Chương 19 Hành động
Ưng Lịch sau khi nghe tin vay được lương bèn dẫn luôn ba ngàn quân vào áp tải. Nhân dân Quảng Trị cho hắn vay ba trăm tấn khoai cùng với bán thêm cho hắn bốn trăm tấn củ đậu. Vụ củ đậu vừa rồi, nông dân ở đây được mùa. Mỗi sào đạt năng suất đến ba, bốn tạ củ đậu. Nhờ áp dụng một số kiến thức nông nghiệp hiện đại mà Ưng Lịch truyền đạt lại, vụ lúa đông xuân năm nay cũng được mùa gấp rưỡi năm ngoái. Củ đậu mọi người chở đi kinh thành bán không hết, may sao có tin Ưng Lịch thu mua lương thực. Có lẽ đây cũng là tin tốt với cả hai bên, thế là họ bèn bán rẻ lại cho hắn với giá hai vạn quan tiền bốn trăm tấn củ đậu. Riêng khoai thì họ nói là để ủng hộ cho đồng bào vùng vỡ đê bị nạn, Ưng Lịch không phải trả tiền, họ bây giờ cũng chán cơm độn khoai lắm rồi. Còn về phần củ đậu, nếu không phải năm ngoái Ưng Lịch cứu giúp bọn họ trong cơn nguy nan thì còn lâu họ mới bán với cái giá ấy.
- Xin các vị hương thân nhận cảm tạ của Lịch đây!
Hắn nói.
- Ấy cậu đừng làm vậy! Chúng con tổn thọ.
Khi Ưng Lịch xúc động chắp tay cúi người cảm ơn thì mấy vị bô lão vội rối rít quỳ xuống. Họ nói nếu không có hắn thì họ làm gì có ngày hôm nay, hắn mà bái thì làm họ tổn thọ mất. Từ biệt các vị hương thân phụ lão Quảng Trị, Ưng Lịch cho quân áp tải lương thực ra Bắc. Số lương thực thực phẩm này hắn chia ra 2 đường áp tải, một nửa gửi thuyền chở ra theo đường biển, một nửa hắn cùng quân lính dùng xe đạp thồ ra.
Trên đường áp tải lương thực, Ưng Lịch vừa đi vừa đắn đo cách trị thủy trong mấy tháng tới. Năm nay chưa đến mùa mưa lũ đã bị vỡ đê, nếu đợi thêm 2-3 tháng nữa vào mùa mưa bão thì toàn khu vực đồng bằng bắc bộ này sẽ ra sao. Muốn chế ngự con sông Nhị Hà hung dữ là một việc cực kì khó khăn. Hệ thống đê quai vạc được các vua Trần đắp từ nghìn năm trước bây giờ đã xuống cấp lắm rồi. Trong lịch sử kể cả người Pháp khi đô hộ Việt Nam năm nào cũng phải gia cố lại hệ thống này, chỉ tới khi có thủy điện Hòa Bình và Sơn La thì lúc ấy mới hết tình trạng lụt lội, vỡ đê ở đồng bằng Bắc Bộ.
Lần ra Bắc này, Ưng Lịch chỉ có thể gia cố lại một số đoạn đê quan trọng xung yếu thôi, muốn giữ cả con đê thì hắn và cái đội quân nhỏ nhoi sáu ngàn người này đều lực bất tòng tâm. Hắn chỉ có thể cố gắng giảm bớt những thiệt hại do mưa lũ gây ra năm nay thôi. Nhân lực của hắn hiện còn yếu quá
Cũng may lần ra bắc này, hắn vừa đi vừa tiện tay tiễu phỉ, đến lúc ra tới Sơn Tây đã bắt được hơn ba ngàn tên. Mẹo của hắn là cho toán quân đi đầu giả dạng làm đoàn lái buôn chở lương thực, mấy toán yểm trợ đi sau thì giả làm thổ phỉ và loan tin sắp có " dê béo" qua địa bàn lũ cướp cạn này. Khi bọn chúng tấn công thì các đám "thổ phỉ" kia sẽ hiện nguyên hình là quân triều đình, cùng đám "dê béo" xúm vào đánh hội đồng những tên thổ phỉ "chính hiệu".
Ưng Lịch cũng cho người chế tạo mấy ngàn bộ nỏ cỡ lớn, cấu tạo theo kiểu nỏ có ròng rọc trợ lực thời hiện đại (compound crossbow). Toàn bộ chiếc nỏ nặng khoảng bảy kg. Loại nỏ này 1 người cầm thì hơi cồng kềnh vướng víu nên hắn cho làm thêm 1 cái giá xoay để gắn nỏ lên yên sau của xe đạp, vừa giải quyết được vấn đề cơ động vừa thêm được khả năng bắn góc cầu vồng cho nỏ. Tầm bắn sát thương hiệu quả của loại nỏ này lên đến hơn bốn trăm năm mươi mét với loại mũi tên nặng bốn trăm gam, với loại nặng hơn, tầm bắn sẽ giảm đi. Hắn cho chuẩn bị hai loại mũi tên, một loại tên nhẹ dài tám mươi cm nặng hai trăm gam, một loại tên nặng dài một mét nặng bốn trăm gam. Khi đặt tại giá bắn, tốc độ bắn đạt tám đến mười phát một phút, nếu cầm tay thì tốc độ chỉ còn một nửa, ngang với tốc độ bắn súng kíp của người Việt mình.
Trận đánh lớn nhất trong đợt tiễu phỉ lần này là lúc Ưng Lịch đi qua khu vực giáp ranh giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, hơn một ngàn tên thổ phỉ phục kích đội tiền trạm của hắn. Bọn này gồm đủ các thể loại, người dân tộc, người Tàu, tàn quân khởi nghĩa nông dân, dân đói vào rừng ăn cướp... trang bị cũng tạp nham: đao kiếm, giáo, gậy tầm vông cùng vài khẩu súng kíp. Đội tiền trạm nhanh chóng quây xe ngựa thành vòng tròn, súng kíp cũng không bắn vào được. Con Kiên Quốc Công thấy pháo hiệu báo nguy bèn chia quân ra làm 3 cánh, tự mình dẫn quân đánh trực diện với địch. Một ngàn chiếc xe đạp chiến có gắn giá nỏ đặt lên trước, khi còn cách lũ thổ phỉ ba trăm mét liền bắn xối xả vào quân địch. Một số tên dùng súng kíp bắn trả nhưng đạn bay chỉ được đến hai trăm mét là mất lực rơi xuống, bọn thổ phỉ thấy vậy thì núng thế, một số tên bỏ chạy làm loạn đội hình. Ưng Lịch cho bốn thớt voi xông lên, lính trên lưng voi bắn tên xối xả, đám tân binh vác giáo ùa lên xộc nát đội hình lũ giặc cỏ này, toàn quân hét lớn:
- Quỳ xuống không giết!
Thấy thế trận đã vỡ, mấy tên đầu lĩnh dẫn theo đám tàn quân bỏ chạy vào rừng, những thằng chạy không kịp thì đành buông gươm giáo quỳ xuống đợi lũ tân binh đến trói gô lại. Đám chạy vào rừng cứ tưởng mình đã thoát rồi, ai ngờ đâu đợi sẵn trong đó là một đám lính mặc áo xanh, đội mũ cối và chĩa hàng trăm chiếc nỏ thẳng vào bọn chúng. Viên chỉ huy hô lớn:
- Con mẹ bọn bay! Có đầu hàng hay không!?
Đám lính này hóa ra đã lấy xe đạp đón sẵn quanh các ngả bọn phỉ có thể rút lui khi vỡ trận. Nhờ có cỗ xe thần kỳ này, khó có tên phỉ nào thoát được sự truy kích của đội quân cứu hộ.
Suốt dọc đường ra bắc Ưng Lịch vừa đi vừa tiễu phỉ đã đánh tan mười mấy ổ thổ phỉ lớn nhỏ, chém hơn sáu trăm tên, bắt sống ba ngàn người, làm cho đám cướp cạn từ Quảng Trị trở ra suốt cả năm nay không dám ngóc đầu ra khỏi ổ nữa.
May mắn hơn, hắn bắt được một tên nhóc thổ phỉ khoảng mười một tuổi. Có một tên lính hỏi.
- Mày tên gì?
- Cao Thắng!
Hắn không sợ hãi lưỡi giáo đang chỉa trước ngực mà nói.
- Ngươi kể lại chi tiết về bản thân cho ta xem!
Lịch nói có hơi kích động.
Thằng nhóc này kể nó ở dưới quyền tay Đội Lựu theo giặc cờ vàng kiếm cơm ăn. Trận đánh lớn vừa rồi, đội Lựu bị bắn chết, hắn bị lính cứu hộ đi xe đạp bắt sống. Nhìn thằng nhóc thổ phỉ mặt nhà quê này, Ưng Lịch không thể tưởng tượng được sau này nó sẽ là người Việt đầu tiên biết sản xuất súng theo kiểu tây. Ưng Lịch mặt lạnh tanh dọa nó vài câu về việc sẽ tùng xẻo đám thổ phỉ làm Cao Thắng dựng hết cả tóc gáy lên, nhưng đến khi hắn nói muốn nó làm thằng lính cắp tráp hầu bên cạnh mình cùng thằng nhóc bảo thì nó quỳ xuống lạy Ưng Lịch rối rít. Thằng nhóc Thắng thề thốt mình sẽ nguyện lên núi đao xuống chảo dầu vì cậu Lịch. Thằng Bảo đứng bên cạnh thì mắt gườm gườm nhóc Thắng kiểu: " Đồ thổ phỉ nhà quê". Ưng Lịch thấy vậy chỉ cười.
Vừa đi đường vừa đánh trận nên mất gần một tháng Ưng Lịch mới ra đến Sơn Tây.
- Tại hạ thay mặt trăm họ tỉnh Sơn Tây tạ ơn công tử!
Tôn Thất Thuyết nhìn thấy đống khoai tây và củ đậu chất như núi thì mừng lắm.
Giao lương thực cho ông ta xong, Ưng Lịch lại vùi đầu vào nghiên cứu cách đối phó mùa mưa vào tháng 7 tháng 8 sắp tới. Nhìn vào bản đồ sông ngòi Bắc hà chằng chịt chữ nôm và vẽ theo kiểu qua loa đại khái, Ưng Lịch cau hết mày vào. Quanh bờ sông Hồng, tất cả các tỉnh đều đắp đê, điều này khiến cho dòng nước mùa mưa chảy càng xiết hơn, đê điều xuống cấp nghiêm trọng hơn nữa. Phá đê thì cũng không ổn, mấy triệu dân sống dựa quanh ven sông mất hết mùa màng sẽ loạn lên ngay, chỉ còn cách hàng năm chữa cháy tạm vậy. Ưng Lịch họp mặt cùng các sĩ quan chỉ huy cao cấp của đội cứu hộ lại và nói:
- Tình hình hiện tại rất cấp bách, bây giờ đã là gần tháng 5 rồi, chỉ hai hoặc ba tháng nữa là vào mùa mưa lũ thôi. Nếu chúng ta không hành động nhanh thì năm nay nguy to. Đầu năm vỡ đê 1 lần rồi thì mấy tháng nữa cũng dễ bị vỡ đê lắm.
- Xin tổng tư lệnh ra chỉ thị!
Bốn vị trung đoàn trưởng hô to.
Trong doanh trại Ưng Lịch yêu cầu quân lính gọi hắn bằng tổng tư lệnh, gọi các cấp chỉ huy theo cấp bậc mà người đó mang.Hệ thống quân hàm cấp bậc thì hắn bắt chước y nguyên Quân đội nhân dân Việt Nam thời hiện đại. Hiện giờ 4 tên trung đoàn trưởng chỉ mang cấp bậc trung tá. Ưng Lịch đưa hết bốn quyển sách cho bốn người và giao nhiệm vụ:
- Trung đoàn 1 ra vùng Chí Linh, dẫn theo đám tù binh đi làm xi măng ngay lập tức cho ta. Than đá để nung xi măng thì sang Quảng Yên mà đào. Nếu cần thêm dân phu thì bỏ tiền ra thuê. Ta muốn trong hai tháng phải có được bốn trăm tấn xi măng thành phẩm. Tất cả làm theo chỉ đạo của lão Đức cùng với phương pháp ta ghi trong sách này, ta đã dạy lão cách làm xi măng rồi. Máy nghiền ba ngày nữa sẽ có người chuyển từ trong kinh ra.
- Dạ rõ!
- Trung đoàn 2 mộ thêm hai vạn dân phu, hoàn thành việc mở rộng sông Thiên Đức(sông Đuống). Phải xong trong 2 tháng cho ta.
- Trung đoàn 2 sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
- Trung đoàn 3 đi về các vùng Gia Lâm, Hà Đông, kêu gọi dân chúng chuẩn bị thuyền bè, lương thực. Các vùng đấy sẽ bị phá đê để giữ đê cho Hà Nội, Sơn Tây. Hãy dạy dân chúng phương pháp làm nhà phao mà ta đã ghi trong này.
- Trung đoàn 3 nhận lệnh!
- Trung đoàn 4 đi dựng các phong hỏa đài dọc sông Hồng, sông Đà, sông Lô cho ta. Cứ cách ba mươi dặm đặt một phong hỏa đài, mỗi phong hỏa đài cắt cử năm người trông giữ, khi có lũ thì bắn pháo hoa hoặc đốt lửa làm hiệu để báo về cho miền xuôi. Dựng xong phong hỏa đài thì các ngươi đi thu thập các loại cây hoàng liên gai, hoàng bá, hoằng đằng và cỏ sữa lá lớn cho ta. Thu hoạch được càng nhiều càng tốt. Đống này mọc hoang trên núi đầy đó, hình minh họa ta đã cho in rồi.
- Trung đoàn 4 đã rõ!
- Tan họp! Tất cả mọi người triển khai hành động ngay lập tức. Kẻ nào quấy rối ảnh hưởng đến công tác của các ngươi thì chém ngay cho ta!Có thánh chỉ của hoàng thượng, chúng ta không cần sợ. Riêng trung đoàn 2 và trung đoàn 3 phải cẩn thận, không được làm dân loạn hay nhũng nhiễu dân nghèo rõ chưa. Các sĩ quan chính trị trực tiếp chỉ huy hoạt động lần này.
- Rõ, thưa tổng tư lệnh!
Hơn hai chục sĩ quan chỉ huy cùng chính trị trung đoàn, tiểu đoàn đồng thanh hô lớn.
Đám sỹ quan chính trị này là sản phẩm Ưng Lịch học hỏi theo chế độ quân sự của Việt Nam thời hiện đại. Đây là thứ đảm bảo lòng trung thành của quân đội với một mình hắn sau này. Họ cũng là người giám sát toàn bộ hành vi của đám lính lác và sẵn sàng thi hành quân pháp với những tên to gan dám vi phạm kỷ luật do Ưng Lịch đặt ra. Khi tiếp xúc với dân chúng, các sĩ quan chính trị cũng kiêm luôn vai trò dân vận nữa. Điều này có vẻ rất đơn giản nhưng ít ai ngờ đây sẽ là mấu chốt làm nên một đội quân tinh nhuệ nhất châu Á sau này.
Ưng Lịch giải tán đám sĩ quan chỉ huy đi làm nhiệm vụ từng người, còn mình thì lên thuyền xuôi từ sông Hồng qua sông Đuống rồi sang sông Thái Bình đến Hải An gặp Phạm Phú Thứ. Hắn cần trực tiếp bàn bạc với ông ta chuyện mở công ty khai thác xi măng và than đá ở Chí Linh và Quảng Yên, ai bảo Phạm Phú Thứ là quan tổng đốc vùng này chứ.