Chương 21: Thu cục 4

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 21: Thu cục 4

Chương 21: Thu cục 4

Cảnh Thịnh đang ngồi trong thư phòng tại Cần Chánh Điện xử lý công việc phê duyệt tấu chương thì chợt thấy Đại đô đốc Lê Văn Hưng chạy vào, cung kính nói:

-Bẩm Bệ Hạ, quân đội Bắc hà đã đến!

Cảnh Thịnh nghe xong lấy làm mừng rỡ:

-Tốt! Khanh lập tức cầm chiếu chỉ của Trẫm lệnh cho Vũ Văn Dũng đóng quân tại bờ bắc sông Hương sau đó vào cung gặp Trẫm.

Lê Văn Hưng khom mình:

-Thần tuân chỉ!

Lê Văn Hưng nhận lệnh xong tức tốc xoay người ra ngoài.

Cảnh Thịnh hưng phấn đứng lên đi qua đi lại, chuyện cho đến lúc này xem như đại cuộc đã định, bước kế tiếp là làm sao thuyết phục được Trần Quang Diệu, cuối cùng tái cân bằng quyền lực ở trong triều, tránh đi vết xe đổ, vì chuyện này mà trong khoảng thời gian qua đã khiến cho Cảnh Thịnh phải vắt hết tâm sức đi suy nghĩ nhưng cuối cùng hắn cũng tìm ra được phương sách ổn thỏa.

Lê Văn Hưng phóng ngựa ra khỏi cửa thành bắc, tùy thân chỉ mang theo mười hộ vệ, một đường phóng thẳng đến trước doanh trại của quân Bắc Hà. Binh lính gác cổng doanh trại thấy có người đến vội tập trung tinh thần cảnh giác đề phòng, quát lên:

-Người đến là người nào?

Lê Văn Hưng ghìm cương hô lớn:

-Đại đô đốc Lê Văn Hưng phụng lệnh bệ hạ đến truyền thánh chỉ!

Binh sĩ gác cổng nói:

-Chờ!

Sau đó có người nhanh chân chạy vào trong thông báo, chỉ chốc lát sau đã thấy Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Đặng Văn Long, Tiết chế thủy bộ Nguyễn Quang Thùy cùng chư tướng tiến ra tiếp đón. Bọn họ trông thấy người đến là Lê Văn Hưng thì ai ai cũng lộ rõ vui mừng, nhất là Trần Văn Kỷ. Lê Văn Hưng nhanh chóng tuyên đọc thánh chỉ, Vũ Văn Dũng dập đầu tiếp chỉ, sau đó y liền cho đại quân di chuyển doanh trại đến bờ bắc sông Hương đóng giữ, bản thân Vũ Văn Dũng cùng với Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Đặng Văn Long thì mau chóng vào cung gặp vua. Cùng nhau cưỡi ngựa trên đường, Trần Văn Kỷ cao giọng ngạc nhiên:

-Ngài nói sao? Thái sư Bùi Đắc Tuyên cùng đồng đảng đã bị bệ hạ cho người bắt giữ giam vào Thiên Lao?

Lê Văn Hưng mỉm cười gật đầu, đoạn kể lại chi tiết quá trình, nghe xong Trần Văn Kỷ không biết nói gì, trong lòng nổi lên đủ thứ mùi vị tạp trần. Suốt bao nhiêu năm qua, y đã nhiều lần tìm cách hạ bệ Bùi Đắc Tuyên nhưng mãi vẫn không được mà nay chỉ cần bệ hạ ra lệnh một tiếng thế là mọi chuyện coi như xong, vậy mới biết gần vua như gần cọp. Trần Văn Kỷ âm thầm cảm thán, chắp tay hướng về phía hoàng cung:

-Bệ hạ anh minh!

Đoàn người đi đến Cần Chánh Điện đã thấy Cảnh Thịnh ngồi vững vàng ở trên ngai vàng chờ đợi sẵn, hai bên có các quan Thái úy Phạm Công Hưng, Đại đô đốc Đặng Văn Chân, Đại đô đốc Võ Đình Tú, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn đứng hầu. Đám người trông thấy Cảnh Thịnh thì vội vàng thi lễ quân thần. Vũ Văn Dũng nhìn thấy Cảnh Thịnh ngồi trên ngôi cao, mặc dù còn trẻ nhưng sắc mặt nghiêm trang, thần tình nội liễm, đã có nét uy nghi của bậc đế vương trong lòng lấy làm rất là vui mừng, cung kính nói:

-Chúng thần hộ giá chậm trễ, mong bệ hạ xá tội!

Cảnh Thịnh đưa tay hư đỡ:

-Chư công vất vả, nào có tội gì! Tội là ở Trẫm bấy lâu nay còn trẻ dại, lầm tin gian thần khiến cho triều chính rối bời, lòng người tản mát nay Trẫm đã trưởng thành, muốn kế thừa ý chí của tiên hoàng một lần nữa trọng chấn triều cương, đánh dẹp giặc Nguyễn mang lại thái bình ấm no cho muôn dân, vậy chư công có đồng ý tùy tùng Trẫm, đồng lòng ra sức cùng Trẫm xây dựng nên một triều đại phồn vinh hay không?

Mọi người xúc động nói:

-Chúng thần nguyện tùy tùng bệ hạ cho đến lúc chết mới thôi!

Cảnh Thịnh hài lòng gật đầu sau đó nói tiếp:

-Nay Trẫm tuyên bố phục chức Trung thư lệnh cho Trần Văn Kỷ, phục chức Binh bộ thượng thư cho Ngô Thì nhậm.

Trần Văn Kỷ tiến lên dập đầu tạ ơn, riêng Ngô Thì Nhậm vội vàng cung kính nói:

-Bẩm bệ hạ, thần nay sức yếu e sợ không gánh nỗi trọng trách này, mong bệ hạ ban ơn cho thần được vui thú điền viên, tìm người hiền tài khác!

Trung Thư Lệnh trợn mắt nhìn Ngô Thì Nhậm, tức giận đến nghiến răng nghiến lợi, cảm tình là người này làm cao làm giá. Cảnh Thịnh mỉm cười, hiện tại trong triều quan võ chiếm đa số đánh trận không sợ lo thiếu người nhưng mà thống trị địa phương, điều hành triều chính lại cần rất nhiều quan văn có tài. Ngô Thì Nhậm là một người tài giỏi, khả năng có thể làm tể tướng một nước, vào lúc cần người như thế này Cảnh Thịnh sao có thể để cho Ngô Thì Nhậm như ý, hắn cao giọng nói:

-Trẫm biết khanh sức khỏe không tốt nhưng mà lúc này xã tắc đang cần người cho nên Trẫm hy vọng khanh ráng chống đỡ một thời gian ngắn. Trẫm nghe nói con trai cả của khanh là một người tuổi trẻ tài cao không thua cho cha mình, Trẫm muốn bồi dưỡng y để y sau này trở thành trụ cột nước nhà.

Ngô Thì Nhậm đổ mồ hôi lạnh vội phân trần:

-Bệ hạ, thần tạ ơn bệ hạ đã quan tâm tới con trai của thần nhưng không ai hiểu con bằng cha, con của thần tài học thô thiển chỉ khoái ăn chơi lêu lổng, quả thật không thể làm nên trò trống gì.

Cảnh Thịnh mỉm cười đầy thâm ý:

-Ngọc không mài thì không sáng, huống chi y còn có một người cha bác học đa tài dẫn dắt, thôi khanh không phải khiêm tốt nữa, ý Trẫm đã quyết, trước cho y nhậm chức phụ tá cho Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ đợi đến lúc y đạt được công lao lại tái cất nhắc đề bạc cũng không muộn.

Ngô Thì Nhậm thấy Cảnh Thịnh đã hạ quyết tâm thì trong lòng liên tục kêu khổ, ngoài mặt vẫn phải tỏ ra cảm kích:

-Thần tạ chủ long ân!

Cảnh Thịnh hỏi tiếp:

-Vậy còn việc phục chức cho khanh?

Ngô Thì Nhậm vái dài nói:

-Thần xin nguyện ra sức mình, cúc cung tận tụy vì nước!

Cảnh Thịnh lấy làm vui mừng liên tục hô lên ba tiếng "tốt".

Trần Văn Kỷ nhìn cách hành xử của Cảnh Thịnh mà trong lòng âm thầm tán thưởng, điều cậu cả Ngô đến làm việc dưới trướng Trần Văn Kỷ đây là trắng trợn uy hiếp Ngô Thì Nhậm, cả đời y chỉ có một đứa con này là y lấy làm thương yêu và tự hào nhất, cũng chính vì vậy y không muốn để cho con trai tham gia vào chốn quan trường đầy rẫy âm mưu và nguy hiểm bởi chỉ cần sơ sẩy một bước là vạn kiếp bất phục, lần này Cảnh Thịnh trực tiếp ép buộc con y ra làm quan nếu như y còn không biết điều ra sức vì Cảnh Thịnh thì Cảnh Thịnh bất cứ lúc nào cũng có thể chỉnh con trai của y, sống hay chết chỉ là một ý niệm mà thôi. Đến lúc này,Ngô Thì Nhậm chỉ còn có nước tái xuất ra làm quan hơn nữa càng là phải tự thân gắng sức trở thành trọng thần hữu dụng trong lòng của Cảnh Thịnh thì con trai của y mới có thể có chỗ dựa mới có thể đảm bảo an toàn được.

Bây giờ, Bùi Đắc Tuyên đã trừ kế tiếp là bàn việc ổn định triều chính trong thời gian tới ra sao, Cảnh Thịnh cùng với các quan trọng thần mật đàm hết cả một ngày mới kết thúc. Ngô Thì Nhậm vừa mới trở về nhà thì Thánh Chỉ trong cung cũng liền theo đến, lệnh Ngô Thì Nhậm tái nhậm chức Thượng Thư Bộ Binh, cậu cả Ngô dính ánh sáng của cha được phong chức Thị Lang theo Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ làm việc tại Trung Thư Sảnh, chuyện này khiến cho cậu cả Ngô vui sướng nhảy nhót tưng bừng không thôi, ở trước mặt lão cha dương oai diễu võ khiến cho Ngô Thì Nhậm tức giận đến dựng râu trợn mắt.

Lại nói Đại thống lĩnh Trần Quang Diệu dẫn theo mười vạn quân vây thành Diên Khánh đã một thời gian khá dài nhưng lại án binh bất động không hề cường công cho dù quân Nguyễn nhiều lần phái người khiêu khích cũng vô ý đánh thành, chuyện này khiến cho tướng trấn thủ diên khánh là Võ Tánh cùng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh một đầu mờ mịt không biết đường đâu mà lần bởi vỗn dĩ thành Diên Khánh sau khi được người pháp hỗ trợ xây dựng lại thành một pháo đài chắc chắn theo lối kiến trúc phương Tây, Võ Tánh có ý định dụ quân Tây Sơn đến công thành để tiêu hao sinh lực nhưng mà quân Tây Sơn chỉ vây chứ không đánh khiến cho ý định của Võ Tánh thất bại.

Lúc này, Trần Quang Diệu cùng Bùi Thị Xuân đang ở trong lều soái bàn bạc việc quân thì phía bên ngoài chợt có thân binh chạy đến dâng lên một tờ mật tín. Trần Quang Diệu vội vàng cầm lấy tờ mật tín, phất tay cho tả hữu lui hết ra ngoài, trong lều chỉ còn lại Bùi Thị Xuân thì mới mở tin ra đọc, tin là do Nguyễn Văn Huấn từ kinh thành truyền tới. Bùi Thị Xuân sốt ruột nhìn Trần Quang Diệu, thấy y đọc tin mà sắc mặt biểu hiện dần dần nghiêm trọng, nàng không biết là chuyện gì xảy ra nên rất lo lắng nhưng vẫn kiên nhẫn chờ cho đến khi Trần Quang Diệu đọc xong hết tin nhắn mới gấp hỏi:

-Mọi chuyện thế nào?

Trần Quang Diệu không dám tin vào mắt mình, y cẩn thận đọc đi đọc lại mấy lần nội dung trên tờ mật tin đến khi xác nhận là không có sai lầm mới ngẩng đầu nhìn trời cười khổ:

-Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, đều là do ý trời!

Bùi Thị Xuân thấy Trần Quang Diệu không có trả lời nàng mà lại có biểu hiện như vậy thì không kiên nhẫn nổi nữa vội đoạt lấy tờ mật tin trên tay Trần Quang Diệu tự mình đọc, đọc xong nàng liền hiểu tại sao chồng mình lại có biểu hiện như vậy, nàng lo lắng hỏi:

-Thái sư và đồng đảng bị tự tay bệ hạ ra lệnh bắt nhốt vào Thiên Lao, Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, Đại đô đốc Đặng Văn Long cùng Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ vâng chỉ khởi hơn mười vạn binh về kinh hộ giá, hiện tại toàn bộ kinh thành đã nằm dưới sự quản lý của Thái Úy Phạm Công Hưng chuyện này là thật ư?

Trần Quang Diệu gật đầu:

-Chuyện này là thật, Nguyễn Văn Huấn chắc chắn không dám gạt ta, chỉ là ta không ngờ đến Vũ Văn Dũng cùng Trần Văn Kỷ lại dám hợp với Đặng Văn Long khởi binh hơn mười vạn về kinh, ta chỉ nghĩ là Trần Văn Kỷ sẽ cùng với Phạm Công Hưng và các quan vận dụng một vạn quân Tả Hữu Vệ Quân để diệt trừ Bùi Đắc Tuyên sau đó Nguyễn Văn Huấn sẽ báo tin cho chúng ta thần tốc kéo mười vạn quân về ổn định kinh thành, mà nay có Vũ Văn Dũng tham gia ta e mọi sự càng thêm rối, sức ta đã khó mà khống chế đại cuộc.

Bùi Thị Xuân thở dài hỏi:

-Nay tình thế đã đến nước này chúng ta phải làm sao?

Trần Quang Diệu hạ quyết tâm:

-Chúng ta cũng lập tức về kinh hộ giá, không thể để cho bọn họ một tay che trời!