Chương 15 Tết Ất Hợi
Ngày 29 tháng chạp năm Giáp Tuất (1874).
Mấy ngàn con người tụ tập tại công ty xe đạp, binh lính có, nông dân có, trẻ con cũng có. Ưng Lịch gọi bọn họ đến đây để tổ chức ăn cỗ tất niên. Cậu gộp chung tiệc mừng công của đoàn quân chống dịch cùng với tiệc tất niên của công ty xe đạp cho đơn giản.Tổng cộng gồm ba ngàn người tham dự chống dịch cùng với một ngàn công nhân, mỗi công nhân được dẫn theo một đứa trẻ con đến ăn cỗ.
Những người tham gia chống dịch mỗi người lính được một quan năm tiền, người của Ưng Lịch thì được mỗi người một quan, một ngàn quan còn lại thì góp vào để tổ chức tiệc. thực tế, lúc khởi hành ra về từ vùng dịch, mỗi người đã được chia cho một tạ rưỡi lương thực nên họ cũng chẳng chê lần này chỉ được có mỗi chút tiền.
Hơn ba tháng cho người nhồi sọ tư tưởng mới, hai ngàn tên lính ai cũng đều nể phục và ngưỡng mộ Ưng Lịch giống như lính SS hâm mộ cái anh họa sĩ râu ngố vậy. Nghe được Ưng Lịch mạo hiểm để xin khao thưởng cho họ giữa triều đình, nhiều người còn thấy phục cậu hơn. Mọi lần đánh trận vào sinh ra tử mà còn bị cắt xén lương thực, lần này theo cậu Lịch đi chống dịch chỉ chết vài thằng mà còn có bổng lộc để tiêu, có lương thực mang về cho gia đình. Những người chưa gửi được lương thực về nhà có thể gửi lại trong quân, khi nào về thì nhà kho sẽ cấp lại cho chín phần số ấy để mang về hoặc có thể bán đi lấy tiền tiêu. Ưng Lịch cũng góp thêm bảy trăm quan tiền gộp cùng một ngàn quan "triều đình khao thưởng" để tổ chức tiệc tất niên tập thể cho công nhân cùng với những người này.
Nói là ăn cỗ nhưng cũng chẳng có gì nhiều, chỉ có xôi cùng thịt luộc và rượu trắng. Ngoài ra trên sân khấu còn có một cái phường hát biểu diễn trợ hứng cho mọi người. Để tránh cho say rượu đánh nhau, Ưng Lịch chỉ cho mỗi người uống ba chén. Rượu trắng này cũng là sản phẩm mới của hắn, nhờ quan hệ của cha hắn cùng mấy lão cổ đông công ty, hắn đã lấy được quyền bao tiêu cung cấp rượu cho triều đình. Đội lái buôn của Ưng Lịch dựa vào thế lực phủ Kiên Quốc Công cùng danh tiếng của hắn cũng dần chiếm lĩnh được thị trường miền trung, từ Nghệ An vào đến tận Diên Khánh. Đám cường hào, quan lại địa phương nơi bọn họ đi qua không đâu dám làm cái trò nhũng nhiễu, vòi tiền như với những người dân buôn bình thường.
Đội buôn toàn dùng xe đạp di chuyển, 1 ngày có thể đi đến hơn ba trăm dặm đường, có chăng chỉ đám lái buôn lớn có thuyền là có thể so được. Tuy vậy bọn họ với sức mạnh của xe đạp linh hoạt khi đi đường núi hơn rất nhiều. Có tên táo gan, lên tận Tây Nguyên, hay lúc này là Nam Bàn buôn muối, lúc về còn mua được mấy con voi cùng một đám người Tây Nguyên bị bắt làm nô lệ. Ưng Lịch khen ngợi và trọng thưởng luôn cho hắn giữa bữa tiệc, tuy nhiên cậu cũng phê bình hắn vì tội tự tiện lên Tây Nguyên, bảo nhỡ gặp giặc cướp thì sao. Ưng Lịch cũng ra chỉ thị về sau ai đi buôn miền núi thì phải nói với hắn, để hắn cho lính đi hộ tống. Trở lại buổi tiệc, trong tiếng nhạc xập xình của phường hát, năm ngàn con người nhảy múa ăn mừng cho một năm vừa qua sung túc đủ đầy. Họ ăn uống hát hò vẻ trẻ suốt hơn nửa ngày mới tàn tiệc. Ưng Lịch nhìn thấy vậy hơi nở nụ cười rồi lại cau mày lại. Hồng Cai thấy lạ bèn hỏi:
-Con trai, có việc gì để con buồn thế?
-Dạ không có gì đâu thưa cha, con chỉ nghĩ bao giờ toàn dân Việt ta đều đón Tết được vui vẻ như thế này thì hay biết mấy?
Ưng Lịch nói. Hiện tại, người dân Nam Kỳ đang sống cảnh mất nước. Trong khi đó, dân Bắc Kỳ thì đói kém lầm than. Dân Trung Kỳ tuy mang tiếng gần vui nhưng cũng chả khá hơn là bao.
-Ta cũng không rõ nữa, có lẽ điều đó phải phụ thuộc vào con đấy. Muốn vậy thì con phải cố lên.
Hồng Cai lên tiếng động viên.
-Dạ, con đã hiểu, thưa cha.
Sau khi tàn tiệc, Ưng Lịch thông báo cho toàn bộ công nhân, nhân viên công ty nghỉ tết 4 ngày, chỉ có lực lượng bảo vệ ăn tết tại nhà xưởng. Tuy nhiên, họ được trả thêm mỗi người nửa tháng tiền lương và chẳng ai phàn nàn kêu ca gì. Sau tết, ai muốn về nhà thì sẽ được nghỉ phép bù bốn ngày.
Xắp xếp xong mọi việc, Ưng Lịch về phủ Quốc Công chuẩn bị ăn Tết cùng cả nhà. Từ lúc thành lập công ty đến giờ, hầu như hắn bận túi bụi chẳng có ngày nào về phủ cả. Lượng công việc hắn xử lý thậm chí còn nhiều hơn của một kế toán trưởng thời hiện đại. May mà trong mấy tháng đầu, hắn cũng dạy và đào tạo được một đám nhân viên văn phòng và kế toán. Hắn dạy họ về hệ thống chữ số thập phân và một số kiến thức nghiệp vụ cơ bản. Bây giờ một số công việc trong công ty cũng có thể giao họ quản lý rồi.
Ngày 30 Tết, hai cha con vào cung tham dự lễ thướng tiêu. Tự Đức đích thân ngự ra điện Thái Hòa làm lễ. Cây nêu là cây tre, còn nguyên một chùm lá ở phần ngọn. Nhà vua chỉ huy việc dựng nêu ở điện Thái Hòa, còn việc dựng nêu ở các miếu điện, đền thờ tại kinh đô do thân công, hoàng tử, đại thần đảm trách. Sau khi nhà vua làm lễ dựng nêu xong thì người dân mới được dựng nêu tại nhà mình. Hồng Cai cùng Ưng Lịch đi giúp Ưng Đăng và Ưng Kỷ dựng cây nêu. Đây là lần đầu tiên sau khi xuyên đến thời đại này, Ưng Lịch gặp hai ông vua anh của mình.
Ưng Kỷ là một thằng bé khoảng mười tuổi, mặt hơi gầy gò và lơ ngơ. Ưng Đăng thì bé hơn nhưng có vẻ thông minh lanh lợi, lúc nào cũng cầm trong tay quyển sách. Ưng Lịch cúi đầu chào hai ông anh vắn số này rồi để cho cha tiếp chuyện với họ.
"Mọi thứ cứ theo thời thế vậy"
Cậu nghĩ thầm.
Được một lúc, hai cha con ra về lo việc đón tất niên trong phủ.
Đêm 30 gác lại mọi công việc, Ưng Lịch đón lễ tất niên đầu tiên khi tới thời đại này.
- Đi theo ta làm việc thiện!
Hắn dẫn theo chục tên lính hầu đi xuống xóm nghèo nơi đám công nhân sinh sống rồi lấy tiền lì xì cho bọn trẻ con. Mỗi đứa chỉ được nhận vài đồng tiền nhưng đứa nào cũng vui hơn hớn. Ưng Lịch lại bảo bọn lính đưa mình đến chùa Thiên Mụ. Kiếp trước hắn có thói quen đi chùa cầu Phật đêm 30, sang kiếp này cũng thế. Đã quá nửa đêm nhưng đèn đuốc kinh đô ngày tết vẫn sáng, mọi người vẫn đổ ra đường chơi tết. Ưng Lịch vào chùa thắp hương, thấy sư cụ trụ trì cùng vài vị hòa thượng đang tụng kinh. Ưng Lịch bèn chào:
-A Di Đà Phật. Bạch thầy, chúc thầy năm mới tốt lành an khang ạ.
Sư cụ cũng đáp lễ lại:
-A Di Đà Phật. Thầy cũng chúc con năm mới hay ăn chóng lớn. Chẳng hay con là công tử nhà vị đại nhân nào thế.
-Bạch thầy, con là Ưng Lịch con trai út của Kiên Quốc Công Hồng Cai ạ.
Hắn đáp lẽ phép. Nói cho đúng thì tuổi của hắn ở kiếp trước lẫn kiếp này vẫn nhỏ hơn sư cụ trước mặt nên như vậy cũng phải.
-Thất lễ, thất lễ, hóa ra thần đồng phủ Kiên Quốc công.
-Thầy cứ gọi tên con là được rồi, hôm nay con đến đây lễ Phật, mong năm sau được quốc thái dân an, nhà nhà no ấm ạ.
Sư cụ cảm thán:
-A Di Đà Phật! Công tử thật là bậc đại thiện nhân!
Hai người ngồi trò chuyện một lúc về nhân tình thế thái. Sư cụ cũng kể với hắn về việc sáng mai vào cung chúc thọ Thái hậu, Ưng Lịch nghe vậy thở dài nói:
-Bạch thầy, chỉ thương cho đồng bào cùng chư vị tăng ni phật tử miền nam dưới ách thống trị của giặc Pháp và đám tà đạo Gia-tô. Lũ linh mục quỷ đội lốt người đó liên tục mê hoặc dân chúng quăng vùa hương, đốt bàn thờ, đập tượng dỡ chùa để lấy đất bọn chúng xây nhà thờ đấy.
-A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!
Sư cụ liên tục niệm phật để che lại cơn phẫn nộ của mình.
-Chỉ tiếc bây giờ con chỉ là một thằng bé mới lên bốn. Nếu cho con lớn hơn mười tuổi thì con quyết noi theo Hoài Văn Hầu thủa xưa, mộ binh vào Nam diệt quân tà đạo kia.
Ưng Lịch nói. Những gì hắn nói là thật. Người Pháp nói chúng khai hóa văn mình nhưng Nhật Bản, Thái Lan, có được nước châu Âu nào "khai hóa", không phải vẫn phát triển sao. Đó chứng tỏ đám này chỉ là lũ láo.
-A Di Đà Phật! Bao anh tài cũng không đánh lại tàu to súng lớn của giặc, đều bại trận thân vong công tử không sợ ư?
Sư thầy lên tiếng.
-Con không sợ, chỉ cần cho con hai năm tuyển quân, ba năm luyện quân thì cái lũ giặc kia chỉ là gà đất chó sành mà thôi. Giặc có thể đánh thắng một ngàn, một vạn, mười vạn quân ta trước kia nhưng không thể nào đối đầu được với cả dân tộc, với mười triệu nhân dân Đại Nam được.
Hắn nói. Dĩ nhiên, hắn cũng có kế hoạch hẳn hoi mới dám to tiếng kiểu đó.
-A Di Đà Phật! Công tử thật tài cao chí lớn. Có việc gì cần già này giúp công tử xin cứ nói.
Sư thầy cuối đầu. Ông cũng thừa hiểu mục đích của thằng nhóc này.
-Thật không qua được mắt thầy. Quả thực nghe thầy nói sắp vào chúc thọ thái hậu con mới nói câu khích tướng như thế, xin thầy thứ lỗi cho.
Ưng Lịch lên tiếng. Dù sao hắn cũng là hoàng tộc, nếu trực tiếp nói thì có thể đầu mình hai nơi nên phải thông qua người khác mà kẻ này vừa có thân phận đủ cao, lại không phải quan viên hay hoàng tộc. May thay là có một người như vậy ở trước mặt.
-Chẳng hay công tử muốn gì?
Ưng Lịch ghé vào tai sư cụ nói một lúc, hai người một già một trẻ thì thầm với nhau rồi hắn chắp tay bái tạ về nhà.
Sư cụ nhìn hắn đi xa rồi cảm thán: " Đứa bé này lớn lên chắc chắn sẽ thành đại sự". Trên đường về, Ưng Lịch bảo bọn lính:
-Ngày mai mang tặng sư cụ một chiếc xe đạp loại mới nhất cho ta.
-Dạ rõ thưa cậu.
Ngày mùng một tết năm Ất Hợi(1875), hoàng đế cùng các anh em con cháu trong hoàng tộc đích thân đến cung Thái hậu làm lễ chúc mừng. Sư cụ trụ trì chùa Thiên Mụ cũng đã đến từ sớm để tụng kinh hầu thái hậu Từ Dụ. Hầu hết hậu phi của triều Nguyễn đều vô cùng tín tâm bái phật, sư cụ cũng được Thái Hậu thường xuyên mời đến giảng kinh cùng tụng niệm các dịp quan trọng trong năm. Có vẻ hôm nay sư cụ đã vào cung sớm hơn một canh giờ.
Tự Đức quỳ xuống ngoài điện:
-Năm mới, Hoàng nhi chúc mẫu hậu phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn.
Sau đó lần lượt ba vị hoàng tử, các vị hoàng thân quốc thích bước lên chúc thọ bà Từ Dụ. Ưng Lịch cùng Hồng Cai còn dâng lên một bức tượng phật làm bằng pha lê trang trí vàng ròng vô cùng tinh xảo dâng lên. Bà Từ Dụ thấy vậy mừng lắm bèn nói:
-Hải Lăng huyện nam thật là hiếu tâm. Con muốn gì cứ nói, coi như ta mừng tuổi con đầu năm.
Con út của Kiên Quốc Công thấy vậy liền nói.
-Bẩm thái hậu, con tuổi nhỏ chưa dám xin gì cho mình. Chẳng qua đợt cứu trợ vừa rồi con thấy nếu như triều đình có sẵn một đội quân chuyên cho việc giúp dân chúng lúc dịch bệnh thiên tai thì tốt ạ. Nay con có một ít sản nghiệp, nếu triều đình cho phép, con xin được mộ sáu ngàn người làm thành đội cứu hộ này. Ngày thường con sẽ xuất lương, xuất tiền nuôi bọn họ. Đến lúc có thiên tai dịch bệnh thì có thể sẵn sàng giúp sức triều đình, chỉ xin triều đình cấp lương ăn cho họ và dân đói lúc đó thôi ạ. Đội cứu hộ của con cũng không dám trang bị súng ống gì, chỉ xin lúc hành quân cho mang theo chút giáo mác, cung nỏ phòng kẻ cướp mà thôi.
-Ta thấy đứa bé này nói có vẻ tốt đấy. Hoàng thượng nghĩ như thế nào về việc này?- Bà Từ Dụ nói.
-Tất cả theo ý mẫu hậu dạy bảo ạ!
Tự Đức thấy mẹ mình đồng ý thì cũng hùa theo.
-Được, ta chuẩn cho con thành lập đội cứu hộ này.
-Xin tạ ơn Thái Hậu. Thái hậu thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!
Chúc thọ thái hậu xong, vua Tự Đức về các điện trong Đại nội để hoàng thân, quan triều đình làm lễ chúc mừng năm mới và ban tiệc. Ngoài việc dự yến, các quan viên còn được thưởng thêm tiền, tùy theo chức trách của từng người mà tiền thưởng cũng có phần khác nhau. Suốt cả buổi lễ, nhã nhạc liên tục tấu lên các bài như Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình và Hòa bình. Ưng Lịch nở nụ cười mãn nguyện vì hắn đã có món quà mừng tuổi quý giá nhất trong năm Ất Hợi này.