Chương 14 Triều tranh
Đường về lần này nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ mất hơn hai ngày đường đoàn người đã về đến kinh thành. Không khí phồn hoa đất kinh kỳ ngày gần tết hiện ra vô cùng náo nhiệt. Mới tờ mờ sáng đã có vài ngàn người thân của đội quân chống dịch tụ tập trước cổng thành đón Hoàng Diệu và Ưng Lịch trở về. Dẫn đầu họ là Kiên Quốc Công - Nguyễn Phúc Hồng Cai, cha ruột Ưng Lịch. Thấy cha mình, Ưng Lịch vội đi xuống kiệu chạy đến ôm chầm lấy ông.
Hồng Cai từ tốn bảo:
- Con à, mày gầy đó!
- Cũng không vất vả lắm đâu cha. Việc nặng có anh em binh sĩ lo rồi.
Lịch lên tiếng.
- Nhưng đa số là mày phải chỉ đạo mà. Mọi lần dịch bệnh nhẹ chết cũng gấp mấy lần này là ít.
Ông nói.
- Nhờ mọi người có ý thức và góp công góp sức mới được thế đấy cha.
- Thôi, mày cũng mệt rồi, về nhà nghỉ ngơi đi con.
- Không vội, cha con ta vào cung gặp thái hậu đã?
Lịch lên tiếng.
- Để làm gì thế con trai?
Hồng Cai tỏ vẻ không hiểu.
- Hữu bị vô hoạn cha ạ! Mai lên triều có kẻ muốn giở trò.
Hắn nói với đối mắt nhiều suy nghĩ và mưu kế.
- Là thằng nào dám ăn gan hùm mật báo mà dám động tới con ta? Để ta cho nó một trận.
Hồng Cai nói. Khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận.
- Đám người của hoàng trưởng tử đó cha. Con có cách trị đám này rồi. Cha cũng cho người đi mời các vị cổ đông sang công ty xe đạp buổi chiều nay đi. Nói với họ chiều nay công ty chia cổ tức.
- Được rồi! Bây đây, đi mời các vị đại nhân chiều nay sang công ty bàn việc.
Hai cha con Hồng Cai- Ưng Lịch dưới sự hộ tống của mấy tên lính hầu đi thẳng vào cung. Ưng Lịch cho mang theo mấy cái hòm tráp. Đến cửa đại nội, Ưng Lịch cho ba tên thái giám mỗi tên một quan tiền để nhờ chúng khiêng hộ đống hòm xiểng này. Hồng Cai bảo tên canh cửa vào thưa với thái hậu. Mười lăm phút sau có cung nữ chạy ra:
- Thái hậu tuyên cha con Kiên Quốc công vào tấn kiến!!!
Hai cha con cùng mấy tên thái giám khiêng hòm đi vào yết kiến thái hậu Từ Dũ. Sau khi hành lễ với Từ Dũ xong, Ưng Lịch chắp tay cúi người thưa:
- Bẩm Thái Hậu, nhân dân Quảng Trị cảm ân đức Thái hậu có dâng lên người tờ biểu tạ ân cùng dấu tay chính họ đấy ạ.
- Ồ, con đem cho ta xem nào!
Ưng Lịch dâng lên tờ biểu, mở hòm ghi danh sách dân chúng cùng dấu tay của họ dâng lên cho Từ Dũ. Hơn hai mươi ngàn người dân điểm chỉ vào đống danh sách đó, tất nhiên là dưới sự giúp đỡ của Ưng Lịch. Chưa hết vui mừng, Từ Dũ lại tò mò hỏi:
- Thế cái bọc gì kia?
- Bẩm thái hậu, dân chúng có thêu bức hoành phi để cảm cái ơn đức của người đó ạ.
Ưng Lịch nói.
- Mở ra ta xem đi!
Mẹ Tự Đức lên tiếng.
Ưng Lịch tự tay mở 2 cái bọc ra, dựng hai bức tranh chữ thêu bằng chỉ tơ vàng trên lụa đỏ lên. Một bức viết: " Đại Nam quốc mẫu"; bức còn lại ghi: " Tạo phúc muôn dân". Thái Hậu Từ Dũ thấy vậy mừng lắm, giữ hai cha con Ưng Lịch - Hồng Cai ở lại dùng bữa trưa với bà.
Sau buổi ban yến, hai cha con lấy lý do Ưng Lịch rời nhà lâu ngày, xin phép về nhà sớm với người thân mà từ biệt thái hậu rồi xuất cung. Ưng Lịch không về nhà luôn mà bảo hai tên lính khiêng kiệu của mình đến công ty xe đạp. Đợi chờ hơn hai tiếng sau các quan lớn có cổ phần đã tụ tập đông đủ trong phòng giám đốc của hắn. Ưng Lịch nói với họ hôm nay là ngày chia tiền thưởng tết và trả cổ tức hàng năm. Hắn xuất ra mười lăm ngàn quan tiền cho bọn họ, mười bốn ngàn quan là cổ tức, một ngàn quan là tiền thưởng tết cho các cổ đông. Các quan ai nấy mừng tít mắt, đồng loạt chắp tay tạ ơn hắn. Ưng Lịch lại trao đổi tiếp với họ về việc mở xưởng làm giấy và xưởng dệt, nhờ các quan hỗ trợ cho về mặt nhân lực, tùy theo số nhân lực sẽ sở hữu từng đó cổ phần của xưởng giấy và xưởng dệt.
- Các quan có thể cho tá điền, người ở đến làm tại xưởng, lương của chúng sẽ trả một phần cho các quan, cơm ăn thì xưởng sẽ nuôi chúng hai bữa.
Ưng Lịch nói.
- Ngài nói thật hay đùa vậy!?
Mọi người hỏi lại.
- Quân tử nhất ngôn. Huống hồ ta còn là hoàng tộc.
Nghe đến đây, mấy vị này đều sáng mắt lên, cho đám người ở đi làm việc thế này còn kiếm được nhiều hơn là làm ruộng thu tô, lại đỡ được hai bữa ăn với cái tiếng bóc lột kẻ nghèo.
Sau một hồi bàn bạc, các quan góp được hơn một ngàn người cho hai cái xưởng kia, về việc bao tiêu sản phẩm thì họ có trách nhiệm lo với triều đình để xưởng được cung cấp giấy cho toàn bộ Miền Trung kỳ. Lợi nhuận thì các quan lấy ba phần, một phần nộp lên triều đình, sáu phần về tay Ưng Lịch. Các quan sẽ lấy mười lăm ngàn quan tiền cổ tức hôm nay ra góp vốn cho xưởng dệt và xưởng giấy, đất mở xưởng và xây dựng nhà xưởng cùng nhân lực được bọn họ lo. Ưng Lịch chỉ cần cung cấp máy móc thiết bị và điều hành công việc các xưởng này. Các quan chắp tay bái tạ rồi ra về, ai cũng hí hửng được món hời.
Tuy nhiên, gã con của Kiên Quốc Công vẫn chưa hết việc. Cậu lệnh cho kế toán và thủ quỹ chia thưởng tết cho công nhân xưởng xe đạp. Mỗi người được một quan tiền cùng một súc vải may đồ tết.
- Đội ơn cậu!
Đám công nhân nghe vậy tất cả đều quỳ xuống cảm ơn đức của cậu Ưng Lịch.
Xong xuôi công việc, Ưng Lịch cùng hai tên lính về nhà. Mẹ hắn khi gặp được hắn sau hơn ba tháng xa cách đã mừng phát khóc. Buổi tối, Kiên Quốc Công mở tiệc tẩy trần cho hắn, cả gia đình cùng ngồi quanh một chiếc bàn tròn lớn ăn uống vui vẻ. Ưng Lịch sắp xếp cho chị Đào, vợ tú tài Vinh làm việc trong nhà bếp phủ Quốc công, thằng bé Bảo theo hầu hắn còn con bé Hạnh em nó thì theo hầu mẹ hắn. Xong xuôi mọi việc, Ưng Lịch bàn bạc với Kiên Quốc Công kế hoạch vào chầu ngày mai.
- Con có nắm chắc không đó.
Kiên Quốc Công hỏi.
- Có bá quan, thái hậu chống lưng, vô số quân bài phía sau, không nắm chắc thì mới là lạ.
Sau đó, cậu lên giường ngủ.
Canh tư sáng hôm sau, hai cha con đã sửa soạn quần áo lên triều. Ưng Lịch chưa có chức quan nên chỉ mặc áo dài màu xanh cùng đội khăn xếp. Mặc quần áo xong, cậu nằm lên cái võng tre để hai tên lính khiêng đi cùng chiếc xe đạp của cha hắn vào đại nội. Ngoài cửa cung, bây giờ người ta chăng dây làm bãi đậu xe đạp cho các quan, bất cứ ai không có xe đạp đi chầu đều bị người ta khinh bỉ, coi như đám nhà quê cả.
- Kiên Quốc Công!
Thấy hai cha con đi đến, vô số quan lại chắp tay vái chào. Ưng Lịch học theo cha mình cũng vái tạ và chào hỏi bọn họ.
Sáng sớm, khu vực trước điện Thái Hòa đã có binh lính cầm đèn lồng đứng trang nghiêm. Hoàng đế xa giá từ điện Cần Chánh ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa. Sau khi nghe tiếng trống chầu ở lầu Ngũ Phụng, bá quan văn võ bắt đầu tiến cung vào sân trước điện Thái Hòa để tham gia nghi thức thiết triều. Tự Đức ngồi uy nghiêm trên ngai vàng trong Điện. Các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu. Sau khi nhà vua an tọa trên ngai vàng ở bên trong điện Thái Hòa, các quan thực hiện nghi thức bái lạy vua, mở đầu cho buổi thiết đại triều.
Hoàng Diệu dẫn đầu báo cáo công tác chống dịch của gần 3 tháng qua.
- Bẩm tấu bệ hạ, tổng cộng đợt dịch này có mười ngàn dân mắc bệnh, số lượng người chết là tám trăm người, dịch lan chủ yếu trong 4-5 huyện thuộc Quảng Bình và Quảng Trị. Nguyên nhân dịch do đàn vịt trời phương bắc mang mầm bệnh cúm lây cho vịt nhà rồi lây sang người. Sau 3 tháng toàn các vùng đã hết dịch, dân chúng cũng đủ lương thực ăn đến vụ thu, không cần nhờ triều đình cứu tế nữa.
Hoàng Diệu không nhận chút công lao gì về mình mà đẩy hết cho Ưng Lịch. Ông nói nếu không có đống vật tư và các sáng kiến của thằng bé 3 tuổi này thì kết quả trận dịch bệnh có lẽ đã xấu hơn rất nhiều. Hàng ngàn người không chết vì bệnh cũng sẽ chết vì đói, mà có khi dân đói quá còn dẫn đến họ làm liều như ở Bắc Hà nữa. Bá quan văn võ ai cũng trầm trồ, tò mò sao 1 đứa trẻ 3 tuổi lại nghĩ ra nhiều chủ ý tuyệt vời đến vậy. Kiên Quốc Công thì hãnh diện ra mặt kiểu " ai giỏi bằng con ta". Tự Đức ngự trên ngai vàng nói nhỏ vào tai lão thái giám truyền lệnh, tiếp theo một cái giọng the thé vang lên:
- Truyền Nguyễn Phúc Ưng Lịch nhập điện diện thánh!
Ưng Lịch bắt đầu đi vào điện Thái Hòa, quỳ xuống bái:
- Thần Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ năm của Kiên Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Cai bái kiến thánh thượng! Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạnvạn tuế.
- Khanh bình thân! Khá khen cho khanh phát huy tài năng trong lúc nguy nan cứu vớt bách tính trong cơn nước sôi lửa bỏng, tỏ rõ cái khí khái con cháu Hoàng gia.
Tự Đức lên tiếng.
- Tạ ơn Thánh thượng. Đều nhờ hồng phúc thánh thượng và sự cố gắng của anh em binh sĩ cùng tham tri đại nhân thì dịch mới dập được ạ. Thần tuổi nhỏ sức mọn, chỉ biết chỉ tay chứ có làm được gì đâu.
Lịch nói.
- Ha ha! Tuổi nhỏ mà không kiêu, nói đi, khanh có yêu cầu gì, trẫm chuẩn cho.
- Tạ thánh thượng, thần tuổi nhỏ chưa cần gì cả, chỉ xin thánh thượng khao thưởng anh em binh sĩ chống dịch thôi ạ.
Hắn nói.
Mắt thấy Tự Đức hơi xịu mặt xuống vì triều đình lúc này còn phải chuẩn bị đón tết cũng không dư dả tiền bạc gì, Ưng Lịch lại thưa:
- Tâu Thánh thượng, nhờ ơn mưa móc của thánh thượng, công ty xe đạp của thần buôn bán có chút lợi lộc. Nay thần xin xuất ra năm ngàn quan tiền coi như thay mặt triều đình khao thưởng anh em binh sĩ lần này. Hằng năm kinh doanh nếu có lợi, thần cũng sẽ trích một phần dâng lên triều đình ạ.
Chuyện này đúng là chấn động. Nên nhớ quan lại, sĩ phu cùng hoàng tộc dù gia sản đồ sồ đều không phải đóng thuế. Dân đen không xu dính túi lại phải đè ra mà đóng. Có người thấy hắn ngốc nhưng cũng có người cảm phục tài trí của đứa trẻ này.
- Tốt! Tốt! Khanh có công thì nên thưởng! Trẫm phong khanh tước huyện nam, đất phong là huyện Hải Lăng.
- Tạ thánh thượng!
Bỗng trong đám ngự sử có tiếng hô:
- Hãy khoan thưa thánh thượng! Thần có việc hệ trọng bẩm tấu.
- Chuẩn.
- Thần tố cáo Tham tri bộ lại cùng hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Lịch nhiễu hại chúng dân, tham ô ăn hối lộ, lạm sát vô tội, cướp đất của lương dân.
Ưng Lịch nhìn về phía một thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi, mặc mãng bào, ánh mắt lộ rõ vẻ khinh thường hắn. Đây chắc chắn là Ưng Chân, con nuôi trưởng của Tự Đức rồi. Tên ngự sử vừa tâu thường xuyên đàm đúm uống rượu với hắn đây mà.
Tự Đức mặt không biểu tình:
- Việc này là sao?
- Tâu thánh thượng, đây là huyết thư của người nhà tri huyện Lê Văn Vạc tố cáo tội ác của hai kẻ kia. Do huyện Vạc phát hiện bọn họ tham ô nhũng nhiễu nên đã bị giết người diệt khẩu ạ.
- Hoang đường!
Ưng Lịch tức giận hét to. Cậu sau lại từ tốn nói:
- Tâu thánh thượng, huyện Vạc chủ mưu tham ô lương thực cứu trợ triều đình, tội đáng chết muôn lần. Chứng cứ giấy trắng mực đen, có tố cáo của dân chúng vùng dịch, tang chứng vật chứng đều đã có hình bộ xem xét rồi mới ra án tử. Thần phải xử giảo hắn ngay để xoa dịu dân chúng trong cơn phẫn nộ ạ.
- Có thật thế không? Cho truyền hình bộ thượng thư.
Tự Đức lên tiếng.
- Bẩm thánh thượng, tất cả bằng chứng đều đúng người đúng tội ạ. Huyện Vạc đánh chết lắm. Nguyễn Văn Tường đứng trước cửa điện chắp tay tâu.
Gã ngự sử nao núng. Dù vậy, hắn làm quan bao nhiêu năm chả lẻ lại chịu thua một đứa con nít:
- Thế ngài giải thích cho ta vì sao thu gom đất đai của dân chúng? Cưỡng ép họ lao dịch, nơi có dịch thì nhốt dân trong nhà như ở tù để chết người? Tại sao lại cưỡng đoạt tiền tài của vô số phú hộ?
- Ta cách ly những nhà bị dịch để không lây lan cho người khỏe. Họ đều có lương thực chu cấp đầy đủ, lấy đâu ra chết đói. Người chết là những người nghe lời xúi uống nước bùa của đám phù thủy đạo sĩ thôi. Ta gom đất 1 vụ và bảo họ trồng trọt tập trung là để sản xuất lương thực cho họ ăn, đỡ hao lương tốn của triều đình thì có gì sai? Lúc ra về đã trả lại hết đất cho họ rồi! Đám phú hộ tham dự án tham ô nên bị xét nhà xử trảm đấy. Tiền tài ta thu được từ đám lừa đảo đều đem ra giúp đỡ cho dân chúng bị dịch không giữ lấy một đồng. Lúc ta chống dịch cùng dân thì ngài làm được cái gì hay chỉ biết uống rượu ghẹo gái, đàm đúm sa đọa.
Gã ngự sử bị nói trúng tim đen, run rẩy nói:
- Vu cáo! Vu cáo! Ngươi đây là bôi nhọ kẻ sĩ.
- Ta không bôi nhọ kẻ sĩ nào cả. Chỉ có hạng tiểu nhân ném đá giấu tay, khua môi múa mép như đám bọn ngươi mới làm ô danh kẻ sĩ thôi
Tự Đức nghe xong bèn quát:
- To gan! Bôi nhọ trọng thần cùng hoàng thân! Người đâu, lôi nó ra đánh năm mươi trượng!
Tên kia sợ quá bèn xin tha:
- Hoàng thượng tha mạng! Hoàng thượng tha mạng!
Ưng Lịch thì gườm mặt với Ưng Chân như kiểu nói: "Mày còn non lắm! Có giỏi ra đây cãi nhau với anh". Ưng Chân bực bội quay đi không nhìn. Tự Đức cùng bá quan văn võ bàn bạc thêm 1 lúc về việc phong ấn cuối năm đón tết rồi bãi triều. Cha con Ưng Lịch chắp tay bái chào các quan rồi hồi phủ.