Chương 29: Vũ khí cá nhân
Quân đội Đại Nam thời vua Tự Đức có trang bị cá nhân khá tệ. Do nhà vua không chăm lo binh bị nên số lượng súng cá nhân trong quân còn kém cả thời các chúa Nguyễn chơi khô máu với họ Trịnh. Đã thế lượng đạn bắn tập cho lính mỗi năm chỉ có 6 viên một khẩu, bảo sao mà lính tráng không có tinh thần đánh trận. Lính ra trận chỉ cho cầm giáo kiếm với mấy khẩu hỏa mai cổ lỗ sĩ thế kỷ 17-18, ăn cũng không đủ no thì sao mà đánh giặc được. Phải biết rằng thời Gia Long đánh nhau với Tây Sơn, hai phe đều dùng hàng đống súng kíp, đại bác bắn nhau ầm ầm. Vô số võ tướng Tây Sơn có võ nghệ cao cường cũng không tránh khỏi cái kết bị bắn thành tổ ong. Thời Minh Mạng, quân đội Đại Nam vẫn là đội quân tinh nhuệ nhất Đông Á, trang bị y hệt như các nước phương Tây khi đó. Quay sang Thời Thiệu Trị, Tự Đức, triều đình không lo binh bị cùng bế quan tỏa cảng khiến kỹ thuật tụt hậu, lại thêm việc phổ biến nho giáo làm quan văn được thế chèn ép quan võ nên xảy ra nhiều vụ tham nhũng trong quân. Từ đó súng hỏa mai và giáo mác lại được lôi ra dùng để "cải lùi" quân đội cho giảm chi phí đi để các quan còn tiền ăn chơi. Mặc dù tinh thần yêu nước của nhiều binh lính và sĩ quan cấp thấp rất cao nhưng điều đó cũng không đủ để đấu lại được giặc Pháp có trang bị tốt hơn hẳn. Đại Nam bị "combo": quan trên bất tài, hèn yếu+ trang bị lạc hậu đến cả trăm năm thì làm sao mà không thua được. Ưng Lịch khi sống lại đời này đã tự nhủ phải quyết tâm thay đổi cái hiện trạng đáng buồn ấy.
Sau khi xưởng thép đi vào hoạt động, công việc chế tạo vũ khí mới ngay lập tức đã được tiến hành. Về vũ khí lạnh trang bị cho quân đội của mình, Ưng Lịch cho rèn hàng loạt lưỡi xẻng công binh cùng mã tấu cho quân đội của mình. Mặc dù không lợi hại bằng đao kiếm nhưng sự tiện dụng của chiếc xẻng tốt hơn nhiều. Nó có thể làm nhiều nhiệm vụ như đào đất, chặt cây, cưa, đập... mà đao hay kiếm không thể làm được. Mã tấu dùng cho quân đội có thể không linh hoạt như kiếm nhật nhưng có ưu điểm là bền, sống dao dày nên chặt cũng mạnh hơn. Khi đi rừng, chắc chắn dùng mã tấu tiện lợi hơn kiếm gunto của người Nhật rất nhiều. Những thanh mã tấu và xẻng công binh này đều được rèn bằng máy hơi nước nên có thể sản xuất hàng loạt rất nhanh. Máy hơi nước thực tế đã được Ưng Lịch cho nghiên cứu từ năm trước, đến nay nhờ có thép tốt làm nồi hơi và tua bin nên đã giải quyết xong vấn đề vật liệu không đạt chất lượng mà thời vua Minh Mạng sản xuất tàu hơi nước gặp phải. Tất cả những thợ tham gia sản xuất máy đều được trọng thưởng nhưng để bảo mật kỹ thuật, họ và gia đình không được phép rời khỏi khu công nghiệp. Địa điểm của khu công nghiệp nặng cũng là bí mật, chỉ một vài người mới được phép ra vào, người lạ càng không đến gần được. Gần ngôi làng cho công nhân ở là khu xưởng sản xuất máy móc, súng đạn vũ khí hiện đại nhất Đại Nam bây giờ. Quanh khu vực đó có vài ngôi làng để ngụy trang và bảo vệ vòng ngoài, dân làng đều có con em trong nhà đi lính cho Ưng Lịch nên họ cực kỳ trung thành. Bất cứ người lạ nào bén mảng đến gần đều bị dân làng xua đuổi và đe dọa, nếu có giặc cướp đến thì toàn bộ bọn họ sẽ trở thành những người lính bảo vệ cho khu công nghiệp bên trong.
Về trang bị vũ khí nóng cho quân đội, Ưng Lịch cho sản xuất hàng loạt lựu đạn chày có vỏ đúc bằng gang và tay cầm bằng gỗ. Thuốc nhồi lựu đạn thì sử dụng NaClO3 trộn hỗn hợp với thuốc nổ đen thường và than theo tỷ lệ 3 phần NaClO3+ 1 phần thuốc nổ+1 phần than củi. Natri clorat có thể dễ dàng thu được từ việc điện phân nước muối nóng, hệ thống phát điện và điện phân chế tạo cũng khá đơn giản nên giá thành sản xuất loại thuốc nhồi này thấp hơn thuốc súng khá nhiều. Để tránh tình trạng nhạy nổ của thuốc nhồi, một vài chất trơ như đất mùn được bổ sung vào. Việc sản xuất Natri clorat cũng được quản lý cực kỳ nghiêm ngặt vì thứ này độc và dễ gây cháy nổ. Thứ này nhồi vào thủ pháo, lựu đạn thì được chứ không dùng làm thuốc súng vì nó tạo ra muối sau khi cháy, sẽ nhanh làm hỏng nòng súng.
Thứ vũ khí cá nhân quan trọng nhất là súng thì Ưng Lịch cho sản xuất 3 loại: Súng trường kiểu Gras 1874 của người Pháp, súng trường Winchester 1873 của Mỹ và súng lục ổ quay bán tự động.
Súng trường Gras kiểu 1874 do Basile Gras thiết kế và là súng trường tiêu chuẩn của quân Pháp từ 1874-1886 với nhiều phiên bản. Súng trường Gras đã được quân đội Pháp sử dụng khi xâm lược Việt Nam cuối thế kỉ 19 và một số được trang bị cho lính thuộc địa người Việt. Súng sử dụng cỡ đạn 11mm và sử dụng thuốc súng đen có trọng lượng 5 gram với đầu đạn 25g. Là vũ khí mạnh mẽ và có thể sử dụng cận chiến tốt, nhưng không có ổ đạn, do đó chỉ có thể bắn một phát bắn sau khi nạp. Súng có thể được gắn lưỡi lê vào đầu nòng, cho nên được gọi là "1874 "Gras" Sword Bayonet". Về sau súng được thay thế bằng súng trường Lebel năm 1886 - khẩu súng trường đầu tiên sử dụng thuốc súng không khói. Trong lịch sử Cao Thắng đã copy lại khẩu súng này và tạo nên huyền thoại súng trường đầu tiên do người Việt sản xuất. Súng của Cao Thắng có 2 hạn chế: Đầu tiên, lò xo kim hỏa làm bằng gọng ô, chỉ bắn được 6 phát thì bị nhiệt độ cao làm yếu đi, không bắn được tiếp, nên cứ bắn 6 phát lại phải rót nước vào lò xo để bắn tiếp. Nhược điểm thứ 2 là nòng súng không có rãnh xoắn, nên độ chính xác thấp hơn súng nguyên mẫu. Dẫu vậy thì súng cũng đã vượt trội hơn súng hỏa mai và mọi loại súng nòng trơn nạp đạn từ miệng nòng hồi giữa thế kỷ 19, có nhiều điểm còn tiên tiến hơn súng trường Chassepot (loại súng mà quân Pháp sử dụng giai đoạn 1865-1873). Ưng Lịch do có nguồn lực và vốn sản xuất tốt hơn nên đã khắc phục dễ dàng được 2 nhược điểm này. Súng dài 1m30 và nặng 4,2kg, được sử dụng bởi lực lượng lính bình thường, đặt tên súng là STV01.
Súng trường Winchester là một loại súng trường bắn liên tục do công ty Winchester Repeating Arms của Hoa Kỳ chế tạo. Năm 1848, nhà phát minh Walter Hunt của New York đã đưa ra ý tưởng về một loại súng trường bắn đi bắn lại nhiều lần một cách nhanh chóng. Khẩu súng đầu tiên do ông chế tạo là súng săn "Rocket Ball". Đến năm 1849, Lewis Jennings đã mua các bằng sáng chế của Hunt chế tạo một loại súng mới nhưng cơ cấu vẫn còn phức tạp. Sau đó, Horace Smith và Daniel Wesson đã mua lại bản quyền của Jennings. Họ cùng với Henry đã chế tạo ra mẫu súng trường mới, đặt theo tên của cổ đông lớn nhất của công ty, Oliver Winchester.
Khẩu Winchester 1873 là mẫu nổi tiếng nhất của dòng súng này, được mệnh danh là "Khẩu súng giành miền Tây". Nó sử dụng cỡ đạn chung với súng lục ổ quay nên chỉ có tầm bắn hiệu quả khoảng 180 m. Ưng Lịch tiến hành thay đổi một chút về đạn súng bằng cách tăng khối lượng đầu đạn từ 13 lên 14 g, thuốc súng cũng tăng từ 2,6 lên 3,5 g do đó đạt được tầm bắn hiệu quả trong khoảng 220 m. Điều này khiến lượng đạn trong ống đạn giảm từ 15 xuống 12 viên nhưng ảnh hưởng việc này vẫn chấp nhận được. Súng dài 1m25 và nặng 4,3kg, trang bị cho đại đội cận vệ của chính hắn. Súng có tên STV 02.
Khẩu súng cuối cùng là súng lục ổ quay được sản xuất theo 2 phiên bản: Nòng ngắn và nòng dài. Phiên bản nòng ngắn có nòng súng dài 12 cm copy theo đúng cấu tạo của súng ổ quay bán tự động hiện đại, nạp đạn 1 lần bắn liền sáu viên. Phiên bản nòng dài có nòng súng dài 30 cm, bổ sung thêm ốp lót tay gỗ ốp vào nòng, ốp lót có tay cầm để tăng thêm độ chính xác và ổn định của súng khi bắn. Khẩu súng lục nòng dài còn có thêm báng gấp làm bằng thép giống súng Škorpion vz. 61 để người lính có thể tỳ vào vai mà bắn. Cả 2 loại đều sử dụng cỡ đạn 10mm giống khẩu Winchester để dễ dàng cho công tác hậu cần. Tầm bắn hiệu quả của loại nòng ngắn là 60m đổ lại, loại nòng dài là 120m. Trong tầm bắn đó, chúng có thể áp đảo hỏa lực của mọi loại súng trường hiện thời. Khẩu nòng ngắn dành riêng cho sĩ quan cấp tiểu đoàn trở lên còn khẩu nòng dài chỉ dành cho đặc công sử dụng. Phiên bản nòng ngắn nặng 1,1 kg còn phiên bản nòng dài nặng 2,3kg kể cả báng gấp. Khẩu súng này mấy năm sau là nguyên nhân tạo nên danh hiệu "một địch 30" của lính đặc công Đại Nam. Chúng lần lượt có tên là SNV 01 và 02. Ngoài ra còn 1 phiên bản không tự động sử dụng đạn 9ly sản xuất riêng cho quân triều đình nữa.
Buổi thử súng ngày mùng 2 tháng chạp vẫn diễn ra ở địa điểm cũ, Ưng Lịch chỉ đem khẩu STV 01 và súng lục ổ quay phiên bản không tự động ra trong lần này, mấy loại kia hắn không muốn cung cấp cho triều đình vì rất có khả năng lọt vào tay người Pháp. Với sức mạnh công nghiệp của kẻ địch việc sản xuất chúng còn đơn giản hơn nhiều, dâng cho triều đình bây giờ thì khác gì lấy đá đập chân. Khẩu súng lục ổ quay không tự động được hắn chế tạo thêm cũng vì lí do này. Hắn cần có thứ dâng lên triều đình để bịt miệng đám đại thần võ tướng cùng hoàng đế. Khẩu súng lục này là thứ quà mà mọi võ tướng đều không thể từ chối được. Ngoài ra đây cũng là mặt hàng dễ buôn bán nữa. Lợi nhuận từ buôn vũ khí thì đời nào cũng vô cùng cao.
Buổi thử súng trường diễn ra nhanh gọn và tiết kiệm hơn thử pháo rất nhiều, chỉ cần chục khẩu súng trường cùng súng lục bắn vào các bia ở khoảng cách 50, 100, 200, 300 và 400 mét. Do ảnh hưởng từ buổi thử pháo hôm qua nên hôm nay mọi người cũng không bất ngờ lắm. Các loại súng đem ra thử là súng điểu thương, súng hỏa mai của triều đình, súng Chassepot lấy được từ người Pháp và súng trường mẫu STV 01 mới sản xuất. Khẩu súng trường đầu tiên của Ưng Lịch tỏ ra vượt trội hơn cả, khẩu súng Chassepot 1866 bắn 30 viên đã bị kẹt giấy, mấy khẩu súng của hắn thì chỉ cần dốc nòng xuống đất cho cặn thuốc rơi ra là được. Các khẩu súng lục cũng hoạt động khá tốt, trong 50 mét có hỏa lực áp đảo cả súng trường. Nhược điểm lớn nhất của chúng là lực giật hơi cao nhưng người sử dụng đều là võ tướng nên cũng chẳng vấn đề gì. Chứng kiến uy lực của súng mới, Tự Đức bèn gọi thằng cháu trai mình đến để bàn bạc kỹ với nó chuyện cung cấp súng pháo cho triều đình. Sau một hồi kì kèo mặc cả, nhà vua cuối cùng cũng đồng ý với những điều kiện của thằng nhóc như sau:
- Triều đình cho phép nhà Kiên quốc công có quyền kinh doanh, sản xuất muối ở các tỉnh đồng bằng từ miền Thanh Hóa trở ra cùng khu vực Nam Trung Bộ.
- Cho phép Ưng Lịch toàn quyền khai thác khoáng sản và ngoại thương tại Quảng Yên và Diên Khánh.
- Ưng Lịch có quyền buôn bán vũ khí với nước ngoài nhưng chỉ giới hạn cho những loại súng có tầm bắn dưới 40 m.
- Tất cả hoạt động kinh doanh của Ưng Lịch được miễn thuế. Riêng thuế thân của công nhân cùng nông dân hợp tác xã cùng thuế ruộng đất vẫn phải nộp.
- Hằng năm, Ưng Lịch phải cung cấp cho triều đình năm ngàn tấn thép tốt, một trăm khẩu pháo, một vạn súng trường cùng sáu trăm súng lục.
- Cho phép quân cứu hộ của Ưng Lịch được trang bị súng cùng pháo.
- Đội quân cứu hộ được mở biên chế lên chín ngàn lính.
- Ba ngàn lính cứu hộ sẽ đóng quân tại Bắc Hà, một ngàn năm trăm lính đóng tại miền Trung lo việc cứu trợ thiên tai dịch bệnh.
- Kiên quốc công được phép chiêu mộ ba vạn dân phu lên khai hoang Nam Bàn.
- Gia quyến Kiên quốc công phải ở lại kinh thành, bù lại cho phép Ưng Lịch được tự do đi công cán giữa các tỉnh.
Chấp nhận những điều kiện nhà vua đưa ra, hai cha con Hồng Cai- Ưng Lịch đăm chiêu dẫn lính ra về. Những yêu sách dành cho họ tính ra cực kỳ quá quắt, riêng số lượng súng trường cung cấp một năm đã gần bằng số lượng súng cá nhân của quân đội nhà Nguyễn hiện giờ rồi. Riêng về khoản tăng binh nhưng thực chất là tước bớt ¼ binh lực trực tiếp trên tay Ưng Lịch làm cho cha hắn tức tím mặt. Ưng Lịch không tỏ biểu tình gì mà chỉ nói:
- Không cần lo cha ạ. Lính của con không dễ thay lòng đổi dạ đâu.
Mặc dù phải bỏ ra cái giá khá cao để lấy được quyền sản xuất vũ khí nhưng hắn cũng không hề tiếc về việc đó. Đằng nào về sau khi hắn làm vua chẳng phải cung cấp súng mới cho quân đội Đại Nam, bây giờ coi như cấp sớm đi. Vả lại với quyền buôn bán súng đạn, hằng năm lợi nhuận từ việc đó dư sức trang trải những phí tổn đó. Khách hàng của hắn cũng có rất nhiều: Người Miến, Bắc Lào, Lanna... riêng với đám người Hoa thì tùy tình hình mà quyết định.