Chương 28 Pháo nổ vang

Đại Đế Châu Á

Chương 28 Pháo nổ vang

Chương 28 Pháo nổ vang

Vấn đề chế tạo súng, pháo luôn luôn là một điều quan trọng của nhà Nguyễn. Lịch sử súng ống có lẽ phải nói từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn ít quân hơn nên phải mua công nghệ đúc súng từ người Bồ Đào Nha. Nhờ súng mạnh pháo tốt cùng danh thần Đào Duy Từ, cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn Phúc mới kéo dài được suốt mấy trăm năm nay. Thời các vua Gia Long, Minh Mạng, quân đội Đại Nam vẫn là đạo quân hiện đại nhất vùng Đông Á này với súng ống tàu thuyền chẳng kém gì các nước phương tây. Nói không ngoa thì quân đội Đại Nam lúc đó dư sức đập vỡ mặt những đạo quân của Thanh triều hay Xiêm La có quân số đông gấp 3-4 lần. Nếu không phải do mấy chục năm nay hai vua Thiệu Trị, Tự Đức không chịu quan tâm đến cải cách quân bị như các đời tổ tiên thì làm gì có chuyện giặc Pháp xâm lược được như thế này.
Súng thần công dưới thời các vua Nguyễn với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo kích thước. Súng đồng lớn có đường kính nòng súng 5 tấc trở lên gọi là "Tướng quân" (Đại luân xa Thảo Nghịch tướng quân, Hùng Uy tướng quân, Bình Ngụy tướng quân, Thắng Uy tướng quân…). Một số súng bằng đồng loại nhỏ gọi là Quá Sơn, Thần Công, Thần Cơ, Xung Tiêu. Súng đúc bằng gang gọi là súng Hồng Y (hay Oanh Sơn), Tích Sơn, Chấn Hải, Phách Sơn. Hình dáng súng thần công về cơ bản vẫn là hình ống tròn dài giống các thời trước, có phần nạp thuốc súng và phần nạp đạn, được đúc bằng đồng hoặc gang, chỉ là kích thước to nhỏ khác nhau nên được đặt tên gọi khác nhau để phân biệt. Đồng thời định lệ việc sử dụng thuốc súng căn cứ vào kích thước của các hạng súng lớn hay nhỏ.
Loại súng thần công thường dùng nhất có chiều dài nòng súng là 1,52 m. Đường kính nòng súng 20 cm, thành súng dày 5 cm, đường kính họng súng 10 cm, nòng súng trơn láng không có rãnh xoắn. Đạn bằng gang với đường kính gần 10 cm. Mỗi viên nặng khoảng 4-5 kg, đưa đạn vào đầu nòng, điểm hỏa bằng cách đốt lửa vào dây dẫn qua lỗ thông với khối thuốc nổ thường là 1,34 kg được nén ở dưới đáy nòng súng. Tầm bắn xa khoảng 1.000 m.
Pháo của người Pháp lúc này đa phần vẫn dùng loại nạp từ miệng nòng nhưng nhờ có khương tuyến nên tầm bắn xa gấp đôi và độ chính xác gần như gấp 4-5 lần các loại súng thần công này. Ưu thế thứ hai là loại đạn nổ mạnh có sức sát thương cao gấp vài lần đạn gang cầu. Pháo bắn nhanh nạp đạn qua khóa nòng của Pháp hiện vẫn đang trong quá trình phát triển. Các loại pháo nạp hậu của người Pháp hiện giờ vẫn chưa có khóa nòng kín hoàn toàn như người Đức. Phải đến hai năm sau quân Pháp mới có những khẩu pháo có khóa nòng kín gần giống với pháo hiện đại.
Ưng Lịch đã từng suy nghĩ rất nhiều về việc cải tiến súng pháo của Đại Nam, tuy nhiên công nghệ luyện kim của thời phong kiến cận đại làm cho hắn phải lắc đầu nguây nguẩy. Loại thép thường dùng để đúc đao kiếm quá giòn để đúc pháo, thép đúc pháo ít nhất cần phải có độ chịu lực, chịu nhiệt tốt hơn nhiều. Cũng may mà kiến thức về luyện kim của thằng Minh từ kiếp trước khá tốt về khoản này. Ngay từ lúc sản xuất xe đạp thì hắn đã muốn luyện phôi thép quy mô lớn rồi nhưng do triều đình quản quá chặt mảng này nên hắn chỉ đành nhập khẩu gang, thép từ các xưởng của triều đình để về đúc lại. Mãi đến lúc xin được quyền đúc pháo từ Tự Đức thì hắn mới được phép sản xuất thép quy mô lớn (tất nhiên triều đình vẫn nắm giữ nguồn cung cấp quặng). Hai loại lò hắn sử dụng là lò Bessmer và lò Siemens-Martin. Việc xây dựng mấy hệ thống lò luyện thép này tốn của hắn đến hai mươi vạn quan tiền. Khi chúng đi vào hoạt động, mỗi ngày có thể sản xuất được đến năm mươi tấn thép loại tốt. Để cho thuận tiện quá trình vận chuyển quặng, nhà máy thép được xây dựng ngay tại vùng Thạch Khê-Hà Tĩnh.
Được khởi công từ tháng 5, đến tháng 10 nhà máy đã hầu như hoàn thành. Ngay khi triều đình phê chuẩn cho hoạt động, Ưng Lịch đã đi đến làm lễ khánh thành nhà máy. Sau hơn ba ngày vận hành, hướng dẫn công nhân, những mẻ thép đầu tiên đã ra lò. Hàng chục khối phôi thép lớn được đưa lên thuyền chở đến xưởng đúc pháo. Vị trí của xưởng đặt trong một thung lũng bí mật ở giữa Quảng Bình và Quảng Trị, không có người dẫn đường khó lòng mà tìm được. Trong các hang núi có hệ thống thoát nước, dẫn nước, thoát khí... bố trí như những nhà máy của thế kỷ 20.
Ban đầu, dựa theo kí ức kiếp trước của Minh(Ưng Lịch), hắn ra lệnh cho thợ sản xuất hai loại pháo trứ danh của quân đội nhân dân Việt Nam thường sử dụng: sơn pháo 75 mm và lựu pháo 105mm. Kiếp trước, khi còn bé, Minh hay được ông bác mình dẫn vào bảo tàng chiến tranh chơi. Bác hắn là cựu chiến binh thời đánh Mỹ, hết chiến tranh ông về làm giám đốc bảo tàng. Ông là người đầu tiên dạy hắn về cấu tạo vô số loại vũ khí từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, từ cây súng kíp nòng bé tí đến những chiếc xe tăng khổng lồ hàng chục tấn. Hắn thì rất thích nghe về những thứ này nên chẳng quên bao giờ. Nhờ có vậy hắn kiếp này có thể hướng dẫn chi tiết cho đám thợ. Từng chi tiết được vẽ ra và trao cho các tổ sản xuất riêng biệt, công đoạn lắp ráp và kiểm định cũng có một bộ phận khác phụ trách.
Trong hai tuần, lô pháo sản xuất thử nghiệm đầu tiên đã được ra lò, những khẩu pháo này sử dụng kiểu khóa nòng xoay De Bange mà người Pháp đã phát minh ra cùng với kiểu khóa nòng trượt giống hiện đại. Những khẩu sử dụng khóa nòng trượt sử dụng đạn vỏ đồng, liều phóng liền cùng đạn. Những khẩu dùng khóa nòng xoay thì dùng đạn liều rời, liều phóng trong bao lụa, khi nạp sẽ nạp đạn trước, liều phóng sau. 2 loại khóa nòng này có ưu nhược điểm riêng biệt:
- Loại khóa nòng xoay có ưu điểm là đạn rẻ(không dùng vỏ đạn), có thể bảo quản liều phóng riêng với đạn làm giảm nguy cơ va đập. Nhược điểm là thuốc phóng đốt trực tiếp trong nòng nên nhanh hỏng nòng pháo cùng với nạp đạn chậm do dùng liều rời.
- Loại khóa nòng trượt thì có ưu điểm là bắn nhanh, thuốc phóng đốt trongvỏ đạn mà không trực tiếp trong nòng nên khó hỏng nòng pháo hơn, vỏ đồng gặp nhiệt nở ra cũng che kín nòng pháo. Nhược điểm là phải dùng vỏ đạn bằng đồng nên đắt gấp rưỡi loại kia(tuy nhiên vỏ đạn có thể tái chế lại).
Ban đầu khi đúc nòng pháo bằng thép, do chưa có kinh nghiệm tôi nòng nên có 2 khẩu pháo bị nứt toác ra. Sau đó Ưng Lịch phải bảo đám thợ tôi nòng bằng dầu cùng nước kiềm mới thành công. Nòng pháo đúc ra hơi dầy và nặng so với thời hiện đại nhưng vẫn ở trong mức chấp nhận được. Sơn pháo có cỡ nòng 75 mm nặng khoảng bảy trăm kg nhưng có thể dễ dàng tháo rời các bộ phận để lắp ráp, vận chuyển. Lựu pháo 105 mm thì nặng đến hai tấn rưỡi, có bánh xe để kéo theo. Cả sơn pháo và lựu pháo đều không có bộ phận giảm giật, không phải do thợ không đủ trình độ mà vì Ưng Lịch không muốn lộ kỹ thuật này quá sớm. Nếu làm thêm bộ phận đó thì tốc độ bắn của pháo tăng lên gấp mấy lần nhưng hắn khó mà bảo mật được. Với năng lực các cường quốc công nghiệp phương Tây thì họ dư sức chế ra hàng đống pháo bắn nhanh ngay thôi, hậu quả của nó chắc chắn là vài năm sau quân đội Đại Nam sẽ phải đấu với một đám pháo bắn nhanh khủng khiếp. Không như những kẻ xuyên việt trong tiểu thuyết 3 xu của tác giả mạng Trung Quốc, hắn phải cân nhắc kỹ cái nguy cơ mình bị ăn cắp công nghệ và công nghệ đó tiết lộ ra có hại cho đất nước mình không. Hắn không thể để phát minh của mình thành thứ gây hại cho Đại Nam sau này được.
Mười khẩu pháo được chuyển về kinh thành để thực hành bắn thử, tất cả đều dùng loại khóa nòng xoay của người Pháp. Nhiều người đổ ra bên bờ sông Hương để xem những khẩu đại bác kiểu mới do nhà Kiên quốc công sản xuất. Vài kẻ thấy những khẩu pháo hình dạng khác hẳn so với đống súng thần công thường gặp thì châu đầu vào nghị luận:
- Pháo này sao mà xấu thế, chẳn có chạm khắc gì cả?
- Ừ, nòng vừa nhỏ vừa xấu, không biết bắn có bị nổ nòng không?
- Chưa chắc đâu, ngũ công tử nhà Kiên quốc công đích thân chỉ đạo đúc súng lớn mà!
- Một thằng bé chưa lên 5 thì biết gì về súng, pháo!.....
Ưng Lịch nghe cu Bảo và Cao Thắng đỏ mặt tía tai kể về những kẻ GATO dìm hàng pháo của hắn thì chỉ cười nói:
- Kệ họ, rồi mấy ngày nữa mọi người sẽ biết hết thôi.
Erika lúc này đã học được tiếng Việt cũng tức giận nói:
- Xin chúa công để thần chém đầu hết đám đấy!
- Các ngươi không cần tức giận vì những lời vu vơ đó. Những kẻ thất bại mới hay nói như vậy.
- Dạ rõ, thưa cậu(chúa công).
Ngày mùng một tháng chạp năm Ất Hợi (1875), buổi thử pháo bắt đầu với sự tham gia của mười khẩu pháo mới cùng mười súng thần công loại Đại tướng quân cỡ nòng 130 ly. Tự Đức cùng mấy vị quan đầu triều (tứ điện đại học sĩ cùng lục bộ thượng thư) đích thân đến chứng kiến quá trình này. Bài bắn đầu tiên là bắn xa, hai khẩu sơn pháo 75ly đấu hai khẩu Đại tướng quân. Thao tác bắn pháo 75 ly là lính pháo binh được Ưng Lịch đích thân đào tạo, bên súng thần công thì do ngự lâm quân tác xạ. Sau khi lệnh bắn được phát ra, bốn khẩu pháo đồng loạt khai hỏa. Các khẩu thần công có tiếng nổ to hơn hẳn và khói bốc ra khủng khiếp khiến mọi người ong hết cả tai. Lát sau có một tên lính đến báo kết quả bắn thử: hai khẩu đại tướng quân lần lượt bắn xa một ngàn hai trăm mét cùng một ngàn ba trăm mét, pháo 75 ly là hai ngàn bốn trăm tám mươi cùng hai ngàn năm trăm mét. Nhà vua cùng các quan ai nấy đều trầm trồ, phải biết rằng lượng thuốc đạn dùng cho pháo 75 ly chỉ bằng một nửa của súng thần công. Tự Đức triệu Ưng Lịch lên hỏi:
- Tại sao pháo khanh làm ra lại bắn được xa đến vậy?
- Bẩm bệ hạ, thần nghe được người Nhật Bản nói về cấu tạo pháo đạn của phương Tây. Pháo của họ hiện đều dùng đạn dài đầu nhọn, nòng pháo có rãnh nên bắn xa và chính xác hơn súng thần công của nước ta ạ.
- Khanh thử bắn tiếp xem pháo mới chính xác đến đâu!
- Thần xin tuân mệnh.
Tiếp theo là hai bài bắn đo độ chính xác và tốc độ bắn. Bài thứ nhất có mục tiêu là bia ở khoảng cách chín trăm mét. Bài thứ hai là bắn một trăm hình nộm rơm ở khoảng cách tám trăm mét, do một khẩu 75 ly thi cùng một khẩu 105 ly và bốn khẩu thần công. Sau một hồi đùng đùng đoàng đoàng bài bắn thứ nhất đã có kết quả:
- Khẩu đội 75 ly bắn trúng bia sau ba viên đạn, thời gian bắn là bốn mươi hai giây. Dùng 3 kg thuốc phóng
- Khẩu đội 105 ly hạ bia sau hai viên, thời gian bắn là bốn mươi giây. Dùng hết bốn kg thuốc phóng.
- Bốn khẩu súng thần công bắn được 3 viên đạn mỗi khẩu trong năm phút, trong đó chỉ có một viên sượt qua làm đổ bia. Lượng thuốc phóng dùng là hai mươi bốn kg.
Tự Đức sắc mặt lúc này hơi khó coi, lão quát:
- Cách chức hết mấy thằng pháo thủ cho trẫm. Bắn hơn chục viên mà chẳng trúng lấy một phát thì trẫm dùng đám này làm gì.
Tiếp theo là bài bắn hình nộm, một trăm hình nộm xếp thành mười hàng, mỗi hàng mười người, mỗi người cách nhau tám mươi cm. Khoảng cách vẫn để là tám trăm mét. Vẫn là một khẩu 75 ly đấu 1 khẩu 105 ly cùng 4 súng thần công. Sau mười phút bắn pháo kết quả được công bố như sau:
- Khẩu đội 75 ly bắn mười lăm viên đạn trong 4 phút để hạ hết mục tiêu.
- Khẩu đội 105 ly bắn bảy viên đạn trong hai phút rưỡi hạ sạch mục tiêu.
- Bốn khẩu thần công bắn hai mươi tư viên trong mười phút, hạ được 90 mục tiêu.
Các quan bắt đầu ghé tai bàn bạc với nhau về uy lực khủng khiếp của những khẩu pháo mới này. Những khẩu pháo mới này đã có uy lực sánh ngang với pháo cùng cỡ nòng của người phương Tây, nếu Đại Nam có một ngàn khẩu như vậy thì sợ gì người Pháp.
Màn thử pháo cuối cùng được thực hiện với một chiếc thuyền cũ trên sông Hương, 5 khẩu đội pháo 105 ly sẽ bắn con thuyền này ở khoảng cách một ngàn mét. Vách ngoài thuyền được bọc giáp sắt 80 ly. Các khẩu đội đều chuyển sang sử dụng đạn xuyên giáp và đợi lệnh khai hỏa từ tổng tư lệnh của họ. Ưng Lịch thét lớn:
- Bắn!
Tức thì năm khẩu pháo đồng loạt gầm vang, ngay loạt đầu tiên đã có hai viên trúng đích. Một ngọn lửa tức thì bùng lên trên tàu. Trên tàu có một số điểm đặt vài cân thuốc nổ giống như những nơi đặt thuốc súng trên chiến hạm. Sau năm phút đồng hồ chiếc thuyền mục tiêu bắt đầu chìm dần khi đã dính hơn ba mươi phát đạn 105 ly. Ưng Lịch mỉm cười nhìn cảnh này và chắp tay thưa với Tự Đức:
- Tâu thánh thượng, mục tiêu đã bị hạ! Buổi diễn tập lần này đã kết thúc. Ngày mai mời bệ hạ đến ngự lãm buổi thử bắn súng trường mới sản xuất ạ.
Tự Đức vẻ mặt phức tạp nhìn thằng bé rồi nói:
- Cho khanh lui. Người đâu, khởi giá hồi cung!
- Tạ bệ hạ!
Ưng Lịch chắp tay bái tạ rồi dẫn lính về trong sự trầm trồ thán phục của các quan cùng đám quân ngự lâm.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mấy hôm nay chỉ một mình mình viết nên lịch ra chương là 3 ngày 1 chương nhé ae. Ai muốn giúp đỡ mình thì liên hệ FB: https://www.facebook.com/buison1992/ nhé.