Chương 20: Thu cục 3

Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 20: Thu cục 3

Chương 20: Thu cục 3

Ngô Văn Sở một mình theo chân Vũ Văn Dũng vào trong phòng khách để lại đám hộ vệ đứng ở bên ngoài chờ đợi.

Vũ Văn Dũng mời y nhập tiệc, không nói chuyện gì khác chỉ nhắc lại những kỷ niệm năm xưa hai người từng một thời kề vai chiến đấu ở bên cạnh Quang Trung Hoàng Đế. Ngô Văn Sở nhớ lại những năm tháng hào hùng đó mà trong lòng cũng bùi ngùi mãi không thôi, thật ra Vũ Văn Dũng cố ý nhắc lại những chuyện này là vì gã vẫn còn nể tình Ngô Văn Sở, muốn thử xem y có biết đường hối cải hay không nhưng mà rượu quá một vòng Ngô Văn Sở liền trở nên không kiên nhẫn, y lấy từ trong lồng ngực ra một cuộn giấy vàng nói lớn:

-Vũ Văn Dũng tiếp chỉ!

Vũ Văn Dũng nhìn thấy tờ thánh chỉ này thì vội vàng quỳ xuống:

-Thần tiếp chỉ!

Ngô Văn Sở cao giọng đọc:

-Thuận thiên thừa mệnh, Bệ hạ có chỉ, nay lệnh cho Vũ Văn Dũng tạm thời rời chức Tổng Đốc Bắc Hà giao lại binh quyền cho Đại đô đốc Ngô Văn Sở, sau khi giao tiếp xong thì lập tức lên đường về kinh phục mệnh chờ đợi khen thưởng, khâm chỉ!

Vũ Văn Dũng dập đầu bái:

-Tạ chủ long ân!

Ngô Văn Sở đỡ Vũ Văn Dũng đứng dậy thần tình nghiêm túc nói:

-Lệnh vua không thể chậm trễ, làm phiền Đại đô đốc mau chóng giao tiếp để còn về kinh phục mệnh!

Vũ Văn Dũng cầm lấy thánh chỉ mà Ngô Văn Sở đưa sang mở ra đọc lại một lượt sau đó liếc nhìn Ngô Văn Sở, đoạn ngửa đầu cười to, trong tiếng cười ẩn chứa sự chua chát. Ngô Văn Sở trong lòng thấp thỏm không ngừng nhưng bề ngoài vẫn làm như bình tĩnh không chút hoang mang, thong dong hỏi:

-Đại đô đốc cớ chi lại cười như vậy?

Vũ Văn Dũng ngưng cười, đột nhiên sắc mặt chuyển thành giận giữ, chỉ vào mặt Ngô Văn Sở mà mắng:

-Ta cười thói đời bạc bẽo! Hay cho ngươi - Ngô Văn Sở, hay cho một trong Thất Hổ Tướng! Tiên hoàng đãi ngươi không tệ thế mà ngươi dám mang lòng phản nghịch, cấu kết với gian thần để hãm hại trung lương, hãm hại những người đồng đội đã từng một thời vào sinh ra tử với ngươi. Người đâu, lập tức bắt lấy kẻ phản nghịch này cho ta!

Vũ Văn Dũng hô một tiếng, hơn chục võ sĩ được bố trí mai phục sẵn từ trước lập tức đạp đỗ mấy bức bình phong, cầm đao xông ra. Ngô Văn Sở hoảng hốt chống cự nhưng mà hai tay nan địch quần hùng, huống chi còn có Vũ Văn Dũng trợ trận, cuối cùng mang thương tích đầy mình bị quân sĩ trói lại. Ngô Văn Sở trừng mắt nhìn Vũ Văn Dũng quát lớn:

-Vũ Văn Dũng to gan, ngươi dám kháng chỉ là muốn tạo phản ư?

Vũ Văn Dũng không nói gì bởi đã có người khác thay gã trả lời, đó là Trần Văn Kỷ:

-Kháng chỉ? Ngươi dám giả truyền thánh chỉ mà còn dám mạnh miệng?

Ngô Văn Sở xoay đầu sang, nhìn xem là người nào lên tiếng, liền thấy Trần Văn Kỷ cùng với Ngô Thì Nhậm chẳng biết từ lúc nào đã đến bên cạnh y, nhìn thấy Trần Văn Kỷ, đôi con ngươi của Ngô Văn Sở không khỏi hoảng sợ co lại:

-Trần Văn Kỷ? Ông không phải là đang ở trấn Mỹ Xuyên ư?

Trần Văn Kỷ không muốn nhiều lời với y, liền móc từ trong ngực ra một tờ thánh chỉ khác đưa đến trước mặt Ngô Văn Sở:

-Ngươi xem đây là gì!

Ngô Văn Sở nhìn thấy tờ thánh chỉ này thì chấn kinh, sau khi đọc xong nội dung trên đó thì sắc mặt tái mét. Hóa ra, Cảnh Thịnh đã lường trước được việc y và Bùi Đắc Tuyên sẽ giả truyền thánh chỉ triệu Vũ Văn Dũng về kinh để diệt trừ, trong nội dung của tờ thánh chỉ, Cảnh Thịnh có dặn dò Vũ Văn Dũng một khi Ngô Văn Sở ra đất Bắc Hà giả truyền thánh chỉ thì phải lập tức bắt lấy, sau đó khởi binh mười vạn nhanh chóng tiến về kinh hộ giá. Ngô Văn Sở thế mới biết, việc này vốn đã thất bại ngay từ đầu rồi, hóa ra là người ta đã giăng sẵn bẫy để chờ y chui đầu vô lưới, thất bại đồng nghĩa với mất tất cả, cõi lòng tan nát, Ngô Văn Sở bi thảm ngửa đầu cười to, nơi khóe mắt có hai vệt nước mắt rơi xuống.

Trần Văn Kỷ cùng Vũ Văn Dũng thấy Ngô Văn Sở thê thảm như vậy thì cũng thổn thức không thôi, dù gì trước kia Ngô Văn Sở cũng là một trong Thất Hổ Tướng của nhà Tây Sơn, đánh đông dẹp bắc vang danh thiên hạ, chỉ thấy Trần Văn Kỷ cảm khái nói:

-Từ xưa đến nay anh hùng nan độ mỹ nhân quan, ôn nhu hương chính là mộ chôn anh hùng!

Vũ Văn Dũng quát bảo quân lính:

-Đem xuống nhốt lại, cắt cử người trông coi cho kỹ càng đợi ngày áp giải về kinh luận tội!

Binh lính dạ vang sau đó chấp hành mệnh lệnh của Vũ Văn Dũng đem Ngô Văn Sở hạ ngục nhốt lại, đám hộ vệ đi theo Ngô Văn Sở đang đợi phía bên ngoài thì cũng đã bị quân sĩ chém giết, không cần quan tâm. Lúc này, Ngô Thì Nhậm lại không có thời gian để mà thổn thức như Trần Văn Kỷ và Vũ Văn Dũng, y đang nghiền ngẫm nội dung tờ mật chỉ của Cảnh Thịnh, trong lòng âm thầm than thở, thế cuộc như con quay xoay vần nào ai có thể lường trước được, vốn là vị kia đã bố cục tốt lắm nhưng ai mà ngờ Cảnh Thịnh lại có thể giữa đường giết ra làm đảo loạn tất cả, thuận thế đẩy thuyền củng cố lại hoàng quyền.

Ngô Thì Nhậm thật không dám tin đây là Cảnh Thịnh mà y đã từng biết, chỉ mới có hai năm mà đã trưởng thành đến mức độ này hơn nữa Cảnh Thịnh chỉ mới có mười hai tuổi, Ngô Thì Nhậm phỏng đoán chắc chắn rằng phía sau lưng của Cảnh Thịnh có cao nhân ẩn sĩ nào đấy đang bày mưu đặt kế, người ẩn sĩ này cũng thật là cao thủ, không ra tay thì thôi đã ra tay thì gió giục mây vần, phiên thiên phúc vũ cũng chỉ đến thế. Ngô Thì Nhậm cứ mãi suy tư muốn đoán ra người này là ai.

Trần Văn Kỷ liếc mắt nhìn Ngô Thì Nhậm thấy y thất thần còn tưởng là y vẫn còn bị chuyện vừa nãy làm cho kinh hãi, vội hô lên:

-Ngô Thượng Thư! Ngô Thượng Thư!

Ngô Thì Nhậm nghe tiếng Trần Văn Kỷ gọi tên mình thì giật mình hồi thần:

-Ông gọi tôi chuyện gì?

Trần Văn Kỷ nói:

-Chuyện cho đến lúc này chắc hẳn không cần tôi nói thì Ngô Thượng Thư đã rõ mọi chuyện, ngài có ý nghĩ như thế nào không ngại nói ra để cho mọi người cùng tham khảo.

Ngô Thì Nhậm gật đầu:

-Trước kia tôi đã đoán ra trước sau gì các ông cũng sẽ khởi binh về kinh, điều tôi lo lắng nhất chính là "danh bất chính ngôn bất thuận", hơn nữa ở kinh thành còn có đại tổng quản Trần Quang Diệu đang trấn giữ.

Trần Văn Kỷ hoàn toàn đồng ý:

-Ngô Thượng Thư nói đúng vậy nhưng mà hiện tại những chuyện đó đã không còn đáng lo nữa, mà cho dù Trần Quang Diệu có ở kinh thành thì dưới sức ép từ hai phía, y trước sau gì cũng phải nhượng bộ.

Ngô Thì Nhậm liếc mắt nhìn Trần Văn Kỷ lộ ra nụ cười nhạt:

-Văn Kỷ uổng cho ông bấy lâu nay thân ở cao vị, ông không biết kẻ này đáng sợ như thế nào ư?

Kế đó, Ngô Thì Nhậm bèn nói rõ nguyên do vì sao mà mình sớm phải từ quan lui về ở ẩn, chỉ rõ những bố cục của Trần Quang Diệu từ trước đến nay, phân tích thế cờ của Cảnh Thịnh ảo diệu chỗ nào cho Trần Văn Kỷ và Vũ Văn Dũng hiểu rõ, hai người nghe xong liền đồng thời hít sâu một hơi khí lạnh, nhất là Trần Văn Kỷ một thân mồ hôi đổ ra như mưa thấm ướt lưng áo, thế mà từ trước đến giờ Trần Văn Kỷ cùng với bá quan chỉ cho rằng Trần Quang Diệu là một kẻ chỉ biết bo bo giữ mình, may mắn là có Cảnh Thịnh giữa đường giết ra làm đảo loạn bố cục và hậu thuẫn cho hai người bọn họ hành động chứ nếu không sau này đám người chết như thế nào cũng mơ hồ không biết.

Trần Quang Diệu kẻ này cũng thật quá đáng sợ bất tri bất giác mà bày ra cái bẫy lớn như thế, làm bạn với y bao lâu nay vậy mà Trần Văn Kỷ hóa ra hoàn toàn chưa hiểu hết về y. Vũ Văn Dũng vội nói:

-Nay con đường phía trước đã sáng tỏ, chúng ta đã biết Trần Quang Diệu có âm mưu lớn như thế thì càng không nên chậm trễ, bây giờ tôi sẽ đi điểm binh, sáng ngày mai chúng ta lập tức xuất phát về kinh hộ giá.

Ngô Thì Nhậm cùng Trần Văn Kỷ đồng thời tán thành:

-Đúng vậy!

Vũ Văn Dũng không chần chờ lập tức giục ngựa đi đến doanh trại, nhanh chóng phát tin cho các nơi tức tốc tập trung binh lính, hạn trong vòng một ngày các bộ các doanh phải vào đúng chỗ, kẻ trái lệnh trảm không tha. Dưới mệnh lệnh của Vũ Văn Dũng, cả vùng Bắc Hà như sôi lên, hơn mười vạn quân đã chuẩn bị từ trước lấy tốc độ nhanh nhất tập trung lại, sáng ngày hôm sau trùng điệp xuất phát về phía kinh thành Phú Xuân. Ngô Văn Sở bị bỏ lên xe tù mang theo về kinh. Ngô Thì Nhậm dù không muốn nhưng Cảnh Thịnh đã có khẩu dụ cho nên bất đắc dĩ mang theo gia quyến cùng đi. Cậu cả Ngô lần đầu tiên thấy được cảnh tượng hoành tráng như thế thì trong lòng hưng phấn không thôi, liên tục thò đầu ra ngoài xe hết nhìn đông lại đến nhìn tây.

Vũ Văn Dũng cùng Trần Văn Kỷ dẫn đại quân đi hết ba ngày đường thì đến Trấn Mỹ Xuân, tại đây hợp quân với năm ngàn tinh binh của Đặng Văn Long đã chờ đợi sẵn cùng tiến về kinh. Lúc đến kinh thành, đoàn người hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy toàn bộ kinh thành đã được giới nghiêm, trên thành tinh kỳ phấp phới, binh lính canh giữ nghiêm ngặt cho dù nhìn thấy đại quân của Vũ Văn Dũng cùng Đặng Văn Long cũng không hề tỏ ra hoang mang sợ hãi.

Vũ Văn Dũng không dám hành động bừa bãi, lệnh cho đại quân cách thành một dặm tại chỗ hạ trại. Qua nửa ngày, thám tử chợt thấy cổng thành phía bắc được binh lính kéo lên, Lê Văn Hưng dẫn đầu mười kỵ sĩ phi về phía đại quân đang đóng trại mà đến, phía trên thành lâu cao Thái úy Phạm Công Hưng, Đại đô đốc Đặng Văn Chân, Đô đốc Nguyễn Văn Huấn đều đã xuất hiện nhìn về phía quân đội Bắc Hà, thần sắc trầm trọng, kinh thành Tả Hữu Vệ Quân chỉ có hơn một vạn quân coi giữ cùng với bảy ngàn thủy quân nếu như quân đội Bắc Hà cường công thì không thể thủ được.