ca lấy từ trong ba lô ra một bát cơm cúng khiến tôi khẽ giật mình, thảng thốt:

- Cái gì thế này?

- Đừng hỏi nhiều, việc của mày bây giờ là canh chừng!

Dứt lời, Sơn Ca lấy thêm ra một quả trứng cẩn thận ngồi bóc vỏ. Trong khi tôi còn chưa hết thắc mắc thì trên tay Sơn Ca đã cầm một đôi đũa bằng tre, hãy còn tươi mới, được vót rất cẩn thận. Chưa hết, anh ta còn dùng một con dao nhỏ hì hục ngồi gọt xung quanh một cái đũa tre khác to hơn hai cái tôi vừa nhìn thấy. Sau đó với nét mặt tỏ rõ sự hài lòng, Sơn Ca cắm hai đôi đũa vào bát cơm đã chuẩn bị, cái đũa to hơn được anh ta cắm vào sau cùng, tôi nhận ra anh ta làm vậy là để đặt hương vòng lên trên. Đây đích thị là lưng cơm quả trứng đặt bên trên nắp quan tài của người vừa tạ thế. Trong đầu ngổn ngang những câu hỏi nhưng tôi chỉ im lặng theo dõi mọi việc Sơn Ca làm. Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, Sơn Ca đặt bát cơm cúng sát một gốc cây rồi châm hương vòng.

- Tao xin hớp nước nào!

Tôi lấy chai nước từ trong bao tải ra đưa cho Sơn Ca với ánh mắt đầy hoài nghi.

- Mày cũng cẩn thận đấy, lúc nào cũng thủ thêm đôi ba chai nước.

Tôi không xem đây là một lời khen.

- Mày có biết trước khi lìa đời người ta sẽ làm gì không?

Sơn Ca bất chợt hỏi với giọng nghiêm túc khiến tôi chau mày suy nghĩ trong giây lát mới trả lời:

- Trước khi chết thì người ta thở.

Sơn Ca ho sặc sụa trong khi mặt tôi vẫn nghệt ra, anh ta mắng:

- Mày có thể thôi nói những câu không liên quan được không? Mẹ kiếp, ai chẳng biết ngừng thở là thành ma.

- Hề! – Tôi cười trừ, đưa tay lên gãi đầu. – Thì em thấy sao nói vậy, rõ ràng trước khi chết thì ai cũng còn thở mà.

Sơn Ca tát nhẹ một cái lên đầu tôi, mắng:

- Thằng ngu!

- Thế trước lúc nhắm mắt xuôi tay người ta thường nghĩ gì? Em đã chết đâu mà em biết được.

- Người ta sẽ hồi tưởng lại những vui buồn đã trải qua trong cuộc đời sau đó ra đi thanh thản và nếu còn có những khúc mắc, những bí mật không thể nói ra đành phải mang theo xuống mồ.

- Anh đã từng chết rồi hay sao mà anh phán thế?

- Tao chưa nhưng tao hỏi vong thì biết như vậy, thường thì họ sẽ nhớ con cháu, muốn thấy con cháu tụ tập đông đủ còn những người phải bỏ mạng nơi xa, điều mà họ mong muốn nhất chính là được trở về quê hương.

- Nói như anh thì ai chẳng nói được, suy cho cùng trước khi ra ma thì chẳng ai nghĩ giống ai, có phải không?

Sơn Ca nhếch mép cười nhạt rồi bỗng dưng đổi chủ đề:

- Tao và mày sẽ tìm được hai món đồ, một món dùng để đổi thành tiền xem như lộ phí, món còn lại tuyệt nhiệt không được đụng đến.

- Hả? Sao thế?

- Thứ còn lại chính là tro cốt của người đã khuất!

Sơn Ca vừa nói dứt lời, một cơn gió nhẹ thổi ngang qua khiến tôi khẽ rùng mình. Tôi đưa mắt ngó quanh, cảm thấy như có một bóng dáng nào đó đang lẩn khuất đâu đây dưới trời nắng chói chang.

- Em không… em không lấy đồ của người đã khuất kiểu này đâu, nhỡ đâu đang đêm họ về gọi cửa đòi thì em trả kiểu gì?

- Họ nhờ tao! – Sơn Ca đáp. – Họ năn nỉ ỉ ôi mãi tao mới nhận lời, dù gì sắp tới tao cũng có một chuyến lên biên giới, một công đôi việc nên tao sẽ mang tro cốt của họ về cố hương. Món đồ gia bảo của họ, họ dùng để trả công, hiểu chưa?

Tôi nhăn mặt:

- Em cứ thấy ghê ghê kiểu gì ấy.

- Ghê gì mà ghê, tao làm chuyện này thường lắm, kể ra là làm phúc đáy chứ.

- Nhưng em không thích người Tàu.

- Nhưng tiền mày có chê không?

Tôi cắn môi không nói, chỉ đành thở dài ngồi thừ ra một đống chờ đợi nhưng chẳng hiểu đang chờ cái gì.

Thời gian trôi đi một cách chậm rãi, mặt trời gần đứng bóng thì Sơn Ca đứng bật dậy phủi quần, vuốt ống tay áo cho thẳng thướm rồi châm ba cây hương cắm thật nhanh xuống đất và dập đầu vái lạy, miệng không ngừng lẩm nhẩm, tôi ngồi ngay gần bên nghe được nhưng không hiểu vì toàn tiếng Tàu. Bây giờ thì tôi có thể lờ mờ đoán ra được rằng sở dĩ Sơn Ca muốn đào bới vào giờ Ngọ có lẽ là để giảm thiểu những rủi ro từ âm phần có thể mang lại, khi mà ngoài món đồ cổ anh ta đã nhắc đến thì còn có một nắm tro tàn của người phương Bắc đang nằm đâu đó sâu dưới ba tấc đất gần chỗ tôi đang đứng.

***